Thời của mình

TẠ DUY ANH |

Năm 1983, trước thời điểm đất nước quyết định Đổi mới chỉ hơn ba năm, tôi có dịp lần đầu lên Hà Giang. Tôi đi thăm gia đình một anh bạn cùng làm việc tại Công trường Thủy điện Hòa Bình. Anh gốc Thanh Hóa, theo bố mẹ lên Hà Giang từ nhỏ.

Ông cụ thân sinh ra anh có hồi làm đến giám đốc một xí nghiệp sản xuất chè loại nhỏ. Tiếng là giám đốc, nhưng để có tiền nuôi các con ăn học, ông phải làm thêm đủ thứ nghề, trong đó có nghề nấu cao xương. Không phải ông kém tài, mà cơ chế xã hội hồi đó không cho phép ông trổ hết khả năng của mình. Mọi thứ đều làm theo kế hoạch. Trà ngon hay dở không quá đáng lo, vì kể cả dở ẹc thì cũng không đủ để phân phối theo hệ thống cửa hàng mậu dịch lúc nào cũng đói meo hàng.

Ảnh của Guido Alberto Rossi (Italia) chụp đầu những năm 1980.

Chuyến đi vùng biên ải hồi ấy để lại trong tôi một trong những ký ức đau buồn nhất về sự đói rét. Để lên Hà Giang, chúng tôi dậy từ nửa đêm, chờ xe ở bến Nứa lúc 4 giờ sáng. Phải nhờ tài tháo vát siêu hạng của bạn tôi, mới có nổi cặp vé chui, tức là mua thẳng từ tài xế loại vé quay vòng không có số ghế, chứ không qua cửa bán vé lúc nào cũng đông nghịt. Nhưng vì là vé chui nên, theo lời dặn của nhà xe, chúng tôi phải ra đứng chờ xe ở tít cầu Long Biên, chứ không được lảng vảng gần bến. Loại xe chạy đường dài hồi ấy có nhãn Ba Đình, chạy dầu, trông như cái quan tài, vì thế chúng tôi gọi là xe quan tài. Bề ngoài ghẻ lở chưa đáng phải bàn. Do tiết kiệm, các hàng ghế cách nhau quá gần, hành khách không đủ chỗ duỗi chân, vì vậy trên suốt quãng đường gần 300km, mọi người luôn ở tư thế như nằm trong bụng mẹ, nghĩa là gối co gập lên ngực. Không sao. Tuổi trẻ chịu được hết. Tuổi già cũng phải cố mà chịu. Bởi được thế còn là may chán. Không ít người đứng hoặc ngồi bệt dưới sàn xe nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không giấu sự ghen tị.

Xe chạy bằng dầu, nổ ngang xe tăng, rung bần bật và tạo ra thứ mùi khét hôi chỉ muốn nôn mửa. Nhưng chuyện đáng để bây giờ kể ra không phải là cái xe cà tàng ấy.

Trên suốt dọc đường đi đầy ổ gà ổ voi, tôi nhẩm được cả thảy ba mươi mốt lần xe phải dừng lại để lực lượng chức năng kiểm tra. Mỗi trạm kiểm soát hồi ấy còn khó qua hơn cửa khẩu bây giờ. Vậy mà cả thảy ba mươi mốt trạm cho chưa đầy 300km! Bạn hãy tự làm phép tính để thấy, cứ chưa đầy 10km xe phải dừng lại một lần. Xe dừng để làm gì? Để các loại cán bộ: Phòng thuế, công an, kiểm lâm…, nhảy lên xe lục soát từng bọc hành lý, từng gậm ghế nhằm phát hiện hàng vận chuyển trái phép. Hồi đó những lực lượng này được quyền làm vậy, không ai dám ho he. Những hàng nào bị coi là trái phép? Hầu như tất cả. Gạo từ tỉnh nọ sang tỉnh kia: Trái phép. Chè khô còn trái phép ở mức cao hơn. Măng, nấm, thảo quả, mộc nhĩ, mật ong, cam, bưởi, đậu, lạc… thì còn ngang hàng quốc cấm! Anh cứ thoải mái dùng ở chính địa phương anh, không hết thì đổ đi, chứ mang sang tỉnh khác là trái phép. Thế mới có chuyện bi hài: Một cân trà hay một cân măng khô mang từ một tỉnh miền núi về Hà Nội, qua mỗi trạm kiểm soát lại bị nhỏ lại như miếng da lừa trong tác phẩm của Balzac. Trạm đầu tịch thu một nửa. Trạm sau tịch thu một nửa của nửa còn lại. Cứ thể, phép chia kéo dài cho đến chừng nào chỉ còn một dúm, đủ cho cán bộ tin rằng không thể buôn đi bán lại, tức là chỉ để dùng, thì mới không bị “chia” tiếp! Giờ đây tôi tin rằng rất ít bạn trẻ đủ nghiêm trang để không phì cười khi nghe lại những chuyện một thời ngớ ngẩn và bi hài như vậy! Các bạn cứ cười lên thật to, để, nói như K. Marx, tống tiễn cái thời khốn khổ không thể tin nổi, do chính mình tạo ra, một cách vui vẻ và cắt tiệt nọc con đường trở lại của nó.

Tôi xin kể tiếp. Sau khi qua đủ ba mươi mốt trạm, trạm nào lâu có thể tới nửa tiếng, trạm ít thì vài phút, nên phải hơn tám giờ tối chúng tôi mới có mặt tại thị trấn huyện Bắc Quang, tả tơi, bẩn thỉu, tã tượi còn hơn cả đám thợ vàng vỡ bưởng bây giờ!

Điều kỳ lạ đầu tiên đập vào mắt tôi sáng hôm sau là bạt ngàn những vườn và đồi cam sành. Đang mùa cam chín nên đâu đâu cũng chỉ thấy cam là cam. Giá bán rẻ ngang với cho vì việc vận chuyển về xuôi vô cùng khó khăn. Khó khăn về phương tiện chỉ là một phần nhỏ. Khó khăn nhất vẫn là khi qua các trạm kiểm soát dày đặc dọc đường. Lần đầu trong đời được ăn cam sành đặc sản thỏa thích, bụng chúng tôi đều căng mọng thứ nước cam ngọt lịm, đến mức chúng tôi đi tiểu suốt ngày, nước tiểu trong veo! Có những nhà, tôi nhớ như nhà chú Thảo, họ hàng của bạn tôi, ước trong vườn tới gần chục tấn cam, quy ra thóc như bây giờ không dưới vài chục tấn, vậy mà ông nghèo không để đâu hết, đến nỗi gạo không có nổi chục cân dự trữ trong nhà! Chỉ trong một buổi chiều, ông nảy xuống cả thúng cam quá chín, bảo bạn tôi mang về nhà tiếp khách Hà Nội. Bạn tôi mà không nhận thì ông chỉ còn nước đem đổ đi!

Tôi ở chơi nhà bạn, đến ngày thứ ba thì bắt đầu thấy phiền. Cái phiền đầu tiên là vấn đề gạo. Thúng gạo vơi đi nhanh quá mức khi có thêm hai thằng trời vật không chết, ngồi xuống mâm là đi bay nửa cân mỗi thằng. Nhưng cái phiền thứ hai mới khó giải quyết. Trời vào tháng giữa đông, rét căm căm. Tôi chỉ có độc chiếc áo len mỏng để chống chọi với cái rét dưới mười độ. Mặc dù tôi để nguyên cả quần áo đi ngủ, vẫn co ro trong chiếc chăn bộ đội mỏng dính. Sáng nào tôi cũng dậy từ tinh mơ, mang búa ra bổ củi. Tôi bổ hết khúc này sang khúc khác, luôn chỉ sợ không còn củi mà bổ. Bố bạn tôi, ông cựu giám đốc xí nghiệp chế biến chè, cảm động vô cùng. Ông đi khoe khắp xóm là con ông có thằng bạn không thể tốt hơn. Mọi người nghe đều muốn ghé qua xem mặt tôi, vì họ cũng rất cảm động và lấy làm lạ. Cứ bảo con trai vùng xuôi chỉ biết ăn và chơi là sai to! Nhưng có lẽ ngay cả khi đã yên giấc dưới mồ, ông cụ thân sinh bạn tôi mà tôi coi như bố, cùng những hàng xóm của cụ, vẫn không biết lý do thật của sự chăm chỉ ấy của tôi là để chống lại cái lạnh thấu xương vùng biên ải.

Hết củi để bổ vẫn chưa hết đợt rét. Tôi phải về xuôi. Vì vào dịp sắp Tết, bố bạn tôi gói cho tôi cân măng khô, bảo đem về biếu các cụ dưới nhà. Dọc đường về, xe chúng tôi lại phải dừng ở đúng những trạm đã dừng ở vòng lên. Nhưng sự kiểm soát còn gắt gao hơn. Cân măng quà biếu quý giá của tôi, dù phải nói bã bọt mép, khấu đầu lạy các cán bộ kiểm soát, vẫn cứ bị tịch thu một nửa. Nghĩ lại thế cũng còn là may. Món quà vẫn đủ cho tôi háo hức để không chết rét khi đi giữa đêm Hà Nội chờ tàu điện về Hà Đông. Nhìn ra xung quanh mọi người cũng phong phanh, tím tái như mình…

Thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại chuyện này, một câu chuyện mà tôi vẫn hẹn sẽ có lúc kể ra. Và dịp đó đến khi trên đường về quê. Tận nơi từng là vùng sâu vùng xa quanh năm đói vàng mắt, cô ruột tôi một thời chỉ sống bằng nghề mò ốc vặn, rút từ thắt lưng ra chiếc điện thoại Nokia bảo tôi cho số để thỉnh thoảng cô tôi gọi khi có việc. Năm nay bà bắt đầu vào tuổi chín mươi. Bà cứ liên tục phải nhắc mấy đứa cháu khép cửa để giảm bớt âm thanh từ tiếng loa giới thiệu sản phẩm của những xe bán hàng lưu động. Thôi thì đủ loại, có cả những thứ ngày xưa chỉ thấy trong mơ. Nhiều nhất là quần áo. Không thấy rét về, áo phao ba lớp dùng cho tiết đại hàn bày từng đống cao như đống rơm, mua một tặng một, chềnh ễnh cả tuần chẳng ma nào hỏi đến khiến đám bán hàng như ngồi trên đống lửa.

“Có mà bán cho ma, giờ ai thèm mặc thứ áo ấy, chỉ được cái điếc hết cả tai” - cô tôi bảo. Mặt bà nhăn nhó y như lúc tôi nhắc đến con sông Đáy nước trong như ngọc một thời, nay sắp chết vì rác thải.

Đến bữa bà cô tôi hỏi tôi uống loại bia nào, để bà còn cho gọi mang đến. Tôi hỏi bà có những loại bia gì. Bà kể ra không dưới dăm cái tên, chuẩn đến từng âm tiết. Tự dưng tôi muốn cười phá lên. Cười mà thấy nước mặn chát dân dấn bò ra từ khóe mắt. Nghĩ mà thấy thương cho một thời của mình.

Khó mà không nghĩ ngợi! Sao lại có lúc đói khổ, thiếu thốn thê thảm đến không thể tưởng tượng nổi? Đói khổ một cách vô lý, dù ai cũng thấy, nhưng cứ đành chấp nhận một cách cay đắng. Thế rồi bỗng một ngày, cứ như từ dưới đất chui lên, cứ như từ trên trời rơi xuống, mọi thứ thành ra ê hề. Có thứ ngày xưa thiếu nhất thì giờ thừa nhất. Có thứ ngày xưa chả đáng giá, thì giờ, cũng vẫn nguyên vẹn như vậy, lại đắt hơn vàng ròng. Con người cũng cứ khôn ra từng ngày, nhanh nhẹn tháo vát từng ngày, đĩnh đạc ra từng ngày, “ghê gớm” ra từng ngày. Mà nhìn đi nhìn lại thì vẫn người ấy, đất ấy?

Mọi thay đổi chóng mặt bắt đầu từ đâu nhỉ? Chắc chắn từ ngày đất nước xoay mình hướng ra thế giới.

Không thể có câu trả lời thứ hai!

TẠ DUY ANH
TIN LIÊN QUAN

Tiểu thuyết của Tạ Duy Anh được tái bản sau 15 năm bị cấm

V.V |

Cuốn tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật” của nhà văn Tạ Duy Anh từng được cấp giấy phép xuất bản năm 2002 của NXB Văn hóa Dân tộc, nhưng sau đó vừa ra đã bị cấm phát hành vì bị nhiều ý kiến phê phán thái độ tiếp cận, mô tả đời sống xã hội của tác giả.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.

Nhật Bản có Thủ tướng mới

Song Minh |

Ngày 1.10, Quốc hội Nhật Bản đã bầu ông Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng mới của đất nước.

Hà Nội thu hồi đất hơn 800 hộ dân mở đường rộng 40m

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3km sẽ được mở rộng lên 22,5-40m, 829 hộ dân cùng 19 tổ chức bị thu hồi đất.