Cho một năm mới đủ đầy

Quế Chi - Hương Minh |

Cuối năm, nhiều công ty ít đơn hàng khiến cuộc sống của nhiều nữ công nhân khu công nghiệp vốn đã khó khăn lại càng chật vật, thiếu thốn hơn. Không chỉ lương, họ còn thấp thỏm khoản thưởng Tết. Gặp khó, nhưng nhiều công nhân đều hy vọng vẫn có một cái Tết đủ đầy và sang năm tình hình việc làm sẽ khá hơn, cuộc sống sẽ ổn định hơn.

Mong “được” ở công ty nhiều hơn 

Vào thời điểm này các năm trước, các công ty nằm trong Khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh thường tổ chức tăng ca, làm thêm để đáp ứng yêu cầu của đơn hàng. Cuối năm 2022, theo nắm bắt của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cơ bản vẫn ổn định, tuy nhiên, các công ty không có nhiều việc làm để tăng ca.

Không tăng ca đồng nghĩa với thu nhập của nhiều công nhân sẽ giảm, trong khi cuối năm là thời điểm họ đang rất cần có thu nhập để lo một cái Tết ấm áp, đủ đầy cuối năm. Vài tháng nay, công ty có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh nơi chị Vũ Thị Toan làm việc chỉ tổ chức làm giờ hành chính, không tăng ca. 17 giờ chiều, như nhiều công nhân khác, chị đã trở về nhà trọ. Dù có thêm thời gian nghỉ ngơi nhưng thu nhập giảm rất nhiều.

Trước đây, thu nhập của chị được 8 triệu đồng/ tháng (khi có làm thêm), nay chỉ còn 5 - 6 triệu đồng/ tháng. Chồng con đều ở quê, chị Toan thuê trọ một mình tại thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. "Chấp nhận xa chồng, xa con để tha hương mưu sinh, công nhân như tôi chỉ mong muốn được làm thêm để có chút thu nhập gửi về nuôi con, chăm sóc chồng sức khoẻ yếu, đang ở quê. Được nghỉ ngơi nhiều, dù tốt cho sức khoẻ của mình hơn, nhưng như vậy lại không có tiền làm thêm. Vì vậy, tôi mong thời gian mình ở công ty nhiều hơn là ở nhà trọ" - chị Toan cho hay.

Nghỉ làm, nữ công nhân này chỉ biết quanh quẩn trong phòng trọ, bởi muốn đi đâu cũng sẽ phải mất tiền, mà chị phải tiết kiệm hết sức có thể để lo cho chồng con ở quê. Dịp cuối năm, nghe bạn bè bàn tán tiền thưởng Tết, trong lòng chị Toan có chút lo lắng, sốt ruột.

Mọi năm, công việc bình thường, có làm thêm cuối năm, khoản tiền thưởng này được khoảng 1 tháng lương cơ bản. Năm nay, đơn hàng công ty ít đi, công nhân ít việc, không biết khoản thưởng này có ít đi không? Nữ công nhân này không mong được nhiều tiền thưởng Tết vì biết điều đó rất khó mà chỉ mong bằng, hoặc cao hơn một chút so với năm ngoái, để ngoài đồng lương, chị có thêm một khoản tiền nữa mang về, lo cái Tết đủ đầy cho gia đình nhỏ của mình.

Đi làm cả năm, chị rất mong được sớm về quê, được cùng chồng con đi mua sắm để lo cho gia đình mình một cái Tết tươm tất. Nữ công nhân xa quê này không dám nói nhiều về tương lai lâu dài, vì thực sự, trong đầu chị vẫn chưa hình dung sẽ như thế nào. Đón cả gia đình lên đây là một lựa chọn rất khó khăn, bởi với thu nhập như chị, mua nhà là một điều xa xỉ.

Nếu về quê, chị không biết sẽ kiếm việc ở đâu; nếu kiếm được việc thì thu nhập có đảm bảo cuộc sống của gia đình không? Mỗi khi sa vào dòng suy nghĩ đó, chị không thể dứt ra. Trước mắt, sang năm mới, chị chỉ mong sức khoẻ của chồng tốt hơn, còn mình sẽ "được" đi làm nhiều hơn để có thêm tiền chăm sóc, cho các con ăn học thật tốt.

Lo về khoản thưởng Tết 

Đây là tháng thứ 3, chị Phạm Thị Hiền - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) phải tạm ngưng việc. "Công ty ít đơn hàng, công nhân phải nghỉ ở nhà nhiều tháng nay. Đồng nghiệp của tôi, nhiều người đã về quê, có người tìm kiếm công việc thời vụ" - chị Hiền thông tin.

Ở nhà chờ việc, thời gian này, nữ công nhân sống bằng lương ngừng việc (bằng 70% lương cơ bản). Chồng chị cũng là công nhân ở khu công nghiệp này, anh may mắn hơn khi được đến nhà xưởng làm việc, không chỉ vậy còn được tăng ca. Những ngày vợ không đi làm, chồng chị Hiền cật lực tăng ca để "bù" lại một phần khoản thu nhập thâm hụt của vợ.

Như bao công nhân xa quê lên thành phố mưu sinh, mong mỏi lớn nhất của chị Hiền là công việc không bị gián đoạn, có thu nhập nuôi con khôn lớn như bao đứa trẻ bình thường khác.

Quê ở Hà Tĩnh, gia đình 4 người chị Hiền thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Những năm trước, tiền thưởng Tết hơn 10 triệu đồng giúp chị Hiền có thể tự tin sắm những bộ quần áo mới cho con. Năm nay, rất có thể những công nhân như chị sẽ chẳng có thưởng Tết.

Phải ngừng việc vào cuối năm, chị Hiền trăn trở về những bộn bề phía trước. Nỗi lo không chỉ là cơm áo, chi tiêu dịp Tết mà còn là công việc sau này. "Tôi không biết bao giờ mới được đi làm trở lại. Gần hết năm, xin việc chính thức không hề dễ. Dù gì, vẫn phải có công việc để còn phụ chồng gánh vác gia đình" - chị Hiền nói.

Còn chị Trần Thị Thu (công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng bị ảnh hưởng công việc trong thời gian cuối năm.

Tháng 9 và tháng 10.2022, công ty nơi chị Thu làm việc ít đơn hàng, công nhân phải giãn việc, nghỉ luân phiên, làm 2 tuần nghỉ 1 tuần. Bộ phận chị làm việc có 30 người thì có 8 người nghỉ việc thời điểm này. Chị Thu phải tạm ngưng việc ở nhà và chỉ hưởng 70% lương cơ bản.

Tuy nhiên, chị vẫn lựa chọn ở lại, chờ ngày công ty gọi đi làm. "2 năm dịch bệnh, tôi vẫn vượt qua được, không lý gì tôi lại nghỉ giữa chừng khi bị ít việc" - chị Thu nói. Để có chi phí trang trải, thời gian này, chị Thu xin bán quần áo ở chợ, công việc này giúp chị có thêm 80.000 đồng/ ngày.

Những năm trước, chị cùng công nhân khác rất trông ngóng về khoản thưởng Tết, năm 2023, Tết Nguyên đán đến sớm hơn nhưng chẳng ai biết công ty có thưởng Tết hay không. "Chúng tôi hiện không có việc làm nên rất khó để có thưởng. Song điều tôi lưu tâm nhất là bao giờ có thể được đến nhà máy. Ở đó có đồng nghiệp, có công việc, thu nhập" - nữ công nhân chia sẻ.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 1.12, có 1.235 doanh nghiệp thuộc 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động. Hơn 430.660 người lao động bị giảm giờ làm và có đến hơn 41.550 lao động bị thôi việc, mất việc.

Theo thông tin tổng hợp từ các công đoàn cơ sở, dự kiến trong tháng 12.2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 công nhân, lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm 15.769 lao động.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - ông Vũ Minh Tiến cho biết, khảo sát thực hiện trong tháng 11 với khoảng 6.200 công nhân ở cả ba miền cho thấy kết quả, nếu mất việc thì có 11,7% công nhân có tích lũy cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1 - 3 tháng và 12,7% được trên ba tháng.

Nêu thực tế tình hình việc làm của người lao động hiện nay, ông Vũ Minh Tiến cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc. Như vậy, có 42.000 gia đình, tương đương 100.000 người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong số lao động bị ảnh hưởng việc làm thì có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. "Hơn lúc nào hết phải có chính sách thoả đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như phát triển doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì, tồn tại... và có cơ hội để tiếp tục phát triển" - ông Nguyễn Duy Hiểu nói và nhấn mạnh thêm, bên cạnh chính sách cấp bách thì cần có chính sách lâu dài (về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, tìm kiếm việc làm...).

Quế Chi - Hương Minh
TIN LIÊN QUAN

“Tết sum vầy - Xuân gắn kết” đến với công nhân lao động khó khăn Hải Dương

DIỆU THÚY |

Ngày 8.1, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương  tổ chức Chương trình “Tết sum vầy- xuân gắn kết” năm 2023 nhằm tặng quà và vé xe cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp xuân Quý Mão 2023.

Công nhân sống tằn tiện cuối năm ngóng chờ thưởng Tết

Thành Nhân |

Tiền Giang - Làm cả năm nhưng với nhiều công nhân, lương tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn dường như là cái gì đó xa xỉ... Vì thế, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho công nhân luôn là điều đáng quý vào thời điểm này.

Thưởng Tết Nguyên đán năm 2023 tăng 11% so với năm 2022

ANH THƯ |

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ 54.202 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm trước.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.