Còn ai chờ Tết

nguyễn Thuỳ |

Đầu tháng Chạp, con bé Châu nhắc chừng bà Hai mấy thứ hàng hoá ngoài chợ chắc dọn vào nhà để chị Ba xem bán được gì không. “Thôi cứ để đó con, chắc còn lâu nữa má mới ra lại đó” - giọng bà Hai thều thào. Châu cũng im lặng. Nó hiểu hơn ai hết, quán tạp hoá ngoài chợ là nơi ba má nó gắn bó với nhau cả đời. Ông Hai đi đột ngột. Cả khu chợ ngỡ ngàng một thì, với bà Hai, nỗi đau buồn chẳng biết lớn đến chừng nào!

Chắc chỉ có người bán buôn mới hiểu câu “chờ thêm cái Tết này”, “chờ tới Tết”. Cả đời bà Hai đều nói với con cái như vậy khi nghe chúng nhắc chuyện dọn bớt hàng, dành thời gian nghỉ ngơi. Nhưng hết cái Tết này đến cái Tết khác. Hết đứa cháu ngoại lớn đến cháu nội út chào đời, ông bà Hai vẫn đi đi về về với quán tạp hoá ngoài chợ. Ông bà vẫn còn muốn gắng thêm chút tiền, để dành khi đứa nào cần xây nhà, sửa cửa nẻo.

Đó là những tháng ngày họ chờ Tết.

“Tết cực lắm nhưng kệ, có ai ngồi không mà có tiền đâu con” - cũng lời bà Hai nói. Tết nhiều hàng, nhiều khách bao nhiêu thì ông bà Hai phải lụi cụi từ 5h sáng tới tận 10h đêm. Nửa tháng trước Tết, ông Hai ngủ luôn ngoài chợ để trông hàng. Chỉ đến tận giao thừa, khi khách không còn, hai ông bà mới dọn hàng về. Mệt nhọc nhưng niềm vui cũng không ít. Họ chờ Tết cũng vì lẽ, chỉ có Tết mới đóng cửa hàng, họ dành thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng. Ông bà Hai đưa nhau đi chùa, công viên, quán cà phê. Bà Hai diện cái váy, đứng làm duyên cho ông Hai chụp hình. Họp mặt bạn bè, ông Hai thích ca hát, bà Hai thẹn thùng lên tặng bông hoa trong tiếng vỗ tay.

Nhưng Tết này thì khác. Trước bữa đi viện cấp cứu, ông hay nói nửa đùa nửa thật, “bệnh này đi viện thì chết thôi, đi làm gì”. Chuyện ông Hai mắc bệnh tim cả chợ đều biết, từ một người phong độ, cao to, đi tới đâu cũng hỏi han, cười đùa thì căn bệnh khiến ông bước đi mệt nhọc, khó ngủ và có phần cáu tính hơn. Thế nhưng người ta nghĩ, chắc chuyến này ông Hai sợ rồi, sẽ chịu nghe lời bác sĩ.

Vậy mà, ông Hai không về thật. Ông không còn về chợ nữa, không còn dắt chiếc xe cup ra đầu đường lớn, kiên nhẫn đợi bà Hai tay xách nách mang đồ đạc. Biết ông Hai chờ lâu, bà cười toe rồi ngồi nép người ở yên sau. Cả khu chợ này chẳng ai chở vợ đi làm như ông Hai, từ hồi chỉ có chiếc xe đạp ngang đến con xe cup. Trên những chuyến xe đi đi về về ấy, có lúc ông Hai giận khi biết bà Hai lấy hàng Tết nhiều. Giận vì biết vợ sẽ hay tiếc khách, rồi cơm không ăn, trưa không nghỉ. Có lúc, bà Hai giật áo chồng thủ thỉ, “Chuyện thằng Út xây cái nhà theo ý nó, thôi ông đừng can dự, nó cũng ngang như ông thôi”. Ông Hai nguýt dài: “Nói rứa mà nghe được” nhưng ông cũng không nói gì thêm nữa. Cứ vậy, hai vợ chồng tíu tít dù là cười đùa hay giận hờn cũng có nhau trên những con đường từ hồi còn đất cát ê mông đến khi trải nhựa.

Giờ, ông Hai bỏ bà Hai đi rồi. Chiếc xe cup dựng sân nhà. Quầy hàng đóng cửa. Bà Hai ở nhà niệm phật, bà nói làm vậy để bình tâm và để giúp ông ra đi thanh thản. Vậy nhưng có hôm tôi ghé chơi, thấy bà vừa ăn chiếc bánh mì thắp hương bữa sáng cho ông, khóc rưng rức.

Con bé Châu bình thường cứng giọng lắm nhưng có lúc nó thẫn thờ hỏi: “Em giận ba được không? Ba má chưa bao giờ đi du lịch. Ba má bán cái hàng ngoài chợ gần như cả đời. Đến lúc mệt rồi, ba cứ vậy mà bỏ má em đi. Má em không còn ba mẹ nữa, giờ mất chồng, má cô đơn lắm. Má chưa ra chợ lại vì sợ người ta hỏi, sợ dọn hàng thui thủi một mình rồi sẽ khóc. Em cũng sợ!” - Châu oà khóc.

Từ ngày ông Hai mất, nó chạy lo nhiều việc trong nhà. Lúc nhớ ba quá, nó về ôm đứa con nhỏ mới tròn 1 tuổi khóc mếu máo. Nó kể hôm trước có mua cái áo dài cho thằng nhỏ, định là “Tết này mặc lên nhà ông bà ngoại chơi”. Nhưng giờ, cái áo dài xếp cất đi rồi

Nó hỏi bà Hai: “Bây giờ má muốn làm gì không?”.

“Lo phần mộ cho ba thiệt đàng hoàng rồi làm chi làm. Con cũng đừng giận ba nữa, hôm thằng chó con ra chợ chơi, ông về kể là ông thích lắm nhưng vì mệt, ông không bồng nó được. Ông thương tụi bây lắm, đừng giận, để ông đi thanh thản” - hai mẹ con Châu ôm nhau khóc.

Ngày làm mâm cúng 49 ngày của ông Hai, con bé Châu bế cháu về thắp hương ông ngoại. Nó kéo bà Hai ngồi xuống ghế rồi mở giấy gói, để lộ bức hình gia đình. Bà Hai tròn mắt ngạc nhiên rồi mếu máo, tay xoa xoa từng khuôn mặt từ ông Hai đang ngồi cạnh mình đến con cháu xếp hàng chung quanh. Ra là nó tự lấy hình cả nhà rồi nhờ thợ ảnh ghép giùm. Bà Hai kêu con trai treo bức hình lên bức tường đối diện ban thờ để ông Hai nhìn được cả nhà. “Ri là có Tết rồi. Mấy đứa Tết ni mặc đồ đẹp về thăm ông nghe” - bà Hai vừa nói vừa nhìn Châu. Mấy đứa nhỏ trong nhà thì reo hò, nhắc nhau sẽ được nhận lì xì, mặc đồ đẹp. Tết vẫn còn được mong chờ trong căn nhà ấy!

Thật ra, chẳng ai ngăn được Tết đến, Xuân về, cũng như sinh lão bệnh tử, dù là đau buồn đến mấy cũng là chuyện vô thường. Chỉ có những người ở lại, phải học cách vượt qua, trưởng thành từ những nỗi đau. “Và phải sống tốt thay phần mà người khác còn để dang dở. Phải sống thật tốt, để đến ngày gặp lại, em sẽ nói với ba em đã làm tốt thế nào” - lời của Châu cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi nhưng nó như mở ra con đường mà Châu đã chọn đi về phía trước. Con đường còn nhiều cái Tết và mùa xuân đang đợi!

nguyễn Thuỳ
TIN LIÊN QUAN

Sinh viên nước ngoài vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay trên đất Việt

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Ngày hội đã giúp sinh viên dân tộc Khmer và sinh viên Campuchia đang theo học tại trường có một cái tết đầm ấm, trọn vẹn dù đang học xa nhà, xa quê hương.

Sinh viên quốc tế đón Tết cổ truyền ở Việt Nam như thế nào?

Diễm Quỳnh |

Tết cổ truyền thu hút sự quan tâm đặc biệt của người nước ngoài, nhất là những sinh viên nước ngoài đang sinh sống và học tập tại Việt Nam.

Tết cổ truyền nơi đất khách: Những người con luôn hướng về nguồn cội

Bảo Châu |

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong lòng những người con xa xứ lại dâng trào nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, làng xóm. Thế nên, ở nơi viễn xứ, họ vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình một cái Tết đúng nghĩa theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam.

Bắc Ninh triển khai khu công nghệ thông tin tập trung 274ha

Vân Trường |

Khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Bắc Ninh dự kiến rộng 274ha. Quy mô về số lượng lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 20.000 người.

Xót xa những vườn đào Tết bị phá hoại, thiệt hại cả tỉ đồng

Quỳnh Trang - Hương Giang |

Gần 300 gốc đào bích chuẩn bị bán Tết có giá trị hàng triệu đồng mỗi cây của người dân tại Hà Nội đã bị kẻ gian dùng dao chặt cành, phá hoại.

Hiện trạng áp thấp gần Biển Đông và áp thấp gần Philippines

Song Minh |

Vùng áp thấp gần Biển Đông đã tan nhưng vẫn còn một áp thấp nhiệt đới gần Philippines.

Đường lầy lội, tiểu thương chợ đầu mối mòn mỏi chờ khách

YẾN PHƯƠNG - MỸ LY |

Cần Thơ - Hạ tầng giao thông xuống cấp cộng thêm thời tiết mưa bão khiến tuyến đường dẫn vào chợ đầu mối lớn nhất Cần Thơ lầy lội, dơ bẩn...

Huấn luyện viên Kim Sang-sik và chuyện chọn tên tuổi hay phong độ cầu thủ

TAM NGUYÊN |

Huấn luyện viên Kim Sang-sik đứng trước câu hỏi về kế hoạch sử dụng nhân sự trong dịp FIFA Days tháng 10 cũng như ASEAN Championship sắp tới.