Linda Lê: Lặng lẽ sống và viết, với xung lượng ngầm tuôn chảy

LÊ QUANG VINH |

Hiếm có nhà văn gốc Việt nào được giới phê bình Pháp đánh giá cao như Linda Lê, đồng thời, các tác phẩm của bà cũng để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng. Người phụ nữ sinh trưởng từ thành phố ngàn hoa Đà Lạt ấy sống khá kín đáo, thường tránh các phương tiện truyền thông, tự giới nhận là "một con gấu núp trong hang’’ và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học với lối viết thôi miên kỳ lạ...

Sinh năm 1963 tại TP.Đà Lạt, năm 1977, 4 chị em Linda Lê cùng mẹ rời Việt Nam sang định cư tại Pháp và cư ngụ ở Le Havre, còn người cha ở lại Việt Nam. Có lẽ do bởi một lý do gia cảnh khá éo le - khi người cha ưa sử dụng tiếng Anh, còn người mẹ gắn mình với tiếng Pháp. Chính sự chia lìa đau khổ đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên những trang viết của bà sau này. Sau khi theo học các "Lớp dự bị văn học’’, rồi vào học ở Đại học Sorbonne, Linda Lê bước chân vào nghiệp văn chương, viết tiểu thuyết bằng tiếng Pháp và dần biểu lộ sự sở hữu lối viết thôi miên kỳ lạ, những kết hợp từ sáng tạo và các nhân vật độc đáo. Những sáng tác của Linda Lê chan chứa sự giao thoa của nhiều chủ đề như lưu vong, nỗi mất mát, mối quan hệ trong gia đình và những tổn thương thời thơ ấu đeo đẳng đời sống của người trưởng thành.

Tiểu thuyết đầu tay của Linda Lê, ''Un si tendre vampire’’, đã được nhà xuất bản (NXB) La Table Rond ấn hành năm 1986, nhưng phần lớn tác phẩm của bà đều được NXB Christian Bourgois thực hiện. Riêng tập truyện ''Les Évangiles du Crime’’ (Phúc âm Tội ác) do NXB Fayard phát hành năm 1992 và sau đó được NXB Christian Bourgois tái bản. Linda Lê cũng là nhà phê bình văn học cho Magazine Littéraire (tạp chí Văn học) và là người viết bài tựa. Tác phẩm "Phúc âm Tội ác" xuất bản năm 1992 đã đưa bà đến với đông đảo độc giả Pháp.

Nhà văn gốc Việt Linda Lê đã được nhìn nhận là một tài năng độc đáo trên văn đàn Pháp. Giới phê bình cho rằng các tác phẩm của Linda Lê đi vào văn học cách lặng lẽ, không ồn ào. Văn phong của bà mang dấu ấn "một sức mạnh phân tích và một khoảng cách hùng biện dường như kế thừa từ thế kỷ thứ 17" và ''tác phẩm của bà giống như một "bài điếu văn khổng lồ mà mỗi phần dường như là sự phản ánh của phần khác - với một sự sáng suốt ngày càng sắc bén và dịu dàng’’. Linda Lê đã cống hiến cho bạn đọc một tác phẩm cuối cùng về “nỗi cô đơn tối cao” trong cuốn sách mới nhất của bà, được xuất bản cách đây 3 tháng, “De personne je ne fus le contemporain" (tạm dịch: "Tôi không sống cùng thời với bất kỳ ai").

Có một nghịch lý với Linda Lê: Mặc dù được giới phê bình đánh giá cao, như bà lại ít được công chúng biết đến. Tuy nhiên, các tác phẩm của bà đã được tưởng thưởng nhiều giải thưởng văn học như: Giải Vocation (1990), Giải Renaissance de la nouvelle (tác phẩm ''Les Évangiles du crime’’ - năm 1993), Giải Fénéon (tác phẩm ''Les Trois Parques’’ - năm 1997), Giải Wepler (tác phẩm ''Cronos’’ - năm 2010), Giải Renaudot cho sách bỏ túi (tác phẩm ''A l'enfant que je n'aurai pas’’ - năm 2011), Giải thưởng Prince Pierre de Monaco (năm 2019) - ghi nhận sự nghiệp sáng tác tại đất Pháp của bà. Đặc biệt, năm 2012, cuốn tiểu thuyết ''Sóng ngầm’’ của Linda Lê được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của mùa văn học Pháp năm đó và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết giải Goncourt.

Trong văn chương của mình, dễ nhận thấy Linda Lê luôn hé lộ, gián tiếp hay trực tiếp, ít nhiều về bản thân. Một số tác phẩm của Linda Lê đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt. Có thể kể đến những tác phẩm dưới đây đã đến với bạn đọc Việt Nam, do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành:

“Lại chơi với lửa” (2009 - dịch giả: Hồ Thanh Vân) tràn ngập những bi kịch u tối, rùng rợn, bế tắc và những chi tiết hoang đường. Trong tập truyện ngắn này, có thể nhận thấy triết lý mà Linda Lê đã có lần nhấn mạnh: Viết là lưu đày. Các nhân vật chính trong này đều viết, một cách say sưa, ám ảnh. Trong truyện "Con ruồi", một người đàn ông lấy ruồi làm nàng thơ để viết, để rồi chết vì chính nàng thơ của mình; hay một truyện ngắn khác kể về một nhà phê bình văn học luôn dồn hết tâm lực vào mỗi bài viết, để rồi chết khi thần tượng sụp đổ...

Một số tác phẩm của Linda Lê do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.
Một số tác phẩm của Linda Lê do Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành.

''Vu khống’’ (2010 - dịch giả: Nguyễn Khánh Long) xoay quanh câu chuyện của một người nhập cư, bị gia đình gửi vào một trại thương điên ở Pháp suốt 10 năm. Được một bác sĩ tốt bụng giúp đỡ, anh tự cứu chính mình bằng việc học tiếng Pháp, đọc những tác phẩm trong thư viện. Nhưng trong tiểu thuyết này, ai mới là người điên? Nhân vật chính bị xem là điên, nhưng anh ta lúc nào cũng ý thức mình đang làm gì. Có phải gia đình anh mới là điên khi xích chân cụ cố vào giường cho đến chết, giam em gái vào phòng, đẩy em trai vào trại tâm thần và tin chắc rằng đời nào dòng họ này cũng có một người điên và anh chính là người ấy?.

''Thư chết’’ (2013 - dịch giả: Bùi Thu Thủy) ẩn chứa những tang tóc, là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất. Khoảnh khắc xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt 20 năm cha con xa cách. Gọi là “Thư chết” bởi thư được gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến tay người nhận. Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện một khao khát mãnh liệt được nối kết, được hàn gắn.

''Sóng ngầm’’ (2018 - dịch giả: Hồ Thanh Vân và Bùi Thu Thủy) khám phá những phức tạp trong mối quan hệ gia đình, nguồn cội, ngôn ngữ và sự cách biệt văn hóa. Bốn nhân vật, mỗi người một giọng kể, mỗi người một tâm tư, bị ràng buộc với nhau bởi một câu chuyện. Với tác phẩm này, Linda Lê dường như có một sự đổi khác, từ chỗ luôn giấu mình tới chỗ muốn phơi bày một phần nội tâm, như để tưởng niệm nơi chốn đã nuôi dưỡng, “cứu vớt” mình. ''Sóng ngầm’’ đã lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết Giải văn học danh giá Goncourt.

Sống một cuộc đời kín đáo và tự cuốn hút mình vào những cơn lốc nội tâm, Linda Lê vẫn lặng lẽ dấn thân vào lãnh địa văn chương vốn ẩn chứa nhiều hào quang cùng những khổ ải. Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà văn Vũ Hồi Nguyên năm 2010, về sự căng thẳng và nỗi đau trong tác phẩm của mình, Linda Lê đã thẳng thắn bộc bạch: ''Sức căng đó luôn luôn tiềm ẩn, ngay cả khi tôi không viết. Tôi luôn cảm thấy cái đứt gãy giữa mình và thế giới bên ngoài, mặc dù mấy năm gần đây tôi không còn cực lực đối kháng với nó, tôi không hoàn toàn yên bình, vẫn tồn tại một xung năng ngầm luôn thúc đẩy tôi phải khai phá chiều sâu. Với tôi, viết là một cuộc đấu tranh từng ngày. Nổi loạn chống lại thực tại, đem cái mộng lan tràn vào cõi thực, những việc ấy nhiều khi có vai trò một chỗ buông neo. Chính từ đó mà tôi viết, để sáng tạo những thế giới song trùng...’’.

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, dòng đời của nữ nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê đã đột ngột ngưng lại vào sáng 9.5.2022 tại Paris (Pháp), ở tuổi 59, để lại nỗi tiếc thương cho giới văn chương và độc giả. Tưởng niệm cố nhà văn, Nhã Nam và Viện Pháp tại VN đã phối hợp tổ chức một buổi tọa đàm vào ngày 29.5 vừa qua tại Không gian văn hóa Manzi Art Space ở Hà Nội. Tại đây, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét: ''Cái chết là một chủ đề lặp đi lặp lại trong văn chương Linda Lê. Bà đã chọn con đường đi riêng của một kẻ đơn độc, nhưng đầy bản lĩnh...’’.

Quả thực như vậy, với Linda Lê, khi đã chia sẻ trong lần trả lời phỏng vấn nói trên, về cái chết: ''Có ai không bị cái chết ám ảnh? Bất cứ người nào có chút tỉnh táo đều phải sống với nỗi ám ảnh là rồi cũng đi đến cuối con đường. Tôi đã nói mình không có cái nhìn tang tóc về cuộc đời, nhưng với thời gian, tôi đã học được cái sáng suốt lạnh lùng về sự hão huyền của mọi chuyện. Điều ấy không có nghĩa tôi không biết đến hạnh phúc, không biết hưởng những giây phút nhẹ nhõm của cuộc đời...’’.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn 9x An Giang đoạt giải Ba Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 7

Yến Phương |

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (sinh năm 1996, quê Chợ Mới, An Giang) vừa mới được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, nay lại tạo dấu ấn khi đoạt được giải Ba Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần thứ 7 do Nhà Xuất bản Trẻ tổ chức.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: "Cứ đi rồi sẽ thành đường"

Kiều Bích Hậu (thực hiện) |

Gần đây, trên Facebook cá nhân của nhà văn Võ Thị Xuân Hà thường xuyên đăng tải giới thiệu kênh Youtube Cầm Kỳ Official. Trong đó, nữ nhà văn tự đọc những sáng tác của chính mình, thậm chí là những truyện nóng hổi, vừa sáng tác xong. Nhiều khán giả theo dõi kênh, thường xuyên bình luận, thậm chí tò mò về số phận nhân vật, và đặt mua trước bản in sáng tác mới của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Cầm Sơn - Một nhà văn của người lao động

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Văn xuôi của nhà văn Cầm Sơn chủ yếu khắc hoạ vẻ đẹp của người lao động trên các lĩnh vực sản xuất công - nông - lâm nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Có thể nói, nét đẹp lao động và vẻ đẹp của những con người lao động đã trở thành cảm hứng xuyên suốt trong các sáng tác của nhà văn Cầm Sơn.

Sửa Luật Công đoàn phải phù hợp với thể chế chính trị

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Chiều 8.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tham vấn ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đổ tại bệnh tiểu đường khi vi phạm nồng độ cồn mức "khủng"

Tô Thế |

Vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, tuy nhiên, người đàn ông ở Hà Nội cho rằng mình chỉ uống 2 chén rượu, do bị bệnh tiểu đường nên nồng độ cồn lên cao.

Lật xe khách ở Nghệ An, 2 người phụ nữ tử vong

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Đang lưu thông trên Quốc lộ 7C, xe khách mất lái lao xuống ruộng làm 2 người tử vong.

Ông Nguyễn Văn Kiên giữ chức Chủ tịch UBND TP Hải Dương

Mai Dung |

Hải Dương - Ngày 8.10, TP Hải Dương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nhân sự.

Sinh viên "tố" phải ăn cơm thừa canh cặn, ĐH Bách khoa Hà Nội nói gì?

Tường Vân |

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, việc cho sinh viên ăn canh thừa là không thể chấp nhận và kiên quyết sẽ xử lí, khắc phục tình trạng trên.