Cộng đồng kỳ lạ chỉ thích sống trong phòng ngủ

Tường Linh (Theo Wired) |

Hikikomori là cộng đồng đặc biệt của những con người đã không hoặc không dám bước chân ra khỏi nhà trong nhiều năm và cuộc sống bí ẩn của họ luôn thu hút sự chú ý của người ngoài. Sự tò mò về họ càng tăng lên khi đại dịch COVID-19 ập tới.

Gần một thập kỷ giam mình trong phòng ngủ

Một ngày nọ vào năm 2009, một chàng trai trẻ vội vàng lao vụt ra khỏi nhà riêng ở Incheon, Hàn Quốc. Gương mặt căng thẳng, anh chàng di chuyển khá nhanh, đầu cúi gằm xuống đất. Do không tắm trong nhiều tuần, da anh chàng bóng lên do mồ hôi trộn với chất nhờn cơ thể dính lại. Mái tóc anh chàng bết vào nhau.

Bộ đồ mặc nhà mà chàng trai đó bận lên người, một trong bốn bộ đồ duy nhất anh sở hữu, dính đầy vết bẩn. Anh biết người mình đang bốc mùi khó ngửi, nhưng do đã hết nhu yếu phẩm nên buộc phải ra ngoài mua sắm.

Chuyến đi dự kiến chỉ kéo dài 5 phút. Tất cả những gì anh chàng muốn làm là vơ thật nhiều mì ăn liền trong siêu thị, nước ngọt và thuốc lá. Sau đó anh sẽ trở lại nhà.

Mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch đã định. Nhưng khi về tới cửa, chàng trai bỗng hoảng loạn: Anh quên mất mật mã để mở chiếc khóa cửa thông minh. Do đã ở trong nhà quá lâu nên một khi ra khỏi cửa, anh không thể vào trở lại nữa.

Vào thời điểm ấy, chàng trai có tên Kim Jae-ju mới chỉ 29 tuổi. Anh đang ở trong giai đoạn cực đoan nhất của tình trạng xa lánh xã hội. Khi ấy Kim đã dành ra gần 2 năm sống liên tục trong phòng ngủ của mình. Cuộc sống kỳ lạ của Kim kéo dài thêm 8 năm nữa trong tình trạng tương tự.

Trong một không gian rộng 3x3m, với đồ đạc chỉ gồm một chiếc giường và một bộ bàn ghế, Kim tự giam mình ở đó 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, 52 tuần mỗi năm. Suốt quãng thời gian ở trong phòng, anh chỉ ăn uống, hút thuốc và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính.

Kim chỉ ra khỏi phòng mỗi khi thực sự cần kíp. Ví dụ như đi vệ sinh, gặp shipper chuyển đồ ăn, mua sắm nhu yếu phẩm và rất hãn hữu anh mới đi làm để kiếm chút tiền vặt. Dù Kim sống cùng gia đình, anh chỉ gặp họ khoảng một lần mỗi tháng. Anh luôn sắp xếp, căn chỉnh để ra khỏi phòng và trở lại khi tất cả thành viên trong gia đình đang ngủ hoặc đi làm, qua đó không lo lắng việc chạm mặt họ.

Kim sống cuộc đời như vậy suốt một thập kỷ. Bên ngoài, thế giới thay đổi chóng mặt nhưng bên trong căn phòng đó Kim mặc kệ. Không cần biết dù đã ra khỏi phòng bao lần, Kim luôn trở lại. “Khi nhìn lại quãng thời gian đó, tôi cảm thấy thực sự rất buồn”, Kim nay đã 41 tuổi chia sẻ với phóng viên trang tin Wired. “Tôi đã để phí mất 10 năm cuộc đời của mình.”

Ở Hàn Quốc, những người như Kim được biết tới với tên gọi Hikikomori. Đây là một từ tiếng Nhật với ý nghĩa “kẻ rút lui khỏi xã hội” hoặc “đóng cửa bản thân”. Người Hàn Quốc đã vay mượn từ này khi hiện tượng nhiều người trẻ thích sống xa lánh xã hội bùng nổ vào đầu những năm 2000. Ngày hôm nay từ này vẫn được dùng phổ biến hơn một từ Hàn Quốc có ý nghĩa tương tự.

Về cơ bản, Hikikomori là các thanh niên trẻ, phần lớn là nam giới trong độ tuổi teen, 20 hoặc 30. Họ sống một mình hoặc thường là “cố thủ” trong phòng riêng tại nhà của bố mẹ.

Bởi xa lánh xã hội là động lực của họ nên không rõ chính xác có bao nhiêu Hikikomori đang tồn tại ở Hàn Quốc. Chính quyền ước tính con số của cộng đồng này rơi vào khoảng 320.000 người. Một số nhà tâm lý, đồng thời cũng là các cựu Hikikomori, tin rằng con số thực có thể còn cao hơn, tới 500.000 hoặc cả triệu người.

Hikikomori là từ được nhà tâm lý Nhật Bản Saito Tamaki tạo ra vào năm 1998 để chỉ về một đối tượng người đặc biệt trong xã hội và đặc tính thích xa lánh xã hội của họ. Ông gọi Hikikomori là những kẻ “rút lui hoàn toàn khỏi đời sống xã hội và sống lì trong nhà hơn 6 tháng”. Ông đánh giá với những người này, rối loạn tâm lý không phải là nguyên nhân chủ chốt khiến họ có hành động rút khỏi xã hội.

Năm 2003, chính quyền Nhật Bản đã đưa ra định nghĩa về Hikikomori giống với Saito. Trong một số trường hợp cực đoan, người ta có thể rút lui hoàn toàn khỏi đời sống xã hội trong cả thập kỷ như Kim, hoặc lâu hơn thế.

Bởi không có những tiêu chí được chuẩn hóa về việc như thế nào mới là Hikikomori nên việc xếp ai vào hàng ngũ này vẫn là điều gây tranh cãi. Phần đông vẫn tưởng Hikikomori là những người như Kim - một chàng trai Đông Á đã rút lui khỏi đời sống xa hội quá lâu tới mức quên mất cách hòa nhập trở lại. Nhưng ngoài những trường hợp cực đoan như thế còn có các dạng Hikikomori nhẹ hơn. Những người này vẫn giữ những cuộc chuyện trò không thường xuyên với người ngoài.

Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất một định nghĩa về các Hikikomori “cấp 2” - những người tránh tiếp xúc xã hội do bị bệnh nền liên quan tới rối loạn tâm lý, trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế và Hikikomori “cấp 1” - những người thích xa lánh xã hội dù không có tình trạng bệnh lý đặc biệt nào.

Chuyên gia như Saito thì chỉ coi những người bình thường thích xa lánh xã hội là các hikikomori thực thụ và không chấp nhận các định nghĩa khác.

Nhiều thanh niên Hàn Quốc đã không chịu nổi áp lực xã hội và quyết định rút vào sống trong phòng ngủ tại gia đình của họ. Ảnh AFP
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đã không chịu nổi áp lực xã hội và quyết định rút vào sống trong phòng ngủ tại gia đình của họ. Ảnh AFP

Những kẻ dạt lề trong một xã hội cạnh tranh quá cao

Dù Nhật Bản là đất nước đầu tiên định nghĩa, đặt tên và nghiên cứu về Hikikomori, các trường hợp tương tự đang xuất hiện ngày càng nhiều ở châu Á, như đặc khu Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Singapore. Tuy nhiên nhiều hơn cả vẫn là tại Hàn Quốc, đất nước gần với Nhật Bản nhất về cả địa lý lẫn văn hóa.

Lee Ah Dang là một trung tâm tư vấn ở Seoul chuyên xử lý các trường hợp Hikikomori. Các nhà tâm lý học tại đây đã điều trị hàng chục trường hợp Hikikomori và nói rằng trong khi “bệnh nhân” của họ ở trong các tình trạng khác nhau và có những nhu cầu điều trị khác nhau, tất cả đều có chung một điều: Họ cảm thấy không thể chịu nổi một xã hội cạnh tranh cực kỳ cao của Hàn Quốc.

Nhà tâm lý học hàng đầu Park Dae-ryeong nói rằng bầu không khí cạnh tranh cao, cùng một thị trường việc làm có ít lựa chọn, đã gây áp lực khổng lồ lên mỗi người. Họ buộc phải thể hiện năng lực tốt nhất, nhưng do cạnh tranh nên không thể hợp tác với người khác. Áp lực cuộc sống khiến họ không thể theo đuổi đam mê cá nhân, trong khi lại khuếch đại các cảm xúc tiêu cực như suy nghĩ rằng bản thân bất tài, cảm giác thất vọng và lo lắng. Nhiều người trẻ Hàn Quốc đã so sánh cuộc sống của họ giống như một con chuột hamster phải chạy không ngừng trên bánh xe quay. Áp lực phải có một người bạn đời tương xứng, một công việc tốt, một ngôi nhà đẹp khiến họ có cảm giác phải lao động mà không có phút nào được ngơi nghỉ.

Cần nói thêm một điều rằng xã hội Hàn Quốc có những định nghĩa cứng nhắc về sự thành công và điều này càng không giúp ích gì cho các Hikikomori. Các nhà tư vấn ở Lee Ah Dang giải thích rằng do Hikikomori sống bên lề đời sống xã hội nên họ cũng thường bị chỉ trích và phân biệt, bởi không tuân theo các “chuẩn” chung. Họ bị chế nhạo hoặc trêu chọc do có thành tích học tập tốt, và bị ép phải tham gia các cuộc ganh đua, chỉ để lại bị bêu riếu thêm khi không thành công.

Đơn cử như trường hợp của Kim Ho-seon, do thích làm tóc hơn học toán và khoa học tự nhiên nên thành tích học tập của anh trong trường cấp hai không tốt, dẫn tới kết quả anh phải bỏ học. “Tôi cảm thấy không ổn khi phải làm điều mình không mong muốn”, chàng trai 25 tuổi nói. Sau thời gian chật vật đương đầu với các phán xét và dị nghị từ bên ngoài, cuối cùng Kim Ho-seon đã phải gọi cảnh sát nhờ giúp xử lý các vấn đề tâm lý của mình.

Tương tự, Yoo Seung-gyu, 27 tuổi, nói rằng các mục tiêu sống của anh không hợp với tiêu chuẩn ở Hàn Quốc. Anh đã mơ trở thành một nhà sáng tạo nội dung - một ngôi sao YouTube - nhưng rồi đã bị chế nhạo tới mức mất hết động lực theo đuổi đam mê.

Lee Seung-taek, 24 tuổi, cho biết do không có các kế hoạch hào nhoáng và tham vọng cho tương lai nên anh đã bị coi như một kẻ “dạt lề”. Tất cả những gì Lee muốn chỉ là một cuộc sống bình thường và đơn giản. Nhưng quan niệm này bị gần như tất cả mọi người thân, ngoại trừ cha đẻ, của anh coi là thiếu tham vọng cuộc sống. Năm Lee 16 tuổi cha đẻ của anh ốm nặng và năm 2016 thì ông qua đời. “Tôi dần trở thành kẻ tránh né người khác. Tôi chạy trốn tất cả. Không có cha ở bên, tôi chỉ đạt được rất ít thành tựu, vậy thì cố gắng nữa để làm gì?”.

Với Kim Jae-ju, sự rút chạy khỏi đời sống xã hội diễn ra sau khi mối quan hệ với bạn gái đổ vỡ. Trước đó, anh đang trên một lộ trình “truyền thống”: Có sự nghiệp, sắp kết hôn rồi có con. Kim cũng từng có tính cách hướng ngoại, nói nhiều và thân thiện. Nhưng nay nhìn lại, anh thấy cuộc sống đã qua chỉ như một vở diễn. Việc cố tỏ ra là người hướng ngoại tự tin chỉ là một cách để che dấu sự thật rằng anh không phải vậy. Kim bắt đầu rút lui bằng việc từ chối những lời mời đi ăn uống cùng bạn bè. Tiếp đó anh đổi số điện thoại và không cho ai ngoài gia đình biết.

Cuối cùng, Kim “bò vào trong phòng”, như lời anh nói, và bắt đầu sống ẩn dật tại đó. Anh tăng 27kg và da bắt đầu nổi mụn vì ở lì một chỗ quá lâu không vệ sinh. Căn phòng của anh cũng dần thay đổi theo hướng bừa bãi, bẩn thỉu hơn. Các cốc mì ăn liền và chai nước rỗng nằm xếp đống trong phòng. Bụi phủ dày trên đồ đạc dù Kim sống tại đó. Căn phòng từng sơn màu trắng nay chuyển thành màu nâu cháo lòng.

Nhìn lại quãng thời gian là Hikikomori, Kim nói rằng anh cảm thấy có động lực để ở lại trong phòng. “Tôi bắt đầu cảm thấy dễ chịu trong không gian đó”, anh nói. “Một ngày thành hai ngày, ba ngày rồi dần thành một năm. Tôi bắt đầu nghĩ rằng có thể phong cách sống này là ổn. Và rồi các bạn mới của tôi cũng chính là chiếc máy tính nằm trong phòng”.

Nếu Hikikomori bị xem là những kẻ "dạt lề" thì máy tính luôn là người bạn chung thủy của họ. Trong khi việc sử dụng công nghệ quá đà tự nó không tạo ra Hikikomori, các nhà nghiên cứu nói rằng hoạt động này có thúc đẩy người ta tới chỗ muốn xa lánh xã hội. Ví dụ nhiều hoạt động vốn cần tới sự tương tác thực ngoài xã hội như ăn uống, mua sắm quần áo, giải trí, nay hoàn toàn đã có thể được thực hiện qua Internet và các liên lạc dựa trên nền tảng công nghệ, ít cần tới sự tiếp xúc trực tiếp. “Hikikomori có thể là câu trả lời cho sự tiến hóa của xã hội”, các nhà nghiên cứu Italy từng viết trong một nghiên cứu khoa học đăng trên Tuần báo Tâm lý học thực hành hồi năm 2020.

Đánh giá này trùng khớp với những gì mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản đưa ra trong một nghiên cứu xuất bản trên tuần báo khoa học chính thức của Hiệp hội bác sĩ Tâm thần học Thế giới trước đó 2 năm: "Chỉ trong vài thập kỷ, theo sau những tiến bộ của xã hội Internet, nhiều người sẽ có thể sống một cuộc đời giống một Hikikomori”.

14 năm trước, khi Kim bắt đầu rút lui khỏi xã hội, các giao dịch ít cần tiếp xúc trực tiếp vẫn mới chỉ là một ý tưởng ở Hàn Quốc. Ngay nó đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển hoàn thiện, khiến các Hikikomori càng dễ sống tách rời xã hội hơn. "Ở Hàn Quốc sống một mình rất tiện lợi”, Yoo nói. "Chúng tôi có hệ thống giao hàng và phục vụ theo yêu cầu rất tuyệt vời. Toàn bộ hệ thống, từ các nhà hàng ăn uống cho tới các hoạt động giải trí, đều có yếu tố phù hợp với Hikikomori và mọi thứ dường như đều để chăm sóc cho một cuộc sống độc thân".

Khi Hikikomori cần mua nhu yếu phẩm, họ có thể làm việc đó trên các trang thương mại điện tử. Nếu có nhu cầu giải trí, sẽ xem phim trên nền tảng Netflix hoặc chơi game trực tuyến. Khi muốn tiến hành một dạng giao tiếp xã hội nào đó, Hikikomori sẽ lên các môi trường ít sự đe dọa như diễn đàn, mạng xã hội, nơi họ có thể ẩn sau một danh tính giả hoặc dùng tài khoản vô danh.

Thời gian ở trong phòng, Kim bầu bạn với những nhân vật trong hàng loạt bộ phim truyền hình mà anh xem hết ngày này sang tháng khác, hoặc những người làm nội dung trên YouTube. Đó cũng có thể là các diễn viên phim khiêu dâm mà anh làm quen được hoặc bạn chơi game.

Ngoài một số bạn cũ mà Kim thi thoảng nhắn tin, anh hay trao đổi nhất với các game thủ. Khi chơi game anh sẽ nhắn tin trò chuyện với họ bằng công cụ trong game. Câu chuyện thường không có nội dung gì nghiêm túc, chỉ là các câu pha trò, học ghẹo. Sau 5 năm sống ẩn dật, Kim nói rằng anh có mối quan hệ khá thân với một game thủ.

Nhưng theo quan điểm của Kim, mối quan hệ quan trọng nhất mà anh có được chính là công cụ tìm kiếm. Internet khiến căn phòng của anh trở nên rộng lớn. Mỗi cuộc tìm kiếm trên mạng lại đưa anh tới một hướng đi mới, một phát hiện mới, một địa chỉ mới trên thế giới. "Người bạn, cũng là kẻ thù lớn nhất của tôi chính là Google", anh nói. "Nó khiến tôi không có lúc nào thấy buồn chán. Tôi luôn cảm thấy được thỏa mãn, bởi nhờ nó mà tìm thấy được mọi thứ mình cần".

Nguy cơ "tái nghiện"

vì dịch COVID-19

Dù công nghệ là thứ góp phần khiến các Hikikomori đóng chặt cửa với thế giới, cũng chính nó lại là thứ đẩy họ ra ngoài. Một ngày nọ Yoo phát hiện ra một nhóm nghiên cứu trên mạng mang tên K2 International và nhận ra họ có thể giúp đỡ mình thoát khỏi cuộc đời Hikikomori. Kim Ho-seon thì đọc được một quảng cáo về K2 khi đang mải mê xem các đoạn video YouTube ưa thích. Chỉ trong một tháng kể từ khi tiếp xúc với K2, cả hai đều đã dọn ra khỏi căn phòng mà họ trốn ở đó nhiều năm. Sau một năm, Yoo thậm chí còn trở thành quản lý chương trình ở K2.

Nền tảng hoạt động của K2 là khuyến khích cuộc sống cộng đồng. Được thành lập tại Yokohama, Nhật Bản, vào năm 1988, K2 hiện đã mở rộng sang Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Tại cơ sở của K2 ở Hàn Quốc, 14 Hikikomori gồm Yoo và Kim Ho-seon đã sống cùng nhau trong một tòa nhà 3 tầng, nơi họ được khuyến khích phát triển các thói quen sinh hoạt lành mạnh, được dạy việc giữ vệ sinh và tuân thủ các nếp sống thường nhật.

Kim Jae-ju nói rằng anh đã thay đổi cuộc sống cũ sau khi xem một đoạn video cho thấy một đứa trẻ đã nỗ lực để thành sao K-pop như thế nào. "Tôi thấy đứa trẻ đó rất cố gắng đạt được ước mơ của mình. Điều đó khiến tôi nhận ra thực tế của bản thân, và bắt đầu đặt câu hỏi rằng tôi đang làm gì với đời mình”, Kim chia sẻ.

Kim bắt đầu thay đổi bằng việc dọn sạch căn phòng. Do đã cách ly xã hội quá lâu, Kim thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng giao tiếp cơ bản. Anh quyết định học lại mọi thứ từ đầu. Anh xem video giúp nâng cao sự tự tin, sự cảm thông và chia sẻ. Anh học nghệ thuật giao tiếp, cách giảm cân và chăm sóc da. Anh nghiên cứu tất cả các tiếng lóng và thành ngữ mà bản thân không biết do ở ẩn quá lâu. Anh tìm kiếm trên Google về "cách để pha trò". Về cơ bản, anh chuẩn bị thật kỹ cho cuộc tái hòa nhập xã hội. Mọi thứ diễn ra rất khó khăn, nhưng lần đầu tiên Kim đã có thể nghĩ về tương lai và mong chờ nó.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, Kim cuối cùng đã ra khỏi phòng. Hoạt động xã hội đầu tiên anh tham gia trở lại là dự một buổi diễn thuyết ở Seoul về sự tự tin. Kim tham gia nhiều hoạt động khác giúp anh tái hòa nhập xã hội. Anh viết và xuất bản cuốn sách mang tựa đề "Vô tình trở thành Hikikomori trong 10 năm”. Anh cũng chia sẻ trải nghiệm của mình với quan chức chính quyền để giúp đỡ những Hikikomori khác. Anh đã mơ tới việc mở quán cà phê riêng, biến đây thành nơi gặp gỡ và thúc đẩy các Hikikomori tái hòa nhập.

Nhưng năm 2020, cộng đồng Hikikomori bỗng đối mặt với một vấn đề mới, một lý do khác để họ thêm lo ngại thế giới bên ngoài: Đại dịch COVID-19. Những tưởng những kẻ quen cuộc sống xa lánh xã hội sẽ tương đầu tốt hơn với những hệ lụy do bệnh dịch gây ra như hạn chế tiếp xúc và tình trạng giãn cách xã hội.

Nhưng hóa ra Hikikomori cũng không miễn nhiễm với những vấn đề này. Đã có những lo ngại rằng bệnh dịch sẽ khiến Hikikomori sẽ càng ở lâu trong phòng, khiến việc tái hòa nhập xã hội của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Ngoài ra cũng có nguy cơ các Hikikomori đã trở lại bình thường có thể bị "tái nghiện" vì bệnh dịch.

Ahn Yoon-seung, một cư dân của chương trình K2, đã xin làm việc tại một căng tin ở trường cấp 2 và đang mòn mỏi chờ được nhận việc. Tuy nhiên vì dịch COVID-19, công việc đã chậm tới với Ahn suốt hơn một tháng. Anh bắt đầu cảm thấy lo lắng. "Tôi nhìn thấy mình rơi lại cuộc đời cũ, khi không làm gì cả. Tôi lo lắng rằng mọi thứ mình đã chuẩn bị cuối cùng sẽ chẳng thu được gì, rằng chẳng có gì thực sự dành cho mình”. Kim Ho-seon cũng lo anh sẽ trở lại con đường cũ. "Giờ tôi không còn là Hikikomori nữa, nhưng hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống đó bất kỳ lúc nào", anh nói.

Điều phối viên Park jae-young của Quỹ Thanh niên Hàn Quốc (KYF), người đã dành nhiều thời gian giúp đỡ các hikikomori, nói rằng hiện nay là thời điểm khá tồi tệ cho việc tái hòa nhập xã hội. "Phải rất can đảm các Hikikomori mới dám lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ”. Nam Ki-woong, giám đốc KYF bày tỏ: "Chúng rất lo ngại nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, có thể nó sẽ còn tạo thêm nhiều Hikikomori nữa".

Tường Linh (Theo Wired)
TIN LIÊN QUAN

Bí ẩn dung mạo pharaoh Ai Cập Akhenaten lần đầu được hé lộ

Hà Huyền |

Hình ảnh khuôn mặt được tái hiện từ một hài cốt được gọi là KV55 phát hiện năm 1907 ở Thung lũng các vị vua, Ai Cập.

Nóng nhất hôm nay: Nỗ lực giải cứu “siêu tàu” chở hàng mắc kẹt ở kênh Suez

DUNG HÀ |

Ông Biden giao trọng trách cho bà Harris ngăn dòng người di cư; AstraZeneca đính chính lại hiệu quả vaccine trong thử nghiệm ở Mỹ; Nỗ lực giải cứu “siêu tàu” chở hàng mắc kẹt ở kênh đào Suez... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong 24h qua.

Thế giới động vật: Phát hiện loài tắc kè hoa mới tại Ethiopia

Hà Huyền |

Nhóm nhà động vật học Đức và Cộng hòa Séc đã phát hiện ra một loài tắc kè hoa mới sống trên sườn núi Bale ở Ethiopia.

5 nhóm nhạc nữ đình đám của làng giải trí Hàn Quốc trong suốt thập kỷ qua

Phương Thảo |

Dưới đây là 5 nhóm nhạc nữ hàng đầu của những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc trong vòng 10 năm qua.

2 scandal lùm xùm trong tháng 3 của showbiz Hàn Quốc

Tuấn Đạt |

Dư luận xã hội xôn xao trước những lùm xùm scandal của 2 nghệ sĩ nổi tiếng showbiz Hàn Quốc.

Thanh Thúy và hình mẫu cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp

HOÀI VIỆT |

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy luôn được các huấn luyện viên đánh giá cao ở tính kỷ luật trong tập luyện, thi đấu chuyên môn và tính cách cá nhân.

Dự báo vùng ảnh hưởng của áp thấp gần Biển Đông

Khánh Minh |

Ngày 7.10, áp thấp gần Biển Đông được dự báo di chuyển theo hướng tây, ảnh hưởng đến nhiều khu vực.

Đồng đội cũ kể về "Anh trai vượt ngàn chông gai" Hồng Sơn

MI LAN - HOÀNG HUÊ |

CEO Triệu Quang Hà chia sẻ, đồng đội cũ của mình là Nguyễn Hồng Sơn đã thay đổi hoàn toàn khi tham dự show "Anh trai vượt ngàn chông gai".