Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Chỉ có khách du lịch dừng lại ăn ngô nướng và uống trà đá ở quán lão Thủ, đầu xóm tôi ở, mới gọi mặt nước kia là hồ. Lại còn giải thích thêm rằng, đó là một nhánh của hồ thủy điện La La, lòng hồ có diện tích hơn hai trăm kilômét vuông, nhấn chìm mười một huyện của ba tỉnh, chứa tới mười tỉ mét khối nước, mực nước chết là một trăm bảy mươi mét, mực nước dâng bình thường là hai trăm muời lăm mét.

Họ còn nói nhiều về dòng Mờ Lay nữa nhưng tôi chả nhớ mấy cái thông số ấy làm gì cho bận đầu. Tôi chỉ nhớ câu nói của một bác già trong đoàn khách du lịch rằng, đập hồ La La mà vỡ thì bốn tiếng đồng hồ sau, cột cờ Hà Nội sẽ bị dòng nước đang lặng lờ trước cửa nhà tôi kia thổi bay ra ngoài... biển Đông!

Tất nhiên tôi chẳng biết cái cột cờ Hà Nội nó tròn méo thế nào. Tôi mới chỉ là một thằng bé mười bảy tuổi. Tôi chưa một lần ra khỏi thị trấn để đi về dưới xuôi. Tôi chỉ biết theo bố ngược lên những đỉnh núi cao. Mẹ tôi chết trong một lần đi đào quặng, bị sập hầm. Bố tôi chuyên đi xẻ gỗ thuê cho người ta. Một lần bố bị gỗ đè, gãy một chân, từ ấy không đi rừng được nữa. Bố ở nhà mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Căn nhà hai bố con tôi ở được dựng trên đất của ông bà nội. Ông bà nội tôi là người Thái Bình, lên Mờ Lay từ thời trẻ, làm công nhân Lâm trường, đều mất sớm vì bệnh bướu cổ.

Trong xóm, bố tôi chơi thân nhất với lão Thủ. Đất nhà lão rộng gấp ba nhà tôi. Ở ngay đầu xóm nên giờ thành thửa đất hai mặt đường. Tuần nào lão cũng rủ bố tôi làm bữa thịt chó. Tôi thì rất sợ mùi mắm tôm. Sợ cả những bữa thịt chó của bố tôi và lão Thủ. Nhưng tôi hay nói chuyện với lão Thủ. Hình như ngày xưa lão cũng từng đi rừng xẻ gỗ với bố tôi. Giờ thì lão bán hàng nước ngay trước cửa nhà. Vợ lão cũng chết sớm. Nhà lão có ba cô con gái. Hai cô lớn đã lấy chồng. Còn mỗi cô con gái út, mười sáu tuổi, đang ở cùng lão.

Dân thị trấn không đông lắm, nhịp sống khá hoang sơ và buồn tẻ. Gần đây khách du lịch kéo lên nhiều. Rì sọt, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên khắp các sườn đồi. Tôi cũng góp sức làm lên mấy cái nhà nghỉ đó. Tôi đi theo xách vữa cho các nhóm thợ hồ. Một ngày họ trả tôi một trăm tám đến hai trăm ngàn tiền công. Tôi không phải đi rừng, vất vả và hay bị ngã nước. Cũng không phải ngồi ngáp ngắn ngáp dài ở mái lán sửa xe họa hoằn lắm mới có người vào xin vá lốp.

Tôi là kẻ thất học. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ít học nên tôi cũng chỉ cắp sách tới trường vài mùa ban là nghỉ. Nhưng tôi biết kiếm tiền từ sớm. Tôi có sức khoẻ tốt. Trong vòng hai mươi phút tôi có thể vác hai mươi bao xi măng từ dưới mặt đất lên đến tầng 5. Mười bảy tuổi tôi chả biết sợ là gì. Chỉ sợ nói chuyện với con gái. Đứng trước bọn con gái, tôi thường chẳng biết nói gì.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với tiếng cười khùng khục của lão Thủ. Lão không có con trai nên có vẻ quý tôi. Lão dạy tôi rất nhiều thứ, trong đó có món bơi lội trên sông Mờ Lay. Sau này tôi thành bạn bơi mỗi buổi chiều của lão. Cứ tầm mặt trời đỏ chóe lên rồi chìm dần phía bờ bên kia của sông Mờ Lay là lão gọi đứa con gái út ra trông quán.

Lão đứng đầu đường ngóng tôi. Thấy tôi về là lão mừng lắm! Chờ tôi uống xong cốc trà đá và hút xong điếu Thăng Long là một già một trẻ bọn tôi cởi trần bước sang phía rặng ban cổ thụ. Qua rặng ban là gặp ngay luồng gió mát phả vào mặt mời gọi. Mặt sông lênh láng rực lên dưới ráng chiều. Chúng tôi cũng gặp một số dân thị trấn ra đây bơi, nhưng tôi và lão Thủ thường tách ra, chọn chỗ bơi riêng. Vòng cung bơi của tôi và lão khá dài, thường là vòng qua ngọn đồi Cò, sang mép núi thẳng đứng phía bên kia sông rồi mới quay về.

Hôm ấy, tôi và lão Thủ bơi tới đồi Cò thì nhìn thấy một con thuyền đánh cá màu xanh đang mắc lại bên gờ đá. Nếu đứng từ thị trấn mà nhìn ra dòng Mờ Lay thì sẽ không trông thấy những gì ở phía bên này của đồi Cò. Thuyền đánh cá thường lượn vào khu vực này vì nghe nói trong đồi Cò, dưới phần ngập nước có nhiều hang động rỗng, cá thường kéo đàn kéo lũ vào đấy. Chỉ cần một tiếng nổ ném vào đúng chỗ, và lưới giăng ra sẵn, là ăn đủ. Có thể kiếm hàng tạ cá lăng đuôi đỏ, loại cá ngon nhất dòng Mờ Lay, rất được các quán đặc sản dưới xuôi săn lùng. Nhưng chính quyền cấm đánh bắt cá bằng thuốc nổ. Dân đánh cá truyền thống thường đi thuyền nhỏ.

Nhìn con thuyền xanh to đùng kia tôi biết là thuyền đánh cá trộm, loại thuyền thường dùng chất nổ ném xuống dòng sông. Lão Thủ vẫn bảo tôi phải tránh xa loại thuyền đó. Vì thế, cả tôi và lão đều bơi chậm lại, lặng lẽ quan sát con thuyền. Tôi bỗng thấy một vệt đỏ như tấm khăn lụa dập dềnh trôi tới. Một mùi tanh ập vào mũi. Rất lợm giọng. Bụng tôi cuộn lên. Tôi buồn nôn. Tôi vội đưa một tay lên bịt mũi, tay kia gạt cho vệt đỏ chuyển hướng trôi sang chỗ khác. Lão Thủ bảo: “Máu. Từ phía chiếc thuyền xanh trôi lại. Tao thấy lạ lắm. Con thuyền như đang chết giắt”.

Tôi và lão Thủ từ từ bơi tới chỗ con thuyền. Mùi máu tỏa ra tanh nồng. Lão Thủ bảo: “Mùi máu mới. Chẳng lẽ vừa giết nhau xong à?”. Tôi và lão bám đuôi thuyền leo lên. Một cảnh tượng rùng rợn đập vào mắt tôi. Có hai người đàn ông vừa bị giết. Một người gục chết bên tay lái. Một người nằm vắt ngang người nơi cửa ra vào khoang thuyền. Cả hai đều bị cắt cổ. Vết cắt rất sâu. Máu đọng thành vũng trên sàn tàu, mới bết lại chứ chưa kịp khô.

Tôi hơi hoảng sợ. Tôi cứ nghĩ mình chả biết sợ là gì, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh máu me và giết chóc như thế này. Lão Thủ đảo mắt khắp con thuyền. Rồi lão lần từng bước xuống khoang máy. Tôi đi theo lão. Tại góc khoang máy, chúng tôi bắt gặp một thằng bé cởi trần, trạc tuổi tôi. Nó òa lên khóc khi lão Thủ ôm lấy nó, khẽ đưa tay vỗ vỗ lên bờ vai.

“Nhanh lắm!” - nó kể - “Cả bố và con còn chưa kịp biết người đàn ông ấy có mặt trên thuyền bằng cách nào thì bố con đã gục xuống rồi. Chú con đang chuẩn bị quả nổ ở dưới khoang. Nghe tiếng con rú, chú chạy lên và gục ngay xuống bậc cửa. Con chạy lên đầu mũi thuyền, định nhảy xuống nước. Nhưng khi con quay lại thì không thấy người đàn ông ấy đâu nữa”.

Lão Thủ hỏi: “Còn nhớ mặt không?”. Thằng bé gật đầu: “Tầm ba mươi nhăm tuổi, có hình xăm trên trán”. Lão Thủ lại hỏi: “Xăm gì?”. Thằng bé đáp: “Hình gì lạ lắm, giống như một ngọn lửa”. Lão Thủ bảo: “Mày có điện thoại di động không?”. Thằng bé gật đầu. Lão Thủ bảo: “Lấy ra đi, tao đọc số này cho mày gọi, phó trưởng công an huyện đấy, khi nào họ đến thì mày khai thật kĩ với họ nhé!”.

Chờ thằng bé gọi xong, lão Thủ kéo tôi đi ra phía sau mạn thuyền, đẩy tôi nhảy ùm xuống. “Đến bằng cách nào thì về bằng cách đó”, lão bảo tôi vậy khi cả hai đã rời xa con thuyền. Tôi vẫn chưa hết sợ, cứ nghe lão Thủ bảo gì thì làm nấy. Hôm ấy chúng tôi không bơi hết vòng cung đã định như mọi khi. Trở về bờ, lúc trèo lên chỗ mấy gốc ban, lão Thủ trượt chân ngã. Tưởng không xây xước gì, không ngờ đầu gối lão lại đập vào tảng đá cứng. Lão đau đến nỗi không bước đi nổi. Tôi phải cõng lão về.

Tôi vẫn đi phụ cho nhóm thợ xây đang làm cái nhà nghỉ 7 tầng ở con dốc cuối thị trấn. Chiều về, thỉnh thoảng tôi lại ghé qua nhà lão Thủ, cõng lão ra rặng ban cổ thụ ngồi ngắm dòng Mờ Lay cho khỏi nhớ sông nước. Lão Thủ bảo: “Giờ tao què, giống như bố mày rồi, nhục thế chứ, chả đi được đâu”. Tôi bảo: “Rồi sẽ khỏi, lại bơi tiếp”. Lão Thủ ghé tai tôi, ra điều bí mật: “Hôm qua phó công an huyện gặp tao đấy!”. Tôi bảo: “Vẫn chưa xong cái vụ giết người trên tàu cá à?”. Lão bảo: “Hóa ra không phải một vụ đâu. Mấy tháng trước cũng từng có một vụ sát hại dã man như thế! Vẫn tàu đánh cá trộm. Vẫn dùng dao cắt chỗ yết hầu. Mà giết những ba người đàn ông khoẻ mạnh, lực lưỡng mới kinh. Còn mỗi cô vợ thằng chủ tàu sống sót. Cô ấy nhận ra mặt thằng sát nhân. Cô ấy nói nó là dân vùng này”.

Tôi rùng mình: “Thật à?”. Lão Thủ bảo: “Là thằng Hỏa sẹo. Công an nhờ những người sống sót mô tả lại để họ vẽ chân dung. Trước sau họ cũng bắt được thôi”. Tôi hỏi: “Hỏa sẹo là ai?”. Lão Thủ chép miệng: “Mày không biết đâu, thế hệ tao với bố mày mới biết. Dân đánh cá trên sông cũng thuộc mặt nó. Vì nó hay qua lại khúc sông này”.

Hôm sau, tôi đi làm về thì nghe con gái lão Thủ nói lão được một người bạn đón đi ăn đổ móng nhà rồi. Tôi ngồi uống hết cốc trà đá, hút xong điếu Thăng Long tự nhiên nhớ sông nước, liền cởi quần áo để lại quán, mặc mỗi cái quần đùi, ra rặng ban lao xuống dòng Mờ Lay.

Mặt trời đỏ chóe lên. Bầu trời sáng lòa một màu ban đỏ, đẹp lạ lùng. Mặt nước, núi đồi, cây cối, ngay cả bàn tay, bàn chân của tôi hiện lên rõ mồn một dưới sắc màu tía đỏ huyền rỡ. Màu ban đỏ khiến cho mọi vật xung quanh tôi, nhất là màu nước trong xanh mọi khi chuyển thành màu đỏ cờ, tươi tắn và lộng lẫy vô cùng. Nhưng cứ thấy lung lạc và bất an thế nào.

Tôi dụi mắt vì có cảm giác như đang lạc vào ảo ảnh. Một không gian mới lạ, biến sắc đang bao phủ lấy tôi. Tôi lắc lắc đầu cho những hạt nước bám trên tóc văng ra xung quanh. Tôi muốn xác nhận là mình đang tồn tại trong cõi thực. Cõi thực thì dòng nước đang ôm ấp thân hình tôi không thể có cái màu ban đỏ chết tiệt này được.

Nhưng tôi không thể xác nhận xung quanh là thực hay ảo. Hai mắt tôi hoa lên. Ánh nhìn của tôi như bị một màng kính bao bọc. Vài phút trôi qua, bầu trời tối sầm lại. Hay ánh nhìn của tôi tối sầm lại, tôi cũng không biết nữa. Rồi mắt tôi như được tháo tung lớp kính huyền hoặc. Tôi nhìn rõ lúc này mặt trời đang nhợt nhạt dần, không còn màu đỏ chóe trước khi lặn mất sau dãy núi cao. Mọi thứ trở về với cảnh sắc cũ.

Tôi thấy mình đang ngả mình trên một phiến đá chìa ra từ đồi Cò. Tôi đã bơi đến đây và tôi đang nằm nghỉ ngơi giữa bãi đá bám đầy rêu xanh. Không có lão Thủ bên cạnh. Đây không phải là lần đầu tiên tôi bơi ra đồi Cò một mình. Nhưng tôi có cảm giác lạnh lẽo, run rẩy và rợn ngợp. Tôi nhận ra là trên cơ thể mình không còn chiếc quần đùi đính hai sọc đỏ nữa. Tôi vội nhỏm người dậy, ôm chặt lấy hạ bộ. Rồi tôi nằm úp bụng xuống mặt nước cho khỏi xấu hổ dù xung quanh tôi chẳng có ai cả.

Nằm một lúc lâu, tôi bò lên bãi đá, lom khom bước vào một vòm hang nhỏ, hy vọng có thể tìm được mảnh vải nào đó trôi dạt đến, buộc lấy phần bụng dưới. Bỗng tôi ngồi thụp xuống, hoảng hốt như bị ai xoẹt lưỡi kéo đến cắt mất chiếc tai của mình.

Ngay trước cửa hang có một người phụ nữ đang ngồi nhìn tôi chăm chú. Đó là ánh mắt của một người mẹ hiền. Không phải ánh mắt của một đứa con gái.

“Lạnh lắm phải không, cô để áo ở đây, mặc vào rồi theo cô vào trong hang hơ lửa cho ấm nhé!” - nói xong, người phụ nữ đó đứng dậy, quay lưng, bước vào trong hang.

Tôi bước đến chỗ cô ta vừa ngồi. Ở đó để sẵn một bộ quần áo gió, màu vàng chanh. Kiểu quần áo mà những ông Tây hay mặc khi leo núi. Tôi cầm lên, thấy quá khổ, mặc vào người vừa rộng vừa dài, nhưng ấm. Dưới bộ quần áo để một đôi giày vải. Giày cũng quá khổ. Tôi phải xiết dây thật chặt mà bước đi vẫn thấy có khoảng trống trước ngón chân.

Tôi bước vào hang. Người phụ nữ đã chờ sẵn bên đống lửa nhỏ. Búi tóc lệch sang một bên đầu. Khuôn mặt không già không trẻ. Làn da không đen không trắng. Váy áo không cũ không mới. Người phụ nữ nhoẻn cười, nụ cười như của một người mẹ: “Cô tên là Ban”. Tôi hỏi: “Cô đi thuyền ra đây à?”. Cô ta chỉ vào phía trong lòng hang, bảo: “Cô tới từ lối này”. Tôi bảo: “Cháu bơi qua đây nhiều lần nhưng chưa lên đồi Cò này bao giờ”. Người phụ nữ bảo: “Ừ, tiếc là bây giờ nước ngập gần hết rồi, không còn cò về đây đậu nữa”.

Tôi hỏi: “Cô ra đây làm gì?”. Người phụ nữ bảo: “Cô đi tìm người”. Tôi lại hỏi: “Cô tìm ai?”. Người phụ nữ đáp: “Tìm một người tên Hỏa, mọi người vẫn hay gọi là Hỏa sẹo”. Tôi chợt nhớ đến chuyện lão Thủ kể. Chẳng lẽ Hỏa sẹo là chồng của người phụ này sao? Có chồng là một tên sát nhân man rợ như Hỏa sẹo thì cảm giác sẽ thế nào nhỉ? Vợ tôi là một kẻ giết người thì tôi sẽ ra sao? Tuổi mười bảy của tôi cứ hay tò mò với những ý nghĩ không đâu như thế.

Nhưng tôi vờ như không biết gì về cái người mang tên Hỏa sẹo. Tôi ngó vào bóng tối trong hang. Tôi bảo: “Cháu không biết là ở đây lại có lối đi thông lên bờ đấy. Hay thật!”. Cô Ban bảo: “Thế cô dẫn cháu đi một lần cho biết nhé!”. Tôi gật đầu. Cô Ban đứng dậy. Tôi cũng đứng dậy, cầm theo một cây củi cháy, đi theo cô Ban.

Cô Ban dẫn tôi đi men theo lòng hang. Đi cạnh cô Ban tôi thấy mùi từ người cô tỏa ra rất mềm, thơm, và ấm. Như mùi của một người mẹ vậy. Cũng phải mất khá lâu chúng tôi mới ra khỏi hang núi. Trước mặt tôi là một thung lũng rộng. Lúc này tôi đang đứng trước cổng một nhà máy có tên là Xí nghiệp may Hoa Ban. Xưởng may là trái tim, là linh hồn của xí nghiệp. Xưởng có một cửa chính, hai cửa phụ để hàng trăm công nhân ra vào thuận tiện mỗi khi vào kíp hoặc tan ca.

Sau khi đã đến giờ vào xưởng là quản đốc sẽ đi khóa các cửa lại. Rồi quản đốc cũng lượn lờ quanh đó để giám sát các công nhân làm việc. Ai muốn đi vệ sinh thì gọi quản đốc mở cửa. Với quy mô hơn ba trăm công nhân, phải chia ba ca làm việc, nếu không quản lý tốt thì công nhân dễ sinh chây lười, không đảm bảo tiến độ giao hàng.

Ban giám đốc đặt trọn niềm tin vào tài quản lý và giám sát của nữ quản đốc phân xưởng. Nữ quản đốc mặc dù chân đi tập tễnh do thương tích chiến tranh để lại nhưng là một người đặc biệt đề cao ý thức kỉ luật. Cô cũng là người duy nhất của xí nghiệp được cử sang Liên Xô tập huấn ba tháng về may mặc và kiểm hàng. Chuyện về nữ quản đốc tôi sẽ kể tiếp ở đoạn sau...

(Còn nữa)

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Nguyễn Đình Tú
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.

Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon

Thanh Hà |

Công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon được khuyến cáo rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Kiểm toán cung cấp hàng trăm tài liệu cho cơ quan điều tra

CAO NGUYÊN |

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, đã cung cấp hơn 800 tài liệu cho Ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra.

Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại Sơn La

Minh Nguyễn |

Bộ Chính trị đã triển khai kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với Tỉnh ủy Sơn La.

Người dân Thanh Hóa đổ xô ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Mã dâng cao, nhiều người dân ở TP Thanh Hóa đã tập trung ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ.

Cập nhật các tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

Nhóm PV |

Sau ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ do bão số 3, số 4, Thanh Hóa là tỉnh thành tiếp tục phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

Truyện ngắn dự thi: Định mức một cuộc tình

Nguyễn Thanh Nga |

Quê tôi ngày xưa, sau lũy tre làng là cánh đồng bạt ngàn màu xanh của lúa. Mùa xuân mẹ cấy lúa chiêm trên đất mềm ruộng ải, đến mùa hè thu hoạch những hạt thóc vàng đầy sân. Sau vụ lúa mùa mẹ lại trồng khoai trồng đậu, cả con sông Đuống bãi bồi phù sa, nơi những chiều hoàng hôn đỏ rực phía chân trời.