Bóng di sản

Lê Thiết Cương |

Bóng di sản là một dự án nghệ thuật nằm trong chuỗi chương trình Đánh thức di sản của nhóm nghệ sĩ 33A (nhóm nghệ sĩ Hà Tây). Thông qua các chuyến đi thực tế ghi chép tư liệu, các họa sĩ sẽ vẽ về di sản, danh lam thắng cảnh, đình chùa, đền miếu, vẽ về các làng, các làng nghề cổ truyền ở mọi miền đất nước. Cũng có thể là vẽ về các di sản phi vật thể...

Ý nghĩa của dự án là thông qua hội họa để tôn vinh di sản, để nhắc nhớ ý thức bảo tồn, gìn giữ di sản trong cộng đồng. Dùng cái đẹp / hội họa để bảo vệ cái đẹp / di sản. Có nhiều cách để bảo tồn di sản trong đó bảo tồn di sản bằng chính cái đẹp, là một cách bảo tồn đẹp, một cách bảo tồn độc đáo. Thế giới ngày càng mở, công chúng yêu nghệ thuật hôm nay đã khác trước, những người trẻ hôm nay có cách cảm nhận nghệ thuật hiện đại hơn, trẻ hơn. Hướng đến lớp công chúng này, các nghệ sĩ Nhóm 33A cũng rất cởi mở trong quan niệm hội họa nhưng tựu chung đều là một cách nhìn hiện đại, không gò theo bất kể một con đường nào. Tôn vinh, bảo tồn, bảo vệ di sản chỉ thực sự bền vững khi cách thức bảo tồn ấy phải phù hợp với đời sống hôm nay, con người hôm nay. Nói cách khác, Nhóm 33A muốn bảo tồn di sản truyền thống bằng hiện đại.

Sau những thành công bước đầu với hai triển lãm Ngó lúa vàng và Hơi thở biển, lần này Nhóm 33A đến với một ngôi làng cổ đặc biệt: Làng Cựu, xã Vân Hòa, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ngoài chùa Cả chung của 4 thôn: Chung, Chính, Chảy, Cựu thì làng Cựu có một chùa riêng, chùa Phúc Duệ (tên nôm là chùa Dồi). Chùa không ở trong làng, không ở ngoài làng, chùa nằm ở mép làng, không xa không gần, một con đường đất nhỏ dẫn vào tam quan, xung quanh là đồng lúa, thế là đủ yên tĩnh và thanh tịnh. Ai thì cũng có phận của người ấy, Trời Đất Thần Phật sẽ ở chung và là của chung mọi người. Làng nào cũng có chùa. Mỗi làng mỗi chùa. Chùa thì vậy nhưng đình là bàn thờ của làng, là nơi tụ họp nên đình nằm ở ngay đầu làng. Đình làng Cựu nhỏ, nằm ngay cạnh cổng làng, trước mặt là đầm sen. Hai cây đa già lặng lẽ thả lá xuống mặt sân lát gạch Bát Tràng.

Vẻ đẹp của người Việt, nước Việt, làng Việt tồn tại được bao đời mà nay rạn nứt hết cả. Tiếc! Làng Cựu gần Hà Nội, gần quốc lộ nhưng may sao, lối sống mới không phá hỏng nó nhiều như các ngôi làng khác. Đình làng, chùa làng, tín ngưỡng và tôn giáo, Thần và Phật vừa là cội rễ tinh thần vừa là vỏ bọc để bảo vệ làng. Có ai sống mà lại không cần đến đức tin? Cho nên đình chùa mất thì làng mất. Làng Cựu còn và còn đẹp được trong đời sống hiện đại xô bồ này vì người làng Cựu vẫn giữ được đình, được chùa.

Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ
Tranh của các nghệ sĩ

Làng đã có tuổi gần 800 năm, dòng họ Trần như họ tổ lập ra làng, hiện còn gia phả. Đầu thế kỷ 20, người làng Cựu ra Hà Nội làm nghề may, buôn bán vải vóc, tơ lụa, nhiều người trở nên giàu có... Năm 1921, không may, làng bị cháy. Những ngôi nhà chúng ta thấy hôm nay đều được xây sau năm đó do người làng Cựu làm lại. Đường làng ngõ xóm lát đá phiến hoặc xếp gạch nghiêng. Xen giữa những bụi tre, những hàng rào ô dô là chuối, cam, bưởi, đào tiên, dù là những ngôi nhà ba gian hai chái, sân gạch, cầu ao, hiên, dại theo theo lối cổ truyền Bắc bộ hay là những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc thuộc địa Á, Âu kết hợp thì vẫn đẹp. Càng đẹp hơn, độc đáo hơn khi chúng nằm cạnh nhau trong tổng thể làng.

Chúng tôi đến thăm làng Cựu nhiều lần, vào nhiều ngôi nhà, nhà nào cũng hoành phi, câu đối, gian chính, gian bên treo kín cả cột cái, cột quân. Chữ nghĩa ông cha cao siêu không hiểu hết nhưng tôi tin những con người ở làng Cựu rất trọng chữ nghĩa, vì chữ là văn hóa. Có được làng, giữ được làng không chỉ  do có tiền mà phải có cả văn hóa, coi trọng văn hóa.

Đình làng, chùa làng, cổng làng, người làng, việc làng. Làng là nước, nước là làng, nước Việt chính là làng, là nước – làng. Người tay hay nói làng nước là vậy. Còn giữ được làng, giữ được nếp làng thì còn nước, còn nếp nước. Xin trân trọng mời các bạn đến thăm làng Cựu qua các tác phẩm hội họa của Nhóm 33A.

Một số cảm nghĩ của các nghệ sĩ tham gia triển lãm

Họa sĩ Tuấn Đạt: Cổng làng tự truyện. Từ sau cánh cổng làng đã phai màu thời gian, ta như bước vào một thế giới khác, xưa cũ và cổ kính. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về làng Cựu với nét kiến trúc Việt cổ và Pháp độc nhất vô nhị, làng còn nổi tiếng với nghề thợ may Tây âu đệ nhất Hà thành.

Họa sĩ Dương Tuấn: Đứng trước vẻ đẹp của dấu tích xưa cũ ấy, tôi lại nghĩ đến câu nói: "Những cái còn lại sau thời gian đó chính là văn hóa". Đúng vậy, văn hóa là một dòng chảy mà ở đấy nó mang trong mình cả những giai đoạn lịch sử. Nó phản ánh đời sống, tinh thần, quan niệm xã hội của con người, trong từng hoàn cảnh cấu thành lên nó. Các nghệ sĩ 33A đi quanh làng, thăm thú, nhìn ngắm và được hít thở cả màu thời gian của những vật thể ấy. Tôi mạnh dạn gọi đó là 'Di sản văn hóa', mà ở đó anh em chúng tôi đều có chung suy nghĩ rằng: Nếu một ngày nào đấy những ngôi nhà này, những mái cổng này, những bờ tường rêu phong cổ kính này hoàn toàn mất đi thì sẽ ra sao? Câu trả lời tôi nghĩ rằng, các bạn cũng không muốn nghĩ đến.

Họa sĩ Thế Long: Theo lối vẽ truyền thống trong bộ ba Phúc Lộc Thọ của tôi cũng là một trải nghiệm thú vị, tôi đã thay chữ Lộc bằng chữ Vạn để tạo nên nghĩa khác nhau. Chữ Vạn có nghĩa mãi mãi là một chặng đường của nên văn hoá Việt. Bộ ba Phúc Vạn Thọ của tôi cũng muốn giữ lại nét di sản của ông cha ta, để lại cho mỗi chúng ta từ thủa còn ấu thơ được sinh ra và lớn lên trong các ngô làng của Việt Nam.

Họa sĩ Mạnh Tưởng: Trong triển lãm lần này, chúng tôi về ngôi làng Cựu cổ kính và nhiều giá trị văn hoá. Tôi nhận thấy, làng Cựu có sự khác biệt hơn các ngôi làng cổ khác - sự yên tĩnh và vắng vẻ là cảm nhận đầu tiên khi mọi du khách đặt chân đến làng. Đường làng ngõ xóm rất ít người đi lại, không huyên náo và sôi động như một số làng cổ tôi từng đến. Những bức tường những mái nhà rêu phong trầm lắng nằm yên sau những cánh cổng im lặng đến nao lòng của nhiều ngôi nhà, rất cần những bước chân, những bàn tay chạm. Và cần hơn là ý thức của mỗi chúng ta khi đứng trước những di sản mà cha ông đã gây dựng, để có thêm tiếng nói động lực bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Những cánh cửa đó tôi mang vào triển lãm lần này với tất cả những cảm xúc của mình.

Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố): Các di sản của tạo hóa, của cha ông để lại từ nhiều đời luôn đáng trân trọng và cần bảo tồn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ hội họa, những di sản ấy sẽ là nguyên liệu để cho nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm mới. Cái khó và cũng là thử thách cho các nghệ sĩ là cũng với những nguyên liệu ấy, bạn phải mang được vào đó hơi thở đương đại của một tư duy mới, mà không làm biến dạng hoặc mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó. Nếu không, bạn sẽ luôn rập khuôn đi theo lối mòn với cách vẽ, cách tạo hình đã có từ trước. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ vẫn phải “trình làng” những phong cách, những đặc trưng mà đã tạo nên tên tuổi của mình, để mình vẫn là mình.

Triển lãm Bóng di sản của Nhóm 33A trưng bày hơn 50 tác phẩm của 9 họa sĩ: Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Đông, Cấn Mạnh Tưởng, Đạt Phú, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long và Nguyễn Minh (phố) và khách mời đặc biệt: Họa sĩ Trần Huy Oánh. Triển lãm khai mạc lúc 17h00, ngày 22.5 đến hết ngày 26.5.2020, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.  

Lê Thiết Cương
TIN LIÊN QUAN

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.