Những người pha trò cho trẻ tự kỷ

Bài và ảnh Việt Trần |

Họ gọi mình là Gánh Xiếc (Nhà Jù) và bản thân là người pha trò hay tư vấn viên thay vì người giáo dục trẻ tự kỷ bằng phương pháp "chơi".

Hai bàn tay rắn chắc của Quân nắm lấy đôi chân em T - một bé trai 7 tuổi, kéo qua kéo lại lúc em ngồi trên xích đu vải. Hai bên phát âm thanh “zìn zìn”, mỉm cười đối diện nhau như hai tấm gương, rồi cùng đi một vòng vờn bắt quanh căn phòng rộng chỉ chừng trên dưới 10m2, chút ít đồ chơi vương vãi. Hai “tấm gương” sau đó cùng đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài ô kính lúc khoảng hơn 3 giờ chiều. Trời nắng.

Quá trình tiếp tục với việc Quân ủn ghế xoay T ngồi tới lui trong phòng. Lại “zìn zìn”.

T là một em nhỏ tự kỷ (autism) cần được chơi cùng. Và một trong những đặc trưng của trẻ mắc chứng này là gặp khó trong việc diễn đạt thành lời, có thể dẫn tới ức chế, khóc lóc. Chơi cùng không biết cách dễ căng thẳng. Rất thường xuyên, chuyện đập phá, vò đầu bứt tai, tự làm đau mình hay người cạnh bên diễn ra. Quân kiên nhẫn đến cùng.

Dương Mạnh Quân, 29 tuổi, học Triết học ra, đôi lúc phải dùng sức tung hứng em nhỏ lên cao như trong một gánh xiếc bởi nhu cầu được kích thích tiền đình là đặc trưng khác của một số đông trẻ tự kỷ.

Ở tầng dưới, ngồi trước camera quan sát các em chơi trong phòng, Trần Thị Hồng Duyên mỉm cười khi một em nói, “Cô đi đâu mất tiêu rồi?”. Duyên ghi chép tỉ mỉ các tình huống diễn ra.

Hỏi rằng chơi với trẻ tự kỷ rõ ràng phải có phương pháp phải không, cô gái 22 tuổi mới tốt nghiệp Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, mỉm cười gật đầu.

Những người như Quân và Quyên được phụ huynh trẻ tự kỷ tìm đến như cứu cánh, thực tế họ nhận mình là những “tư vấn viên”. Việc lập hội nhóm, mách nhau trung tâm trị liệu cho trẻ phổ biến trong cộng đồng phụ huynh, nhiều người với tâm lý ban đầu muốn tìm lối thoát. Quân và Quyên không hẳn là lối thoát.

Phương pháp chơi của Gánh Xiếc Nhà Jù là để trẻ dẫn dắt.
Phương pháp chơi của Gánh Xiếc Nhà Jù là để trẻ dẫn dắt.

Đến Gánh Xiếc Nhà Jù, nơi Quân, Quyên làm việc, cha mẹ được đặt trực tiếp đối diện toàn tâm toàn trí với con trong các phòng chơi, của không gian là một ngôi biệt thự tại đường khu Thảo Điền, Q.2, TPHCM. Các tư vấn viên - hay “người pha trò” - đồng hành để phản hồi, đồng thời cùng “kê đơn”, tập huấn lượng vận động phù hợp cho từng trẻ với cha mẹ bé. Đôi khi, họ được thuê đến tận nhà. Các phụ huynh muốn giấu danh tính, bởi một phần vẫn với hy vọng tương lai con một ngày đổi khác.

“Trước đây, bước vào phòng chơi với con rất căng thẳng” - mẹ em T kể rằng đến Gánh Xiếc 4 lần/tuần từ vài tháng trở lại đây, sau thời gian dài loay hoay tìm kiếm chỗ này chỗ kia. “Gần đây, tôi mới tìm được cảm giác thoải mái”.

Chấp nhận rồi chơi, có cách

Giống nhiều phụ huynh của trẻ tự kỷ khác, chị trải qua giai đoạn từ sốc khi đón nhận chẩn đoán về con, tự trách mình, mất hai năm để chấp nhận, rồi bắt đầu tìm hướng giải quyết. Bé T 2 tuổi, chị đã tìm can thiệp. Tuy nhiên, kể cả lúc gửi tới các trường lớp chuyên biệt rồi, chị vẫn không tìm được cảm giác an toàn. Thậm chí, chị cho rằng, tình trạng càng tồi tệ khi bé tự kỷ được đặt cạnh các trường hợp nặng hơn, vì bé như tấm gương.

Giờ em T được đặt cạnh chị và các cô chú trong Gánh Xiếc.

“Tự mình giờ biết làm gì với quả bóng khi chơi với con, như bơm, thả, chơi trong hồ bơi, chán thì bơm nước hai mẹ con ném nhau” - chị dẫn chứng.

Quân làm 'xiếc' cùng T.
Quân làm 'xiếc' cùng T.

Chưa có thống kê chính xác về tình hình tự kỷ ở Việt Nam, nhưng theo ước tính từ lâu của Bộ Lao động - thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ. Con số trẻ tự kỷ tăng nhanh kể từ những thập niên cuối thế kỷ 20 trong xã hội nói chung, với số liệu tại Mỹ: 1/2.500 trẻ những năm 70 đã lên cứ 1/68 em hiện tại được chẩn đoán trong phổ tự kỷ, theo dữ liệu của Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Từ “có thể” được nhắc đến rất nhiều trong chẩn đoán về chứng này với nguyên nhân chưa từng được khẳng định chắc chắn. Theo các tư vấn viên tại Gánh Xiếc Nhà Jù, một nhìn nhận chung là đời sống ngày càng căng thẳng gây ảnh hưởng tới bà mẹ mang thai và cả môi trường sau khi trẻ sinh ra. Họ dẫn chứng việc cha mẹ cãi nhau sẽ giống như rước “con hổ” về dồn trẻ vào chân tường. Trẻ phản ứng bằng cách chẳng hạn lấy tay mình hoặc người khác đập vào đầu nếu đã mắc tự kỷ.

Điều các tư vấn viên vì thế hướng tới là tập huấn cho phụ huynh phản ứng trước tình huống như vậy.

Tư vấn viên Bùi Thúy Hằng, 29 tuổi, sau cặp kính mắt đón nhận mọi thứ khá điềm tĩnh. “Mình nghĩ cần duy trì một đặc tính "thiền" khi chơi với trẻ tự kỷ. Trước hết là chấp nhận, rồi đến hiểu. Sau cùng thì điều chúng mình muốn là cha mẹ thay đổi thái độ, và dành thời gian cho con”.

Hằng kể đã trải qua đủ cảnh bị túm tóc, đánh, đập, thậm chí trẻ vệ sinh giữa phòng vẫn mỉm cười đi dọn - điều hết sức bình thường trong nghề của cô. “Yêu trẻ” là điểm mạnh cô nhận về mình, trong khi đồng nghiệp Quân cho rằng “đó là điểm mạnh quan trọng nhất”, bởi yêu trẻ mới dẫn đến sự kiên nhẫn. Hằng đến với nghề vì khá có duyên: Không chỉ một mà một số người quen xung quanh cô có con tự kỷ. “Mình rất nhớ một lần thôi thúc mình làm công việc này là khi chứng kiến một bé bị vết thương cắt nhưng không hề kêu đau (trẻ tự kỷ gặp khó trong việc diễn đạt)” - cô nói.

Hằng trước hai phòng chơi cho phụ huynh và con tự kỷ tại Gánh Xiếc.
Hằng trước hai phòng chơi cho phụ huynh và con tự kỷ tại Gánh Xiếc.

Gánh Xiếc Nhà Jù được thành lập năm 2018 từ phương pháp “trị liệu chơi” giữa những người yêu trẻ như vậy. Nhà sáng lập Lê Thị Phương Hoa (hiện sinh sống ở nước ngoài) là tư vấn độc lập trẻ tự kỷ từ năm 2010, và trải qua thời gian, phải “trẻ hóa” phương pháp của mình. Cô Hoa cho hay, “tôi tuyển tư vấn viên (mà không phải bác sĩ tâm lý) toàn trẻ tuổi bởi đòi hỏi giàu năng lượng, thêm nữa họ chưa chịu ảnh hưởng nhiều bởi những phương thức tiếp cận trẻ khác”.

Theo cô Hoa, kho tri thức chơi với trẻ tự kỷ không ngừng được mở rộng, và những “người pha trò” cũng như cha mẹ phải thường xuyên cập nhật để thích nghi.

Con số gia đình tham gia chơi tại Gánh Xiếc từ năm thành lập tới nay là 65, đúng như tinh thần trẻ đó. Nó khiêm tốn phù hợp với không gian nhỏ xinh nép mình một góc Thảo Điền, rất yên tĩnh trong chiều chúng tôi ghé thăm. Bên ngoài nắng Sài Gòn oi ả, đâu ai biết bên trong là các căn phòng mà trẻ tự kỷ tìm đến thay thế lớp học văn hóa số đông trẻ thường góp mặt. Qua chơi, trẻ học các kỹ năng sống. Với trẻ này, việc học chữ chưa chắc quan trọng bằng.

“Ở giai đoạn chấp nhận rồi thì việc con không tới trường lớp văn hóa cũng đã chấp nhận” - mẹ T chia sẻ. Ngồi cạnh Hằng, chị vui vẻ kể ban nãy con bực bội, nhăn nhó vì bình thường chú tài xế mở cánh cửa xe cho xuống bên phải, nay mở bên trái. Ý kiến chung giữa phụ huynh và những người trị liệu là trẻ tự kỷ cần được gửi tới môi trường biệt lập trước khi sẵn sàng hòa nhập.

Mang những gánh xiếc về nhà

Hằng ví dụ thêm chính cô là người tăng động, trước đây chưa nhận ra thì việc đến trường lớp bình thường khiến cô có cảm giác bứt rứt, muốn thoát ra. Bên cạnh đó, với trẻ tự kỷ, các vấn đề về môi trường bên ngoài như quá tải âm thanh, sóng từ... còn bên trong khó khăn bộc lộ khiến trẻ cần có thời gian. Vì thế, cha mẹ cũng cần dành thời gian cho con tương tự.

Phạm Đỗ Quyên, 27 tuổi, tư vấn chững chạc cho mẹ bé T về cách dùng từ, hàm ý. Với trẻ tự kỷ, việc đặt câu hỏi như “Vì sao con khóc? Có nín đi không, không thì ăn đòn?” có thể biến thành thảm họa. Điều mẹ T học được là hỏi bé với đúng tinh thần một câu hỏi, để hiểu, bằng một tông giọng khác. “Vì sao con khóc?”

Ghi chép về giờ chơi của trẻ tự kỷ.
Ghi chép về giờ chơi của trẻ tự kỷ.

Như vài đồng nghiệp, ban đầu, Quyên e dè khi chọn lối đi tiếp xúc với trẻ tự kỷ ngay lúc mới ra trường, dù tốt nghiệp Tâm lý học. Nhưng dần cô khám phá ra đúng như khẩu hiệu được nêu ở Gánh Xiếc, “Tự kỷ không phải án tử hình”, một khi nắm được phương pháp chơi với trẻ.

Họ đều là những thanh niên nhiệt huyết, có bằng cấp liên quan đến tâm lý, chịu bị lôi kéo trong phòng bởi một đứa trẻ khi gọi tên nền tảng phương pháp là “trị liệu chơi do trẻ dẫn dắt”.

Mọi thứ diễn ra trong đó không chỉ màu hồng như cái tên Gánh Xiếc. Có giọt mồ hôi đổ, có sự câm lặng chấp nhận. Không phải ai cũng sở hữu đôi tay khỏe như Quân để tung hứng các em. Nhưng sự kiên nhẫn cho thấy việc dành thời gian để trẻ tự kỷ dẫn đi trong thế giới của chúng là hoàn toàn có thể. Mục đích sau hết của những người pha trò chính là các cha mẹ tự tạo được các gánh xiếc cho mình ở nhà.

Quân nói, “bạn cứ thử để ý, các nhân vật chính trong rất nhiều phim thường là người giàu năng lượng và dẫn dắt mọi người đi đấy thôi”.

Bài và ảnh Việt Trần
TIN LIÊN QUAN

Hành trình đưa con tự kỷ tái hòa nhập cộng đồng

Kiều Vân |

Từng phải chứng kiến những hành vi xua đuổi, xa lánh và lạnh nhạt của mọi người đối với đứa con không may mắc chứng tự kỷ, chị Phạm Hương Giang - người mẹ mạnh mẽ - đã kiên cường chiến đấu cùng con trên hành trình đưa con hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Con trai Ngọc Hiền khỏi đến 80% chứng tự kỷ và bài học từ yêu thương

Thái An |

Nữ ca sĩ Ngọc Hiền cho biết, giống như bao bậc cha mẹ có con bị tự kỷ, luôn mong một điều kỳ diệu sẽ xuất hiện và con trai sống, học tập như bao đứa trẻ cùng tuổi.

"Kẻ trực đêm" với góc khuất về người tự kỷ gây thất vọng

Thu Lan |

Bộ phim có tựa đề là “Kẻ trực đêm” nói về cuộc sống khó khăn của người tự kỷ được kỳ vọng là một siêu phẩm nhưng lại gây thất vọng bởi kịch bản phim rời rạc, nhạt nhẽo.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

CLB Thanh Hóa đánh bại Công an Hà Nội tại vòng 2 V.League

HOÀNG HUÊ - MINH DÂN |

Câu lạc bộ Thanh Hóa giành chiến thắng 1-0 trước đội Công an Hà Nội ở vòng 2, qua đó giành 3 điểm đầu tiên ở LPBank V.League 2024-2025.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.