Tai biến thai lạc chỗ

BS Trần Kiên |

Đầu tháng 6, thai phụ V.K.V, 28 tuổi, nhập viện Tâm Trí, TPHCM trong tình trạng đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, da xanh, được chẩn đoán thai ngoài tử cung vỡ làm mất máu cấp gây sốc (shock, do mất máu). Sau ít phút, phẫu thuật cấp cứu được tiến hành nhằm cầm máu, lấy khối thai nằm lạc chỗ đã làm vỡ vòi trứng trái, bộ phận chứa nó và hút hơn một lít máu chảy trong ổ bụng. Ngày 7.6, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. 

Để dễ hiểu xin giải thích, khi tế bào trứng “chín” (đủ điều kiện thụ thai) sẽ “rụng” từ buồng trứng vào loa (hình phễu) vòi trứng rồi di chuyển trong lòng vòi trứng (hay ống dẫn trứng, đường kính khoảng 3mm) xuôi về tử cung; trứng thường gặp và kết hợp với tinh trùng ở ống dẫn trứng thành phôi thai (hợp tử hay noãn) và tiếp tục di chuyển về tử cung, “làm tổ” ở niêm mạc (mặt trong) tử cung, phát triển dần thành hình hài con người. Hầu hết phôi thai đều theo con đường này, nhưng có một số khác “làm tổ” ở ngoài tử cung - những nơi vốn không phải là bộ phận có chức năng và đủ chắc chắn để lưu giữ, phát triển thai nhi cho đến khi đủ trưởng thành sẽ ra đời, thường là vòi trứng hay trong ổ bụng (rau thai bám vào một trong những nội tạng) hoặc ngay tại buồng trứng, hay ở cổ tử cung, gọi chung là thai lạc chỗ (TLC). Những bộ phận này sẽ vỡ và sảy thai khi không còn khả năng bao bọc và chịu được trọng lượng thai nhi, hoặc nếu nhau thai bám vào một nội tạng nào đó (ruột, gan, túi mật...) cũng sảy thai khi nó lớn tới mức nào đó. Mọi tai biến này đều gây chảy máu cấp... dẫn đến sốc phản vệ khi mất 1/3 khối lượng máu trong 3 - 5 lít máu ở người trưởng thành... Xác xuất TLC là 4 - 10,5/1.000 ca mang thai và hơn 95% TLC “làm tổ” ở vòi trứng... Nguyên nhân TLC đã biết là mọi yếu tố cản trở hay làm noãn di chuyển chậm từ nơi thụ tinh về tử cung mà hàng đầu là viêm nhiễm ở vùng chậu, nhất là niệu - sinh dục, làm tổn thương loa vòi trứng, ống dẫn trứng, buồng trứng, hầu hết do Lậu cầu khuẩn (Neisseria gonorrhoeae) và vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra...; thứ đến lạc nội mạc tử cung; phá thai trước đây và đã bị TLC ở vòi trứng; dùng thuốc tránh thai, đặc biệt là loại khẩn cấp hoặc loại chỉ chứa progesteron (không có oestrogen); vòng tránh thai chứa progesteron; triệt sản không đạt; điều trị vô sinh; phẫu thuật vùng chậu (phẫu thuật ống dẫn trứng tạo ra sẹo mổ...); bóc u nang buồng trứng; gỡ dính vùng chậu...

Quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất trên đường về nước, chờ bay nối tuyến ra Hà Nội, chị T.D.L, 32 tuổi, bỗng đau bụng quằn quại, nhân viên nhà ga phải đưa vào BV. Siêu âm thấy ổ bụng nhiều dịch, BS nghĩ đến thai ngoài tử cung vỡ, chảy máu trong ổ bụng và chỉ định phẫu thuật nội soi. Do thai phụ đi một mình nên BV yêu cầu bảo vệ niêm phong tiền bạc, tư trang và nhanh chóng tiến hành phẫu thuật, bởi chậm trễ tính mạng sẽ bị đe dọa vì mất máu... Êkíp phẫu thuật phát hiện vòi trứng bên trái vỡ, khối thai nhỏ liền bọc ối rơi vào ổ bụng cùng khoảng 800ml máu. Các BS cắt vòi trứng vỡ, khâu cầm máu, hút sạch máu đọng trong ổ bụng. Sau khoảng 30 phút xử trí, nguyên nhân chảy máu gây ra tình trạng nguy kịch đã được khống chế, mạch, huyết áp ổn định... Chị L bộc bạch rằng hú vía, chị đã có một con, lần này không biết mang thai. Trước khi xuống Tân Sơn Nhất, chị đã qua chặng bay gần 10 giờ. Nếu tai biến xảy ra lúc đang bay thì không biết sẽ ra sao!

Thai lạc chỗ trong ổ bụng nguy hiểm nhất

TLC ổ bụng chỉ khoảng 1,4% các ca TLC (tương ứng 1/10.000 ca mang thai) nhưng là một bệnh lý cấp cứu sản khoa vì tỉ lệ tử vong mẹ 0,5 - 18% và thai là 40 - 95% (gấp 7,7 lần TLC ở vòi trứng và gấp 90 lần thai trong tử cung). Bệnh cảnh do TLC ổ bụng gây cho mẹ gồm chảy máu,; nhiễm trùng, nhiễm độc máu; thiếu máu; đông máu rải rác trong lòng mạch; tắc mạch phổi; hoặc do hình thành lỗ dò giữa túi ối - ruột, do xương thai nhi đâm thủng; tắc ruột do dính hoặc nhiễm trùng; áp-xe trong ổ bụng (trên 1/3 bệnh nhân); liệt ruột; tiền sản giật hoặc sản giật. Những TLC ổ bụng nếu tồn tại đến ngày sinh (hiếm) sẽ có 20 - 40% trẻ sơ sinh dị dạng và chỉ 50% sống qua 1 tuần. Dị dạng thường là vẹo cổ, bất cân xứng khuôn mặt, biến dạng chi, đầu dẹt và dị dạng lồng ngực... mà nguyên nhân do thiểu ối trầm trọng ở môi trường ngoài tử cung. Hầu hết các TLC ổ bụng ban đầu “làm tổ” ở vòi trứng, sừng tử cung (đoạn vòi trứng nối tử cung) hoặc trong tử cung rồi vì một lý do nào đó bị sảy thai khỏi vị trí bám ban đầu, lọt vào ổ bụng và bám dính vào một trong các nội tạng, trong khi bánh nhau vẫn còn sống vì mạch máu nuôi còn được duy trì. Nhau thai còn sống nên tiếp tục cấp máu nuôi dưỡng thai khi nó đã nằm trong ổ bụng; loại này gọi là TLC ổ bụng thứ phát. Có khi thai phụ chỉ thấy cơn đau nhẹ, ngắn và lượng máu chảy thường ít nên không gây ra những biến loạn phải xử lý... TLC ổ bụng nguyên phát hiếm xảy ra và do tế bào nuôi (gọi là nguyên bào nuôi, phát sinh từ khi có noãn, phát triển thành bánh nhau) bám ở màng bụng (màng mỏng, nhẵn, trơn, phủ thành bụng và bao bọc các tạng) ngay từ đầu. TLC ổ bụng thường sảy sớm trước 12 tuần (giai đoạn 1)... Phát hiện TLC ổ bụng phải mổ bỏ thai ngay để tránh tai biến.

TLC ổ bụng biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, phức tạp. Chị L.T.M.D, 36 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, mất kinh 5 tháng nhưng không nghĩ mình có thai vì kinh không đều. Khi đau bụng dữ dội và ra máu âm đạo mới đến BV Hùng Vương. Siêu âm thấy thai 19 tuần trong ổ bụng, bắt đầu chảy máu, nguy cơ vỡ thai cận kề nên phải mổ cấp cứu. Mất gần 3 giờ, các BS mới đưa được khối thai ra ngoài. Do thai quá lớn nên khi sảy, những mảnh nhau vẫn còn dính ở bên ngoài các quai ruột và các bộ phận khác nên phải chuyển khoa Ngoại ung bướu để chăm sóc hậu phẫu và dùng thuốc diệt tế bào nhau bám trên ruột, nếu không sau này các tế bào nhau có thể biến chứng thành chửa trứng (ung thư hóa và các tai biến khác)... TLC ổ bụng thường sảy trước 12 tuần, ca này đến 19 tuần là quá to? Chị H.T.T, 30 tuổi, người Vân Kiều, ở Quảng Bình còn vượt “kỷ lục” của chị D. Chị T vào BV Việt Nam - Cu Ba, TP. Đồng Hới cũng với triệu chứng đau bụng dọa sảy. Phát hiện thai trên 26 tuần trong ổ bụng nhưng đã vỡ và cạn ối hoàn toàn, phải mổ lấy thai ngay. Bé sinh non nặng 1kg trong tình trạng nguy kịch, phải nằm lồng ấp, chăm sóc đặc biệt. Đây là lần mang thai thứ tư của chị T, ba lần trước đều bình thường. Lần này do kinh tế khó khăn nên chị không khám thai định kỳ. Chị không thấy bất thường, chỉ khi đau bụng, đi viện mới biết TLC!

Rất hy hữu, năm ngoái, thai phụ T. A. H, 37 tuổi, ở TP. Hà Tĩnh, thai tuần thứ 39, vào BV Hà Tĩnh khi đã sốc, trụy mạch, huyết áp không đo được, phải mổ ngay. Các BS thấy ổ bụng nhiều máu và bọc ối chứa thai nhi nằm trong ổ bụng. Phải mất hơn 2 giờ, truyền 8 đơn vị máu nhưng cứu sống được cả mẹ và thai nặng 3,1kg.

Một ca rất “oái oăm” là chị N.T.V ở Thái Nguyên. Năm 2005 và 2010 chị đã 2 lần cắt bỏ hai vòi trứng do TLC. Khát khao sinh con nên chị đã làm thụ tinh ống nghiệm thành công và các xét nghiệm máu xác định đã mang thai, song siêu âm lại không thấy thai trong tử cung. Chụp cộng hưởng từ thấy thai 8 tuần, kích thước khoảng 2 cm, “làm tổ” sau màng bụng thành bụng sau, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang hai thận. Như đã giải thích ở trên, màng bụng che phủ thành bụng, nghĩa là ở phía sau (lưng) nó dính chặt vào các cơ, nhưng không hiểu vì sao thai lại nằm giữa các cơ vùng thắt lưng và màng bụng? Vị trí thai “làm tổ” này rất nguy hiểm nếu không can thiệp sớm, bởi rau thai có khả nằng đâm xuyên, thai càng lớn, rau thai càng phát triển sâu, rộng, đâm thủng mạch máu. Mổ lấy thai cũng rất nguy hiểm, có thể gây chảy máu ồ ạt. Chị V được chỉ định mổ nội soi lấy khối thai. Đây là ca mổ khó vì khối thai không nhỏ, nằm sát mạch máu, nếu không cẩn thận sẽ làm vỡ mạch nguy hiểm tính mạng. May mắn là ca mổ thành công, sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, tập đi và ăn uống được. Năm 2016 và 2017, ở Trung Quốc và Việt Nam có ca “mang thai” ở lách và gan!

TLC không phải là bệnh hiếm! BS Nguyễn Viết Hậu, BV Đại học Y dược TP.HCM nói, trung bình mỗi tháng BV phẫu thuật khoảng 8 - 10 ca TLC. Đáng nói là khi đã có tai biến TLC sẽ mất đi 50% khả năng sinh con. Vì vậy, ở tuổi sinh đẻ nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện, điều trị viêm nhiễm vùng chậu; khi mất kinh phải kiểm tra vì nếu có TLC, khi khối thai còn nhỏ có thể điều trị nội khoa, tránh được tai biến, bảo tồn được vòi trứng.

BS Trần Kiên
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố bắt tạm giam người cha bạo hành con trai 6 tuổi

Tâm Tú |

Ngày 4.10, Công an quận 8 (TPHCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam người cha trong vụ bé trai 6 tuổi nghi bị bạo hành ở Quận 8 (TPHCM).

Xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Mai Đức Chung

LƯƠNG HẠNH |

Bộ Nội vụ tiến hành lấy ý kiến nhân dân đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với ông Mai Đức Chung.

Dự báo vùng ảnh hưởng của cơn bão mới mạnh ngang Helene

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Kirk mạnh lên thành bão cấp 4 ngày 3.10, trở thành bão mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024 sau siêu bão Beryl và Helene.

Bất ngờ lý do không đội mũ bảo hiểm của nam sinh lớp 9

Tô Thế |

Khi bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe kiểm tra vì không đội mũ bảo hiểm, nam sinh lớp 9 tỏ ra bất ngờ.

Nhập khẩu gạo kỷ lục, chuyện “không có gì ầm ĩ”

Lục Tùng |

Việc Việt Nam nhập khẩu gạo tăng vọt 9 tháng đầu năm không phải là chuyện đáng lo mà còn mang lại lợi ích kép.

Hiện trạng xuống cấp của hai công viên lớn ở quận Cầu Giấy

THÙY DƯƠNG |

Thời gian tới, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa một số công trình, bao gồm hai công viên lớn trên địa bàn là Cầu Giấy và Nghĩa Đô.

Ngắm 4 bộ hiện vật đang đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia

NGUYỄN LUÂN - HỒNG NHUNG |

HUẾ - Thừa Thiên Huế vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 4 bộ hiện vật có từ thời nhà Nguyễn.

Khởi tố 2 viên chức Văn phòng đăng ký đất đai ở Bến Tre

Thành Nhân |

Bến Tre - Công an huyện Ba Tri đã khởi tố bị can là 2 viên chức của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ba Tri.