“Gia đình khí tượng” chuyên đi đảo ở Bình Định

Phố Nhơn |

“Gia đình khí tượng”, là cách gọi của người dân Bình Định khi nói về gia đình Võ Thống (59 tuổi, ngụ thôn Phụng Du 2, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Gia đình này có đến 6 người gồm: Cha, chú, 2 con trai, con gái và con rể đều theo nghề khí tượng và thủy - hải văn.

“Gia đình khí tượng”

Hôm chúng tôi đến, Trạm Khí tượng Hoài Nhơn (ở thôn An Dưỡng, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) chỉ có 2 người đàn ông, một già, một trẻ đang loay hoay với công việc quan trắc. Hỏi ra mới biết, người đàn ông trung niên là Trạm trưởng Võ Thống, người trẻ còn lại là anh Võ Thành Tín, con trai ông Thống, cũng làm nghề khí tượng.

Sau vài câu chào hỏi, ông Thống bảo chờ mình khoảng 10 phút, để ông ốp (tức obs, là cách gọi trong ngành để chỉ các ca trực trong ngày), xong sẽ tiếp chuyện. Nhận được cái gật đầu của chúng tôi, ông Thống lại tiếp tục công việc. Ông đến bên cạnh từng thiết bị: đo gió, đo lượng mưa, đo bốc hơi, đo nhiệt độ mặt đất, đo nhiệt độ các lớp đất sâu… căng mắt vào những con số nhỏ xíu hiển thị trên đó và ghi vào sổ.

Thu thập xong số liệu trên các thiết bị, ông Thống đi như chạy về phòng làm việc, nơi có chiếc máy vi tính đang mở sẵn, nhanh chóng chuyển toàn bộ số liệu tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn về Tổ thông tin, Trạm Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ (đặt tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ông thực hiện trọn vẹn quy trình công việc của một ốp với tất cả sự tập trung tối đa và nhanh nhẹn hết mức có thể của người đã ở tuổi gần 60.

Theo ông Thống, cứ cách 3 giờ vào ốp 1 lần, thời gian làm việc mỗi ốp diễn ra trong chừng 5 dến 7 phút, thời gian còn lại là rảnh không. Chỉ có điều, thử thách và khắc nghiệt của nghề lại nằm trong chính sự nhàn hạ ấy. Hoàn thành nhiệm vụ trong chớp nhoáng, đi liền sau cảm giác hạnh phúc, nhẹ nhõm là trạng thái… hụt hẫng. Bởi khoảng thời gian dài sau đó giữa các ốp, dân khí tượng không còn niềm vui gì hơn ngoài việc đọc sách, đọc báo, quét dọn nhà làm việc, sắp xếp bàn làm việc, chăm sóc cây cảnh, hoa và cả chắp tay thơ thẩn đi ra đi vào, tất cả chờ đợi thời gian trôi qua, để vào ốp mới.

Ông Thống tâm sự: “Cái khổ của công việc không nằm ở việc phải tính toán, suy nghĩ đầu óc nhiều hay lao động tay chân nặng nhọc, mà ở yêu cầu phải đảm bảo tính chuẩn xác của từng số liệu và tuân thủ quy định thời gian vào ốp, bất kể ngày hay đêm, trong điều kiện thời tiết thế nào. Hơn thế nữa là chịu đựng được cái buồn, cô đơn, lặng lẽ của một môi trường làm việc đặc thù. Đã xác định theo nghề là chấp nhận một công việc, một môi trường làm việc lặng lẽ. Lấy cái hữu ích của công việc làm nguồn vui”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Thống học sơ cấp khí tượng, ra trường năm 1977 và làm việc trong ngành từ đó đến giờ. Ngoài 3 năm đi đảo, trong đó 1 năm làm tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa (ở đảo Trường Sa Lớn) và 2 năm làm tại Trạm Khí tượng Song Tử Tây, hầu hết thời gian còn lại ông công tác tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn. “Năm 2007, tôi tạm biệt vợ con, xa đất liền để đi chuyến công tác xa nhà dài nhất trong đời. Đó là nhận nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, thời hạn trở về là khi đủ 3 năm công tác”, ông Thống cho biết.

Nhận tháng lương đi đảo đầu tiên của chồng, ở quê nhà, bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, vợ ông Thống) nghĩ ngay đến một việc hệ trọng, đó là phải cho các con đi học trở lại. “Hồi ấy chưa có điện thoại gọi ra đảo thuận tiện như bây giờ, tôi lên Trạm Khí tượng Hoài Nhơn hẹn liên lạc với chồng qua bộ đàm, bàn về việc cho các con học lên nữa. Vợ chồng biết phần lương đi đảo của cha không thể nuôi nổi 3 đứa con cùng đi học, song tôi động viên chồng rằng tôi cố gắng làm lụng, chắt chiu thêm. Tôi nghẹn ngào khi nghe cả 3 đứa đều nói muốn theo nghề của cha”, bà Liên cho biết.

Ngồi trò chuyện, ông Thống bảo, trước đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 3 người con của ông là Võ Thanh Hải, Võ Thị Thu Hương và Võ Thành Tín, sau khi học hết cấp 3, lần lượt vào TP Hồ Chí Minh bôn ba tìm việc làm, kiếm sống bằng nhiều nghề.

Mưu sinh một thời gian, biết được cái khổ, cái nghèo của gia đình, 3 người con ông Thống quyết định theo nghề cha. Sau khi được cha mẹ động viên, anh Hải, chị Hương nhập học cùng ngày vào Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ngành Khí tượng và đến năm 2009 thì ra trường. Anh Tín cũng theo học ngành Khí tượng và tốt nghiệp năm 2010.

Một giờ vào ốp của cha con ông Thống tại vườn quan trắc, Trạm Khí tượng Hoài Nhơn. Ảnh: P.N

Nối gót cha ra đảo

Sau khi ra trường, nhận công tác tại các trạm khí tượng thủy văn ở đất liền một thời gian, anh em Hải, Tín lần lượt viết đơn tình nguyện đi đảo. Anh Hải chính thức đặt chân lên đảo từ tháng 7.2010, nhận nhiệm vụ tại Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa. Từ tháng 4.2013, anh chuyển công tác sang Trạm Khí tượng Song Tử Tây, giữ chức Trạm trưởng. Người trong ngành hay gọi đùa cha con ông Thống là “hai người đồng cấp”, bởi trong 3 năm công tác ở Trường Sa, ông Thống cũng có 2 năm nắm giữ vị trí, trọng trách mà con trai ông đang đảm nhiệm.

Tháng 11.2012, nối gót cha và anh trai, anh Tín cũng có mặt ở Trường Sa, bắt đầu cho chặng dài 3 năm công tác xa nhà của một lính khí tượng trẻ. Sau những tháng ngày bám đảo Trường Sa Lớn, anh Tín hiện đang công tác tại Trạm Khí tượng Hoài Nhơn.

Được biết, gia đình ông Thống có tất cả 6 thành viên theo nghề khí tượng và thủy hải - văn.  Ngoài chị Hương là nữ, không thuộc diện công tác ở đảo, còn lại ông Thống cùng 2 con trai của mình, người em ruột của ông là Võ Thái Hoàng, con rể là Đào Bá Cao đều đã từng hoặc đang công tác ở Trường Sa.

“Ở Trường Sa, tuy không phải tất cả đều mặc áo lính, nhưng mỗi cán bộ công tác trên đảo, mỗi người dân sống trên đảo, mỗi ngư dân đánh bắt trên đảo, đều là chiến sĩ, đều có nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhận thức ấy cùng với cảm nhận luôn có gia đình và Tổ quốc kề bên mình, đây là sức mạnh để chúng tôi yên tâm bám đảo, hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thống tâm sự.  

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Đề án thí điểm sắp xếp mô hình tổ chức CĐ trực thuộc CĐ Ngân hàng Việt Nam

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 30.9, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN họp lần thứ 7, khóa XIII dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được thảo luận, cho ý kiến là Tờ trình Đề án thí điểm sắp xếp mô hình tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tập trung, xuyên suốt, hiệu quả.

Di dời dân khỏi quả đồi nứt toác ở Thanh Hóa

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Sau khi phát hiện quả đồi nứt toác, ngành chức năng đã khẩn trương di dời hơn 20 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tọa đàm "Để ô nhiễm môi trường sau bão lũ không còn là nỗi lo"

Nhóm PV |

Bên cạnh những mất mát, đau thương về người và của, một vấn đề khác nhận được rất nhiều sự quan tâm đó chính là vấn ô nhiễm môi trường sau bão lũ. Và một trong những nơi đang phải chịu áp lực từ nguồn rác thải khổng lồ đó chính là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Trước tình hình này, Báo Lao Động đã tổ chức buổi tọa đàm "Để ô nhiễm môi trường sau bão lũ không còn là nỗi lo".

Erik ten Hag chưa nghĩ đến chuyện bị Man United sa thải

NGUYỄN ĐĂNG |

Huấn luyện viên Erik ten Hag vẫn có những phát biểu cứng rắn, dù Man United phải trải qua trận thua 0-3 trước Tottenham.

Thi công cao tốc Bắc - Nam gặp khó do mưa lũ

Nhóm PV |

Mưa lũ kéo dài khiến việc thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gặp nhiều khó khăn.

Vỡ mộng trung tâm thương mại lớn bậc nhất vùng biên

An Khánh |

Lạng Sơn - Dù mang nhiều kỳ vọng, nhưng Trung tâm thương mại - Chợ Đồng Đăng sớm đóng cửa. Tiểu thương hoặc bỏ nghề hoặc dạt sang xung quanh để buôn bán.

Đường tranh bích họa lỗi thời, vắng du khách

Nguyễn Linh |

Đường tranh bích họa thuộc quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vắng vẻ du khách khiến người dân địa phương không thể khai thác kinh tế từ “con đường” du lịch này.

U20 Syria ăn mừng phấn khích sau trận thắng U20 Việt Nam

HOÀNG HUÊ |

Các cầu thủ U20 Syria ăn mừng phấn khích sau trận thắng 1-0 trước U20 Việt Nam ở lượt trận cuối bảng A vòng loại U20 châu Á 2025 tối 29.9.