Hai người phụ nữ đặc biệt
Cứ mặc định làm giám đốc là phải quần là áo lượt, thơm tho từ trong ra ngoài, nên khi gặp ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Mã Châu mặt mày nắng cháy, mình mẩy đầy bụi và nhớt thì cứ ngỡ là tìm gặp nhầm người. Ông Phương cười bảo, “cũng không có gì lạ bởi tiếng là giám đốc nhưng quanh năm chúi đầu vào tằm, dâu, khung dệt, máy móc, có khi ngày chẳng thấy mặt trời”. Ông Phương là truyền nhân đời thứ 18 của làng lụa Mã Châu (nay thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) - làng lụa truyền thống có tuổi đời hơn 400 năm năm.
Ông Phương kể sự hình thành và thăng trầm của làng lụa Mã Châu gắn liền với hai người phụ nữ rất đặc biệt. Người đầu tiên là bà Mã Chấu - một trong những phụ nữ có mặt trong đợt di dân đầu tiên của 4 tộc họ, trong đó có tộc họ Trần Hữu của ông Phương nghe đâu tận ngoài Thái Bình vào đây. “Tôi không nhớ chính xác về năm tháng và nguồn gốc, chỉ nghe người già kể lại là ngày ấy, cha ông chúng tôi khi di dân vào đây ngoài hài cốt của mộ tổ, bà Mã Chấu (sau người dân gọi trại lại thành Mã Châu - tên làng) còn mang theo khung cửi và hình thành nên làng lụa như bây giờ” - ông Phương kể. Chỉ tay ra khoảng sân trống trước trụ sở Công ty TNHH Mã Châu, ông Phương bảo “ngày xưa đó là đền thờ bà Mã Chấu, những sau chiến tranh tàn phá nên giờ mất luôn dấu vết”.
Người phụ nữ thứ hai là bà Hiếu Chiêu hoàng hậu, hay còn gọi là Đoàn Quý Phi, tên húy là Ngọc - là chánh phu nhân của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, mẹ của chúa Nguyễn Phúc Tần. Bà nổi danh ở xứ Đàng Trong với biệt hiệu “Bà chúa Tằm Tang”, đương thời là một Quốc mẫu nổi tiếng nhân hậu, giúp dân chúng Mã Châu phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa lên tầm rực rỡ. “Bà chúa Tằm Tang” sinh năm 1601 tại thôn Điện Châu (Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam) bên bờ sông Chợ Củi (Thu Bồn ngày nay). Bà là con gái thứ ba của Thạch Quận công Đoàn Công Nhạn, một hào phú có thế lực trong vùng nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa.
Theo như ghi chép trong “Đại Nam liệt truyện tiền biên” thì "Bà là người minh mẫn, thông sáng... sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần". Và "Năm mười lăm tuổi (Bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Huy Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta (tức Thế tử Nguyễn Phúc Lan lúc bấy giờ) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là An Phú Tây) câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu Chúa ở tiềm để, được yêu chiều lắm”.
Sau khi Chúa Sãi băng hà năm 1635, Thế tử Nhân Quận Công Nguyễn Phúc Lan trở thành Chúa Thượng. Và “Bà chúa Tằm Tang” được phong Đoàn Quý Phi. Tuy sống trong phủ chúa nhưng Đoàn Quý Phi không quên nghề xưa, hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ, nhờ thế nghề tằm tang của xứ Đàng Trong phát triển rực rỡ, không chỉ những làng quê dọc hai bên sông Thu Bồn ở Quảng Nam quê bà mà cả ở kinh đô Phú Xuân ngoài Huế. Sau khi bà mất, Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần đưa thân mẫu về quê, an táng trên gò Cốc Hùng (làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên). Đây là lăng mộ cổ xưa nhất của chúa Nguyễn ở phía nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Hằng năm cứ đến ngày 24 tháng 3 âm lịch, nhân dân quanh vùng và tộc họ thường làm lễ dâng hương để tưởng niệm và tổ chức lễ hội “Bà chúa Tằm Tang” để ghi nhớ công ơn lớn lao của Đoàn Phí Phi.
Dùng lụa để... đan lưới và bện dây thuyền
Trở lại với việc “Bà chúa Tằm Tang” hết lòng khuyến khích việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ươm tơ. Thời đó, khi Hội An dưới thời các chúa Nguyễn trở thành một thương cảng phát triển, mở cửa giao lưu với bên ngoài thì đường bát, lâm thổ sản và nhất là tơ lụa trở thành những hàng hóa xuất khẩu chủ lực.
Lụa Mã Châu dưới thời Đoàn Quý Phi, là sự kết hợp độc đáo của kinh nghiệm cha ông từ Đàng Ngoài truyền lại với kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm của người Chămpa bản địa cũng như bí quyết dệt lụa của người Minh Hương (người Hoa đến định cư cuối thời Minh) để tạo ra được một nguồn tơ sống phong phú và nhiều mặt hàng lụa có chất lượng cao nức tiếng như: Trừu (lụa thô và to sợi); lượt (lụa thưa và trơn); sa (lụa mỏng và trơn); the (lụa nhẹ màu sáng); xuyến (lụa trơn dày hơn, màu sáng); nhiễu (lụa trơn, dày và bền); là (lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ cách đều và nhuộm đen); lãnh (lụa trơn, dày và nhuộm đen); đoạn (cũng là loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn); vóc (lụa bóng mịn, có dệt hoa); văn (lụa dày có dệt hoa lớn, chất lượng cao hơn) và gấm (lụa hoa cao cấp)... Các loại lụa này được Lê Quý Đôn đánh giá trong “Phủ biên tạp lục” là “hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông”. Và là một trong những tặng phẩm được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm vật cống hằng năm cho vua Lê.
Tơ lụa của Mã Châu và xứ Quảng ở Đàng Trong ngày ấy nhiều đến mức, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes khi đến Hội An vào cuối năm 1624 đã nhận xét "Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”. Trước đó mấy năm, 1618, Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn kể: "Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”.
Lịch sử cho thấy dưới thời Chúa Nguyễn, hằng năm tơ sống và các loại lụa của Mã Châu đã có mặt trong “con đường tơ lụa” trên biển khi được xuất khẩu cho các nước Châu Á và phương Tây qua cảng thị Hội An tại Hội chợ quốc tế kéo dài từ tháng hai cho đến tháng sáu âm lịch. Hằng năm, các tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan... đã đến cảng thị Hội An để mua tơ sống và các loại lụa; riêng các tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống. Đặc biệt trong số tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán tại cảng thị Hội An trong các thế kỷ XVII – XVIII thì Châu Ấn thuyền của Nhật Bản đến mua nhiều tơ và lụa nhất. Theo một tư liệu trên báo Cambridge University Press của Anh thì từ 1604 - 1635, đã có 124 tàu buôn Nhật Bản (Châu Ấn thuyền) cập bến cảng thị Hội An để mua tơ lụa và các mặt hàng khác. Thời kỳ này, nhờ có mối quan hệ thông gia với chúa Nguyễn (chúa Nguyễn gả Công nữ Ngọc Hoa cho một thương gia Nhật Bản) và hệ thống “phố Nhật” ở Hội An, nên người Nhật luôn thắng và gây nhiều khó dễ cho tàu buôn các nước khác trong những “cuộc chiến” tranh giành nguồn tơ lụa.
Giấc mơ bà chúa Tằm Tang...
Hơn 400 năm sau ngày “Bà chúa Tằm Tang” theo Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan về trời, nghề tằm tang (dâu tằm) vẫn được những hậu duệ của làng nghề Mã Châu liên tục gìn giữ và phát triển dù có lúc thăng trầm. “Trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Mã Châu đến đâu cũng nghe những âm thanh dệt lụa với hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có những thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng nghìn hécta trải dài dọc sông Thu Bồn”. Tuy nhiên nhiều thời điểm, như thập niên 1960, nhiều gia đình ở Mã Châu đã bỏ quê Nam tiến, sau đó hình thành làng lụa Bảy Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) như hiện nay. Đặc biệt từ những năm 2000, tiếng thoi ở làng lụa Mã Châu bắt đầu thưa dần, người trẻ bỏ xứ đi làm ăn xa, người già ở làng dần bỏ nghề theo nghề khác bởi lụa làm ra không bán được, thị trường không ổn định và không cạnh tranh nổi với lụa Trung Quốc giá rẻ đang tràn ngập Việt Nam. Và đến năm 2017 thì Hợp tác xã tơ lụa Mã Châu cũng giải thể sau khi từ hơn 300 thành viên giảm xuống còn 16. Đến thời điểm hiện nay, chỉ còn duy nhất Công ty TNHH Mã Châu duy trì làm nghề. Công ty ông Phương nhận trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích không lớn, chỉ hơn 2ha và cũng chỉ còn đúng 2 hộ nuôi tằm.
Ông Trần Hữu Phương - Giám đốc Công ty TNHH Mã Châu là một trong những người hiếm hoi ở làng Mã Châu còn duy trì dệt lụa tơ tằm theo phương pháp thủ công truyền thống với quyết tâm: “Nếu chết, tôi sẽ chết với con tằm ngoài gốc dâu chứ quyết không bỏ nghề truyền thống của cha ông”. Ông Phương cũng là người duy nhất ở Mã Châu vào năm 2012 đã mày mò cải tiến thành công máy trục, máy đánh ống... cho năng suất lao động cao hơn 20 lần so với làm thủ công. Kế đó là máy đánh ống, máy dệt vải lụa sa tanh khổ rộng “made by Trần Hữu Phương” cũng lần lượt ra đời. Tuy vậy một thời gian dài, ông Phương và công ty của mình chỉ đúng nghĩa là duy trì nghề khi toàn làm công theo đặt hàng và đầu tư vốn của người khác chứ không tự mình làm ra và bán được sản phẩm. Đã thế lượng dâu và tằm ở địa phương sản xuất cũng hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, còn lại phải nhập tơ từ “thủ phủ” tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng). “Phải 3 năm trở lại đây, khi tự tổ chức sản xuất và bán hàng trên mạng, bán theo đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang... chúng tôi mới bắt đầu có lãi, có tích lũy để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi và quy mô hơn để làm sống lại làng lụa Mã Châu” - ông Phương nói.
Ông Phương gọi kế hoạch làm sống lại làng lụa Mã Châu của mình là “giấc mơ bà chúa Tằm Tang”. Và giấc mơ này ngoài những nỗ lực tự thân còn được chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam và nhiều cá nhân, tổ chức trong đó có Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An chung tay tưới tắm. “Silk House Vietnam” - mô hình phục dựng quy trình sản xuất lụa truyền thống Việt Nam ở Công viên này có sự tham gia của 5 nghệ nhân đến từ làng lụa Mã Châu vừa được đưa vào hoạt động. Ông Phương, các nghệ nhân và Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An đang cùng nhau tưới tắm lại và thổi lên tinh thần, giá trị... của nghề dệt lụa truyền thống. Cùng nhau chuyển tải giá trị và tinh thần ấy đến với du khách trong ngoài nước. “Silk House Vietnam” còn là không gian trưng bày có thể làm sống lại “con đường tơ lụa” năm xưa với những sản phẩm cao cấp, 100% tơ lụa nguyên chất được hỗ trợ bởi công nghệ tiên tiến nhất cũng như được đầu tư kỹ lưỡng về thiết kế là những câu chuyện văn hóa của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đến bất kỳ thị trường khó tính nào trên thế giới...
Khó có thể để Mã Châu trở lại với vị thế của một làng nghề từng làm mưa làm gió trên trường quốc tế như thời cực thịnh của các chúa Nguyễn cách đây hơn 400 năm. Nhưng với tâm huyết của ông Phương và sự chung tay tưới tắm của xã hội, người làng Mã Châu có quyền hy vọng về một tương lai không xa, thương hiệu lụa Mã Châu sẽ sống lại đúng nghĩa và tìm lại được phần nào danh tiếng của mình không chỉ ở trong nước...
Truyền nhân đời thứ 19
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, cô gái Trần Thị Yến, con gái của ông Trần Hữu Phương quyết định về giúp cha mình khôi phục lại làng lụa Mã Châu. Và cô là truyền nhân đời thứ 19 của làng lụa danh tiếng này.