Chị Lê Thị Hồng Liễu đang là giảng viên Luật, công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Cách đây 6 năm, chị bắt đầu đưa bé Nhi, khi ấy mới hơn 2 tuổi đi du lịch bằng xe máy. Từ đó đến nay, con của chị đã gần 9 tuổi, năm nào cũng đi du lịch bụi cùng mẹ ít nhất 4 lần.
Chị Liễu kể, thời trẻ gặp trục trặc trong hôn nhân, giai đoạn đó thật sự khó khăn, chị thường đối mặt với nỗi buồn vì chuyện riêng tư. Sợ năng lượng, sự mệt mỏi của mình ảnh hưởng đến con, chị quyết định dẫn bé đi chơi, cho con nhìn ngắm thế giới bên ngoài thay vì thấy mẹ u sầu. Lúc đó, con gái của chị Liễu hơn 2 tuổi.
Chuyến đi đầu tiên của hai mẹ con là đến An Giang. Dẫn theo con nhỏ trên đường ra bến xe, nhiều người ái ngại khi biết chị đi du lịch mà chỉ có 2 mẹ con.
“Sao chị liều quá, con nhỏ xíu mà cho đi như vậy?”, chị Liễu thuật lại lời của một bác tài xế, song vẫn quyết định đi. Đến An Giang, một lần nữa chị nhận được lời khuyên ngăn từ quản lý khách sạn rằng đi như vậy là nguy hiểm, liều lĩnh.
“Lúc đó mình cũng đặt câu hỏi lỡ bản thân bướng quá, có chuyện gì xảy ra thì không tốt. Nhưng vì quá đam mê và muốn đưa con đi nên cứ tiếp tục” - chị Liễu kể.
Lần đó, chị chở con bằng xe máy đi khoảng 100km qua các điểm du lịch tại An Giang như: Núi Cấm, Búng Bình Thiên, rừng tràm Trà Sư... Đi xe máy, chị gắn đai nịt phía trước cho con ngồi, lúc con ngủ, chị phải dùng tay đỡ bé.
Sau lần đó, chị thấy chuyện đưa con nhỏ đi chơi không có gì quá đáng sợ như mọi người nói nên tiếp tục hành trình đến các tỉnh thành miền Tây, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung... Đi nhiều nơi, làm quen với bạn mới, bé Nhi con chị ngày càng dạn dĩ hơn, trong khi lúc trước chỉ cần gặp người lạ là khóc ré lên.
Trong chuyến đi, chị Liễu ưu tiên chọn những hàng quán dành cho con, tuy nhiên không quá kén, con ăn gì mẹ ăn đó và ngược lại, đồng thời tập cho bé thói quen không bám mẹ. Chị luôn xem dự báo thời tiết, thủ sẵn nhiều quần áo để thay cho con, ngoài ra những lần đi rừng luôn mang theo thuốc chống côn trùng.
Mỗi năm chị Liễu lên kế hoạch đưa con đi chơi ít nhất 4 lần, thời gian mỗi chuyến đi từ 4 đến 10 ngày, ưu tiên những điểm đến không có quá nhiều du khách, đông đúc xô bồ. Ngoài ra, những lần đi công tác ở các tỉnh, chị luôn mang con theo cùng cho bé trải nghiệm, làm quen với sinh viên.
Trong các lần đi chơi, chị để bé nhìn ngắm bên ngoài, tò mò về cái cây, ngọn cỏ, con vật, rồi chụp ảnh, chạy nhảy, nói chuyện, làm quen với người mới thay vì tập trung vào điện thoại, iPad. Vì vậy, bé có thể quan sát mọi thứ đang diễn ra xung quanh, học những điều tốt.
“Lần mình đến Bảo Lộc, có một chị người dân tộc dẫn theo con nhỏ đi giúp việc ở farmstay. Chỉ có hai mẹ con đùm bọc nhau nên cậu bé rất ngoan, hay phụ giúp mẹ. Nhi thấy vậy nên bắt chước, về đến nhà cháu thay đổi rất nhiều, học theo gương tốt từ bạn, quan tâm mẹ hơn. Bé bắt đầu chiên trứng, nấu ăn cơ bản, chủ động giặt đồ, đắp mặt nạ cho mẹ...”, chị Liễu nói. Chị thấy quyết định của mình đúng đắn khi cho con đi chơi sớm, học nhiều điều bổ ích.
Dù vậy, những chuyến đi của chị và con gái không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có lần hai mẹ con phải kéo vali đi tìm phòng giữa đêm vì gọi chủ trọ không bắt máy. Hoặc có khi đi theo chỉ dẫn trên Google Maps rồi lạc đường vào nơi hoang vu, không bóng người, con ngồi phía sau ôm sát mẹ, còn chị thì tìm đường quay về.
“Dù sợ, nhưng vì có người mình thương yêu ở bên cạnh nên hai mẹ con không hoảng loạn, cứ hoan hỉ. Mình cũng nói với con là cuộc sống đôi khi có những cái không lường trước được. Nếu điều không mong đợi xảy ra thì nên biết xử lý tình huống, linh hoạt, thích nghi” - chị Liễu cho hay.
Nhìn con thay đổi theo chiều hướng tốt sau những chuyến đi, chị Liễu rất vui. Với bản thân người mẹ này, những vết thương cũ trong quá khứ cũng dần nguôi ngoai. Chị nói mình đã bớt kỳ vọng vào cuộc sống, thay vì trách móc, buồn bã, bản thân cứ thoải mái đối diện với những điều bất ngờ. Bởi cân bằng cuộc sống là hành trình rất dài mà sau này mỗi người sẽ có đáp án của riêng mình.