Bốn phương hội tụ niềm tâm thức

phạm anh xuân |

Đầu tháng ba âm lịch, bạn tôi ở Phú Thọ gửi thước phim và nhắn tin: Mưa rửa Đền trước lễ rồi đấy. Giỗ Tổ bạn có về không? Rồi bạn không quên nhắn thêm:

Dù ai đi ngược về xuôi 

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Câu ca ấy nhắc nhớ tâm thức tôi hồi tưởng về Đền Hùng.

Trên phiến đá xanh - dưới cây chò chỉ

Cha tôi từng là Phó Ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng (Phong Châu - Phú Thọ) giai đoạn những năm 1980. Chúng tôi - những đứa con trai của ông thường dăm thì mười họa được đến thăm bố và dạo chơi ở chốn trang nghiêm này.

Thời kỳ ấy, dù làm Phó Ban Quản lý, song bố tôi vẫn thường tham gia các công việc chân tay trong khi xây dựng, tu bổ, bảo tồn Khu Di tích cùng anh em công nhân, thợ thuyền. Cũng vào thời kỳ máy móc chưa nhiều, những phiến đá xanh được cõng bộ từ chân Khu Di tích lên các đền để kê xây lát dựng. Thời gian qua đi, những phiến đá to và nặng cứ được cõng bộ như thế để đắp bồi, gìn giữ cho Khu Di tích.

Đền Hùng cũng đặc biệt hấp dẫn lũ trẻ bởi nơi đây có khá nhiều cây chò chỉ. Dạo chơi từng bậc thang đi, chúng tôi háo hức chờ đón những quả chò chỉ có 2 cánh xòe rơi xuống. Có được những quả ấy, khi trở về với lớp học hoặc những buổi chăn trâu, thả bò; đám trẻ chúng tôi sẽ rất vui sướng với trò tung quả lên cao rồi nhìn nó vừa rơi vừa xoay tít - giống hệt trò chơi chong chóng xoay bằng nhựa xanh, nhựa đỏ của đám trẻ bây giờ.

Thú vị nhất có lẽ là trò chơi thử thách leo các Đền và đếm số bậc thang. Đám trẻ chúng tôi bắt đầu đi và đếm từ bậc thang đầu tiên tít dưới bãi cỏ, vượt qua những bậc thang, lên khoảng sân rộng, rồi tiếp tục “chào và xin phép Ông Thiện - Ông Ác” ở hai bên Cổng Đền, sau đó mới “dám” leo Đền. Hành trình từ Cổng Đền, qua Đền Hạ, đến Đền Trung, lên Đền Thượng và xuống Đền Giếng. Vừa leo vừa đếm mấy trăm bậc đá xanh từ cổng Đền lên đến Đền Thượng; rồi lại thêm mấy trăm bậc thoải từ Đền Thượng xuống Đền Giếng, chúng tôi trầm trồ về số lượng bậc thang, về độ cao ngọn núi và cả về công phu của anh em công nhân thợ thuyền dày công vác đá, kè đá, đục đẽo và xây dựng.

Ngồi nghỉ trên những phiến đá xanh và lang thang đi tìm nhặt những cây chò chỉ, đám trẻ chúng tôi cũng mải miết tìm đọc những bản biển “sơn son thếp vàng”. Đứa biết chữ đọc cho những đứa chưa biết chữ nghe, rồi những câu chữ ấy được truyền miệng cho nhau. Rồi chúng tôi cũng được nghe bố tôi, các bác, các cô, các chú trong Ban Quản lý kể biết bao nhiêu truyền thuyết, huyền thoại và những câu chuyện lịch sử liên quan đến Đền Hùng.

Ấn tượng khó phai mờ nhất trong chúng tôi là mỗi khi bắt gặp những bài học trong sách giáo khoa có nội dung truyền thuyết, huyền thoại và những câu chuyện lịch sử liên quan đến Đền Hùng. Ví dụ như khi học đến “Sự tích quả dưa hấu”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Sự tích bánh chưng, bánh giày”... Những đứa trẻ chúng tôi lập tức sẽ liên tưởng đến Đền Hùng. Đặc biệt vui hơn thế, khi bắt gặp bài học lịch sử có câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" - những đứa trẻ đã được đến Đền Hùng sẽ vui mừng và tự hào khoe với bạn bè là đã được đến đây, đọc và chạm vào tấm bia có ghi dòng chữ này.

Bản thân tôi cũng nhớ như in cảm xúc khi bắt gặp bài thơ “Qua Thậm Thình” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong trang sách.

“Trăm cô gái tựa tiên sa

Múa chày đôi với chày ba rập rình

Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình

Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non”

Tôi nhận thấy rằng, mình như vẹn nguyên sự đồng cảm với nhà thơ khi liên tưởng đến tiếng chày giã bánh của người dân làng Thậm Thình (một ngôi làng thuộc Việt Trì - Phú Thọ) khi làm bánh dâng lên Vua Hùng.

Những truyền thuyết, huyền thoại, những câu chuyện lịch sử và văn học đã trở nên gần gũi, dễ nhớ và ăn sâu vào trong tiềm thức đám trẻ chúng tôi như thế.

Ngày hội và đi hội

Quê tôi có tên là Hưng Hóa (thuộc huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ). Đây là địa danh từng được nhắc đến trong bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu với câu: Ai qua Phú Thọ/Ai xuôi Trung Hà/Ai về Hưng Hóa/Ai xuống Khu Ba... Làng Hưng Hóa cách Đền Hùng chừng 20km và là khoảng cách khá lý tưởng để đám trẻ náo nức mỗi khi Lễ hội chuẩn bị diễn ra. Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng thường được bắt đầu ngay từ những ngày tháng ba âm lịch cho đến hết “chính hội” là ngày mùng mười tháng ba âm lịch.

Trước đây, khi Giỗ Tổ Hùng Vương chưa là ngày nghỉ lễ chính thức trong Luật Lao động thì việc căn ke để “chọn ngày đi hội” sẽ rất quan trọng (từ năm 2007, Chủ tịch nước quyết định Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày nghỉ lễ chính thức). Ngày đó, đám trẻ chúng tôi sẽ háo hức khoe với nhau rằng sẽ đi “chính hội” hay đi ngày thường. Những khi đó, đứa trẻ nào được đi “chính hội” sẽ thấy tự hào và vui mừng lắm. Rồi cũng có những đứa trẻ đã dám “cả gan” nghỉ học hoặc trốn học để đi hội khi “chính hội” lại rơi vào ngày thường chứ không phải là ngày nghỉ cuối tuần. Rồi cũng có không ít những đứa trẻ theo anh, theo chị đi bộ từ ngày hôm trước, sang đến gần Đền Hùng thì “ngủ đêm ngoài trời” để hôm sau kịp dự “chính hội”. Cũng không ít những đứa trẻ bị bố mẹ, thày cô giáo trách phạt nhẹ nhàng vì đã dám vượt qua những quy định để đi hội. Những trải nghiệm ấy thật sự rất khác biệt và đáng nhớ.

Hành trình đi chơi vào những ngày lễ hội cũng không khác gì hành trình mà những đứa trẻ chúng tôi đã từng thực hiện. Nhưng đám trẻ chúng tôi luôn cảm thấy khoái trí khi len lỏi trong dòng người đông đúc và lóa mắt với những cửa hàng bán đồ chơi lấp lánh - trong đó có cả những quả chò chỉ đã được tô màu. Vào dịp ấy, chúng tôi lại “sáng tạo” ra những trò mới. Đó là chúng tôi thi nhau leo một vòng từ chân Đền, cổng Đền, qua các Đền rồi tiếp tục lặp lại. Đã có những đứa trẻ leo 3 vòng như thế trong một ngày lễ hội với một niềm hứng thú bất tận.

Nhưng không phải đứa trẻ nào và cũng không phải ai đi hội cũng được vui như thế. Ngày ấy vì chưa có điện thoại di động hay phương tiện liên lạc. Thế nên chỉ cần lơ đãng buông tay, những đứa trẻ lạ lẫm sẽ bị lạc trong biển người. Chúng được người nào đó tốt bụng dắt đưa đến chú bảo vệ và đứng đó chờ người nhà. Không ít những đứa trẻ đi hội nhưng lại chẳng được chơi hội, mà cứ chờ đợi đến tận tan lễ hội thì người nhà mới ngơ ngác tìm đến. Mãi cho đến sau này khi có loa truyền thanh, các chú bảo vệ sẽ hỏi thông tin và phát trên loa để người nhà nhanh chóng đến nhận đứa trẻ bị lạc. Chính vì thế mà ngày ấy - trong ngày lễ hội, người lớn thường dặn trẻ con là luôn phải nắm tay và chỉ buông ra khi đã rời khỏi Đền Hùng.

Sau ngày Giỗ Tổ, người dân Phú Thọ luôn chờ đón một cơn mưa nữa - cũng là mưa rửa Đền. Cơn mưa này thường xuất hiện sau “chính hội” ít ngày và cũng thường là cơn mưa to. Cơn mưa ào ạt ấy được quan niệm là “Nước Trời” để rửa sạch Đền Hùng sau những ngày lễ hội đông đúc. Đám trẻ chúng tôi cũng mong chờ cơn mưa ấy để được tắm dưới “Nước Trời”.

Nhưng có lẽ, điều quan trọng và ý nghĩa nhất là vào ngày “chính hội”, các gia đình sẽ soạn lễ và thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên như một nghi thức vái vọng Giỗ Tổ Hùng Vương. Nghi thức ấy dần đã trở thành nếp sinh hoạt đối với không ít sinh viên, bộ đội, công nhân, cán bộ... có quê gốc Phú Thọ mỗi khi họ không thể về tham dự lễ hội hoặc sum vầy bên mâm cơm gia đình dịp Giỗ Tổ.

Tôi được biết rằng, đến nay, nhiều người dân trên toàn cõi Việt Nam cũng đã xây dựng và thực hiện nếp sinh hoạt vái vọng vào ngày Giỗ Tổ. Đó là ngày mà tôi tin rằng mãi mãi về sau, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là thời khắc người Việt bốn phương hội tụ niềm tâm thức.

phạm anh xuân
TIN LIÊN QUAN

Những khâu chuẩn bị cuối cùng cho chuỗi sự kiện Giỗ tổ Hùng Vương Cần Thơ

TẠ QUANG - PHONG LINH |

Cần Thơ - Mừng ngày Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10.3 (âm lịch), năm nay Cần Thơ tổ chức chuỗi hoạt động vô cùng náo nhiệt. Không khí chuẩn bị tại các sự kiện đang diễn ra rất khẩn trương…

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 2022

Minh Nguyễn - Khánh Linh |

Phú Thọ - Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tổ chức quy mô cấp tỉnh đảm bảo trang nghiêm, thành kính, lành mạnh và an toàn.

Đền Hùng sẵn sàng đón hàng triệu người dân về dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Minh ANH |

Khu di tích lịch sử đền Hùng - Phú Thọ sẵn sàng chào đón người dân về dâng hương dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022

Không quên công tác phòng dịch trong ngày Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Bạch Cúc - Thanh Sơn |

Sáng ngày 21.4 (tức 10.3 ÂL), tại Đền thờ các Vua Hùng, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương. Không khí diễn ra trang nghiêm và thành kính. Tại đây công tác phòng dịch cũng được thực hiện nghiêm túc.

Giả mạo CSGT hỗ trợ định danh biển số để lừa đảo

NHÓM PV |

Sơn La - Gần đây nhiều người dân địa phương đã bị các đối tượng gọi điện tự xưng là Cảnh sát giao thông (CSGT) với mục đích hỗ trợ cài đặt định danh biển số xe để lừa đảo.

Lao động Đồng Tháp hạnh phúc hồi hương, có việc ổn định

Lục Tùng - Phong Linh |

Đồng Tháp - Với nhiều chủ trương thiết thực, hiệu quả, Đồng Tháp không chỉ kết nối mà còn giúp người lao động hồi hương tìm thấy hạnh phúc ngay quê nhà.

Mỹ tuyên bố trừng phạt các quỹ ủng hộ Hamas

Bùi Đức |

Sau 1 năm cuộc chiến tại Dải Gaza bùng phát, nhiều quỹ hỗ trợ tài chính cho Hamas đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Sinh viên tố phải ăn cơm thừa, Đại học Bách khoa HN nhận lỗi

Vân Trang |

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phản ánh, các em phải ăn cơm thừa, thậm chí là cơm có sâu, phân chuột khi học Giáo dục Quốc phòng và An ninh tại trường.