Khói cháo sườn ấm cả tuổi thơ

Bài và ảnh HẢI AN |

Những ngày còn thơ ấu, tôi luôn ao ước được mẹ cho đi chợ cùng. Lúc tay lễ mễ xách hộ mẹ một gói hoa cúng, lúc cầm làn trong khi mẹ chọn đồ, cảm thấy mình có giá trị vô cùng. Và tôi biết rằng, khi đi đến cuối cổng chợ, sau cuộc mua bán đã hòm hòm, kiểu gì mẹ cũng cho tôi xà xuống một gánh nhỏ và thưởng thức bát cháo sườn.

Bát cháo sườn mơ ước

Không biết bây giờ đám trẻ con thèm ăn gì? Cũng không biết những cửa hàng cháo dinh dưỡng nhan nhản trên phố có ngon lành không? Nhưng với đám nhóc của chúng tôi ngày xưa, chẳng có gì ngon hơn bát cháo sườn nóng hổi, mịn màng, lẩn nhẩn đôi chút thịt nạc, mẩu sụn rời ra từ miếng sườn.

Cháo sườn trở thành niềm thương nhớ của tuổi thơ, từ lúc mới cai sữa đã quen với đĩa bột. Lớn lên chút, nhà có em bé, lại loanh quanh luẩn quẩn với việc đem gạo xay bột, quấy bột, cho em ăn bột, và thú vui vét đĩa bột thừa, cạo lớp cháy dính ở đáy nồi. Lớn thêm chút nữa là đến lúc theo mẹ đi chợ, ăn bát cháo sườn.

Cháo sườn rõ là thứ cháo của trẻ nhỏ bởi nó nhẹ nhàng, mềm mại, và an toàn hơn mọi thứ đồ ăn khác. Thứ cháo ấy nấu bằng bột gạo với hầm từ sườn thăn hay sườn sụn, tạo thành một thứ hồ sền sệt, thơm mùi gạo, đủ khiến con tì con vị ướt đẫm như sau cơn mưa rào.

Một ngày Tết Đoan Ngọ năm nào, cậu nhỏ là tôi lại được theo chân mẹ đi chợ Mỹ Tho và chợ Lý Thường Kiệt ở thành phố Nam Định sắm đồ cho Tết mùng Năm. Dẫu mỏi chân nhưng ai cũng tràn đầy khấp khởi, mắt hướng về đầu chợ. Ở đó chẳng phải là hàng đồ chơi, kem bông hay kẹo kéo.

Chỉ có một làn khói ấm thoắt ẩn, thoắt hiện, vụt bốc lên rồi vụt tan biến để lại những dư vị thơm tho. Chủ nhân của làn khói ấm diệu kỳ đó là một bà cụ miệng bỏm bẻm nhai trầu, đầu đội nón lá hoen màu mưa nắng. Bên cạnh là một chiếc thúng chai to tướng nhồi đầy vải vụn lồng trong đôi quang gánh để giữ ấm.

Ở đó, luôn có những gương mặt háo hức ngồi quanh chiếc thúng. Chính giữa là một chiếc nồi gang cỡ đại chứa một thứ cháo sền sệt màu trắng, quánh như hồ và mịn như bầu má cô nhỏ. Khi bà cụ mở chiếc vung ra, mây khói thơm phức, ấm áp tuôn ra hối hả.

Đôi mắt trẻ thơ ngước lên nhìn mẹ đầy van vỉ. Người mẹ cười hiền rồi kéo tay con ngồi xuống chiếc ghế con bằng gỗ lên nước bóng loáng, lấp lánh những mũ đinh cũng sáng quắc vì cọ xát thời gian. “Hai cháo bà nhé!”. Có gì ngon bằng đôi mắt hau háu của trẻ con trước nồi cháo sườn.

Ánh mắt như cô đọng thành giọt trên đôi tay của bà lão khi chậm rãi mở nắp vung, đưa chiếc muôi vào múc thứ cháo sền sệt lẩn nhẩn những mẩu thịt, những vụn sườn sụn đang bốc lên thứ hương thơm của gạo, của thịt lợn vào cái bát tô nhỡ, chiết yêu, vẽ men xanh trơn láng.

Hồi đó chẳng có quẩy, chẳng có ruốc thịt. Một chút tiêu Bắc, một chút ớt bột đỏ như gạch cũng đủ tạo thêm phong vị và màu sắc khiến cho bát cháo sườn trở thành một thứ vưu vật trong con mắt trẻ con. Trong đôi mắt ấy, bàn tay bà lão khéo léo cầm muôi chạy một vòng, cháo lọt đầy vào lòng muôi mà không làm khuấy động cả nồi mới quả thực là tay tiên.

Cháo sườn không phải thức cháo để húp vòng quanh như những thức cháo khác, mà phải dùng thìa. Nhẹ nhàng, từng thìa một, cho đến khi cái bát chiết yêu được vét sạch, không sót lại một chút bột nào. Khái niệm “nhẵn như chùi” có lẽ phải nên đổi thành “nhẵn như vét cháo sườn” mới đúng với đám trẻ con ngày ấy.

Hoài niệm khói

Tôi lớn lên, rồi theo bút nghiên rời xa thành phố nhỏ, xa mẹ, xa những buổi chợ chiều và xa cả bát cháo sườn. Hình ảnh và dư vị của thứ cháo sườn mộng mơ suốt tuổi thơ dần dần phai nhạt theo guồng quay của cơm áo gạo tiền, của cuộc sống mưu sinh. Bây giờ, trẻ con ăn fast-food, ăn gà rán, ăn bánh kẹp... chứ ai lại ăn cháo sườn.

Ấy thế mà, những bước lang thang khi đã trung niên lại khiến tôi gặp lại làn khói ấm của thúng cháo sườn. Quán cháo sườn ấy chỉ mở từ 2 giờ chiều trong một con ngõ nhỏ giữa Thủ đô. Tôi đi ngang qua, bất chợt cô chủ mở nắp vung. Một quầng khói thơm phức bốc lên, quấn quýt lấy những cánh mũi hít hà.

Thọ Xương, như trăm con ngõ chốn 36 phố phường Hà Nội, nằm lắt léo, nối 2 con ngõ khác là Ngõ Huyện và Ấu Triệu. Nơi đó khá nổi tiếng vì một sự hiểu nhầm. Nhiều người nghĩ rằng đây chính là ngõ Thọ Xương trong câu ca dao ca ngợi cảnh đẹp ở vùng Hồ Tây: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Nhưng không phải, Thọ Xương nơi có tiếng gà gáy cầm canh là tên một làng nằm ven Hồ Tây.

Còn ngõ Thọ Xương là dấu tích của huyện Thọ Xương (Hà Nội) được lập vào khoảng năm 1530, nơi có phường Báo Thiên (bao gồm toàn bộ khu Bảo Khánh, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư... bây giờ). Ở ngõ Thọ Xương không có "món canh gà” (như của một cô giáo giảng cho học trò) nổi tiếng mà chỉ có bát cháo sườn sánh mịn.

Ngửi thấy làn khói ấm của nồi cháo sườn, lòng ai chẳng chùng lại như cửa võng và những hồi ức đẹp đẽ, lung linh của ngày thơ ấu. Tuổi thơ của ngày xưa phải là cháo sườn chứ không phải thứ cháo dinh dưỡng “vô hồn” chẳng gợi được cơn thèm, chẳng khiến chân răng tứa nước miếng ở những đứa trẻ biếng ăn bởi thừa mứa chất này, chất nọ.

Lòng tôi chợt mỉm cười và ngồi xuống chiếc ghế nhỏ ở quán cháo sườn ngõ Thọ Xương. Hôm ấy trời không nắng, không mưa, không nóng cũng không lạnh, thứ thời tiết khá hợp để ăn cháo sườn. Cô cháo sườn ước chừng ngũ tuần không có vẻ lam lũ, khóe môi vẫn ánh vết son, miệng nhanh nhảu tiếp chuyện khách mà vẫn nhớ rõ từng yêu cầu.

Không còn chiếc nồi cháo bằng gang ủ trong thúng chai lót vải, cháo sườn bây giờ được nấu trong những chiếc nồi nhôm to nhưng nhẹ, luôn đặt trên bếp than tổ ong cháy liu riu để giữ cháo luôn nóng, thỉnh thoảng những bọt khí lại chạy từ đáy lên lớp bề mặt, kêu ục ục như một tiếng thở dài hoang hoải.

Cô chủ nhanh tay múc cháo vào bát, rồi lắt xắt dùng chiếc kéo cắt quẩy vào bát, sau cùng mới rắc ruốc lên. Ai ăn nhiều ruốc thì báo, chứ chẳng nhầm bao giờ. Cháo sườn rất ngon, sánh mịn và thơm phức. Quẩy giòn khiến bát cháo sườn vui tai hơn. Có lần, đến muộn, cô dúi cho cả túi đầu quẩy bảo ăn thoải mái.

Đầu quẩy giòn và thơm lắm, ăn lại vừa miệng hơn quẩy cắt. Đi ăn cỗ thì nên đi trước, còn đi ăn cháo sườn nên đi sau để được ăn bát cháo thơm mùi cháy đáy nồi, lại có đầu quẩy vụn vét túi. Nhưng đừng có muộn quá, kẻo hết cháo bởi cái quán ấy chỉ khoảng cuối 4 giờ chiều là hết hàng.

Cháo sườn ngon như thế mà rất rẻ. Chỉ 10 - 15 nghìn đồng, như tiền ăn vặt hay bơm lốp xe. Ấy thế mà cũng làm ấm lòng những kẻ lang thang phố cổ, hay giết thời gian xuyên sáng xuyên trưa ở những quán cà phê quanh đó.

Họ chẳng cần ăn trưa nhưng họ cần ăn bát cháo sườn Thọ Xương như ăn một thứ nghi lễ buổi chiều. Họ ăn thứ khói ấm ấy trong tiếng chuông thánh thót vọng ra từ Nhà thờ Lớn, trong tiếng xì xồ của đám khách Tây ba lô và trong những giọt thời gian đang cô mình nơi ngõ nhỏ.

Ấy thế mà cái quán cháo sườn ngõ Thọ Xương đã chẳng còn. Một người nào đó đã mua cả dãy nhà trong ngõ và hàng cháo sườn phải dọn đi. Có thể nay mai, một khách sạn lại mọc lên trong con ngõ ấy, nhưng hàng cháo sườn đã mất chỉ còn lại tấm giấy thông báo địa điểm mới đầy sầu tủi.

Thế rồi, quán cháo sườn ấy giờ chỉ còn là hoài niệm. Nhưng nó cũng kịp để lại mười mấy hàng cháo sườn ăn theo bên Ngõ Huyện, Chân Cầm, Lý Quốc Sư hay đâu đó trên vỉa hè Hà Nội. Còn cái quán cháo sườn Thọ Xương đã cho tôi một vé về tuổi thơ đã vĩnh viễn biến mất theo biến dịch đất đai trăm tỉ, nghìn tỉ.

Chỉ có cháo sườn mãi mãi là một hoài niệm khói mà thôi!

Bài và ảnh HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Mướt rượt bánh mướt Đô Lương

Bài và ảnh HẢI AN |

Chuyến xe đêm đến đất Đô Lương vào lúc sắp tàn đêm về sáng. Mấy tiếng lắc lư dọc đường thiên lý khiến người ê ẩm, thế nhưng, chẳng ai có ý định ngủ cho no mắt cả. Chỉ mong trời hửng chút là đi tìm quán bánh mướt để làm một bữa cho bõ thèm. Chao ôi, lá bánh mướt vừa mềm, vừa thơm, vừa mướt rượt như làn da thiếu nữ, chưa vào đến môi đã trôi xuống bụng sao mà ngon vậy!

Món ăn ngon bởi màu sắc đẹp

Bài và ảnh HẢI AN |

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao màu sắc lại quan trọng chẳng kém hương vị của một món ăn ngon? Nếu hương vị tạo ra hấp dẫn ngây ngất của miệng lưỡi, thì màu sắc lại có thể phản ánh tâm hồn, cảm xúc, tính cách văn hóa hay triết lý sống của một con người, một vùng đất được gửi gắm vào món ăn đó.

Bát bún đũa của người công nhân dệt

Bài và ảnh: HẢI AN |

Ở thời hoàng kim, thành phố Nam Định còn có một biệt danh khác là thành phố Dệt, với hơn 2 vạn công nhân. Ngành công nghiệp nhẹ này đã hình thành từ đầu thế kỷ 20 và vẫn gắn bó với Nam Định đến tận bây giờ. Nó in hằn vào phong cách ẩm thực và các món ăn nơi đây, với các tiêu chuẩn: Ngon, bổ rẻ. Bát bún đũa là một trong những món ăn như thế!

Giá cả ở Việt Nam chênh lệch thế nào trong mắt khách Tây?

Nguyễn Đạt |

Tính toán chi phí du lịch Việt Nam, khách Tây bất ngờ vì đồ ăn nhanh, cà phê khá đắt so với quê nhà, còn dịch vụ làm đẹp quá rẻ.

Dân vùng táo muối đặc sản Hải Phòng nỗ lực cứu vụ Tết

Hoàng Khôi |

Người dân vùng trồng táo muối đặc sản Hải Phòng tiếc nuối, xót xa khi hàng trăm ha táo tươi tốt, đang độ ra hoa để cho thu hoạch vụ Tết bỗng tả tơi, thiệt hại do bão.

Cầu Long Thành hoàn thành sửa chữa vượt tiến độ

MINH QUÂN |

Công tác sửa chữa khe co giãn tại cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành trước kế hoạch 4 ngày.

Yên Bái kiểm tra nhà hàng bị tố chặt chém đoàn từ thiện

Trần Bùi |

Ngày 19.9, cơ quan chức năng TP Yên Bái đã vào cuộc xác minh nhà hàng bị đoàn từ thiện tố chặt chém khi thu hóa đơn tới gần 5 triệu đồng.

Bão áp sát, một trường ở Quảng Bình vẫn thi sát hạch lái xe

CÔNG SÁNG |

Mặc dù bão số 4 đã áp sát đất liền, nhưng Trường Trung cấp nghề Bình Minh Quảng Bình vẫn tổ chức thi sát hạch lái xe cho các học viên.

Mướt rượt bánh mướt Đô Lương

Bài và ảnh HẢI AN |

Chuyến xe đêm đến đất Đô Lương vào lúc sắp tàn đêm về sáng. Mấy tiếng lắc lư dọc đường thiên lý khiến người ê ẩm, thế nhưng, chẳng ai có ý định ngủ cho no mắt cả. Chỉ mong trời hửng chút là đi tìm quán bánh mướt để làm một bữa cho bõ thèm. Chao ôi, lá bánh mướt vừa mềm, vừa thơm, vừa mướt rượt như làn da thiếu nữ, chưa vào đến môi đã trôi xuống bụng sao mà ngon vậy!

Món ăn ngon bởi màu sắc đẹp

Bài và ảnh HẢI AN |

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao màu sắc lại quan trọng chẳng kém hương vị của một món ăn ngon? Nếu hương vị tạo ra hấp dẫn ngây ngất của miệng lưỡi, thì màu sắc lại có thể phản ánh tâm hồn, cảm xúc, tính cách văn hóa hay triết lý sống của một con người, một vùng đất được gửi gắm vào món ăn đó.

Bát bún đũa của người công nhân dệt

Bài và ảnh: HẢI AN |

Ở thời hoàng kim, thành phố Nam Định còn có một biệt danh khác là thành phố Dệt, với hơn 2 vạn công nhân. Ngành công nghiệp nhẹ này đã hình thành từ đầu thế kỷ 20 và vẫn gắn bó với Nam Định đến tận bây giờ. Nó in hằn vào phong cách ẩm thực và các món ăn nơi đây, với các tiêu chuẩn: Ngon, bổ rẻ. Bát bún đũa là một trong những món ăn như thế!