Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An:

“Giữ được hồn người, hồn phố, Hội An sẽ giữ được trái tim du khách”

Thùy Trang (thực hiện) |

Gắn bó với phố cổ Hội An hơn 20 năm từ lúc nơi này chỉ là những con đường đìu hiu cho đến khi nổi danh thế giới và nay, khi nhiều người yêu Hội An tiếc nuối bởi nơi này đang dần trở nên xô bồ, ồn ào, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhìn nhận: “Hội An đang đứng trước những lựa chọn, những thách thức mới mà phải giữ được hồn người, hồn phố, Hội An sẽ giữ được trái tim du khách”.

30 năm sau đổi mới, phố cổ Hội An có được vị thế lẫn danh tiếng như hôm nay là được gầy dựng từ những điều gì thưa ông?

- Từ những năm đổi mới, lãnh đạo và nhân dân Hội An đã chọn một hướng đi mà đến bây giờ nó vẫn đang tiếp, đó là phát triển du lịch. Mà để đưa ra lựa chọn này và đạt được vị trí như ngày hôm nay, Hội An phải dựa trên nền tảng văn hóa. Trong văn hóa thì có giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể thì cái đầu tiên mà Hội An bắt đầu đó là văn hóa vật thể, chính là phố cổ Hội An, kiến trúc hàng trăm năm.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là giai đoạn mở đầu chứ không phải là đường dài. Điều lớn hơn để Hội An phát triển bền vững lâu dài, làm giàu lâu dài hôm nay và trong tương lai, đó là sự phát triển trên những giá trị văn hóa phi vật thể, mà ở đó con người Hội An đóng vai trò trung tâm. Bởi họ chính là người tạo nên nếp sống, cách ứng xử, sự thân thiện, mến khách của người Hội An. Lâu nay Hội An cũng đã đi lên bằng chính những điều đó, bằng những giá trị của chính Hội An.

Vậy Hội An hiện nay đang đứng trước những thách thức mới như thế nào?

- Nói một cách đầy đủ và tổng quát nhất thì Hội An lúc nào cũng có thách thức chứ không chỉ riêng hiện nay. Mỗi giai đoạn có những thách thức khác nhau. Thời kỳ Hội An chưa phát triển thì thách thức lớn nhất là đời sống của người dân, công ăn việc làm. Đến giai đoạn bắt đầu cho sự phát triển, đổi mới thì thách thức của Hội An là tìm một hướng đi cho phù hợp. Và đến nay, trong một giai đoạn mới, khi người ta quan niệm phải làm kinh tế thật nhiều, thật nhanh, thách thức vô cùng lớn mà Hội An đang đối diện là làm sao để giữ được những giá trị tốt đẹp của Hội An. Phải làm sao để Hội An vẫn phát triển, đi cùng với thế giới chứ không để lùi lại phía sau nhưng vẫn giữ được mình, giữ được nếp sống đó, những con người đó, sự thuần hậu đó.

Thách thức nữa là những tài nguyên thiên nhiên đã có, đã được khai thác. Cũng câu chuyện người ta muốn làm kinh tế nhanh thì xảy ra việc sẵn sàng đánh đổi, tác động xấu đến thiên nhiên như việc san lấp sông hồ, xây dựng cao ốc, bán đất bán nền. Nói không quá lời thì chúng ta đang ăn chặn vào tương lai. Trong khi cái lợi hiện tại chỉ là cái tức thời. Thế nhưng với tôi, thách thức lớn nhất là mặt nhận thức trong mỗi con người. Từ lãnh đạo đến nhân dân Hội An, liệu họ có nhận ra mình đang mất và sẽ mất gì ở hiện tại và trong tương lai?

Những nguyên nhân nào đưa đến thách thức mà hiện nay Hội An đang đối mặt như ông chia sẻ?

- Hội An hiện nay trở thành điểm đến thu hút lượng khách ngày càng đông. Khách đến là điều tốt vì chỉ có những nơi có sức quyến rũ thì du khách mới đến, mà ở Hội An du khách không chỉ một mà nhiều lần. Thế nhưng nếu không kiểm soát thì nó sẽ vô cùng lộn xộn.

Thậm chí, chính việc khách đông này tác động rất lớn đến môi trường sống Hội An, nó làm cho nếp sống của người dân Hội An không nhiều thì ít sẽ bị xáo trộn, đảo lộn theo một hướng không tốt. Mà thực sự điều này cũng đang diễn ra.

Rõ ràng lâu nay, Hội An được danh tiếng và tình cảm của nhiều người không chỉ ở quần thể kiến trúc đô thị cổ bởi nếu muốn tham quan thì người ta chỉ cần đi 2 ngày là xong nhưng điều du khách ở nhiều ngày, quay trở lại Hội An, dành cảm tình đặc biệt Hội An là bởi vì người ta thấy phố vẫn cứ cổ nhưng mà luôn có những cái mới đến từ con người Hội An.

Mà cái mới ở đây không phải là lạ mà là những cái mới thân quen. Người ta đến Hội An như được về nhà, được ấm lòng, như được sống trên chính quê hương của họ. Du khách tìm được những giá trị mới mà Hội An mang đến cho họ mỗi ngày, giữa một không gian yên bình. Một nếp sống thuần hậu của người dân Hội An là không chèo kéo không chụp giật, điều đó khiến du khách tìm thấy ở người Hội An một cách sống tử tế.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề. Hiện nay một bộ phận người luôn coi Hội An là số một. Từ tự hào về quê hương mình họ trở thành tự cao, tự đại dẫn đến tự phụ mà không thấy thách thức chung quanh đang đặt ra, để rồi bị tụt lại phía sau với tư tưởng thỏa mãn. Tình trạng mua bán xô bồ, chụp giật, chèo kéo là những điều xưa nay không có ở Hội An thì nay lại xuất hiện. Cách làm ăn xổi ở thì, chặt chém du khách cũng vậy.

Cũng cần phải nhìn nhận lại, điều đó đang xảy ra trên mảnh đất Hội An chứ không phải là người Hội An gây ra. Bởi trong quá trình phát triển Hội An đã đón nhận một lượng lớn người từ nơi khác đến. Có người chọn Hội An làm quê hương, họ đến vì yêu Hội An, những con người làm cho văn hóa Hội An thêm phong phú. Một nhóm người chọn Hội An làm nơi kinh doanh buôn bán, họ mang vào đó sự nhanh nhạy, họ làm việc tử tế làm cho Hội An ngày càng tốt hơn.

Thế nhưng, một nhóm người khác có điều kiện, mua những ngôi nhà cổ ở Hội An nhưng lại không sinh sống chỉ vào ra vài ngày trong năm. Mặc dù không đánh mất kiến trúc Hội An nhưng khiến cho nơi này mất đi hồn vía của nó. Bởi chính những đầu hồi bờ chải cùng với con người dưới từng nếp nhà bấy lâu nay mới tạo nên hồn phách Hội An.

Đặc biệt, nhóm người gây ảnh hưởng nhiều nhất là những người muốn kinh doanh Hội An, đây chính là những người khiến Hội An bị biến đổi. Họ mua đất, kinh doanh những ngôi nhà trong phố cổ, thuê nhà kinh doanh. Thời gian sinh sống ở Hội An không lâu dài khiến họ không có khái niệm gắn bó mà cần phải thu lợi càng sớm, càng nhiều càng tốt nên họ sẽ làm mọi việc.

Về phần những người Hội An vẫn đang sinh sống và làm ăn ở nơi đây, một số người khi thấy những người kia làm ăn tốt hơn, có tiền nhiều hơn nên đôi lúc họ nhắm mắt đi theo những lối đó. Tất cả mang lại một thực trạng mà Hội An đang có.

Phố cổ Hội An. Ảnh: Long Phạm

Nếu để Hội An như hiện nay thì chuyện gì sẽ xảy ra?

- Trong một tương lai gần, Hội An sẽ vỡ trận. Chúng ta sẽ không còn sự yên bình, không còn không gian để bán cho du khách. Và chính sự vỡ trận này sẽ làm tổn hại rất lớn, nó khiến cho tương lai chúng ta nghèo đi cả về kinh tế khi du khách không đến nữa, người dân không có thu nhập, thậm chí là nghèo đi những giá trị tinh thần khi con người quen với cuộc sống xô bồ, ồn ào, chụp giật.

Đứng trước những thách thức đó, vậy Hội An cần phải làm gì để “giữ mình”?

- Phía Nam và phía Bắc Hội An đang dần hình thành những khu phát triển trong tương lai. Đó là sự canh tranh lớn mà Hội An sẽ sớm đối diện. Từ đó để thấy, Hội An phải tạo ra những sản phẩm mới trên nền tảng giá trị của chính mình, của mảnh đất đó chứ không phải một sản phẩm mới mang giá trị của người khác để thu hút du khách. Hội An không cần hiện đại, quy mô, to lớn, mà chỉ cần nhỏ bé, nhẹ nhàng thì bản thân nó đã có sự thu hút.

Du khách đi du lịch là muốn tìm hiểu giá trị của vùng đất và con người tại đó chứ không phải là để thấy giá trị của mảnh đất họ trên đất nước khác. Mà rõ ràng tư duy du lịch của nước ta là đang tạo ra những dịch vụ chạy theo nhu cầu du khách, như vậy là bất ổn. Trong khi lý ra anh phải tạo ra những sản phẩm, giới thiệu những giá trị của chính anh để rủ rê du khách, thu hút du khách.

Điều quan trọng nữa là phải trả lại tất cả những điều tốt đẹp vốn có của Hội An. 

Đó là những con phố mà du khách thoải mái rảo bước đi dạo, không có người bán hàng chèo kéo, người dân thân thiện. Đây là một việc không phải là quá khó bởi chúng ta đã từng làm được thì nay cũng có thể làm tốt. Đừng để nhiều người dành tình cảm cho Hội An mà nay phải tiếc ngẫm, “Hội An giờ chỉ là nơi để nhớ”!

Vậy theo ông, người dân và lãnh đạo Hội An cần làm gì và trai trò của họ ra sao trong việc gìn giữ Hội An?

- Khi làm bất kỳ việc gì đều chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhưng nếu phải hy sinh lợi ích của một bộ phận nhỏ cho lợi ích toàn cục thì chúng ta phải chấp nhận. Với tôi, có việc khó thì mới cần những người lãnh đạo. Họ phải là những người phải có bản lĩnh để đối đầu với những khó khăn đó. Trước thực tế hiện nay áp lực nhiều hơn, trách nhiệm cũng cao hơn sẽ đòi hỏi tư duy của người quản lý cao hơn.

Hội An trong 30 năm với những bước đi của mình luôn có những sự quyết định lớn. Ví như năm 1994 khi đưa ra chủ trương làm trật tự phố, vạch đường để xe và vỉa hè cho người đi bộ. Lúc ban đầu việc này bị phản đối kịch liệt. Nhưng sau thời gian người dân hiểu và quen dần với nếp sống, thấy rằng điều đó hoàn toàn là vì lợi ích của họ thì mọi việc đều thuận lời.

Tiếp theo đó là cấm xe vào phố cổ cũng bị người dân phản đối nhưng khi chúng ta họp dân, giải thích cho họ hiểu động cơ ôtô khiến phố cổ bị chấn động, ảnh hưởng đến kiến trúc phố cổ thì người dân mới hiểu và đồng thuận.

Tiếp đến là làm khu phố đi bộ, ban đầu chúng tôi triển khai 1 ngày 1 tuần, sau dần 2 ngày và giờ đây là 7 ngày và đã trở thành thương hiệu của Hội An.

Nói vậy để thấy, dù làm gì thì làm nhưng phải mang lại lợi ích thực sự cho nhân dân, dù ban đầu sẽ gặp những khó khăn trở ngại nhưng rồi cũng sẽ làm được.

Hiện nay Hội An đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong phố cổ, điều này rất tốt. Thế nhưng ban hành rồi phải thực hiện, làm sao để nhận thức cộng đồng đủ mạnh để chính họ tẩy chay những hành động xấu xí, mặt khác chính quyền phải xử lý thật nghiêm những người cố tình vi phạm.

Quy tắc ứng xử không chỉ dành cho người Hội An mà dành cho cả du khách. Hội An hay Việt Nam không bài trừ bất kỳ một du khách nào nhưng nhập gia phải tùy tục. Anh đến đây thì phải chấp hành những điều được làm và không được làm của đất nước chúng tôi. Người ta chỉ làm loạn khi chủ nhà không nghiêm. Vậy nên không nên trách du khách. Nếu anh nghiêm thì du khách sẽ không có cơ hội làm loạn. Từ đó, Hội An sẽ chọn lựa được những người khách văn minh.

Và với tôi, một điều hết sức đặc biệt hơn nữa mà tôi mong mỗi người Hội An từ nhân dân đến lãnh đạo phải lấy việc gìn giữ Hội An thanh bình, cách sống tử tế, ứng xử tử tế làm hạnh phúc, xem điều đó như là gìn giữ sự tự trọng của chính bản thân mình thì họ mới có đủ tình yêu và động lực mạnh mẽ để giữ gìn hồn người, hồn phố. Khi đó, Hội An sẽ giữ được trái tim du khách như bấy lâu nay.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Trang (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Nghi vấn Iran dùng tên lửa siêu thanh tấn công Israel

Khánh Minh |

Iran được cho là lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah 1 trong cuộc tấn công vào Israel, song các chuyên gia vũ khí đã bày tỏ hoài nghi.

HLV Kim Sang-sik tìm nhân tố trẻ cho tuyển Việt Nam

MINH PHONG |

Khi các trụ cột đang sa sút, huấn luyện viên Kim Sang-sik buộc phải tìm những nhân tố trẻ mới cho đội tuyển Việt Nam.

Người dân Hà Nội khoác áo dài, hào hứng đón không khí lạnh

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang mát mẻ, se lạnh vào buổi sáng.

Huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ninh lên thành phố

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Ngày 1.11.2024, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực.

Cận cảnh côn trùng chưa có thuốc trị tấn công lúa diện rộng

Lục Tùng - Phong Linh |

Kiên Giang - Trong bối cảnh chưa có thuốc đặc trị, bọ xít hôi có khả năng tiếp tục gây hại trên nhiều cánh đồng lúaĐồng bằng sông Cửu Long.

Huy động 30 đặc công nước tìm kiếm nạn nhân ở cầu Phong Châu

Tô Công (Nguồn: Hải quân cung cấp) |

30 thợ lặn thuộc Lữ đoàn Đặc công 126 là những chiến sĩ tinh nhuệ được huy động cho việc tìm kiếm 4 nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.

Trung tâm thương mại trăm tỉ đồng trên đất vàng vẫn đìu hiu

An Khánh |

Sau gần 10 năm tổ hợp Trung tâm thương mại (TTTM) - chợ trăm tỉ đồng xây trên đất vàng vùng biên xứ Lạng, người dân và tiểu thương đã vỡ mộng vì việc kinh doanh không sầm uất được như chủ đầu tư và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định trước đó.