Seo Chúng và sự chào thua của “ma khỉ”

Ghi chép của: Trần Thị Thanh Thanh |

Mỗi lúc nhớ đến Vàng Seo Chúng là tôi lại mỉm cười, thấy đâu đó một sự ấm áp và cái gì đó rất trong trẻo vút lên. Seo Chúng ở vùng heo hút, bản Tả Lử Thẩn, xã Pa Vầy Sủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang. Cái tên Tả Lử Thẩn, rồi danh xưng Pa Vầy Sủ, xướng lên đã thấy trắc trở diệu vợi rồi. Xã biên giới, ở địa đầu bắc ải Hà Giang, còn phải nói “bò” thượng sơn thì khổ sở tới mức nào.
Dọc đường, hỏi thăm, bà con ai cũng tỏ ra nghiêm trọng: Đẹp đẽ gì cái “đuôi khỉ” của nó mà “chúng mày” đi xem. Bảo nó vạch đuôi ra, nó chả lại chửi cho vỡ mặt í. Seo Chúng bị “ma khỉ” nhập vào từ bé, khổ ngần ấy chưa đủ sao, mà lại còn đem ra chụp ảnh bêu rếu. Chúng tôi đã ái ngại đến mức muốn bỏ cuộc, quay về. Chợt cơn mưa biên tái đổ ào ạt, đất đá bít thành mâm thành đống giữa đường. Tiến thoái lưỡng nan, cố lết cỗ xe leo núi lên đến trạm biên phòng Tả Lử Thẩn tá túc.
. Trạm trưởng là cậu trẻ người dưới xuôi. Nghe chuyện nhà báo muốn gặp “người có đuôi” Vàng Seo Chúng thì bật cười thích thú. Nhân vật đó hay lắm anh ơi, cái lạ nhất của anh ấy không phải là cái “đuôi” từng dài cả mét - bây giờ vấn chính xác là cắt đi chỉ còn 50cm, ngúc ngoắc ở mông - mà lạ nhất là sự hồn nhiên của Seo Chúng. Bác cứ để em cho chiến sĩ mời anh Chúng lên ăn cơm tại trạm. Chứ mưa này, người xuôi như anh, vào bản không ra nổi đâu, dẫu là đi bộ cũng chịu. Một tiếng sau thì Vàng Seo Chúng và Lù Seo Dề, công an viên bản Lử Thẩn xuất hiện. Seo Chúng có bộ răng bàn cuốc, hô ra phía trước rất cởi mở. Vừa gặp khách, anh đã rón rén cười: “Xem đuôi khỉ à? Cởi nhé!”. Tôi ái ngại, em thăm sức khỏe anh, thăm bản làng và quê hương Sín Mần của các anh, vùng đất hình đuôi chồn nổi tiếng trên bản đồ này hay lắm. Rừng, thác và cả nương lúa vàng như mâm xôi vàng trên mây đều đẹp tuyệt. Seo Chúng chăm chú nghe, tay lẩn mẩn đóng hàng cúc chiếc áo đen lụng thụng, từ vòng cổ của anh lộ ra một túi vải nhỏ màu vàng. Thấy tôi nhìn lom lom, Chúng bảo: “Bùa đấy. Bùa này làm bằng lá rừng nghiền nhỏ. Đeo vào kẻ ác không làm gì được, đeo vào thì cái “đuôi” khỉ không bị rụng. Đuôi này may mắn lắm chứ”. Seo Chúng nói tiếng Việt (Kinh) khó khăn. Ý anh là, cái đuôi dài 50cm là thiên thần hộ mệnh, đem đến điều may mắn cho anh. Lần nào cắt đuôi xong anh cũng ốm. Hồi mới lấy vợ, lúc “gần nhau”, đuôi vướng quá, thương vợ bị phiền hà, Seo Chúng nghiến răng cầm dao ra cắt “đuôi”. Ai ngờ, đá cũng đổ mồ hôi, khỏe nổi tiếng cả vùng như thế mà tự dưng Chúng rơi vào đau ốm quặt quẹo. Có lần “đuôi” dài 3m, cắt xong thì vợ Giàng Thị Chá chết, để lại một đàn con 5 đứa nheo nhóc và ông bố già nhiều bệnh.
Bây giờ Chúng không cắt “đuôi” nữa, anh dần thấy tự hào về nó. Hồi còn sống, Giàng Thị Chá yêu Seo Chúng và yêu cái đuôi cả làng bản, cả huyện cả tỉnh không ai có kia lắm. Chá tỉ mẩn khâu ngày khâu tháng, khâu cả niềm thương nỗi nhớ để có được một cái túi vải dài hai mét. Rất nhiều hoa văn. Túi đựng đuôi. Vì đuôi của Chúng là một túm lông dài, dày, cứng, đen nhánh. Gốc của “đuôi” cũng là cụm lông dày, cứng, đen kịt, to bằng cái bát loa ốp ở đằng sau lưng Seo Chúng. Gốc đuôi nó nằm ở phía trên hông một tí. Lông cứ dày lên, dài ra, bó tết với nhau lại thành một cái đuôi to, quật vào người khác có thể gây đau ráp. Đuôi thì phải có sụn xương hay thịt thà gì như hầu hết các loài, đằng này, “đuôi” của Seo Chúng thì không thế.

. “Đuôi” của chúng là túm lông to, ngúc ngoắc, kéo lê theo ông chủ. Lúc Seo Chúng đi trong rừng trong núi, tóc dài, đuôi vươn ra nhấp nhô, cứ là giống y như khỉ. Chá muốn Chúng bọc đuôi lại và cuốn quanh thắt lưng. Có người bảo, Chúng sướng quá, được người ta may túi vải dài hai mét và tháng ngày dệt thương nhớ thêu đăng ten vào, cứ như Quan Công ngày xưa được Tào Tháo tặng cả túi gấm đựng râu vậy. Túi bọc râu cứ như bao kiếm của hiệp sỹ thời cổ ấy. Chúng nghe, không hiểu điển tích điển tiếc gì, chỉ phô hàm răng bàn cuốc ra cười: “Cái lông này, nó cũng như lông đầu (tóc) này này, đẻ ra, lúc bé tí đã có tóc ở lưng và đen nhánh thành cụm đuôi rồi nhá”.

Người hẳn hoi, lại có đuôi hẳn hoi. Người có đuôi thì có khác gì “lại giống” trở thành khỉ. Người ta có cái nốt ruồi, cái ngón tay cong đã muốn giấu diếm như một khiếm khuyết do cha sinh mẹ dưỡng, trời bảo ban rồi. Vậy mà Chúng có cả cái “đuôi” dài thượt, vắt vẻo, đen kịt, xác xơ, cả làng cả tổng thấy kỳ dị đến mức gọi “đuôi” ấy là thứ do “ma khỉ” làm. Vậy mà Seo Chúng không mặc cảm, cũng chẳng khép mình hay giấu diếm. Suốt từ lúc gặp, mấy lần Chúng muốn phá vỡ sự tò mò của chúng tôi bằng cách cởi áo, vén thấp cạp quần, giơ lưng ra để khoe đuôi. Bạn tôi còn đang ái ngại thì Chúng đã cởi trật ra rồi. Trạm trưởng biên phòng đem ra cái thước dây: Đúng 50cm “đuôi”. Đuôi vắt từ hông lên đầu, vắt cả sang bụng Seo Chúng và cuốn thêm một vòng nữa. Cụm đuôi cứng, cong vút, nó giống cái đuôi hơn cả cái đuôi. Seo Chúng bảo: Gọi cái này là đuôi chứ còn là cái gì. Đuôi khỉ. Rồi anh cười, phô hàm răng bàn cuốc hồn nhiên.
Bà con, cán bộ biên phòng rồi cả Seo Chúng nữa, cùng kể chuyện xưa. Lúc mới sinh ra, đầu vừa mọc tóc, thì “tóc” cũng có ở sau lưng Seo Chúng luôn. Mà “tóc lưng” nó dài ra rất nhanh. Đến mức bà Hạng Thị Chở, mẹ Seo Chúng tá hỏa kêu trời, dân bản họp lại và kết luận: Seo Chúng bị “ma khỉ” nhập. Cái “đuôi” mọc ở đúng vị trí mà bất cứ loài vật nào có đuổi thì nó đều hiện diện từ... ở đó. Vùng lông dày lên, dài ra, “đuôi” Seo Chúng có lúc dài gần 3m. Thầy cúng đến, nhà Seo Chúng mổ trâu, giết lợn, làm thịt gà để cúng, để đãi đằng thầy và đông đảo dân bản. Máu tươi vảy khắp nhà. Tán gia bại sản, mà “đuôi” vẫn cứ dài ra, Seo Chúng bước đi, càng ngày càng y hệt con khỉ. Người ta trói Chúng lại, dùng cây bùa ngải trên rừng đánh vào mông, vào lưng bật máu, đánh để đuổi ma tà (ma khỉ) trong cơ thể Chúng đi. Nhưng “ma khỉ” vẫn cứ vác cái đuôi đến, dài thượt sau lưng Chúng. Lớn lên, Chúng đi sang Trung Quốc làm thuê, người ta trông thấy “đuôi” thì thi nhau vạch ra xem, bàn tán xôn xao. Có người tránh xa “ma khỉ”, có người lại thương tình cho ăn uống, tặng cho ít tiền, quà gọi là làm phúc. Có khi họ quyên góp mỗi người ít thịt cá tặng “người có đuôi”, Seo Chúng cảm ơn rồi cõng cả về, treo sấy đầy trên gác bếp, cho con cái ăn dần. Dù thiên hạ nghĩ gì, Seo Chúng chỉ thấy rất đơn giản. “Đuôi” mình dài như đuôi khỉ, đúng rồi. “Ma khỉ” mình không hề trông thấy. Mình sống vui, Giàng Thị Chá xinh thế mà còn yêu mình, làm cả bao vải bọc đuôi cho mình. Có gì phải buồn, đàn con 5 đứa đi ăn học đàng hoàng, đứa lớn đã lấy chồng ấm êm. Nhà hơi nghèo tí vì mải lo cho con cái ăn học, có gì mà tiếc nuối. Có người dưới xuôi lên thăm, đòi chụp ảnh “đuôi”, cho Seo Chúng uống rượu lại tặng cả tiền mua quà bánh cho con, có gì mà phải giấu “đuôi” nhỉ?

 

. Chúng nói tiếng Kinh khó nhọc, cách dùng từ như Tây học tiếng Việt, nhưng vì thế lại thấy dễ thương. Anh ta lý luận về cái “đuôi” rất hồn nhiên. Mẹ Seo Chúng chết rồi, cha mẹ trời đất sinh ra Chúng có “đuôi”, Chúng quý mẹ lắm, nếu Chúng ghét cái “đuôi” chắc chắn mẹ sẽ buồn. Bây giờ Chúng 47 tuổi, vợ Giàng Thị Chá cũng chết rồi, cái túi vải bọc “đuôi” vẫn còn đây, mình cắt “đuôi” là mình ốm, là mình làm việc không tốt cho vợ của mình chứ. Seo Chúng lãng mạn, hồn nhiên. Sín Mần được lịch sử mệnh danh là “vùng đất đuôi chồn”, Chúng tin là, vì lý do đó mà trời đất cha mẹ sinh ra Chúng cũng có đuôi. Đi bộ sang bên kia biên giới làm thuê, có khi Chúng tiện chân đi cả 200km ra thành phố Hà Giang chơi. Cứ đi, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Tóc dài, dáng thấp mà vững như cây nghiến trên núi đá, răng bàn cuốc hô ra rất cởi mở. Seo Chúng thấy chúng tôi chia tay ra về, thì tỏ ra khá buồn. “Cứ ngồi đây chơi đã, trời mưa biết làm gì...”. Nói vậy, nhưng khách chưa xuống núi, Chúng đã vác cuốc ra làm nương. Ở trần, quần đen thùng thình, cái đuôi vắt ra khỏi cạp quần ngúc ngoắc dài đến gần gót chân. Chúng cuốc xới thung thăng bên nương hoa cải vàng rực. Bìa núi, mây đuổi nhau cuồn cuộn, trời ùng ũng hơi nước, nên không nhìn được sang các thung sâu, các vực núi khác. Thế nên, càng có cảm giác Pa Vầy Sủ ở trên mây gió, xa cõi trần gian bụi bặm lắm. Cảm giác, “ma khỉ” dẫu có thật đi nữa, thì với Seo Chúng, hắn chả có ý nghĩa gì. Ừ thì Chúng là người có “đuôi” như khỉ. Giống khỉ nhưng mình có phải khỉ đâu. Thì đã làm sao. Vẫn vợ đẹp, con khôn, vẫn được cả bản cả xã, cả đồn biên phòng quý mến. Vẫn hay lam hay làm, sức khỏe thì vô biên, đuôi vướng thì cuốn vào thắt lưng, ai tò mò cười cợt thì mặc kệ.
Ghi chép của: Trần Thị Thanh Thanh
TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc miền núi giảm

Huyên Nguyễn |

Chiều 16.5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2012-1016 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2107-2021.

Nhiều hoạt động thú vị tại Bảo tàng Dân tộc học VN dịp 30.4 - 1.5

M. K |

Nhân dịp ngày 30.4 và 1.5, Bảo tàng Dân tộc học VN tổ chức một số hoạt động như múa rối cạn, chơi các trò chơi dân gian.

Kiên Giang: Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

GIA BẢO |

Được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, xã Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng) - vốn trước đây còn nhiều khó khăn, nghèo khó - nay hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững...

Đề nghị dừng hoạt động Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

KHÁNH AN |

Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa có văn bản đề nghị dừng hoạt động của Tạp chí Môi trường và Đô thị.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Người nước ngoài thuê NOXH; mua đi bán lại, đẩy giá lên cao

Trần Tuấn |

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng NOXH cho người nước ngoài thuê; bị mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên, người thu nhập thấp khó tiếp cận.

Kiểm điểm Hiệu trưởng để xảy ra "tai tiếng" thu chi ở trường

Hoài Phương |

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở GDĐT kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng các trường để xảy ra vi phạm thu chi vào đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết

Hà Anh |

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.