Cuộc thi nhằm đưa vẻ đẹp của di sản văn hóa và sáng tạo văn hóa Việt Nam tới với cộng đồng, với các chủ đề: Phong cảnh của di sản và di tích, Chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ, Nghệ thuật và sáng tạo, Sự hòa hợp của con người và thiên nhiên. Cuộc thi còn khuyến khích các ứng viên tham gia chú ý đến những nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về sự nhạy cảm văn hóa và đa dạng văn hóa, bình đẳng giới, vấn đề nhân quyền và môi trường bền vững.
3 giải Nhất của cuộc thi (mỗi giải giá trị 1.000USD) đã thuộc về các tác giả: Ngô Thị Thu Ba với tác phẩm “Bức họa ven biển’’, Đinh Công Tâm với tác phẩm ''Bạn nghề’’ và Phan Vũ Trọng với tác phẩm ''Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu’’. Ngoài ra, còn có 10 giải Khuyến khích (giá trị 5 triệu đồng/giải) và 15 giải Danh dự.
Triển lãm các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi được tổ chức tại Toong - một mô hình không gian làm việc chung (số 5 Trần Phú, Hà Nội) trong hơn 1 tuần. Tiếp đó, một số tác phẩm dự tính sẽ được phóng to, trưng bày trên bức tường ngoài của Đại sứ quán CHLB Đức để đông đảo công chúng thưởng thức. Điều đặc biệt hơn là, những tác phẩm hình ảnh đẹp nhất do UNESCO lựa chọn sẽ được trưng bày tại các sự kiện quan trọng và các tác phẩm thắng cuộc sẽ có cơ hội xuất hiện trong những ấn phẩm, sự kiện của UNESCO và qua đó, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam sẽ đến với đông đảo bạn bè quốc tế.
Ba giải Nhất - 3 sắc thái
Một trong 3 người đoạt giải Nhất là Đinh Công Tâm, hiện sống ở tỉnh Sóc Trăng, với tác phẩm ''Bạn nghề’’ (trích trong chùm ảnh “Mặt Tướng trong hát Bội Nam Bộ”, được tác giả thực hiện từ năm 2015 đến nay, nhằm ghi chép lại sự độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể hiện đang dần bị mai một). Là một bác sĩ, nhưng Đinh Công Tâm yêu thích nhiếp ảnh và thường dùng thời gian ngoài giờ làm việc của mình để đi chụp ảnh, coi như một cách cân bằng cuộc sống. Đề tài tác giả thường chụp là di sản và văn hóa các dân tộc.
Với tác giả Ngô Thị Thu Ba, chị cũng có niềm yêu nghệ thuật nhiếp ảnh tương tự. Chị kinh doanh lĩnh vực in ấn từ 1997, đến với nhiếp ảnh từ năm 2011. Nhiếp ảnh đã giúp tác giả cân bằng giữa những lo toan trong kinh doanh và nhiều bận rộn của việc gia đình. Với các nhiếp ảnh gia, hẳn ai cũng đều biết rằng, tình yêu nhiếp ảnh là một chuyện, còn để có được một tấm ảnh đẹp ưng ý, đúng chất nghệ thuật, sẽ lại là chuyện khác, bởi phải trả giá qua nhiều hành trình trải nghiệp vất vả, với lỉnh kỉnh đồ nghề chuyên dụng. Nhưng, theo tác giả Thu Ba: “Được ngắm nhìn thiên nhiên, con người trên các nẻo đường đất nước đối với tôi là niềm hạnh phúc, nhưng càng hạnh phúc hơn khi tôi có thể ghi lại, lưu giữ lại những cảm xúc thăng hoa đó cùng những khoảnh khắc đẹp, qua những sắc màu, những góc máy của nhiếp ảnh’’.
''Bức họa ven biển’’ của Ngô Thị Thu Ba đúng thực là một tác phẩm nhiếp ảnh ẩn chứa nhiều yếu tố hội họa, với một khoảng không gian bên bờ đại dương bồng bềnh, huyền ảo, xấp xô cát và nước, trong trẻo vô ngần. Thu Ba tâm sự về tác phẩm này: “Việt Nam có bờ biển trải dài dọc suốt chiều dài đất nước. Người dân miền ven biển mỗi ngày đưa thuyền thúng ra biển để đánh bắt cá, họ hợp sức đẩy thuyền thúng từ trên bờ qua bãi cát ra biển. Đó là công việc quen thuộc bình thường hàng ngày họ vẫn làm. Nhưng dưới góc nhìn nhiếp ảnh, họ đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc. Bức hình được tôi chụp tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự lao động nhịp nhàng hòa quyện trên nền cát của bờ biển, với đường cong uốn lượn tự nhiên của những vân cát cùng màu nước biển xanh trong, tương phản với màu vàng nâu của cát... Tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động, ấn tượng và rất đặc trưng cho vùng ven biển Việt Nam”.
Trong khi đó, ở một bối cảnh khác tại tỉnh Quảng Nam, tác phẩm ''Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu’’của tác giả Phan Vũ Trọng cho thấy một góc nhìn thiên nhiên độc đáo từ trên cao, với bạt ngàn sắc xanh mướt mát của loài cây được trồng phổ biến ở khu vực miền Trung và miền Nam của Việt Nam. Rừng dừa Bảy Mẫu thuộc thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh, cách khu phố cổ Hội An khoảng 5km về phía Đông, rộng hàng chục ha, nằm giáp 3 con sông Đế Võng, Thu Bồn và sông Hoài - ngay khu vực Cửa Đại - nơi dòng sông gặp biển. Hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng nơi đây hiện mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái rừng dừa, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo ở địa phương.
Tác giả Phan Vũ Trọng sinh sống và làm việc ở Hội An. Anh có sở thích chụp cảnh thiên nhiên và các hoạt động liên quan đến du lịch sinh thái cộng đồng. Bức ảnh nói trên được anh chụp tại thời điểm tháng 2.2020, ngay sau khi mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường mới sau khủng hoảng trầm trọng của đợt đại dịch COVID lần thứ nhất, khi người dân địa phương ở khu vực rừng dừa Bảy Mẫu bắt đầu hoạt động và đón khách trở lại.
Đa dạng, đa sắc, đa màu
Đến với cuộc thi ảnh này, mọi người còn có nhiều cơ hội chiêm ngưỡng những nét đẹp của thiên nhiên và cuộc sống ở nhiều vùng đất tại Việt Nam. “Dàn nhạc ngũ âm’’ (tác giả Thạch Minh Lễ) giới thiệu nét tinh hoa của một nền âm nhạc có truyền thống lâu đời, gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào người Khmer. ''Mùa rong mơ Nhơn Hải’’ (Nguyễn Trọng Đợi) cho thấy, cảnh hoạt động của ngư dân đang đánh cá để làm thức ăn nuôi mực trong các bãi rong mơ. ''Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng’’ (Lê Hồng Đức) như đưa những du khách từng đến Hà Giang ngắm hoa mơ, hoa mận, hoa cải, hoa tam giác mạch... có dịp gặp lại vẻ đẹp sơn nữ trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Với những góc nhìn khác, các tác phẩm nhiếp ảnh đều tựa như những tấm ''bưu thiếp du lịch’’ hấp dẫn để đưa du khách nhớ lại những vẻ đẹp ở các vùng đất đã đặt chân, hoặc để tự nhủ sẽ tới thăm trong một dịp gần... như xem thuyền hoa trên sông Hoài nơi phố cổ Hội An; tìm hiểu nghề ươm tơ, dệt lụa truyền thống ở tỉnh Thái Bình hay nghề làm bánh hỏi ở tỉnh Bình Thuận, nghề đan vá lưới đánh cá ở tỉnh Bạc Liêu, nghề dệt vải truyền thống của người Pà Thẻn ở tỉnh Tuyên Quang, nghề làm nước mắm Phan Thiết, nghề làm nón ngựa ở Bình Định; hoặc hòa mình vào không gian văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên...