PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu có nhiều cống hiến cho nền y học nước nhà, đồng thời là chuyên gia đầu tiên về can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em tại Việt Nam. Anh hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đồng thời cũng là Phó trưởng bộ môn Tim mạch, trường Đại học Y Hà Nội. Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, anh đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam.
Năm 2016, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) và đã có nhiều đóng góp trong các vấn đề quan trọng của đất nước như y tế, giáo dục, môi trường. Anh là một trong những vị đại biểu Quốc hội được báo chí trích dẫn ý kiến phát biểu rất nhiều, trở thành cái tên quen thuộc với cử tri cả nước.
Trong cuốn sách Câu chuyện từ trái tim, anh có những chia sẻ rất thật lòng về con đường trở thành bác sĩ và những được, mất từ đó.
“Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: Sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian... Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và “sợ bố mẹ buồn”... Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề. Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động. Nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ “nhập kho”, ta cũng có thể mất ngủ suốt cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận. Bạn chính thức trở thành một ông già khó tính, tóc bạc trắng hai mai”.
Những tư duy như “bác sĩ là những vị cứu nhân độ thế”, “ngành y là một ngành cao quý, phải cứu người”, phải nhân văn... có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Nhưng những bài viết trong phần đầu của cuốn sách đã bày ra thực tế: Bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc, có lúc vì công việc cuốn đi mà bỏ bê chính sức khỏe của mình. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” có lẽ sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”.
Một vị bác sĩ tim mạch hàng đầu vốn chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, thậm chí không phải là Đảng viên, lại đột ngột quyết định dấn thân sang chốn nghị trường. Điều gì đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thay đổi ở độ tuổi bốn mươi lăm?
Cơ duyên ấy đến từ một cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế Myanmar. Vị bộ trưởng đã bày tỏ sự thán phục trước những gì nền y tế Việt Nam đã làm được cho trẻ em: Nhà nước cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, tay nghề của nhân viên y tế liên tục được trau dồi... và chia sẻ với anh rằng: Chữa được một ca bệnh đã khó, thay đổi được tư duy làm chính sách để giúp cho hàng triệu trẻ em là điều đáng quý vô ngần. Myanmar của ông chưa làm được như Việt Nam bởi ở nước họ nhiều năm liền không có nhà chuyên môn y khoa nào lên tiếng trong Quốc hội. Những lời tâm sự chân tình này đã khiến bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu quyết định dành quỹ thời gian ít ỏi của mình cho một hoạt động hoàn toàn mới - làm đại biểu Quốc hội - để có thể đóng góp và giúp được nhiều trẻ em hơn.
Xin giới thiệu một trích đoạn trong cuốn sách “Câu chuyện từ trái tim”:
“Năm 1989, tôi thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn, vừa đói ngủ. Học y rất áp lực vì chương trình nặng, các thầy lại vô cùng nghiêm khắc. Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”.
Tôi bước vào giảng đường với tâm thế sợ đúp nhưng tôi thích học lắm vì được biết nhiều thứ mới lạ. Bây giờ chỉ cần “hỏi Google” vài phút sẽ rõ ngay thế nào là vòng tuần hoàn sinh lý, nhưng vào những năm 1995, chuyện đó chỉ sinh viên ngồi trên ghế trường Y mới biết. Chiều hôm trước học lý thuyết thấy bao điều kỳ lạ trên giảng đường, sáng hôm sau đi lâm sàng chúng hiện lên trước mắt. Sáng đi nghe tim cho bệnh nhân thấy tiếng tim đập rất lạ, chiều về thầy hướng dẫn nguyên lý tiếng thổi tâm thu.
Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng, cuối tháng xôn xao hỏi nhau: “Mày được bao nhiêu phần trăm?” Học giỏi sẽ được học bổng 100%, kém hơn chút được 75%, rồi 50%, 25%. Nghe có vẻ oai chứ thực ra học bổng 100% được có 21 nghìn, đi ăn căng-tin ba hôm là hết vì phở 5 nghìn một bát. Đến năm thứ năm, các bạn nữ được thêm một phần học bổng ưu tiên, chúng tôi gọi đó là tiền “đền bù tuổi thanh xuân” vì trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác.
[...] Tôi chọn ngành tim mạch, bởi tim mạch là một ngành rất logic.
Không có một triệu chứng nào của bệnh về tim mạch mà không giải thích được vì nó liên quan đến huyết động. Bạn hãy tưởng tượng, vòng tuần hoàn nó đẩy như cái bơm mà ở đây quả tim là cái bơm và mạch máu là các đường dẫn nước. Mọi thứ hoạt động và tuân theo nguyên lý về áp lực và động lực của vật lý. Ví dụ như là tại sao máu nó chảy từ chỗ này sang chỗ kia, hay là chảy ngược lại, tại sao có bệnh nhân lại tím có bệnh nhân lại không... tất cả đều có lý do hết, đều cắt nghĩa được. Tôi rất thích, bởi khi mình cắt nghĩa được, mình học thuộc rất là nhanh. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ nguyên lý: Nghe tiếng tim thổi tâm thu 2/6, 3/6 gợi ý gì, rồi dấu hiệu ngón tay dùi trống do đâu... Chính vì thế mà trong những năm đầu học đại học, tôi đã nắm vững những môn học liên quan đến tim mạch.
Tôi còn nhớ lúc tôi vẫn còn là sinh viên, có lần cậu bạn thân của tôi bị ngã xe sau khi chở người yêu đi sinh nhật về. Tai nạn rất nặng, đứt dây chằng khớp gối rồi dây thần kinh. Cậu bạn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Tối hôm ấy tôi trực thì thấy cậu ấy khó thở, nhịp tim đập mạnh lên đến khoảng 150-160 lần một phút. Bác sĩ trực hôm ấy là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại là bác sĩ mổ tiêu hóa chứ không phải mổ tim. Bác sĩ đến xem và cho cậu ấy uống digoxin. Về nguyên lý, digoxin đúng là thuốc trợ tim, tăng bóp cơ tim và làm chậm nhịp tim lại, nghe thì rất tốt nhưng nó lại chống chỉ định là: Nếu quả tim đấy nó bị suy hoặc quả tim bị “bọc” trong nước (ép tim), khi tim “bơi” trong nước như vậy mà càng cho digoxin vào thì càng nguy hiểm hơn, vì tim lúc đó không giãn ra được mà lại cứ bắt nó bóp lại. Tôi nghe được tiếng tim của cậu ấy rất mờ, không đập cạnh lồng ngực nữa. Tôi liền bảo với bác sĩ là cẩn thận, có khi cậu ấy bị ép tim. Vị bác sĩ ấy không nghe, vì ai lại đi nghe một ông sinh viên Y6. Lúc đấy tầm 1, 2 giờ sáng, chẳng biết làm thế nào nữa, tôi chạy vội đến nhà giáo sư Tôn Thất Bách để gọi ông. Thầy Bách đến viện, dẫn lưu ra được một lít máu trong tim cậu ấy.
Sau chuyện này, tôi lại hiểu mình hơn một chút, tôi nhận ra mình giỏi về tim mạch. Chú ruột tôi, đồng thời cũng là thầy giáo của tôi không khuyến khích tôi theo chuyên ngành tim mạch, chú bảo đây là một ngành rất nguy hiểm, chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường.
Nhưng sau tất cả, tôi vẫn quyết định chọn tim mạch khi thi bác sĩ nội trú, năm 1995”.