Tình trạng này ngày một gia tăng, dường như ngày nào các lực lượng chức năng cũng kiểm tra, tịch thu được tàu thuyền mang những thiết bị đánh bắt hủy diệt cao như lồng bát quái, cào sắt, kích điện, xung điện..., khiến môi trường sống của các loại thủy sản ở khu vực tầng đáy đang có nguy cơ biến mất trên chính ngư trường được cho là phong phú, có bờ biển trải dài.
Xử lý không xuể!
Số liệu mà Sở NN&PTNT cung cấp cho thấy, mức độ vi phạm đối với tàu thuyền của bà con ngư dân trên vùng biển Quảng Ninh thật đáng quan ngại. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng, địa phương đã xử lý 323 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phạt nộp ngân sách nhà nước 853,02 triệu đồng.
Hàng tấn thiết bị phục vụ đánh bắt tận diệt đã bị tịch thu và tiêu hủy gồm: 30 máy nén khí, 22 bình nén khí; 11 súng bắn điện; 36 bộ kích điện; 12 bộ bình ắc quy; 772m dây điện; 56 bộ đồ lặn; 46 đai chì; 2.095m ống dẫn khí; 20m dây hơi, 34 kính lặn; hàng nghìn lồng "bát quái" và tạm giữ nhiều tàu, thuyền...
Để có kết quả xử lý nêu trên, bất cứ địa phương nào trong tỉnh Quảng Ninh có hoạt động ngư trường đều phải cắt cử lực lượng bám biển kiểm tra, xử lý các tàu thuyền sử dụng những công cụ đánh bắt bất hợp pháp. Con số gần 330 vụ vi phạm phát hiện ngay trong những tháng đầu năm 2018, gần bằng một nửa số vụ của năm 2017, cho thấy tình trạng khai thác thủy sản tận diệt vẫn còn rất “nóng” và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Theo một đại diện Chi cục Thuỷ sản Quảng Ninh, nhiều tàu thuyền phát hiện các đối tượng đã cho phóng ra luồng điện lên tới 1.500V - 2.000V, khiến cho không còn loài sinh vật nào trong phạm vi hàng trăm m2 sống sót.
"Qua lần phóng điện, họ đã dùng lưới kéo lê dưới đáy biển để bắt thuỷ hải sản bị điện giật. Không những vậy, các hình thức đánh bắt bằng "lồng bát quái", xung điện, hóa chất, thuốc nổ và hệ thống lưới mắt quá nhỏ sẽ tiêu diệt tất cả các loại thủy hải sản, ngay cả các loại thủy sinh nhỏ bé cũng không thể thoát được" - lãnh đạo cơ quan này cho biết.
Do còn tồn tại hàng nghìn tàu thuyền công suất nhỏ, không đủ sức vươn khơi xa; đời sống của bà con ngư dân còn nhiều khó khăn; mức độ tiếp cận thông tin về các quy định, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều tàu thuyền bất chấp sử dụng các thiết bị khai thác tận diệt môi trường sống của các loại thủy sản ven bờ.
"Do sự quyết liệt của các địa phương ra quân ngay trong đầu tháng 4, nhất là TP.Hạ Long, một bộ phận ngư dân đã trốn tránh bằng cách di chuyển tàu thuyền từ địa bàn đánh bắt hủy diệt ở vịnh Hạ Long về Bái Tử Long, nhằm "vớt vát" trước khi bị phát hiện, thu hồi" - đại diện Sở NN&PTNT nhìn nhận.
"Lối thoát" nào cho ngư dân?
Việc Quảng Ninh mạnh tay xử lý việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và buôn bán chất nổ, xung điện, các ngư cụ, các nghề bị cấm sử dụng trong khai thác thủy sản và tịch thu, tiêu hủy ngay các phương tiện vi phạm là nhằm từng bước kiểm soát, giảm thiểu hoạt động khai thác phi pháp, tận diệt.
"Chúng ta đã có nhiều cảnh báo về sự biến mất của các loài thuỷ sản, trong đó nhiều loài có nguy cơ biến mất hoàn toàn, phá vỡ môi trường sống từ kiểu khai thác nêu trên" - một kỹ sư thủy sản bày tỏ quan ngại.
Trong những giải pháp mà Quảng Ninh đặt ra, đó là nhanh chóng có các cơ chế, chính sách nhằm tạo sự ổn định và phát triển về số lượng các tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, nhằm dần thay thế hàng nghìn chiếc tàu thủy sản ven bờ công suất nhỏ để giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ đang cạn kiệt quá mức như hiện nay. Tỉnh Quảng Ninh hiện cũng tiến hành rà soát thống kê nguyện vọng ngư dân để xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương thống kê toàn bộ danh sách các ngư dân (cả gia đình) chuyên khai thác thủy sản ven bờ, sông suối để Quảng Ninh làm căn cứ xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân mua ngư lưới cụ, nâng cấp tàu thuyền và chuyển đổi nghề đảm bảo sinh kế lâu dài.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai sẽ là rất khó, bởi tập quán của bộ phận ngư dân này gắn với ngư trường hạn hẹp, kỹ năng đánh bắt xa bờ thiếu và việc chuyển đổi nghề sẽ là rào càn lớn đối với họ. Trong khi tiếp tục mạnh tay xử lý các tàu thuyền sai phạm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản là bảo vệ sinh kế lâu dài cho ngư dân vùng ven biển, ven sông một cách bền vững.
Hiện Quảng Ninh đã hoàn chỉnh kế hoạch và đưa vào hỗ trợ những trường hợp bà con ngư dân chuyển đổi, học nghề. Riêng việc cải hoán phương tiện, đầu tư ngư cụ và đào tạo đánh bắt chuyên sâu đối với ngư dân đang được Sở NN&PTNT Quảng Ninh - đơn vị đầu mối đứng ra lấy ý kiến các ngành, địa phương nhằm sớm hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ để trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới.
"Đây sẽ là nền tảng căn bản, sinh kế bền vững cho ngư dân và "dẹp" bỏ hoàn toàn tình trạng đánh bắt tận diệt như hiện nay" - đại diện Sở NN&PTNT hy vọng.