Di tích Đặng Đình An thờ danh tướng có công với xứ Nghệ

ĐẶNG VIẾT TƯỜNG |

Làng Trung Lao ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là quê hương danh tướng Đặng Đình An (tên chữ Tiến Thự). Trung Lao là một làng cổ bên bờ sông Lam và núi Hồng Lĩnh, có nhiều di sản văn hoá gắn với danh nhân Đặng Đình An: Bia Đặng tướng quân, tượng đá thờ danh tướng Đặng Đình An, cây thị cổ thụ và nhiều cây gỗ nguyên sinh của núi rừng Hồng Lĩnh, mộ Bùi phu nhân - mẹ Đặng Đình An và lễ hội cầu phúc.

Theo sách “Văn bia Hà Tĩnh”, huyện Nghi Xuân đang bảo tồn 2 tấm bia đá, nguồn tư liệu Hán - Nôm gốc có giá trị liên quan đến họ Đặng và tướng quân Đặng Đình An liên quan những sự kiện lịch sử trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Bia đá Đặng tướng quân dựng ở di tích đền thờ tướng Đặng Đình An ở xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) có hình trụ, 4 mặt khắc chữ Hán (một mặt mờ không đọc được), khổ 120 x 75cm. Bia có đế và thân bia, diềm bia khắc nổi 2 câu đối, trán bia có mái che được trang trí hoa văn theo phong cách văn hoá Champa. Vấn đề này đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc, khảo cổ văn hoá ở địa phương.

Nội dung văn bia chép danh tướng Đặng Đình An, sinh ngày 10 tháng 6 năm Nhâm Tý (1612), người làng Trung Lao, xã Yên Lạc, huyện Nghi Xuân. Trung Lao ngày nay là thôn 6, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Tướng quân Đặng Đình An sinh ra trong một gia tộc nổi tiếng ở Đàng ngoài, là con trai Thự vệ sự Tài Lương hầu, được truy phong Trường Khánh đại vương. Tướng quân là cháu nội quan võ Tả hiệu điểm, tước Văn Dũng hầu. Đương thời dòng họ Đặng ở xã Yên Lạc là một thế gia vọng tộc, cố nội ông được phong tước Vũ Lương hầu, cao tổ là quan Đề đốc tước hầu.

Bia “Đặng tướng quân” tại di tích nhà thờ danh tướng Đặng Đình An.
Bia “Đặng tướng quân” tại di tích nhà thờ danh tướng Đặng Đình An.


Tướng quân Đặng Đình An có sức khoẻ “bạt sơn cử đỉnh”, tinh thông kinh sử. Văn bia mô tả về ông: “Như có hàm rồng, trán hổ, vai lợn, lưng sói. Tướng mạo đường đường, có sức lực đến vạn dân phu cũng không địch được. Dung uy vời vợi, có tài đảm đương đại sự. Kẻ thức giả biết đó là người phi thường... Quả nhiên đến lúc trưởng thành, kinh sách thông thạo, lập nhiều công lớn, được sách phong ban thưởng” (Văn bia Hà Tĩnh - tr. 345).

Theo sách Nghi Xuân địa chí của nhà nho Lê Văn Diễn, vào năm Quý Hợi (1623) tướng quân Đặng Đình An theo cha đi đánh giặc, có công được phong thưởng. Năm ấy cậu bé Đặng Đình An mới 11 tuổi, đang lứa tuổi thiếu nhi.

Sách “Văn bia Hà Tĩnh” cũng chép sự kiện Đặng Đình An được vinh phong: Tán trị công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Chỉ huy sứ, tước Khuông Lộc bá. Năm Vĩnh Tộ thứ 11 (1629) ông lên 17 tuổi, được thăng làm Đô chỉ huy sứ Thiêm sự. Năm sau, niên hiệu Đức Long thứ 2 (1630) được thăng Đô Chỉ huy sứ Đồng tri. Niên hiệu Thịnh Đức thứ 6 (1658), ông được thăng chức Điện tiền Đô hiệu điểm, làm việc ở Ti Tả hiệu điểm, tước phong Khuông Lộc hầu.

Tượng danh tướng Đặng Đình An tại khu di tích thờ ông.
Tượng danh tướng Đặng Đình An tại khu di tích thờ ông.


Tướng quân là người có danh tiếng lớn, khí tiết ngời ngời, được chúa Trịnh vua Lê khen ngợi, thăng làm Anh Vĩ tướng quân Cẩm y vệ Đô Chỉ huy sứ. Niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, tướng Đặng Đình An được thăng làm Tham đốc Thần vũ, tước Khuông Lộc hầu. Văn bia Đặng tướng quân cho biết thêm, sinh thời ông bỏ tiền túi ra hưng công xây dựng, trùng tu cung miếu thờ tự Đại vương Lý Nhật Quang ở làng Tả Ao (nay là xã Xuân Giang) và đình làng Yên Lạc nên được nhân dân xứ Nghệ tôn bầu phụng sự làm Hậu thần. Việc ấy được ghi chép trong “Bài ký trên bia trùng tu Tam toà Đại vương linh miếu”, đang bảo tồn ở đền Huyện xã Xuân Giang.

Bia đền Huyện ở xã Xuân Giang - huyện Nghi Xuân chép, năm 1677, lúc đó ông Đặng Đình An đồn trấn ở Nghệ An: Vào ngày 15 tháng 4 năm Đinh Tỵ (1677) trưởng quan viên của bản huyện (Nghi Xuân) là Tham đốc, tước Khuông Lộc hầu Đặng Đình An đồn trấn ở đây (Nghệ An) lên kinh đô. Nhân đó các quan viên văn võ và dân họp bàn tính, lập tờ trình nhờ gửi chúa xin tu bổ đền Tam toà. Văn bia đền Tam toà cũng ghi chép việc danh tướng Đặng Đình An bỏ tiền túi hưng công trùng tu đền thờ Đại vương Lý Nhật Quang.

Sách Nghi Xuân địa chí chép: “Ông tòng quân từ tuổi thiếu niên (11 tuổi) cầm quân hơn 60 năm xưa nay hiếm có” (Nghi Xuân địa chí - tr. 174). Theo sử sách, năm 1675 Hào quận công Lê Thời Hiến chết, chúa Trịnh sai tướng quân Đặng Đình An vào làm đồn trấn Nghệ An.

Cây thị cổ thụ tại di tích nhà thờ Đặng Đình An.
Cây thị cổ thụ tại di tích nhà thờ Đặng Đình An.

Sách “Đặng gia phả ký tục biên” của tác giả Đặng Đình Quỳnh chép: “Ông ở trấn 24 năm, vùng biên giới không bị rối loạn, ông là cây trụ đá nước Nam, là bức trường thành vạn lý”. Cũng giống như Lý Nhật Quang, thời gian đồn trấn Nghệ An, tướng quân Đặng Đình An có công lập lại nhiều làng mạc, bỏ tiền cá nhân xây dựng đình xã Yên Lạc, trùng tu miếu tam toà thờ Lý đại vương ở huyện Nghi Xuân đã bị đổ nát trong chiến tranh.
“Văn bia Hà Tĩnh” chép: “Ông tự bỏ tiền của gia tư không chút tơ hào xây đình làng quy mô lớn... Vì thế mà mọi người bàn nhau, trăm người như một liên danh ký bầu phụng Ngài (Đặng Đình An) làm Hậu thần, lập bài vị ở bên tả đình (Yên Lạc) phối hưởng cùng Đương cảnh thành hoàng” (S.đ.d. tr. 346, 347).

Tướng quân Đặng Đình An có công với dân với nước, được người dân xứ Nghệ tôn bầu làm Hậu thần, dựng bia ở đình Yên Lạc. Ngày nay, đình xã Yên Lạc đã thành phế tích. Bia Đặng tướng quân được nhân dân địa phương chuyển đến đền thờ ông ở thôn Song Hồng, xã Xuân Hồng. Di tích đền thờ Đặng Đình An đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh vào năm 2006. Ngôi đền cổ kính, khiêm tốn, có hoành phi và nhiều đôi câu đối chữ Hán ca ngợi công đức ông: “Hồng Lĩnh thiên cao công đối quảng/Song Ngư hải khoát đức hương thâm”. Tạm dịch: Hồng Lĩnh trời cao, công cao lớn như trời; Song Ngư biển rộng, đức sâu rộng hơn biển.

Tượng truyền thần bằng chất liệu đá Thanh Hoá mô phỏng tướng quân Đặng Đình An đặt trong cung đền thờ. Diềm tượng trang trí hoạ tiết đẹp, trên đầu điêu khắc mặt trời, đôi rồng chầu bên dưới mặt trời. Bên góc có dòng chữ Hán chép (bản dịch): “Ông mất ngày 23 tháng Giêng”, nhưng không ghi rõ năm mất, niên hiệu nhà vua năm mất.

Di tích lưng dựa núi Hồng Lĩnh. Khung cảnh ngôi đền hoang sơ, yên tĩnh. Vườn di tích rợp bóng cây xanh rừng tự nhiên, cổ thụ cây tầm gửi bám. Đường lên đền được xây nhiều bậc đá cả hai bên bên các vách đá kỳ thú. Trong vườn di tích có một cây thị cổ thụ cao lớn, rỗng ruột. Người lớn có thể chui vào ẩn nấp như cây thị di sản ở huyện Hương Sơn. Tuổi cây thị ước tính khoảng 400 năm. Vườn còn có các loài cây gỗ cổ thụ gồm: sồi, gõ, thông... Hướng Đông Nam ngôi đền có một ngôi mộ cổ gần cây thị. Mộ xây gạch khối tứ giác hình chữ nhật, đỉnh cấu trúc mái vòm. Theo người dân truyền ngôn chủ nhân ngôi mộ là kế mẫu của tướng quân Đặng Đình An. Trong đền kế mẫu có hiệu thờ Bùi phu nhân.

Hàng năm vào mùa xuân thu, địa phương có làm lễ hội giỗ Bùi phu nhân kiêm lễ cầu phúc Hậu thần giúp trừ tai, dẹp loạn, phò trợ xóm làng dân yên khang, vật thịnh vượng. Dân xứ Nghệ xưa, từ trẻ đến già đều biết ơn đức, muôn nhà đều muốn báo đáp. Quy định giao ước về lễ cầu phúc được khắc lên bia đá để muôn đời thực hiện. Di tích và lễ hội cầu phúc ở làng Song Hồng, xã Xuân Hồng là điểm đến hấp dẫn với nhân dân xứ Nghệ và đất nước.

ĐẶNG VIẾT TƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Bia đá Vĩnh Lăng, báu vật về vua Lê Thái Tổ

Nguyễn Hữu Mạnh |

Ngày 30 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg. Hiện nay, Bia Vĩnh Lăng thời Lê Sơ đang được lưu giữ và trưng bày tại khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) với số ký hiệu LK2010 VL.PT - Đđ 7/2.

Cửu đỉnh - linh khí hội tụ của đất trời và nghệ thuật đúc đồng thế kỷ 19

TS Nguyễn Hữu Mạnh |

Ngày 1.12.2012, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 9 chiếc đỉnh thời Nguyễn là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 1426 /QĐ-TTg. Bộ Cửu đỉnh này đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Chùa Quỳnh Lâm, chốn tùng lâm của Phật giáo Việt Nam

Kim Sơn |

Chùa Quỳnh Lâm thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, là một ngôi cổ tự, từng chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ít người biết rằng, nơi đây, từng sở hữu một trong bốn An Nam tứ đại khí, quốc bảo thời Lý - Trần của lịch sử dân tộc.

Kiên quyết giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc Bắc - Nam

CÔNG SÁNG |

UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) sẽ tiến hành cưỡng chế nếu các hộ dân không thực hiện đúng quy định, phương án giải phóng mặt bằng.

Cầu thủ SLNA bị nghi gian lận tuổi: Bất thường quá trình học

QUANG ĐẠI |

Cầu thủ B.V.B, đội U11 Sông Lam Nghệ An, có nhiều điểm bất thường trong quá trình học tập liên quan đến nghi án gian lận tuổi.

Thủy điện Tuyên Quang đóng toàn bộ 8 cửa xả đáy

Việt Bắc |

Đến sáng 17.9, Thủy điện Tuyên Quang đã đóng cửa xả đáy cuối cùng sau khi phải mở toàn bộ 8 cửa xả trước mưa lũ lịch sử.

Áp thấp mạnh lên thành bão, mưa lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ

Khương Duy |

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai vừa phát đi tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và cảnh báo mưa lớn ở nhiều nơi.

Mệt mỏi vì bơm xong lại ngập trong biệt thự chục tỉ ở Hà Nội

Đền Phú - Vân Trường |

Hà Nội - Sau khi được bơm nước, dọn dẹp sau bão số 3, nhiều biệt thự tại KĐT Nam An Khánh lại ngập sau cơn mưa lớn.