Những sinh mệnh được bác sĩ “kéo về” từ miệng thần chết
Bệnh nhân N.V.P (85 tuổi, Cẩm Minh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, đau đầu... Theo BSCKI Nguyễn Văn Lợi - Khoa Hồi sức cấp cứu-Nhi, BVĐK Cẩm Xuyên, thể trạng bệnh nhân già yếu, do BV chưa có siêu âm tim và các thăm dò khác để đánh giá tình trạng của tim nên bệnh nhân phải nằm theo dõi. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân hôn mê, ngừng tim. Rất may mắn cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện E đang khám chữa bệnh tại BVĐK Cẩm Xuyên. ThS.BS Đỗ Quốc Phong - Khoa Hồi sức tích cực đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp cứu ngừng tim kịp thời cho bệnh nhân như ép tim, hỗ trợ hô hấp, tiêm thuốc adrenalin vào tĩnh mạch (một loại thuốc dùng trong cấp cứu ngừng tim và hồi sức tích cực). Khoảng 5 phút sau, tim bệnh nhân đã đập trở lại. Theo BS Phong, đối với bệnh nhân như trên nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Đây là một trong rất nhiều bệnh nhân ở BVĐK thị xã Cẩm Xuyên và BVĐK Kỳ Anh được hưởng lợi từ việc các bác sĩ ở Bệnh viện E xuống bệnh viện vệ tinh để khám và điều trị trong 3 ngày, từ ngày 8.1 - 10.1.2018.
Tại bàn khám cơ xương khớp của ThS.BS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng khoa CXK) và ThS.BS Trần Nam Chung (khoa CXK), bệnh nhân nữ đến khám đông. Bàn khám, tư vấn tim mạch, có lẽ đông bệnh nhân nhất. Điều này cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh các bệnh lý về tim mạch của người dân ở đây rất lớn. Trong khi đó, tại 2 bệnh viện này, chưa có bác sĩ được đào tạo bài bản và có hệ thống, chuyên sâu về lĩnh vực tim mạch, chưa siêu âm tim và các thăm dò chức năng khác về tim mạch. Vì thế, bệnh nhân N.V.T (53 tuổi, nam, Kỳ Giang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) dù đã được phẫu thuật ở BVĐK T.Ư Huế từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cơ hội được khám lại, nay được ThS.BS Nguyễn Thế Huy - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E khám lại cho rất kỹ và giải đáp mọi thắc mắc. Ở các bàn khám khác như chuyên khoa TMH của ThS.BSNT Lê Đình Hưng - Trưởng khoa TMH - cũng tất bật không kém. Số người, đặc biệt là người già và trẻ em mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp trên hoặc viêm tai, viêm mũi, họng cũng đông...
Theo TS.BSCKII Lê Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện E, với mục đích khảm sát thực trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhu cầu đào tạo, hỗ trợ khám, tư vấn bệnh tại 2 bệnh viện là BVĐK Cẩm Xuyên và BVĐK Kỳ Anh theo đề án Bệnh viện vệ tinh, các bác sĩ Bệnh viện E đã khám và tư vấn cho trên 1.200 lượt bệnh nhân. Trong quá trình khám chữa bệnh, đã có nhiều trường hợp bà con được các y bác sĩ Bệnh viện phát hiện ra bệnh và tư vấn kịp thời.
Những thiết thực từ đề án bệnh viện vệ tinh
GS.TS.TTND Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E tổng kết Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E là Bệnh viện Hạt nhân của 3 chuyên ngành: Tim mạch, chấn thương, hồi sức tích cực - chống độc cho 10 bệnh viện thuộc 6 tỉnh thành như Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương; các BVĐKKV như Tĩnh Gia, Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và hai bệnh viện tuyến huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)... Năm 2017, Bệnh viện E đã chuyển giao tổng số 24 gói kỹ thuật tới hàng trăm lượt bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tại các bệnh viện vệ tinh: Cấp cứu tim mạch ban đầu, phẫu thuật (PT) thay đoạn động mạch chủ bụng, PT tim hở, PT và chăm sóc bệnh nhân u phổi, PT thay khớp háng, PT lấy máu tụ ngoài màng cứng, PT trượt đốt sống thắt lưng, điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, lọc máu liên tục... Tổng số 108 cán bộ thuộc các bệnh viện tuyến dưới được tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao......
Trong đó, BVĐK Thái Bình đã tiếp nhận và triển khai được 77 ca phẫu thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật cắt u phổi, nội soi kén khí màng phổi và chấn thương vết thương mạch máu... Sang năm 2018, BVĐK Thái Bình đặt kế hoạch đầu tư 6 tỉ đồng cải tạo, sửa chữa phòng mổ; thành lập Khoa Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực vào quý II năm 2018 để từng bước triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại như phẫu thuật tim hở, phẫu thuật phổi, phẫu thuật trung thất và lồng ngực...
BVĐK Thanh Hóa được đánh giá là bệnh viện vệ tinh triển khai được nhiều kỹ thuật hiệu quả nhất, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại tim mạch và lồng ngực, với mức đầu tư hơn 34 tỉ đồng để xây dựng phòng mổ, hồi sức sau mổ tim hở và các trang thiết bị y tế khác. Kết quả, năm 2014, BVĐK Thanh Hóa đã triển khia được kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực, u trung thất, cấp cứu vết thương tim, mạch máu. Năm 2015, làm chủ kỹ thuật vá thông liên thất, thông liên nhĩ, PT u phổi, tiếp nhận kỹ thuật thay van 2 lá. Năm 2016, làm chủ kỹ thuật thay van 2 lá; tiếp nhận kỹ thuật thay van động mạch chủ. Năm 2017, duy trì bền vững các kỹ thuật đã chuyển giao như trên; tiếp tục tiếp nhận kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn phòng mổ...
Trong năm 2017, BV E và Trung tâm tim mạch (BV E) đã chuyển giao cho BVĐK Bắc Giang các kỹ thuật, cụ thể như sau: Can thiệp tim mạch với gần 40 ca, trong đó có 1 ca nhồi máu cơ tim chết lâm sàng sau sốc điện tim đập trở lại và đặt stent thành công; 7 ca phẫu thuật u trung thất; 165 ca phẫu thuật trượt cột sống thắt lưng. Dự kiến đến quý I.2018, BV triển khai được kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não và lọc máu liên tục...
Hiệu quả lớn của đề án Bệnh viện vệ tinh là việc triển khai đề án đã giúp các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có động lực phát triển cơ sở vật chất, đầu tư nhân lực, nâng cao chất lượng bệnh viện; giúp các bác sĩ có cơ hội được học tập, tiếp thu các kỹ thuật cao; giúp bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tỉnh mà không phải chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; giảm phiền hà và tiết kiệm chi phí cho người bệnh...
Ông Vũ Mạnh Cường - Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng (Bộ Y tế) nhận định: “Các BVVT luôn có sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của BV E về đào tạo và chuyển giao kỹ thuật bằng những nội dung cụ thể. BV E tăng cường chuyển giao các gói kỹ thuật theo Đề án cho các bệnh viện; hướng dẫn sử dụng thiết bị y tế trong chương trình Dự án và các máy móc thiết bị khác. Phát triển thêm nhiều nội dung mới trong truyền hình trực tuyến giúp nâng cao trình độ chuyên môn cho y bác sĩ tuyến dưới. BV E đưa cán bộ về trực tiếp tuyến dưới tham gia giảng dạy và tăng cường cho các bệnh viện. Thời gian tới, phải triển khai và thực hiện bằng được mạng lưới thông tin gồm: Truyền hình thông qua mổ trực tuyến theo các chuyên khoa, giao ban trực tuyến, gửi báo cáo và thực hiện cố vấn giảng dạy và thực hành trực tuyến về chuyên môn cấp cứu phẫu thuật đối với các bệnh viện vệ tinh. Thống kê và gửi thông báo rút kinh nghiệm các trường hợp sai sót chuyên môn cho các bệnh viện thuộc tuyến giúp nâng cao trình độ thầy thuốc, hạn chế sai sót về chuyên môn từ đó nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Đặc biệt, chú ý đến công tác truyền thông nhằm tuyên truyền các kỹ thuật, các ca bệnh mà các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới thực hiện được đến với đông đảo người dân... nhằm giúp người dân tin tưởng vào bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, trong đó có BV E”.
Nếu như trước đây mỗi khi bị bệnh nặng cần phải phẫu thuật điều trị thì những người dân ở khu vực miền núi sẽ phải lặn lội xuống Hà Nội. Tuy nhiên, khi chủ trương của Chính phủ và ngành y tế bằng một loạt các biện pháp như thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 là hướng về cơ sở, giảm quá tải bệnh viện thì những người dân ở địa phương này đã được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình. Theo phương hướng hoạt động dự án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2018 - 2020, các bệnh viện tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh tiếp tục bổ sung trang thiết bị, cử nhân lực đi đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao, bảo đảm thời gian thực hiện đúng tiến độ dự án đã đề ra.