Truyện ngắn: Hoàng Lân Ngư

Tiến Dũng |

Dãy núi Hòn Cu như một con trăn khổng lồ trườn qua làng tôi rồi thọc một khúc xuống biển. Ở đây chẳng cây gì sống được, chỉ có loài chim chích làm tổ vào mùa hạ…
Chỗ tiếp giáp với bờ biển có chiếc hang khá rộng chứa được cả vài trăm người. Trong hang có miếu thờ, giữa lòng hang chình ình một bộ xương cá voi, đêm phát sáng như đèn nê-ông trông rất sợ. Hồi nhỏ tôi vẫn thường theo mẹ ra miếu thắp hương. Bà kể: “Ngày xưa, có trận lốc lớn đánh đắm hầu hết thuyền bè ở ngoài khơi. Ngài cá voi ông đã cứu được một số người về đây, nhưng không hiểu sao ngài vọt bắn lên hang Hòn Cu và không bao giờ về biển nữa. Cảm ơn Ngài cứu mạng, làng giữ bộ xương, lập miếu thờ. Ngài thiêng lắm! Con quỳ xuống lạy ngài đi”. Tôi hỏi: “Tại sao lại gọi là Hòn Cu hả mẹ?”. Bà lắc đầu. Lão Vích mặt đỏ như gà chọi ngồi dạng háng trên phiến đá, tay cầm chai rượu, vẫy tôi lại: “Giống con cu thì gọi hòn cu. Biết chưa?”. Lão cười hành hạch. Mẹ nắm lấy tay tôi lôi như chạy ra khỏi hang.
Nghe nói vợ lão Vích bỏ đi theo trai nên lão nát rượu. Lão vẫn hay vào hang kiếm rượu của khách cúng miếu. Mấy lần lão say nhủi đầu trong cát, may có người phát hiện không thì triều lên cuốn mất xác. Lão nhăn nhở cười: “Ông chết thế đ. nào được. Ông mà chết, cả làng này đàn bà mốc hết”. Chẳng biết lão nói thật hay nói chơi, nhưng lão đang khoáy vào nỗi đau làng. Diệu Mỹ, tên làng tôi đẹp thế mà họ cứ quen gọi: Làng không chồng ở biển Hòn Cu. Trận lốc năm 1983 biển nuốt chửng hầu hết đàn ông của làng, cha tôi trong số đó. Ngần ấy đàn bà trở thành góa bụa. Nghe đồn lão ngủ với rất nhiều đàn bà, con gái trong làng. Chúng tôi hồi đó vẫn trêu lão là “Vích dê”. Có ngàn lẻ một chuyện về lão. Lão say, lão cười, khóc, nói tục văng mạng... Đôi khi lão làm cả làng cười vỡ bụng. Đại loại như chuyện lão đến nhà bà Tôm với vẻ mặt nghiêm trọng: “Tại sao bà nói tôi ngủ với bà Đối”. Mặc cho bà Tôm chẳng biết đầu cua tai ốc nào. Lão chửi một trận khoái mồm rồi bỏ đến nhà bà Đối. Lão cũng nói và chửi như nói với bà Tôm. Hai bà chửi nhau một trận tanh bành. Còn lão vừa uống rượu vừa xem kịch bản của mình. Có lão nên cái làng nghèo xác xơ của tôi mới có cái để đàm tiếu, để cười.
Lão vẫn hay lui tới nhà tôi vì mẹ tôi nấu rượu. Lão ngồi chổm hổm vừa uống vừa háy con mắt lồi nhìn như muốn nuốt lấy mẹ tôi. Lão xăng xái thấy gì làm nấy như gánh nước, dọi lại mái tranh... Một trưa đi học về thấy lão đang cởi trần, da đen như mật mía ngồi trên mái nhà còn mẹ tôi đứng dưới nhìn lên, mặt trân như tượng. Nghe tiếng tôi, mẹ giật mình đánh rơi búi lạt... Có đêm lão ngồi khá lâu. Mẹ giục lão về, lão vẫn ỳ lơi lả: “Mòi cho anh thay bố thằng cu đi!?”. Mẹ bật dậy quả quyết: “Anh về ngay!”. Tôi thấy mẹ khoá cửa trở vô nằm thở dài. Khuya lắm, tôi nghe tiếng thút thít. Thì ra mẹ tôi đang ôm lấy tay chèo của cha tôi khóc. Tôi chẳng hiểu tại sao mẹ khóc...
Khổ cực trăm bề nhưng mẹ tôi vẫn đẹp, cái đẹp mặn mòi, căng nhức của gái một con. Mẹ từ chối nhiều người đàn ông muốn gá nghĩa để nuôi tôi. Mẹ thường ôm tôi vào lòng: “Gắng học đi con. Học mà kiếm nghề khác chứ nghề biển bạc lắm con ơi!”. Tôi nhìn mẹ gật đầu nhưng chẳng thể thực hiện được lời khuyên của mẹ. Tôi cũng như bao đứa trẻ làng chài khác, tuổi thơ đẫm trong mồ hôi và nước mắt của mẹ, nên chúng tôi cũng lầm lũi, ngụp lặn trong biển mà lớn lên. Bát cơm manh áo buộc chúng tôi bỏ chữ mà ra khơi.
Tôi đi biển đạt đến độ ngửi gió là biết luồng cá và thời tiết. Chú Trích bảo: “Mày ra dáng con trai của biển cả rồi đấy! Mẹ kiếp, con gái làng đứa nào cũng thích mày. Chỉ cần mày cười một cái là khối đứa nằm ngửa”. Tôi không đáp lại, thở dài rút cần câu, bó gối nhìn mặt biển một màu đen thăm thẳm. Tôi giật mình. Giống màu mắt chị Thu thế, cả tiếng sóng biển nữa, nghe như tiếng thở của chị. Chị Thu ở gần nhà tôi, chồng chết chẳng tìm thấy xác, nghe đâu bị một tàu lớn cán chìm. “Con Thu ngày một đẹp mơn mởn, nó mặc chiếc quần lụa, cặp dò căng nhức cả mắt. Tao được vầy nó một đêm thì chết cũng sướng”. Chú Trích cứ bỗ bã vậy, giọng thèm lắm.
Một chiều, tôi đang vá lưới chợt nghe tiếng chị Thu gọi: “Khơi ơi! Sang chị bảo”. Tôi nhảy bờ rào sang. “Vô đây có con rít to lắm!”. Chị ở trong buồng nói với ra. Tôi đi vào thấy chị đang đứng chỉ vào góc buồng. Bất ngờ, chị ôm chặt lấy tôi, vục mặt vào ngực tôi mà dụi, hơi thở hổn hển, dồn dập. Vòng tay chị cuống quýt, bầu vú căng như muốn bật hết cúc áo ép chặt vào người tôi. Cú cọ xát da thịt làm cơ thể tôi rần rật, chết lặng. Tôi hoảng hốt vùng ra và xô chị ngã sõng soài, chạy như bị ma đuổi. Từ hôm đó tôi tránh đi qua nhà chị, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngó qua cửa sổ để nhìn chị…
Người làng kháo nhau chị có mang. Họ đoán già đoán non ai là tác giả cái bào thai ấy. Tôi lo sợ vô cùng, sự vô học làm tôi tưởng bụng chị to lên từ cú ôm chiều ấy. Tôi mất ăn mất ngủ, người gầy rộc đi. Chị Thu vẫn cười nói bình thường, vẫn ưỡn cái bụng ngày một to đi qua mặt mọi người, qua tôi như thách thức. Gần đến ngày sinh đột nhiên chị bỏ làng ra đi. Chỉ lão Vích ngồi ở đấy, mặt buồn hiu, cái chai trước mặt nằm chỏng chơ…
Thuyền tôi đi rất xa, nơi dân đi biển ít ai dám đến vùng biển này. Tôi và chú Trích với giấc mơ tỉ phú đã liều mạng đến đây để câu Hoàng Lân Ngư, một loài cá quý gấp chục lần vàng. Nghe đồn thịt loài cá này chữa được bách bệnh. Đây là lần đầu tiên tôi đi câu Hoàng Lân Ngư. Chưa bao giờ tôi thấy biển lặng tờ, đen thẳm, rợn người như lúc này. Chỉ có âm thanh điệp thoảng như hơi thở. “Biển thở đấy! Nghe biển thở mới gọi là dân đi biển”. Chú Trích bảo thế. Nhìn Biển đen như màu mắt chị Thu, tiếng thở như tiếng thở chị Thu. Tôi cảm thấy sợ. Hình ảnh chị tắm truồng bên giếng, xối đầy ánh trăng, chị ôm chặt lấy tôi vòng tay quấn quýt, bầu ngực căng nóng... “Mày cười một tiếng là con gái nằm ngửa”. Không hiểu sao, trong tôi chẳng có hình ảnh người con gái nào cả ngoài chị Thu với những giấc mơ hoan lạc, tội lỗi và ám ảnh.
Nhưng rồi thời gian cũng làm tôi nguôi quên. Tôi có người yêu. Người yêu tôi tên Nhồng con bà Bơn làm nước mắm ở đầu làng. Nàng mười bảy tuổi đẹp như đoá Lan Hồ điệp chớm nở hiếm hoi trên đỉnh Hòn Cu. “Anh! Nếu như xa anh em sẽ chết mất! - Nàng thì thầm - Còn anh, nếu em rơi từ đỉnh Hòn Cu xuống chết thì anh sẽ như thế nào?”. “Anh sẽ nhảy xuống chết theo em!”. Chúng tôi ôm nhau ngập chìm trong hạnh phúc. Vậy là mỗi bận ra khơi tôi đã có cái để mang theo trong lòng. Vâng, tôi đã yêu, đã có bến đợi.
Tôi nghĩ đến đám cưới nhưng chợt buồn vì chẳng có lấy một xu dính túi. Không! Anh sẽ cưới em! Anh sẽ bắt được Hoàng Lân Ngư. Đám cưới chúng mình sẽ to nhất làng. Chúng mình sẽ có những đứa con, chúng không còn phải còng lưng trên biển mò ốc, mò nghêu, chúng sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, được học hành.
Hơn tháng nay tôi và chú Trích mất bao công sức mà Hoàng Lân Ngư vẫn ở trong lời đồn. Tôi không còn tin mấy nữa nhưng mắt chú vẫn ngời hy vọng: “Bây giờ hết mùa câu rồi. Tháng chạp sang năm câu tiếp. Nếu như hồi đó không đứt cước thì tao với bố mày đã ẵm con Hoàng Lân Ngư to sụ rồi. Kiên trì đi rồi tao với mày cũng đổi đời. Đoàn tàu há mồm và con vợ già khú đế của tao sẽ được nhét đầy cơm ngon vào miệng. Bây giờ về ôm lưới đánh cá hội với làng”. Chú nói hùng hồn nhưng mặt lại chùng xuống, buồn xo. Không biết thời gian qua cả nhà chú sống bằng cái gì! Mự Thèn sinh đứa thứ chín bị sản hao người như con mắm khô chẳng làm được việc gì, tất cả đều trông chờ vào chú. Tôi thấy mười một người quanh mâm cơm chỉ là mấy củ sắn chạc, nước ốc húp sì soạt. Cả chín đứa, đứa có quần không áo, đứa có áo không quần. Tóc đứa nào cũng vàng hoe và khét, người khẳm như mùi mắm ươn. Lưng chúng cong và vẹo vì suốt ngày phải cúi xuống biển mò ốc cào nghêu.
*
Thuyền cập bến, tôi cầm miếng san hô màu xanh ngọc bích nhảy chân sáo đến nhà Nhồng. Tôi phải lặn xuống đáy biển, suýt bỏ mạng vì rắn đẹn mới có được nó. Chắc Nhồng thích lắm! “Nhồng ơi...?”.
Im phắc! Tôi móc điếu thuốc đã nhàu nhĩ, châm lửa hút. “Khơi phải không? - Mẹ nàng như mọc trước mặt tôi, khuôn mặt bà nhàu nhĩ, khổ sở - Con Nhồng bỏ đi rồi con ơi”. Nước mắt rơm rớm, bà móc trong bao trầu ra một miếng giấy gấp tư: “Nó gửi cho con cái này”. Những hàng chữ trên tay tôi nhảy nhót, trĩu nặng. Vậy là nàng đã bỏ đi. Tôi hiểu nàng không muốn như những người phụ nữ làng chài, luôn thấp thỏm lo âu mỗi lần chồng con ra khơi. Nàng không muốn phải chứng kiến những cái chết, những vành tang trắng! Nàng không muốn con cái sau này không được học hành, cái vòng nghèo đói lẩn quẩn đeo riết. Chả trách nàng luôn nhắc đến thành phố với ánh mắt buồn, khao khát. Tôi thất thểu bước về phía biển ngồi phịch xuống bãi cát mặc cho triều lên đến thắt lưng, sóng chồm lên mặt. “Uống đi!”. Lão Vích đến từ phía sau, dúi chai rượu trước mặt tôi. Tôi tu một hơi gần hết chai. Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu với lão. “Chưa đâu con ạ, sống rồi mới biết mùi đời. Nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa biết hết. Ha ha...”. Lão Vích lấy cát đắp hình một cái đồi rồi lấy tay thọc vào: “Mày thấy giống cái hĩm không?”. Tôi không trả lời. “Biển ơi! Ơi biển đàn bà. Con đàn bà nó làm ta sướng, nó làm ta đau”. Lão bước xiêu vẹo trong nắng quái đỏ ối biển chiều.
Biết tìm Nhồng ở đâu bây giờ? Tìm nàng để làm gì khi nàng đã dứt áo ra đi? Tôi đi tìm nàng qua nhiều đường phố, nhiều ngôi nhà, quán xá... với những dày vò như thế nhưng nàng vẫn như bóng chim tăm cá. Tôi lo! Tôi từng nghe người ta kể về những cô gái quê ra thành phố bị sa vào động mại dâm, bị bán sang Trung Quốc. Làng tôi có con Lưới, chị Lơn cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Tôi dừng chân trước một quán ăn bên đường có nhiều chậu cảnh. Không thấy khách, chỉ thấy mấy cô gái váy ngắn, tóc vàng ngồi vắt vẻo trên ghế hút thuốc. Ơ! Như là… Nhồng! Tôi lao như gió lốc vào nắm lấy tay nàng. “Nhồng!”. “Đồ điên!”. Cặp môi đỏ chót bặm lại, mắt vằn lên như lửa hắt vào tôi. “Cho tôi xin lỗi! Nhầm!”. Tôi nói lí nhí. Mái tóc búi cao có cái bớt đỏ sau cổ sao giống Nhồng thế.
Một gã đầu đinh túm cổ áo tôi tống mạnh làm tôi ngã dúi dụi, xô đổ bàn ghế. Tôi lồm cồm bò dậy thì bị một bàn chân dấn mạnh trên lưng: “Đền đi cha”. “Xin anh! Không phải tại em!”. “Tại này!”. Tôi bị nó đá múc vào mạng sườn đau điếng. Tôi tức trào máu, định vùng dậy một phen sống chết nhưng thấy năm, sáu thằng đầu đinh, đầu trọc xúm lại nên đành nhũn như sứa. Cuối cùng, tôi phải dốc túi đền cho bọn chúng một trăm bảy mươi ngàn. Lần đầu tiên trong đời tôi nếm đòn thành phố. Người vùng biển quê tôi tuy đói nghèo, có thể chửi nhau vì con gà, con vịt nhưng không chó má như thế. Hết tiền, lấy gì về bây giờ! Tôi thất thểu lê bước như kẻ ăn mày trong nắng trưa thành phố ngột ngạt, nóng hầm hập; lẫn tiếng xe cộ, tiếng còi, khói xăng dầu làm tôi nôn thốc, nôn tháo ra cả mật xanh mật vàng. Tôi như con cá mắc cạn trên cát nóng. Đói và khát quay cuồng hoa mắt! Tôi thấy mình đang ôm con Hoàng Lân Ngư chạy từ biển lên. Nhồng của tôi cười rạng rỡ ôm lấy tôi sung sướng.
Cuối cùng tôi cũng bò được về làng. Vị mặn mòi của biển lại rần rật chảy vào từng đường gân thớ thịt. Tôi lại theo chú Trích ra khơi. Nhưng, nỗi niềm với Nhồng và những trận đòn thành phố vẫn day rứt trong tôi. “Mày ngu hơn lợn! Con Nhồng nó làm ca ve ở miền Nam. Thằng Kiếm con nhà Trác nó kể là vào động mại dâm gặp con Nhồng”. Tôi rùng mình. Người thì bảo thấy Nhồng trên ti vi khi công an phá một ổ mại dâm, kẻ thì nói Nhồng bị bán sang Trung Quốc. Tuy vậy, tôi vẫn luôn cầu mong đó không phải là sự thật. Chỉ tội mẹ nàng ngày một lẩn thẩn, bò ra bãi cát cào bới: “Nhồng ơi! Con tôi... Hu... hu...”.
Mẹ tôi ngày một yếu. Mỗi lần đi biển về tôi thấy tóc mẹ bạc thêm, đôi mắt trũng sâu hơn. Mẹ bảo: “Mày lấy vợ đi để mẹ nhìn mặt cháu nội một chút, nhắm mắt cũng thỏa”. Tôi nắm bàn tay rộc rạc của mẹ nghẹn ngào. Mẹ chờ nhé, con sẽ cưới vợ, sẽ cất lại nhà ngói! Mẹ sẽ được sung sướng. Nhưng... mẹ không chờ được. Mẹ đã ra đi khi tôi ở ngoài đại dương săn Hoàng Lân Ngư. Lúc tôi trở về thì mẹ đã nằm trong nấm mồ nghi ngút khói hương.
Nghe người làng nói mẹ tôi ngồi bờ biển suốt đêm, sáng ra thấy xác nằm sấp, mắt vẫn mở nhìn về phía biển. Tôi đau đớn! Tôi rống lên cho đến khi cổ khản đặc. Mẹ ơi, tha tội cho thằng con bất hiếu! Lão Vích vẫn ngồi bên mộ mẹ tôi với chai rượu uống dở: “Khóc đi! Khóc nữa đi! Sướng! Tao buồn thúi ruột mà chẳng khóc được”.
Khát khao sẽ làm một điều gì đó từ biển ngày càng thôi thúc tôi mãnh liệt. “Chú còn tiếp tục theo Hoàng Lân Ngư nữa không?”. “Tạm gác, nhưng không từ bỏ. Mày tiếp tục không?”. “Có!”. Trong tôi khát khao cháy bỏng được đổi đời. Nhưng, chẳng có con đường nào, chỉ có giấc mơ Hoàng Lân Ngư thôi. Con cá ấy theo tôi vào cả trong giấc ngủ. Chú Trích tóc cũng đã ngả màu muối tiêu, trái gió ho khùng khục. Thương chú lắm! Tôi nghiến răng nắm chặt mái chèo, bất lực nhìn sóng biển xô ào ạt, mắt cứ hiện lên bóng dáng Hoàng Lân Ngư. Đừng mơ vớ vẩn. Sức trâu bò thì chỉ đi cày thôi! Không, tôi sẽ ước mơ. “Mẹ cha nó, trước rắn biển nhiều, chúng bò cả lên thuyền, ai cũng ớn nhưng nay bói không ra”. Chú Trích ngậm điếu thuốc sâu kèn to như ngón chân thở dài. Làng biển tôi đang lùng sục săn rắn đẹn biển. Loài rắn xanh màu chàm đuôi cụt, khúc giữa phình như bắp chuối, nay là đặc sản số một, cường dương bổ âm. Chỉ cần một con nửa cân bán là cả nhà chú Trích mua gạo ăn cả tháng. Vì thế mỗi ngày có hàng trăm con người như rái cá lặn xuống những rặng san hô để truy tìm đẹn biển, sá gì hiểm nguy. Nhưng Làng tôi vẫn vậy, vẫn tiêu điều xác xơ. Những người đàn bà, những đứa trẻ vẫn sớm chiều đi nhặt cá rơi, cào nghêu, mò ốc... Vẫn đó những người đàn bà đứng dưới chân Hòn Cu nhìn ra biển xa mờ mịt.
*
Tôi với chú Trích lại ra khơi. Chỉ có biển mới xoa dịu những nỗi đau trong tôi. Sáng hôm đó, thuyền chúng tôi chếch về hướng đảo Mắt. Bỗng nhiên, mưa xỉa ngang những hạt to như quả cà pháo, bắn lụp bụp xuống biển, trúng người đau điếng. Mọi người bật cười. Nhưng, bất chợt nghe tiếng rít ghê rợn, ầm ào ập tới. Biển dựng đứng, chao xoáy nuốt chửng những con thuyền chỉ trong nháy mắt. Tôi, chú Trích và cả con thuyền bị bốc lên không trung, rồi ném xuống biển. Chú Trích vật cột sóng, sải về phía tôi. Chú hét tiếng gì đó tôi không rõ. Ngọn sóng như trái núi hình rẻ quạt ập xuống. Tôi chỉ kịp nghe tiếng kêu trời ơi của chú rồi không biết gì nữa.
“Thằng này cao số thật. Mày đúng là con trai của biển cả. Tao đứng trên Hòn Cu thấy con cá Voi Ông như ngôi nhà chín gian xé sóng cõng mày về đây. Tao tạ ơn Ông mấy chén rượu, Ông uống rượu xong về biển rồi” - Lão Vích phả vào mặt tôi nồng nặc mùi rượu.
Mình đã chết rồi mà. Cõi âm sao vẫn giống hang Hòn Cu thế? Lão nắm lấy tai tôi xoắn một cái đau điếng. Mình còn sống. Tại sao còn sống nhỉ? Cá Voi đã cứu sống tôi? Trước đây tôi cũng đã nghe chuyện cá Voi Ông cứu người nhưng tôi không tin lắm. “Dậy! Dậy mà đi đám tang! Toi hết cả rồi, mất nửa không tìm thấy xác. Cơn lốc khủng khiếp thật”. Lão Vích lôi tôi đi như chạy. Trước mắt tôi tiếng gào khóc át cả tiếng gầm sóng biển. Tôi thất thần bước đi trong tiếng gào khóc cộng hưởng của hàng trăm con người dội vào vách núi Hòn Cu, vọng mãi trong biển chiều mưa rơi ảm đạm.
Biển đã lấy đi của tôi tất cả! Chân tôi như muốn khuỵu xuống. Nhưng kìa, ai như Nhồng đang hốt hoảng len qua những cỗ quan tài như tìm kiếm. Cả chị Thu nữa, chị đang bế trên tay đứa bé mắt tìm dáo dác...

 

Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1971), giáo viên Mĩ Thuật trường THCS Hợp Thành, Yên Thành (Nghệ An). Hội viên Hội VHNT Nghệ An. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đã có nhiều truyện ngắn, bút ký, phóng sự đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Hoàng Lân Ngư là truyện kết hợp hiện thực sống động và truyền thuyết ở một làng chài ven biển miền Trung, đấu tranh sinh tồn với hiểm nguy biển cả và khát vọng thoát nghèo khổ, diễn ra khá hấp dẫn.

 

Tiến Dũng
TIN LIÊN QUAN

Nhà báo Hoà Bình ra mắt tập truyện ngắn “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”

M.T |

“Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” là cuốn sách thứ 8 của tác giả Hoà Bình, do Phương Nam Book và NXB Phụ Nữ ấn hành. Tập truyện ngắn gồm 12 truyện, xoay quanh những “cơn say nắng” trong tình yêu, cảm nhận của lớp trẻ về cuộc sống hôm nay, cơn chóng mặt giữa phố thị ồn ã và những khoảnh khắc tâm trạng bức bí, giải mã chứng bệnh tha hóa trong con người hiện đại.

Truyện ngắn: Cánh điệp nương náu

Truyện ngắn của Phạm Thị Thuý Quỳnh |

Truyện ngắn: Tết tình nhân

Như Bình |

Trời đã lập xuân ư? Nhìn lên cây mai trước bồn thấy lác đác những bông trăng trắng. Lạ lùng, năm ngoái khi cây mai trụi lũi hoa, khô xác một cách tội nghiệp, Hoàn Du đã mấy lần định vứt đi. Bởi trước đó chứng kiến nó đẹp quá, rực rỡ quá, cảm thấy bất nhẫn thế nào ấy...

Đề nghị dừng hoạt động Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

KHÁNH AN |

Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa có văn bản đề nghị dừng hoạt động của Tạp chí Môi trường và Đô thị.

Hiệu trưởng nói nam sinh trong clip Long Biên chỉ lên an ủi vì cô giáo đang buồn

KHÁNH AN |

Hà Nội - Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) đã tạm đình chỉ giáo viên có hành động thân mật với học sinh ở trong lớp học.

Người nước ngoài thuê NOXH; mua đi bán lại, đẩy giá lên cao

Trần Tuấn |

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng NOXH cho người nước ngoài thuê; bị mua đi bán lại khiến giá bị đẩy lên, người thu nhập thấp khó tiếp cận.

Kiểm điểm Hiệu trưởng để xảy ra "tai tiếng" thu chi ở trường

Hoài Phương |

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu Sở GDĐT kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng các trường để xảy ra vi phạm thu chi vào đầu năm học, gây bức xúc trong dư luận.

Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết

Hà Anh |

Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN vừa ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.