Giấc mơ thành thị

Hoàng Anh Linh |

- Thời buổi gạo châu củi quế. Hay là thôi em ạ. Ngày mai chúng mình trả nhà rồi về lại quê...

Trong đêm mưa giữa lòng thành phố, tiếng nói của Trường nho nhỏ vang lên lẩn vào trong cơn mưa tầm tã. Sương nằm gác tay lên trán, nghe tiếng từng đợt mưa vỡ tan trên mái tôn rỉ sét thành những tiếng ầm ầm như búa nện. Sương mở mắt thao láo. Có tiếng chuột rúc bên ngoài cánh cửa đang kiếm ăn đêm. Một vài giọt nước nhiểu ri rỉ bên ngoài hành lang chật hẹp lúc nào cũng ngổn ngang bầy hầy. Nghe chồng nói, Sương không trả lời ngay. Cô nằm thở hắt ra một hơi dài. Những ngày mưa bão, ở trong phòng trọ nhỏ chỉ 10m2 tăm tối như dưới hầm lò, nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ khiến tâm can người ta  day dứt và phiền lòng

- Mỗi tháng mình trả nợ đã 5 triệu rồi, còn tiền học cho con, tiền ăn uống xăng xe, thi thoảng lại gửi về một ít giỗ chạp... Về quê thì làm gì trang trải nổi hở anh? Giá như...

Sương bỏ dở câu nói, im lặng trong không khí ủ dột. Trường vừa gặp tai nạn ở công trình và vừa bình phục mấy ngày nay. Đã bảy tháng rồi, Sương lên thành phố ở và làm việc cùng Trường khi chẳng kiếm nổi ra tiền ở quê nữa. Ngày trước, Trường theo người ta lên thành phố làm công nhân xây dựng còn Sương ở nhà làm việc đồng áng và chăm con. Mỗi tháng anh đều đặn gửi về nhà dăm bảy triệu để lo cho hai con ăn học, chỉ giữ một ít lại chi tiêu. Sương ở quê mỗi ngày đi vặt lá chuối và xin tro bếp để ươm cây giống bầu bí bán cho người ta. Một bầu cây chỉ có một ngàn. Mỗi ngày Sương làm việc từ lúc đưa con đi học đến đón con về. Tối lại đẩy chiếc xe tự chế cặm cụi đi bán bánh tiêu, nước uống ngày cũng kiếm được một vài trăm. Nhà ở quá gần sông lớn nên nhà nước vận động hỗ trợ cho gia đình cô vay làm bờ kè cho an toàn. Làm bờ kè thì tiền không nhỏ, tổng chi phí hết cả trăm triệu. Mỗi tháng Sương phải đóng gốc lãi cho ngân hàng gần 4 triệu đồng. Chẳng may hai đứa trẻ luân phiên bệnh nặng nằm viện hàng tháng trời. Tiền tiết kiệm hết nhẵn. Ngoài số tiền ít ỏi Trường gửi về, Sương một mình chạy vạy khắp nơi vay mượn. Số tiền nợ cứ thế nhân lên. Nhiều bữa hụt tiền, nhìn mâm cơm vỏn vẹn trứng luộc nước mắm mà hai đứa trẻ vẫn ăn thiệt tình, Sương thương con đến đau lòng.

Ngày nào Trường cũng gọi video để hỏi han hai con. Hai đứa trẻ nhìn thấy cha lấm lem xi măng đất cát, chúng nó ngây thơ hỏi sao cha bẩn thế. Sương quát lên một cái, giảng giải cha chúng một mình vật lộn với nắng mưa gay gắt ở công trường để kiếm tiền cho hai chị em ăn học. Hai đứa trẻ hiểu chuyện nên từ đấy chúng chẳng bao giờ dám chê cha bẩn nữa. Một lần đi ngang qua một ngôi nhà đang xây, chúng chỉ vào những người thợ hồ nhọc nhằn mồ hôi nhễ nhại, hỏi Sương có phải cha chúng cũng đi xây nhà như vậy không. Sương trả lời là đúng, cha còn đi xây những ngôi nhà cao và lớn hơn như vậy nhiều. Cha còn cực khổ hơn nhiều. Nói tới đó tự dưng Sương ứa nước mắt, tưởng tượng Trường cũng đang cực nhọc giữa cái nắng dữ dội ở Sài Gòn...

Từ ngày dịch bệnh, lâm vào thế khó nên ai cũng thắt chặt chi tiêu. Ở quê người ta cũng chuyển sang trồng cây lâu năm nên Sương chẳng còn bán được những bầu ươm cây giống ngắn ngày. Mỗi ngày cô đành đẩy chiếc xe tự chế của mình đi loanh quanh trên đường ngang dọc bán thêm cà phê, trà sữa và những loại bánh rẻ tiền để kiếm thêm thu nhập. Vì là xe cồng kềnh nên Sương cũng nhiều lần bị cảnh cáo vì lấn chiếm lòng lề đường. Những hàng quán ăn vặt mọc lên nhiều như nấm nên chiếc xe của Sương chẳng mấy chốc đã xếp xó. Quê xa heo hút, tìm mãi cũng chẳng có công việc nào đủ lo cho hai đứa con. Chờ hai đứa khỏe, Sương bấm bụng gửi con cho ông bà nội rồi lên thành phố với chồng.

Thời gian đầu vừa lên Sài Gòn, Sương còn mơ mộng lắm. Cô nghe người ta nói rằng Sài Gòn là một nơi đầy ắp ánh sáng và nhiều việc làm. Nhưng khi đến phòng trọ của chồng thì Sương mới giật mình. Mỗi gian phòng trọ chỉ 10m2 bé nhỏ, vừa ẩm thấp vừa tối om om. Dãy trọ có hai chục căn người ta sống với nhau chen chúc như bầy ong trong tổ. Trời nắng thì nóng như chảo dầu, trời mưa thì muỗi mòng rỉ dột. Mà con hẻm chật hẹp cứ đi một đoạn là có một khu trọ như thế. Sương lẩm bẩm, ngẩn cả người.

Hôm sau Sương dậy sớm, mặc bộ quần áo mới để dành từ vài năm trước chỉ dám mặc khi đi đám cưới và giỗ chạp. Cô bừng bừng hi vọng đi dọc theo con đường lớn bên ngoài dãy trọ. Đường đông đúc như nêm. Cứ hễ chỗ nào dán bảng tuyển dụng Sương đều hỏi han đi vào nhưng nhìn thấy Sương ai cũng lắc đầu. Sau một tuần, Sương bắt đầu thấy lo lắng. Người ta chỉ tuyển những người có bằng cấp, có trình độ hoặc phải có ngoại hình dễ nhìn một chút. Cái bằng cấp ba từ ngày xửa ngày xưa chẳng giúp ích gì cho Sương giữa chốn phồn hoa đô hội. Một bà mẹ hai con nhiều năm làm lụng quần quật ngoài ruộng đồng với cái nắng cháy da nhan sắc sớm đã không còn gì. Sương đen đúa, người nhỏ thó, ăn mặc lại xuề xòa. Cái “quê kệch” và thật thà của cô khi đi xin việc khiến nhiều người bật cười. Người lịch sự họ từ chối Sương bằng những lời cảm thông. Kẻ thì lại bĩu môi như thể Sương là người rừng vừa lạc xuống thành phố. Sương xấu hổ quá, nhiều lần cô hỏi chồng “Em xấu lắm phải không anh?”. Trường cười xòa nhanh chóng lảng sang việc khác.

Trường nằm nghe tiếng Sương ngái ngủ. Anh sờ bả vai xương xương của Sương ngày xưa còn đi học đã từng mềm mại thế nào. Ngày đó Sương đẹp nhẹ nhàng lại hiền ngoan. Cái đẹp của người con gái nông thôn đầy đặn như ánh trăng rằm. Nhà Sương cũng bình thường chứ không nghèo như gia cảnh của Trường. Học xong lớp 12, Sương thi rớt đại học nên nhiều nhà ngấp nghé hỏi cưới Sương lắm nhưng cô lại chịu mỗi Trường. Cũng may cha mẹ Sương đều hiền lành nên mới chấp nhận anh. Cha mẹ Trường cũng là nông dân, có kha khá đất nhưng cứ trồng cái gì là cũng rẻ như cho. Nhà lại đông anh em nên mỗi người chỉ được chia đều một mảnh nhỏ. Ngày cưới Sương cũng chẳng có nhiều bạc vàng để đeo như những cô gái khác. Ngôi nhà nhỏ bên sông ở quê đang ở cũng là do hai vợ chồng tự làm lụng bao lâu nay nhịn ăn nhịn mặc gom góp xây lên được. Sương làm lụng quần quật nên nhan sắc tàn phai theo năm tháng nhanh hơn người bình thường. Trường luôn xem đó là lỗi của mình. Trong lòng anh, Sương là người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều lần Trường muốn nói với cô rằng anh cũng muốn lo cho cô được đủ đầy giống như những người khác nhưng anh không thể. Sự thương yêu, thương cảm thì đâu dễ nói ra thành lời.

Mãi rồi Sương cũng xin được việc làm trong một công ty may. Buổi tối cô làm thêm phụ bếp trong một nhà hàng. Người tuyển dụng tốt bụng đã nhận cô thông qua lời giới thiệu của một người ở cùng dãy trọ với Sương. Mức lương may mặc và phụ bếp cũng chẳng nhiều nhặn là bao nhưng nó cần thiết lúc này. Cứ làm việc trước đã rồi tính sau. Công việc chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn mà nhanh nhẹn thì Sương có thừa. Chẳng mấy chốc cô cũng có được thiện cảm ở chỗ làm. Người ta khen cô may khéo, học hỏi nhanh. Nhiều đêm muộn ở nhà hàng về, Sương sung sướng xách túi đồ ăn của bà chủ cho. Bà biết hoàn cảnh của cô nên dúi cho ít đồ ăn thừa còn sót lại trong bếp, đem về cũng đỡ được tiền chợ ngày hôm sau. Trường quay mặt đi giấu đôi mắt cay cay. Anh nằm nghe tiếng Sương xối nước ào ào trong ô nhà tắm nhỏ như mắt muỗi. Đã từ lâu, Trường cũng chưa dám tưởng tượng cái ngày sau của vợ chồng mình...

Yên ổn chưa bao lâu thì Trường gặp tai nạn tại công trường so sập giàn giáo. May mắn không nguy đến tính mạng nhưng cái sống lưng và bả vai của Trường từ nay cũng chẳng làm việc nặng được nữa. Sau thời gian nằm viện, mọi thứ như trở về con số 0. Công ty may của Sương cũng gặp vấn đề nên việc làm bữa có bữa không. Để trang trải chi tiêu, Sương vẫn đi làm phụ bếp ở nhà hàng. Cô làm quần quật, chạy cả chân lao công và rửa chén. Khi khỏi bệnh Trường cũng đi đây đó để kiếm việc làm. Anh vẫn đi theo những công trình nhưng cái lưng và bả vai đau nhức không cho phép. Anh chỉ lẩn quẩn làm những việc nhẹ so với người khác. Nhưng làm việc nhẹ với chút lương bèo bọt thì tiền đâu để đủ chi tiêu. Tiền trả ngân hàng xong cũng chỉ đủ trả tiền phòng trọ, ăn uống chi tiêu. Còn tiền học phí, sách vở cho hai đứa nhỏ, lâu lâu ông bà ốm cũng phải gửi một ít gọi là phụng dưỡng nên càng thiếu trước hụt sau. Không lẽ chỉ trông cậy vào vợ mình. Trường sinh ra cáu bẳn và tự ái. Trường chợt thấy chướng mắt với hình ảnh Sương lẩm bẩm chuyện tiền nong rồi ngồi đếm vài đồng bạc lẻ. Trường cộc lốc nói:

- Từ bao giờ em trở thành người đàn bà chi li ki bo hay tính toán?

Sương ngỡ ngàng ngẩng lên nhìn Trường, quên mất bao nhiêu đồng bạc lẻ mà mình đang đếm. Lần đầu tiên Sương nghe lời nói có phần mỉa mai từ chồng. Sương ngỡ mình nghe nhầm. Cô cười giả lả:

- Em lúc nào mà chẳng tính. Không tính toán ki cóp thì có mà toi. Tiền nhà cũng sắp đến tháng phải đóng, xăng vừa lên giá, thịt thà cá mắm cũng mắc như vàng đâu rẻ như ở quê mình...Tháng này phải mua vở mới bút mới cho con. Rồi giữa tháng nhà lại có giỗ ông nữa anh ạ!

- Thôi im lặng cho tôi nhờ. Đau đầu quá. Suốt ngày tiền tiền ! Đúng là đàn bà...

Sương giật thót người, im bặt khi nghe câu nói khó chịu có phần cay đắng của Trường. Từ đó đến nay anh chưa từng nói vậy với Sương bao giờ. Nhưng có lẽ áp lực khiến Trường bị stress, Sương cũng không nghĩ nhiều. Sương vẫn thương anh. Từ ngày khỏi dậy, Trường có phần hơi nóng tính. Trường bực mình nằm quay người vào vách tường. Mảng tường bong tróc vôi vỡ xám xịt. Tiếng thằn lằn chắt lưỡi khiến Trường càng thêm nổi nóng. Trường vùng vằng đứng dậy, khoác cái áo vải sờn cũ mèm đi thẳng một mạch ra ngoài, mặc Sương gọi í ới và nhìn theo Trường một cách  khó hiểu.

Lúc nào Trường cũng thấy mình kém cỏi so với người khác. Từ một người hiền lành chỉ biết chăm chỉ làm việc, Trường trở thành một kẻ cục súc. Trường thay đổi xoành xoạch chỗ làm vì cái tội dám vặc lại chủ. Mỗi lần nghỉ việc là mỗi lần Trường say khướt. Có một lần vì quá say nên anh tiêu nhẵn số tiền vừa lãnh được trong một cuộc nhậu. Trường lảo đảo về dãy trọ thấp tè hôi hám. Ông chủ trọ quắc mắt nhìn anh, giọng đanh lại:

- Này, trễ tiền nhà bốn ngày rồi đấy. Có tiền trả chưa mà nhậu say bét nhè thế hả?

Nhìn ông chủ trọ tham lam, nhìn những ánh mắt dò xét của những người xung quanh, nhìn mọi thứ ngổn ngang trước mắt, Trường chán ghét. Anh quậy tung một trận như muốn trút nỗi bực dọc đè nén bấy lâu. Hôm đó dãy trọ vang lên tiếng đập phá và tiếng chửi om sòm. Nếu không nhờ Sương năn nỉ mọi người chắc Trường cũng đã bị bắt lên phường vì tội gây rối trật tự

Khuyên nhủ mãi mà chồng chẳng thay đổi gì, Sương mang trong lòng nỗi muộn phiền khiến cô lại càng già hơn trước. Sương mới 35 tuổi mà trông cô khắc khổ như đã hơn 40. Là đàn bà ai cũng biết cái quan trọng của nhan sắc. Nhiều lần Trường say xỉn về lỡ lời lại mang cô ra chì chiết chê bai. Quả thật Sương đứng tuổi hơn Trường nhiều lắm. Hết giờ làm, Sương đi lang thang giữa phố phường náo nhiệt rồi tự buồn cho thân phận mình. Trên người cô mặc bộ quần áo cũ đã may từ hai năm trước đã phai màu nhăn nhúm lôi thôi lếch thếch. Từ ngày lên thành phố Sương thấy ngoài đường bán đủ thứ nhưng cô nào dám mua gì. Tiền đâu mà mua. Tay cô vẫn xách túi đồ ăn thừa về làm bữa ăn cho hôm sau. Một người đột nhiên đưa cho cô cái bao đựng đầy chai nhựa. Sương dở khóc dở cười khi cô bị hiểu nhầm là người nhặt ve chai. Thôi kệ có thêm đồng nào hay đồng nấy. Sao trước đến giờ Sương không nghĩ ra. Sương vừa đi vừa nhặt những thùng giấy chai nhựa người ta bỏ ngoài vỉa hè. Đã giữa đêm cô cũng không có ý định về nhà. Cô cứ đi mãi trên con đường sáng rực dài như bất tận. Đi ngang qua một ngôi nhà, Sương nhìn vào trong, có tiếng cười của hai đứa trẻ. Sương chợt mỉm cười. Tự dưng cô nhớ ngôi nhà nhỏ ở quê. Ngày trước mỗi chiều xuống, cô cùng Trường và hai con ngồi ở cửa sau nhìn ngắm hoàng hôn. Giá như chẳng có nợ nần, giá như mọi thứ vẫn yên ổn như lúc trước...

Chiếc bao phế liệu che khuất tầm nhìn. Trong lòng mãi suy nghĩ mông lung về những chuyện cũ, Sương vội vã qua đường khi nhìn thấy một túi đồng nát lỉnh kỉnh ở vỉa hè bên kia. Một chiếc ô tô lao thẳng vào Sương. Cô nằm ngã xoài ra đất. Những chai nhựa, đồng nát cứ thế lăn ra đầy đường. Trường đang nằm ngủ vùi trong phòng trọ, nghe tin anh bủn rủn. Anh lao vội ra chỗ Sương gặp tai nạn. Người dân đang giúp nhặt cái bao ve chai để vào lề. Sương được xe cấp cứu chở đi rồi. Trường như điên loạn, anh chạy bộ qua biết bao con đường để đến bệnh viện. Vừa chạy Trường vừa nhớ lại hình ảnh cái bao ve chai vương vãi. Nước mắt giàn giụa như mưa. Lần đầu tiên trong đời Trường khóc, khóc giữa thành phố hoa lệ cho những khổ đau mà vợ mình chịu đựng. Khi đến bệnh viện, người ta chưa cho anh vào. Trong đêm đó Trường ngồi ở hành lang bệnh viện, thất thần thức trắng chờ tin.

Vài ngày sau, hai đứa trẻ cũng được bà dắt lên thành phố thăm mẹ. May mắn sao Sương bị chấn thương ở vùng đầu nhưng không để lại di chứng gì. Cả nhà gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Nhìn hai đứa con còn thơ dại, Trường quay đi cảm giác lầm lỗi chất chứa nặng nề sâu kín tận đáy lòng. Trường mấy nay vẫn chưa dám nói lời xin lỗi với vợ mình. Nếu không vì bản thân anh trượt dài và mặc cảm, vợ con cũng sẽ không khổ sở vì mình. Nhưng Sương không giận anh. Không cần anh nói ra nỗi lòng mình, Sương đã bảo chỉ cần anh trở lại là anh của trước kia, chuyện gì cũng qua. Trường gật đầu, lòng anh nhẹ nhõm khi vừa trải qua cơn sóng dữ.

- Chúng tôi có ít tiền, gửi cậu mua thuốc cho vợ. Mà này nhớ mua gì ngon ngon cho cô ấy ăn đấy.

Ông chủ trọ dúi vào tay Trường một xấp tiền. Tiền lẻ có, tiền cũ có. Người vài chục, kẻ một trăm. Đó là số tiền của mọi người trong xóm trọ hùn lại cho Trường để lo viện phí cho Sương. Lần đầu sao bao năm ở dãy trọ, Trường mới cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Một người nói :

- Tôi có biết một xưởng giày da đang tuyển nhân công đấy. Mai mốt anh ghé đó xem sao. Lương thưởng cũng được lắm mỗi cái ngồi nhiều hay đau lưng...

- Ấy lại nói linh tinh nữa rồi. Còn trẻ ai mà sợ khó sợ khổ chứ. Tôi cũng biết có một chỗ này đang cần người tỉa tót cây kiểng đấy. Chỉ làm vào chủ nhật. Nhưng thù lao không tệ. Nếu anh làm tôi giới thiệu cho anh...

Trường đứng im, lắp bắp vì quá bất ngờ xúc động chẳng biết nói gì. Ông chủ trọ cũng thở hắt một hơi dài, lắc đầu bảo:

- Thôi thì tôi miễn tiền trọ cho cô cậu tháng này đấy. Liệu mà tu chí làm ăn. Khổ đến thế thì thôi. Mà cậu cũng bớt nhậu nhẹt đi. Vợ cậu nó khổ lắm đấy.

Ông chủ trọ càu nhàu lẩm bẩm như sợ Trường nghe thấy. Trường cầm những đồng tiền trong tay, anh cảm động. Cái dãy trọ bấy lâu Trường chán ghét lại đầy lòng thương từ những người xa xứ nhiều hoàn cảnh và thu nhập thấp giống như vợ chồng anh. Trường đứng tần ngần mãi. Mọi người hỏi thăm xong tản ra ai về phòng nấy. Dãy trọ vẫn ngổn ngang. Thị thành vẫn tấp nập. Tự nhiên sau rất nhiều năm bỏ ngỏ, Trường đột ngột nghĩ đến tương lai...

Xuất viện, Trường đưa vợ đến làm việc tại xưởng giày da. Lương thưởng cũng ổn, thời gian đầu phải học việc nhưng lâu dần cũng quen. Mỗi ngày Trường chở Sương đi làm, đi qua bao con phố tấp nập. Chiều về, cả hai ghé mua rau cá tại một chợ nhỏ để về làm cơm. Cuộc sống trôi đi bình thản ,nhẹ nhàng. Khi đã thạo nghề, mức lương cũng dần tăng, vợ chồng anh cũng đủ có thể chi trả nợ nần và cuộc sống có hi vọng hơn một chút. Lâu nay Trường cũng đi làm cây kiểng vào mỗi cuối tuần. Những nhà giàu họ thuê người tỉa tót và chăm sóc cây kiểng dài hạn. Nhờ bàn tay khéo léo biết uốn nắn dáng cây, Trường cũng được boa thêm chút tiền. Trường về dúi hết vào tay vợ, để dành lo hai con. Trường thở phào nhẹ nhõm, thì ra ngày mai vẫn luôn nằm trong bàn tay của chính mình.

Buổi chiều thành phố lao xao. Sương tựa đầu vào lưng chồng ngửi mùi mồ hôi chua chua quen thuộc. Trường chợt mỉm cười. Anh đột nhiên mơ mộng về những điều tốt đẹp sau này và cười một mình trong giấc mơ thành thị. Trong khi đó, Sương ngồi ở phía sau xe cũng đang nghĩ về những ngày rực rỡ trên phố phường lộng lẫy đang trôi ngang qua. Chiếc xe máy của Trường chở Sương nhẹ nhàng ngoằn nghoèo vút qua những dãy phố, mất hút vào dãy trọ ngổn ngang...

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng). 

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023). 

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://news.laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo. Hoặc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh.

Bạn đọc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi.
Bạn đọc quét mã Qrcode bằng điện thoại thông minh để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi.
Hoàng Anh Linh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Sông cạn

Nguyễn Thị Thanh |

Sau khi dặn dò con gái cột chắc chiếc ghe vào gốc cây, ông Bình lầm lũi đi lên chiếc chòi dành cho hai ba con ông. Má cái Hạ, vợ ông đã bỏ ba con mà đi vào một ngày mưa tràn bờ bãi. Hôm ấy bà một mình chạy ghe đi chợ thế rồi bà đi mãi không về. Đến khi tìm được bà thì ông đã không thể nào nhận ra khuôn mặt vợ mình. Cũng may nhờ vào quần áo, và cũng có thể nhờ vào linh cảm của người chồng ông mới có thể nhận ra bà. Lúc đó Hạ chỉ mới tám tuổi, nghĩ thương con gái sớm mồ côi mẹ, ông Bình ở vậy nuôi con. Cũng chẳng phải không có người thương cảm nhưng ông lại sợ người ta không thương con mình. “Mấy đời bánh đúc có xương...”. Đời ông bây giờ chỉ mong con gái có người nào tử tế thì lấy chồng cho ông đỡ tủi, cũng là hoàn thành lời tự hứa của ông với vợ. Nghĩ đến vợ con tim ông lại đau nhói.

Truyện ngắn dự thi: Chim di

Hoàng Anh Linh |

Nhà có vài ba công đất, làm mãi không đủ ăn. Những đứa con ông Thản lần lượt bỏ lên thành phố. Nhiều bữa nhìn căn nhà trống không hiu quạnh, ông Thản ngồi thừ người nhìn ra cánh đồng mía khô xơ xác, cứ lặng im suy tính, không biết nghĩ gì.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng sóng bên sườn núi

KIỀU XUÂN QUỲNH |

Lãnh đạo của nhà máy bắt tay chúc mừng Trường khi những cánh van vận hành khép vào cửa xả lũ. Dòng chảy bất ngờ bị chặn khiến con sông hung dữ chỉ còn sóng vỗ. Nước bắt đầu dâng lên che giấu đi vết nham nhở của năm tháng xây dựng. Giờ đây dòng sông như tấm lụa nhung mềm mại xanh trong thăm thẳm giữa những ngọn núi. Tiếng sóng vỗ vào núi, mang theo ký ức của những miền bụi khói tìm về với Trường - người đội trưởng trẻ tuổi nhất công trình.

Bắc Ninh tiếp tục sơ tán 450 hộ dân trong đêm

Vân Trường |

450 hộ dân trong một khu phố ở TP Bắc Ninh đã được sơ tán đến nơi an toàn vào rạng sáng nay khi mực nước sông khu đê bối dâng cao, có dấu hiệu tràn qua mặt đê.

Bản tin công đoàn: Tăng lương với giáo viên hợp đồng 111

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung sau: Tổng LĐLĐVN kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão; Giáo viên ký hợp đồng 111 có được tăng lương?...

Gia cố nhiều điểm xung yếu dọc sông Lô

Việt Bắc |

Trong khi vị trí vỡ đê tại Tuyên Quang đang chờ được khắc phục, nhiều vị trí xung yếu khác dọc sông Lô đoạn qua Phú Thọ cũng khẩn trương được gia cố.

181 người chết, 145 người mất tích do ảnh hưởng bão số 3

Khương Duy |

Đến 22h ngày 11.9, có 181 người chết, 145 người mất tích. Số người chết, mất tích do ảnh hưởng cơn bão số 3 hôm qua tăng 126 trường hợp.

Mỹ chỉ trích Israel vì sát hại nhầm một người biểu tình

Bùi Đức |

Nhà Trắng phản ứng trước thông tin Israel vô tình sát hại một người biểu tình quốc tịch Mỹ.