Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, chất lượng các bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động, đặc biệt những vấn đề liên quan đến lao động nữ.
Theo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên, các bản TƯLĐTT đều có ít nhất 1 chế độ ưu đãi cho lao động nữ cao hơn luật, tập trung vào việc quan tâm đến lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, chất lượng bữa ăn ca, thời gian kinh nguyệt, chăm sóc sức khỏe lao động nữ; hay lao động nữ mang thai đều được bố trí công việc nhẹ nhàng, một số đơn vị bố trí lao động nữ mang thai được ngồi ghế khi làm việc theo dây chuyền, dành khu vực ăn riêng, được ưu tiên khi xếp hàng lấy suất ăn ca.
Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các chế độ ưu đãi đối với lao động nữ: Trên 90% thực hiện việc cấp phát dụng cụ bảo hộ lao động; đầu tư xây dựng, trang bị công nghệ mới; từng bước khắc phục được các yếu tố độc hại như tiếng ồn, bụi, nóng đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động.
Trên 50% đơn vị doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ tiền gửi trẻ, nhà ở, trợ cấp đời sống cho người lao động từ 15.000 đồng đến 400.000 đồng/người/tháng. Lắp đặt 92 ca bin vắt, trữ sữa, hỗ trợ sữa uống hàng ngày, có bữa ăn đặc biệt hàng tuần cho lao động nữ mang thai. Tổ chức khen thưởng kịp thời nhân viên xuất sắc, tổ chức ngày hội gia đình, tri ân bố mẹ CNLĐ, tổ chức ngày hội công ty được mời cả gia đình đến tham quan, vui chơi và tham gia các hoạt động, ăn uống miễn phí…
Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên còn xây dựng kế hoạch thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT nhóm các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc thuộc khu công nghiệp Yên Bình và Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên) và TƯLĐTT.
LĐLĐ tỉnh cũng đã tiến hành hỗ trợ và giám sát việc ký kết TƯLĐTT ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may thuộc công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên. Bản TƯLĐTT đã được các bên đàm phán và tham gia, xây dựng có 16 điều, trong đó có trên 20 khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Qua đó đã đảm bảo quyền lợi chung cho gần 20.000 người lao động tại các doanh nghiệp để người lao động gắn bó lâu dài, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 230.000 CNVCLĐ, 156 nghìn đoàn viên sinh hoạt tại 1.392 công đoàn cơ sở. Trong đó lao động nữ chiếm khoảng 62% đang làm việc trong các ngành, nghề, các thành phần kinh tế. Trong đó, ở một số ngành nghề lao động nữ chiếm tỷ lệ khá cao từ 10 đến 87%, như: Ngành Y tế, Giáo dục, Công Thương, các doanh nghiệp lắp ráp điện tử…