Bắt đầu hành trình “xây” hạnh phúc

Bích Hà |

Bước chân đến trường của Phượng Ly - học sinh Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu - hôm nay tươi vui, rộn ràng đến lạ. Nữ sinh nhảy chân sáo, miệng không ngừng hát ca. Tiết học đầu năm mới 2023 đang tạo cho em nhiều hứng khởi, với tiếng nô đùa khúc khích, hình ảnh những bàn tay nhỏ xíu đang vun cây, đắp đất trồng rau trong chính mái trường của mình.

Niềm vui của Phượng Ly, rộng ra là niềm vui của những đứa trẻ khi được đến trường, chính là đích đến và mục tiêu mà giáo dục Việt Nam đang hướng tới. Nhưng làm sao để mọi học sinh đều cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc khi ở trường,  để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ dừng ở câu khẩu hiệu? Đây là bài toán mà hàng triệu nhà giáo, những người làm giáo dục trên cả nước đang chung tay tìm lời giải, bắt đầu hành trình “xây” hạnh phúc trong giáo dục.

Vì những tiết học hạnh phúc của trò

7h sáng, mặt trời lấp ló trên đỉnh đồi. Ly và bạn bè được thầy cô đưa ra vườn rau ở trường để bắt đầu tiết học trải nghiệm. Bạn bắt sâu, bạn vun đất, bạn phụ thầy cô tưới từng luống rau xanh mướt. Tiếng cười trong trẻo của học trò khiến thầy cô thêm hứng khởi.

Và ngôi trường ở một huyện vùng cao của Lai Châu đã bắt đầu những ngày đầu năm mới bằng những hoạt động như thế. Tiết học vừa rèn luyện cho học sinh các kỹ năng sống, vừa tạo sự gắn kết giữa trò và thầy và quan trọng hơn mang lại những “bữa cơm có thịt” cho những đứa trẻ nghèo miền sơn cước.

“Chúng tôi muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi. Bước đầu là thành lập các câu lạc bộ trải nghiệm, hướng dẫn học sinh tham gia vào quá trình nuôi lợn gà,… và chăm sóc vườn rau. Từ đó học sinh có cơ hội được tham gia trải nghiệm cách chăn nuôi, trồng trọt nhằm phát triển kỹ năng sống. Nhưng hơn cả kỹ năng sống, chúng tôi muốn mang lại những giá trị hữu hình cho các em và quả thực mô hình nông trại đã giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày với chính những sản phẩm mà bàn tay các em đã làm ra.

Nhìn các em lớn lên với những bữa cơm đủ đầy, biết quý trọng thành quả lao động, đối với chúng tôi là niềm xúc động khó  tả. Đó là giá trị cốt lõi của việc gắn học kiến thức lý thuyết với thực hành, biến con chữ thành cơm no áo ấm. Để học sinh cảm nhận đến trường mỗi ngày là một ngày vui và bổ ích” - thầy Phạm Hữu Trung - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học Khoen On (Lai Châu) chia sẻ với tâm thế đầy hứng khởi.

Cách Trường tiểu học Khoen On chỉ nửa giờ chạy xe, không khí tại lớp học STEM với chủ đề thi lập trình robot tại Trường Tiểu học xã Mường Cang, huyện Than Uyên cũng vui nhộn không kém. Các thầy cô vùng cao đã tự mày mò, kết nối với các chuyên gia để mang đến cho học trò những  tiết học trải nghiệm được điều khiển robot. Tiết học cũng đầy ắp tiếng cười, cả sự kinh ngạc của những đứa trẻ vùng cao khi lần đầu được nhìn thấy các mô hình và được vận hành, điều khiển nó.

Sự hứng khởi của học sinh là món quà với những giáo viên như thầy Tằng Văn Hóng đã công tác hơn 20 năm tại trường. Nhà trường đã từng bước “xoá mù” lập trình sau khi thành lập câu lạc bộ Robotics, giúp thầy và trò nâng cao được năng lực áp dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống thực tế, đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số. Nhiều cuộc thi lập trình robot được tổ chức trong các tiết học là tổng hoà kiến thức môn Toán, Tin học và kỹ năng lập trình, giúp học sinh gắn kiến thức lý thuyết trong sách vở với thực tiễn cuộc sống.

Những câu chuyện về trường học vùng cao nỗ lực vượt khó, áp dụng những mô hình sáng tạo đưa vào giảng dạy mà chúng tôi ghi nhận không phải là tất cả. Một phong trào đổi mới, sáng tạo đang được lan tỏa và được khắp các trường phổ thông trên cả nước áp dụng. Mục tiêu lớn nhất của những nỗ lực này là vì một môi trường giáo dục hạnh phúc, vì sự phát triển toàn diện và tiếng cười của học sinh.

Cùng “kiến  tạo” trường học hạnh phúc

“Kiến tạo” trường học hạnh phúc là cách nói hình tượng cho việc đi tìm giải pháp để đem đến cảm xúc tích cực cho thầy và trò, xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục. Khi ấy, thầy có động lực cống hiến, trò được tôn trọng và phát triển năng lực cá nhân. Mô hình trường học hạnh phúc cũng được Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến cáo cần thiết phải thực hiện trên toàn thế giới, vì sự phát triển toàn diện của mỗi con người.

Xác định tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh nhiệm vụ “dạy người’ trong giáo dục cần được ưu tiên thực hiện trong năm học mới. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động xây dựng trường học hạnh phúc và đang nhận được sự hưởng ứng trong toàn ngành giáo dục.

Tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau nhưng một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng. An toàn là giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà. Và đặc biệt, trong giáo dục cần sự tôn trọng, bởi mỗi con người có sự khác biệt để tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.  Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình.

Năm 2023, một năm mới dự báo còn khó khăn bộn bề, cũng là thời điểm được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Đây cũng là năm khởi đầu cho một hành trình “kiến tạo” môi trường hạnh phúc mà toàn ngành giáo dục đang quyết tâm thực hiện. Nhìn ngược lại năm 2022, bên cạnh gam màu sáng, thì không ít vụ bạo hành tinh thần và thể chất học sinh đã xảy ra, làm suy giảm niềm tin về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Vì thế, sự khởi đầu của hành trình xây dựng trường học hạnh phúc của năm 2023 càng được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, mang đến cho học sinh, giáo viên một môi trường an toàn - an tâm đúng nghĩa.

Để làm được việc này rất cần sự bắt đầu từ những hành động nhỏ của mỗi học sinh, mỗi thầy cô trên cả nước. Chẳng hạn như việc sáng tạo ra các hoạt động để học sinh được học mà chơi như cách các thầy cô ở Lai Châu đang làm. Mỗi người một cách, một hành động nhỏ nhưng sẽ xây được nền móng cho sự chuyển mình của ngành giáo dục - một sự đổi thay từ gốc.

Và động lực để giúp thầy cô làm được điều này, ngoài việc gỡ “nút thắt” về mặt chính sách, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của người học, thì rất cần sự quan tâm để mỗi thầy cô thực sự yên tâm và tận tâm cống hiến. Một bộ phận không nhỏ nhà giáo hiện nay đang phải xoay xở, lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải. Giáo viên muốn quẳng hết gánh nặng cơm áo bên ngoài cửa lớp, nhưng theo sau đó là bao áp lực, nỗi lo.

Chia sẻ với khó khăn của mỗi nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang đề xuất tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nghề giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học. Đây là vấn đề thực hiện cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần “có thực thì đạo mới vực được”, để thầy cô yên tâm đổi mới, vì một môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh.

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng xây nhà nội trú cho cán bộ vùng cao

QUÁCH DU - TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Ngày 29.7, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng phối hợp với Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, LĐLĐ huyện Hương Khê và chính quyền xã Hương Liên đã tổ chức khánh thành công trình nhà ở nội trú cho công nhân, viên chức lao động vùng sâu vùng xa ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Khánh thành nhà nội trú do Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tài trợ

TRẦN TUẤN - QUÁCH DU |

HÀ TĨNH - Sáng 29.7, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng phối hợp với Báo Lao Động và Liên đoàn Lao Động Hà Tĩnh, Liên đoàn Lao Động huyện Hương Khê và chính quyền xã Hương Liên tổ chức khánh thành Công trình nhà nội trú cho công nhân viên chức lao động vùng sâu vùng xa ở xã Hương Liên (huyện Hương Khê).

Sắp khánh thành công trình nhà nội trú do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng tài trợ

TRẦN TUẤN |

HÀ TĨNH - Công trình nhà nội trú cho công nhân viên chức lao động vùng sâu vùng xa ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê có tổng vốn đầu tư hơn 2,76 tỉ đồng do Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng tài trợ cùng với nguồn vốn đối ứng của LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành, ít ngày nữa sẽ khánh thành. Đây là công trình “trong mơ” của nhiều đoàn viên công đoàn công tác xa nhà bấy lâu nay.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.