Niềm tự hào
Một ngày đầu thu tháng 8, đi qua khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), những câu hát trong ca khúc “Mười chín tháng Tám” của cố nhạc sĩ Xuân Oanh bỗng vang vọng trong tâm trí GS.TS Phạm Hồng Tung - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề
Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa
Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam".
Cách đây gần 40 năm, GS.TS Tung - thuở còn là sinh viên, mỗi lần đạp xe qua khu vực này cùng bạn cũng đều hát theo tiếng nhạc của đài phát thanh, trào dâng trong lòng một niềm tự hào. Và sau bao nhiêu năm tháng, niềm tự hào ấy, vẫn vẹn nguyên.
“Đến thế hệ chúng tôi, dù chỉ làm nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử, nhưng khi nghe thấy những lời ca ấy, trong lòng ai cũng cảm thấy rất thôi thúc. Bài hát cho thấy rằng, nhân dân ta, đồng bào ta luôn luôn là sẵn sàng, bất kỳ lúc nào vẫn có thể đứng lên để bảo vệ Tổ quốc” - GS Tung chia sẻ.
Quảng trường Cách mạng tháng Tám là quảng trường nằm trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Tại đây đã diễn ra hai cuộc biểu tình, mít tinh liên tiếp trong hai ngày 17 và 19.8.1945. Trong đó, vào ngày 19.8.1945 đã diễn ra cuộc mít tinh lớn được mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) lãnh đạo biến thành cuộc biểu dương lực lượng và giành chính quyền, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám trên cả nước.
Dấu son lịch sử
GS.TS Tung cho biết, Quảng trường Cách mạng tháng Tám gắn với không gian và cảnh quan của Nhà hát Lớn. Suốt thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, quảng trường là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Hà Nội cũng như là của xứ Bắc Kỳ và của Liên bang Đông Dương.
Tháng 8.1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và sau đó Quốc dân Đại hội đã quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước Tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Vậy nên, vào ngày 17.8, Đội Thanh niên xung phong Thành Hoàng Diệu (Hoàng Diệu là mật danh của Hà Nội khi đó) đã tổ chức cướp diễn đàn tại buổi mít tinh do Tổng hội Công chức tổ chức để ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Hành động quyết liệt và khôn khéo này của Việt Minh đã nhanh chóng được quảng đại nhân dân ủng hộ.
Khi cuộc mít tinh vừa bắt đầu, bỗng một lá cờ đỏ sao vàng lớn chừng 34m2 thả từ nóc Nhà hát Lớn xuống, nhiều người đứng dưới quảng trường cũng đồng loạt rút cờ đỏ sao vàng trong người rồi cùng phất lên. Trên diễn đàn đại diện của Tổng hội Công chức bị đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh dồn vào một góc.
Sau đó, lời hiệu triệu nhân dân ủng hộ Việt Minh giành chính quyền vang lên. Cuộc mít tinh sau đó đã biến thành cuộc biểu tình chính trị của quần chúng. Quân Nhật và đội bảo an không dám ngăn chặn.
Tối ngày 17.8, tại ngôi nhà 101 phố Gambetta (phố Trần Hưng Đạo ngày nay), Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định tổ chức Tổng khởi nghĩa giành chính quyền bằng hình thức biểu tình chính trị của quần chúng, có kết hợp với lực lượng vũ trang và sẵn sàng đấu tranh vũ trang vào ngày 19.8.
Thực hiện mệnh lệnh phát ra, trong ngày 18.8, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội.
Đến sáng sớm ngày 19.8, hàng trăm nghìn người từ tất cả các ngả đường được huy động đến quảng trường dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức.
Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, chính quyền bù nhìn nhanh chóng đầu hàng, quân Nhật đã chấp nhận lời yêu cầu của Ủy ban Khởi nghĩa, giữ thái độ trung lập, hầu như không phản ứng gì.
“Quảng trường Nhà hát Lớn - sau đó được đổi tên thành Quảng trường Cách mạng tháng Tám đã chứng kiến sự kiện “long trời lở đất”, đánh dấu một dấu mốc rất quan trọng trong lịch sử Thủ đô và lịch sử của đất nước. Khởi nghĩa đã nổ ra và thành công bằng một phương thức rất đẹp, rất đặc sắc - đó là biểu tình chính trị của quần chúng là chính, có kết hợp với lực lượng vũ trang và sẵn sàng đấu tranh vũ trang. Đó là cuộc giành chính quyền “nhanh gọn, ít đổ máu” - GS.TS Tung cho biết.
Năm 2011, Quảng trường Cách mạng tháng Tám được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, Quảng trường Cách mạng tháng Tám là một quần thể mang hình thái tổ hợp không gian thành phố với những công trình kiến trúc đẹp như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, khách sạn Hilton, phố Tràng Tiền nối với hồ Hoàn Kiếm...
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, nơi đây vẫn giữ nguyên giá trị lớn về lịch sử văn hóa, kiến trúc vừa cổ điển vừa hiện đại. Đó cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật cộng đồng của người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
Những ngày đầu tháng 8, có lẽ không chỉ GS.TS Tung, mà rất nhiều người khi đặt chân đến Quảng trường Cách mạng tháng Tám trong lòng đều ngân vang câu ca đầy tự hào của những bài ca cách mạng ghi một dấu son lịch sử diễn ra tại đây.