Khi Hà Nội thơm hương cổ tích

HẢI AN |

Một sáng mai thức dậy, những cơn gió heo may lại mang một mùi thơm ngọt ngào khiến con tim của người tan chảy: mùi thơm của những quả thị vàng óng ả như nắng mật.

1.

Mùi thơm của trái thị có một quyền năng kỳ lạ. Mùi thơm đó không triệu hồi cơn thèm khát, không khơi gợi những dục cảm, không lôi cuốn tinh thần vào sự khoan khoái của nhập định mà nó khiến ta sững lại, xoá trắng hiện tại đang diễn ra, và du hành ngược thời gian về quá khứ.

Ta bỗng thấy mình đứng giữa một mùa thu thơ dại, dưới một tán lá xanh um của một cây thị cổ thụ mọc trên một gò đất đầu làng. Cây thị đó cao lắm, tuổi đã ngót cả thế kỷ, thân cây kỳ vĩ nhưng không chứa ma, chứa thần như cây gạo, cây đa để làm trẻ con và chim chóc kinh hãi.

Ngược lại, cây thị lại là chỗ vui đùa của đám trẻ đầu xanh suốt tháng năm hoa mộng, mùa hè ngồi học vần ê a dưới tán lá mát rượi, mùa đông vùi rơm trong hốc cây để nướng ngô khoai. Nhưng chẳng gì vui bằng khi những trái thị chín vàng lấp ló trong tán lá và toả mùi thơm ngát cả vùng.

Đám trẻ đứng dưới gốc cây, mắt đắm đuối nhìn lên những quả thị vàng, lòng vừa ghen tị với lũ chim chóc đang thoải mái lựa những quả chín ngọt nhất để rỉa, vừa thầm cầu khấn câu thần chú “Thị ơi thị rụng bị bà”, để mong quả thị nào đó động lòng rơi xuống vạt áo mình.

Giấc mơ sung rụng mới tầm thường làm sao, bởi nó chỉ thoả mãn cái dạ dày lép kẹp nghìn năm. Nó không thể sánh được với giấc mơ thị rụng của đám trẻ ngây thơ. Có được quả thị ấy là sẽ có một thứ đồ chơi quý giá, để mà nâng niu, hít hà. Cầm quả thị trên tay sẽ thấy mình như thần tiên, đi đến đâu là toả mùi thơm đến đấy, khiến ai cũng nhìn và nắc nỏm khen.

Chẳng lạ khi đám con gái mê thị như điếu đổ. Chúng cũng ra sức tranh giành thị chín rồi về xin mẹ nắm len vụn tết túi để đựng thị, sau đó đem khoe nhau để xem thị của ai tròn đẹp hơn, thơm hơn, túi ai tết đẹp hơn. So đọ chán chê, những túi thị đó lại được treo ở đầu giường ngủ hay góc bàn học để mùi thơm cứ lưu luyến không rời.

Lớn lên, đi ra thế giới rộng lớn, được chứng kiến những nghi lễ tôn giáo có những người cầm quả treo chứa hương trầm hay gỗ thánh Palo Santo dẫn đường đám rước, họ vừa đi vừa vung vẩy quả treo để khói và hương thơm bay ra, phát tán trong không khí, thanh tẩy dọn đường cho những đấng linh thiêng, tôi lại nhớ về những túi thị lúc lắc của ngày xưa.

Rồi ta lại thấy hình ảnh mình đi theo bà, theo mẹ ra trẩy thị chín để đem thắp hương vào mỗi dịp sóc vọng. Bà của ta tóc bạc phơ, mẹ của ta tóc đen nhánh nhưng vẫn yêu trái thị và hương thơm của thị. Món lễ vật hoa quả vườn nhà đó trước tiên được đặt lên bàn thờ để cúng thứ hương thơm ngọt ngào nhất của mùa thu cho tổ tiên, rồi mới để cả nhà cùng được “ăn hương”.

2.

Ta yêu quý quả thị như một loại quả dùng để chơi chứ không phải để ăn. Thú chơi hương của người Việt tuy không bài bản đến mức có quy tắc, luật lệ như các thú chơi khác nhưng rõ ràng đã tồn tại từ lâu. Hương để chơi khá đa dạng, từ hương thơm của hoa, của hương liệu, của tinh dầu và có cả của mùi thơm tự nhiên của trái cây chín.

Cách người Việt chơi hương thơm của quả thị là một ví dụ điển hình. Trong truyện cổ tích dân gian “Tấm Cám”, lời tỉ tê của bà cụ bán nước với cây thị chính là đúc kết của người xưa với thú chơi này. Rằng quả thị quý giá nhất ở hương thơm, chứ không phải ở lớp thịt ngọt ngào hay bổ dưỡng gì cả, thế nên “bà để bà ngửi chứ bà không ăn”.

Bày một đĩa thị chín vàng trong một cái đĩa đặt trên bàn thờ hoặc giữa nhà sẽ giúp cho ngôi nhà lúc nào cũng thơm nức một cách dễ chịu. Mùi thơm của quả thị giúp ta khoan khoái một cách nhẹ nhàng. Hơn thế nữa, quả thị tròn trịa, vàng óng ả, khiến mắt ưa nhìn.

Đĩa thị của người Việt đầy đủ chức năng chơi hương như mâm thanh uyên của người Trung Quốc. Thanh uyên vốn là một thứ quả thuộc họ cam chanh, có tinh dầu thơm nồng đậm và bền bỉ hàng tuần. Từ rất lâu, người Trung Quốc đã biết làm túi thơm đựng thanh uyên để đeo quanh người, ướp trong tủ quần áo để y phục luôn được thơm tho.

Người Trung Quốc cũng dùng tơ để đan thành túi lưới đựng thanh uyên để mang theo người hoặc treo ở song cửa sổ buồng ngủ giống như con gái Việt Nam tết túi đựng thị để chơi vậy. Chỉ khác là, túi thanh uyên đó được ưa chuộng bởi cả nam và nữ. Nhân vật Giả Bảo Ngọc trong tác phẩm kinh điển “Hồng Lâu Mộng” cũng thường dắt túi thơm ở hông, bên cạnh mảnh ngọc trấn mạng của mình.

Đặc biệt, họ thường bày thanh uyên thành từng mâm, đặt trong phòng khách và phòng ngủ, để tinh dầu của thanh uyên vừa làm thơm phòng, vừa giúp dễ ngủ ngon. Mâm thanh uyên nổi tiếng đến nỗi nó được dùng để chỉ các mâm trái cây phục vụ việc chơi hương, cho dù trong mâm là nhưng loại quả thơm khác như: cam, chanh, phật thủ.

Xem tranh của Đường Bá Hổ, danh hoạ nổi tiếng thời Minh, và những đại gia thư hoạ khác, chúng ta thường thấy hình ảnh của mâm thanh uyên trong các không gian trang nhã. Cũng trong Hồng Lâu Mộng, căn phòng của Thám Xuân được đặt tên là Thu Sảng Trai được mô tả như sau: “Bên trái trên kệ tử đàn có đặt một cái mâm lớn, trong mâm là mười mấy quả phật thủ màu vàng nhạt lung linh”.

Rõ ràng, cách người Việt tết túi đựng thị, chưng đĩa thị để chơi hương cũng đặc sắc chẳng kém gì túi thơm thanh uyên hay mâm thanh uyên của Trung Quốc cả. Bây giờ, người Việt cũng ưa chưng phật thủ thành từng mâm lớn, vừa để cúng Phật vừa để làm thơm không gian thờ cúng. Và cái này có sự tiếp biến văn hóa từ Trung Quốc, chứ không mang tính đặc trưng rõ rệt như chơi hương bằng thị.

Điểm đặc sắc của thú chơi hương thị là thời điểm. Mùi thơm của thị xuất phát từ quá trình “chín” của quả thị, và nó rơi vào mùa thu. Thế nên, hương thị thơm cũng báo hiệu mùa thu đến, hoặc như nhân cách hoá theo câu thơ của thi sĩ Nguyễn Hoàng Sơn thì “quả thị vàng đã dắt mùa thu vào phố”.

Hương thơm đó chỉ có tính thời điểm, không biết nâng niu thì sẽ bỏ lỡ mất một mùa chơi hương thơm của quả thị. Nó không bền bỉ, luôn sẵn có như thanh uyên, cam hay phật thủ, những loại quả thơm bằng tinh dầu chứa trong lớp vỏ. Quả thị cũng mang thân phận của phụ nữ, chỉ thơm chỉ đẹp có thì.

3.

Thế mà đã có lúc hương thị biến mất khỏi những vùng đô thị như Hà Nội. Đó là khi người ta mê mải những thứ hương mới lạ mà lãng quên đi quả thị chín vàng. Nhưng rất may, sự quên lãng đó chỉ là nhất thời. Khoảng 5 năm trở lại đây, những mẹt thị lại vàng óng phố phường, đưa hương khắp nẻo.

Con người lại háo hức chờ đón mùi thị thơm để hoà mình vào mùa thu, cái mùa rất đỗi thơm tho và đầy yêu thương đó. Những đĩa thị lại được dâng lên bàn thờ, bày trang trọng trong phòng khách, treo ở song cửa để ướp thơm những làn gió trước khi vào nhà.

Những người trẻ không có ký ức về hương thơm của quả thị thấy lạ lùng lắm! Họ than lên rằng sao mua thị đắt thế, một quả thị sáp bé như cái chén tống cũng 10 nghìn đồng mà lại chẳng thấy ai ăn cả. Ừ, này cô gái, thị chín ăn cũng ngon ngọt lắm đấy, nhưng mà ăn hương của thị còn ngon hơn nhiều.

Và khi đã bị quyến rũ bởi mùi thơm của thị, họ lại chết mê chết mệt với những quả thị sáp tròn dẹt, những quả thị muộn no tròn như trăng rằm hay những cành thị cắm bình vừa đẹp một cách độc đáo, vừa thơm.

Còn những người đã lớn tuổi, họ chỉ thấy con tim mình xôn xao khi nghe hương thị trong gió heo may đang bay trên phố. Họ ngửi thấy hương thị là được gặp lại cố nhân tri kỷ của ngày xưa, được sống lại những mùa thương xưa cũ. Họ chờ đợi mùa thu về để được gặp hương của quả thị hay chờ ngửi mùi thơm đó để biết thu sang!

HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Gói hoa thơm nức mùa Vu Lan

hải an |

Nhẹ tay tháo sợi rơm nếp, bốn cánh lá dong từ từ hé nở, để lộ bên trong hoa mẫu đơn đỏ tươi, hoa mõm sói trắng ngần, cành ngâu mắt cá diếc vàng ươm, hoa móng rồng mập mạp thơm như mít chín, bông ngọc lan trắng ngà như đá cẩm thạch hay cánh hoàng lan thanh khiết... Ấy là gói hoa cúng ngày xưa của người Hà Nội, một vẻ đẹp tao nhã giờ đã chẳng còn nhiều.

Món cá kình mà chỉ mình Huế có

HẢI AN |

Cái mệ người Huế có cái tên tím biếc rất Huế đó dắt tôi đi ăn bánh khoái cá kình đó tự hào ghê gớm: “Con cá kình này chỉ đến Huế mới ăn được thôi đó, không đem đi chỗ khác mà ăn được đâu”. Gì ghê dữ vậy, con cá kình trông cũng bình thường mà, bé bé dễ lẫn với nhiều thứ cá tạp khác. Nhưng rồi, sau khi tìm hiểu, mới thấy hoá ra con cá kình nó cũng kinh thật.

Tản mạn về chè

Hải An |

Ở cái xứ nhiệt đới nóng ẩm này, chẳng có gì giải nhiệt cơ thể tốt bằng một bát chè mát lạnh, vừa tốt cho sức khoẻ, rất ngon miệng lại rẻ tiền. Thế nên, khắp những con đường ở Việt Nam, cả một bộ sưu tập hàng trăm loại chè luôn có sẵn để ướp lạnh cả một mùa nóng nực.

Hình ảnh bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại tòa sáng nay

NHÓM PV |

TPHCM - Trương Mỹ Lan và đồng phạm (giai đoạn 2) liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, có mặt tại tòa sáng nay.

Giá cả ở Việt Nam chênh lệch thế nào trong mắt khách Tây?

Nguyễn Đạt |

Tính toán chi phí du lịch Việt Nam, khách Tây bất ngờ vì đồ ăn nhanh, cà phê khá đắt so với quê nhà, còn dịch vụ làm đẹp quá rẻ.

Dân vùng táo muối đặc sản Hải Phòng nỗ lực cứu vụ Tết

Hoàng Khôi |

Người dân vùng trồng táo muối đặc sản Hải Phòng tiếc nuối, xót xa khi hàng trăm ha táo tươi tốt, đang độ ra hoa để cho thu hoạch vụ Tết bỗng tả tơi, thiệt hại do bão.

Cầu Long Thành hoàn thành sửa chữa vượt tiến độ

MINH QUÂN |

Công tác sửa chữa khe co giãn tại cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành trước kế hoạch 4 ngày.

Yên Bái kiểm tra nhà hàng bị tố chặt chém đoàn từ thiện

Trần Bùi |

Ngày 19.9, cơ quan chức năng TP Yên Bái đã vào cuộc xác minh nhà hàng bị đoàn từ thiện tố chặt chém khi thu hóa đơn tới gần 5 triệu đồng.

Gói hoa thơm nức mùa Vu Lan

hải an |

Nhẹ tay tháo sợi rơm nếp, bốn cánh lá dong từ từ hé nở, để lộ bên trong hoa mẫu đơn đỏ tươi, hoa mõm sói trắng ngần, cành ngâu mắt cá diếc vàng ươm, hoa móng rồng mập mạp thơm như mít chín, bông ngọc lan trắng ngà như đá cẩm thạch hay cánh hoàng lan thanh khiết... Ấy là gói hoa cúng ngày xưa của người Hà Nội, một vẻ đẹp tao nhã giờ đã chẳng còn nhiều.

Món cá kình mà chỉ mình Huế có

HẢI AN |

Cái mệ người Huế có cái tên tím biếc rất Huế đó dắt tôi đi ăn bánh khoái cá kình đó tự hào ghê gớm: “Con cá kình này chỉ đến Huế mới ăn được thôi đó, không đem đi chỗ khác mà ăn được đâu”. Gì ghê dữ vậy, con cá kình trông cũng bình thường mà, bé bé dễ lẫn với nhiều thứ cá tạp khác. Nhưng rồi, sau khi tìm hiểu, mới thấy hoá ra con cá kình nó cũng kinh thật.

Tản mạn về chè

Hải An |

Ở cái xứ nhiệt đới nóng ẩm này, chẳng có gì giải nhiệt cơ thể tốt bằng một bát chè mát lạnh, vừa tốt cho sức khoẻ, rất ngon miệng lại rẻ tiền. Thế nên, khắp những con đường ở Việt Nam, cả một bộ sưu tập hàng trăm loại chè luôn có sẵn để ướp lạnh cả một mùa nóng nực.