Họ sẽ lại đi về phía vỉa hè

Hà Quang Minh |

Tôi lục lại câu chuyện vụ nổ súng Đắk Nông năm ngoái, với sự kiện Công ty Long Sơn cuối cùng cũng bị pháp luật sờ gáy do cưỡng chế đất trái phép.

Đọc cả chuỗi sự kiện đã qua, chuỗi sự kiện mà mình từng theo dõi, và lên tiếng, tự dưng tôi bật ra một câu hỏi: “Sai thì phải xử. Nhưng đất ấy cũng có kế hoạch quy hoạch làm dự án rồi. Kiểu gì dân cũng phải bàn giao. Bàn giao xong, những người dân ở đó sẽ đi về đâu, sinh sống ra sao đây?”.

Rồi tôi nhớ chuyện của hơn một năm trước, với những lộn xộn ở Sầm Sơn, Thanh Hoá, mà kéo theo đó là Chủ tịch, Bí thư tỉnh phải đứng ra nói chuyện với dân cho thỏa đáng. Tất cả đều liên quan đến đất. Một tập đoàn nhảy vào xin cấp đất để làm dự án. Thế thì tỉnh nào mà chẳng vui, vì tỉnh cần thêm nguồn thu ngân sách mà. Tỉnh lại muốn cũng được to đẹp, được phát triển. Đất giao cho doanh nghiệp rồi, dân nhận ít đền bù, xong rồi dân lại đi về đâu, sinh sống ra sao đây?

Dự án thép ở Cà Ná vẫn còn đang nằm trên bàn giấy, nhưng đã gây tranh cãi ồn ào bấy lâu nay. Có ông quan chức còn nói rằng “làm sao chỉ trông vào hạt muối với con cá được”. Vâng, nếu giao đất cho doanh nghiệp, dân không còn chỗ để bám biển và làm muối nữa, dân sẽ đi về đâu, sinh sống ra sao đây? Câu hỏi day đi dứt lại kia khiến ta nhớ đến câu hỏi nổi tiếng năm 2016: “Chọn cá hay chọn thép?”.

Đứng giữa những lựa chọn, tất nhiên người chọn lựa phải nghĩ đến chuyện hy sinh. Chấp nhận hy sinh ít hơn để được nhiều hơn, đó là điều ai chẳng hướng tới. Nhưng quan trọng là cái được cho ai? Và hy sinh cho nhân dân sẽ luôn là cái hy sinh đáng trân trọng nhất.

Những hứa hẹn có dự án mới bà con sẽ có công ăn việc làm là những hứa hẹn duy ý chí và chủ quan. 14 năm trước, khi làm việc ở một công ty bao bì ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tôi hiểu. Tuyển công nhân cho nhà máy, chúng tôi chấp nhận luôn cả công nhân chưa lành nghề, không biết nghề, về doanh nghiệp tự đào tạo luôn nhưng số công nhân là người địa phương chỉ chiếm dưới 10%.

Chúng tôi thích công nhân là người địa phương hơn, bởi lựa chọn đó mang lại một sự đảm bảo nhất định với doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng, đa số công nhân vẫn chỉ là những người từ địa phương khác tới. Thậm chí họ có nghề, và họ lựa chọn nhà máy của mình cũng chỉ vì mình chịu trả lương cao hơn nơi khác dăm trăm ngàn mỗi tháng mà thôi.

Người cần lao thì luôn thực tế gần. Vì họ gần với cái no - đói hàng ngày. Thế nên khó trách họ được trong chuyện tại sao không nhìn vào đường dài, không chịu học lấy cái nghề để mà đáp ứng được với doanh nghiệp mới vừa được cấp đất dự án là chính mảnh đất canh tác của họ.

Không có đồng tiền chợ cho ngay ngày hôm ấy, làm sao mà sống nổi chứ đừng nói chuyện học cái nghề. Vả lại, người lao động tuổi tác đã 40 - 50, học sao nổi nữa. Khát vọng đường dài của họ đổ lên hết những đứa con, những mầm sống mà họ sẵn sàng hy sinh tất cả để chúng được học cái chữ mà đổi đời.

Rồi trong cái cảnh đất không có, việc làm không, no - đói nó dí tận lưng mỗi ngày, dân biết đổ về đâu? Thôi thì cứ lên thành phố, kiếm lấy bất kỳ việc gì có thể mà làm. Rửa bát thuê, bán báo, bán rau, nhặt ve chai… gì cũng được. Tất cả cùng bám vào lề đường mà sống. Không chường mặt ra đường, lấy gì mà bỏ vào miệng chứ đừng nói đến chuyện nuôi con ăn học thành người. Vỉa hè đô thị oằn gánh trên mình ngần ấy thân phận. Và cái vỉa hè nó trở nên quá tải cũng phải thôi.

Dẹp sạch vỉa hè là việc cần phải làm ngay và khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói rằng: Đằng sau rất nhiều quán bia, bãi gửi xe đô thị đang lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mỗi ngày là sự bảo kê, chống lưng của các quan chức địa phương, chúng ta hiểu rằng, cuộc chiến đòi lại vỉa hè không chỉ đơn thuần là cuộc chiến làm đẹp lại đô thị. Nó còn là cuộc chiến trả cái đúng về chỗ của mình, cuộc chiến đòi lại những dòng tiền lẽ ra phải đổ vào ngân sách một cách minh bạch, chứ không phải được chi cho những nhũng nhiễu, bảo kê và tạo nên mầm bệnh gây nên những vấn nạn xã hội. Nó cũng là cuộc chiến để những người giàu, những người đang kinh doanh trên thân xác vỉa hè phải hiểu và thực hiện trách nhiệm mà họ phải có đối với xã hội, cuộc chiến đòi lại sự công chính ở từng góc nhỏ của đô thị đang muốn ngày một trở nên văn minh hơn.

Cũng chính vì thế, Quốc hội đã tính đến chuyện có thể thông qua việc cho phép thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường ngay trong năm 2017 này, một việc mà chúng ta hiểu rằng, sẽ đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch để giúp đô thị văn minh hơn, tránh được nạn nhũng nhiễu lề đường. Trước thông tin ấy, tôi chợt thấy hy vọng về một Hà Nội, một Sài Gòn, một Đà Nẵng… sẽ bắt kịp các đô thị văn minh trên thế giới, nơi sẵn sàng cấp phép cho cả người bán hàng rong, loại giấy phép 1 năm phải đổi một lần, để có thể kiểm tra thực tế điều kiện kinh doanh của người bán hàng rong có đạt tiêu chuẩn mà hội đồng TP đưa ra hay không.

Bao giờ ở Việt Nam mình, người bán hàng rong được cấp cái quyền như thế, được hướng dẫn để hiểu luật mà chấp hành luật, được quyền mưu sinh ở các đô thị lớn đây?

Tại sao tôi lại nghĩ đến những người bán hàng rong, những người nghèo mưu sinh ở phố? Dễ hiểu thôi, họ chính là những dòng người từ nông thôn đổ lên thành phố, khi họ không còn cơ hội ở quê nhà.

Ai cũng muốn sạch đẹp và văn minh, ai cũng muốn nơi mình ở phải thực sự “long lanh”, với những con người văn hoá. Nhưng nếu ta nhìn ra ngoài kia, ta sẽ thấy có những mảnh đời khác hẳn với điều kiện của mình. Muốn đẹp ư? Ai mà chẳng muốn. Nhưng có những người phải nghĩ đến thứ cơ bản trước nhất đã. Ấy là Phải Sống.

Sẽ không bao giờ có đô thị văn minh cả nếu như người dân lao động ở các địa phương khác không có đất để làm nghề. Và kể cả 365/365 ngày, mỗi quận một ông lãnh đạo trực tiếp đi dẹp loạn đi chăng nữa, cái vỉa hè vẫn phải chịu phận của riêng nó: Oằn mình gánh những mưu sinh.

Khi ta đi đòi vỉa hè cho thị dân, thì cũng cần đòi quyền được sinh nhai cho dân nghèo ở những vùng dự án…

Hà Quang Minh
TIN LIÊN QUAN

Lỗ thủng văn hóa

Hà Quang Minh |

Trong trào lưu các chương trình game show hài và ca hát nảy nở đến bội thực như ngày hôm nay, một câu chuyện cho mỗi tập để báo chí có thể kéo dư luận vào bàn tán có lẽ là thứ mà BTC luôn muốn tạo ra nhất.

Mẹ ruột đau đớn khi con trai nghi bị bạo hành phải nhập viện

Minh Anh |

TPHCM - Nhìn con trai nằm bất tỉnh trong phòng bệnh, khắp cơ thể chi chít vết bầm tím và bỏng rộp nghi do bị bạo hành, chị N.T.V. không kìm được nước mắt.

Hà Nội trang hoàng rực rỡ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

HOÀNG LỘC - HUYỀN TRANG |

Hà Nội - Người dân háo hức đi chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, với cờ hoa rực rỡ ở khắp các tuyến phố.

Tìm giải pháp cho ngư dân mất kết nối giám sát trên biển

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Cục Thủy sản, nhà mạng VinaPhone - VNPT, Chi cục Thủy sản và người dân đã có buổi làm việc để tháo gỡ việc mất kết nối giám sát hành trình.

Nghi vấn Iran dùng tên lửa siêu thanh tấn công Israel

Khánh Minh |

Iran được cho là lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah 1 trong cuộc tấn công vào Israel, song các chuyên gia vũ khí đã bày tỏ hoài nghi.

HLV Kim Sang-sik tìm nhân tố trẻ cho tuyển Việt Nam

MINH PHONG |

Khi các trụ cột đang sa sút, huấn luyện viên Kim Sang-sik buộc phải tìm những nhân tố trẻ mới cho đội tuyển Việt Nam.

Người dân Hà Nội khoác áo dài, hào hứng đón không khí lạnh

HOÀNG XUYẾN - VIỆT ANH |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết Hà Nội bắt đầu chuyển sang mát mẻ, se lạnh vào buổi sáng.

Huyện nông thôn mới đầu tiên của Quảng Ninh lên thành phố

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Ngày 1.11.2024, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức có hiệu lực.