Bộ Thủy lợi Trung Quốc (MWR) hôm 12.7 nâng mức phản ứng khẩn cấp chống lũ lên cấp 2 (mức cao thứ hai) giữa lúc mưa lớn tiếp tục trút xuống những khu vực dọc sông Dương Tử. Tính đến ngày 12.7, mưa lũ đã khiến 141 người thiệt mạng hoặc mất tích, buộc gần 2,3 triệu người sơ tán và đẩy gần 1,3 triệu người vào cảnh cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ngoài ra, thiên tai còn tàn phá tổng cộng 28.000 căn nhà và ảnh hưởng đến đời sống của 37,9 triệu người dân tại 27 tỉnh.
Mặc dù đợt mưa lũ ở Trung Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng gián tiếp phản ánh thực trạng thời tiết ngày càng cực đoạn dị thường. Nhận định về xu thế thời tiết những năm gần đây, Tiến sĩ Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, các loại hình thiên tai trên thế giới diễn ra cực đoan, khó lường như mưa lũ tháng 7.2018 gây vỡ đập tại tỉnh Attapeu, Lào, làm 158 người chết, mất tích hay lũ quét tháng 1.2019 tại Philippin làm 85 người chết và mất tích; băng giá, bão tuyết tháng 1.2018 tại Hoa Kỳ đã làm 19 người chết, 100 triệu người bị ảnh hưởng.
Đặc biệt là thời gian gần đây, mưa lũ lớn liên tục xảy ra tại nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó từ đầu tháng 6 đến nay, mưa lớn xảy ra tại 26 tỉnh khu vực Đông Nam - Trung Quốc, vỡ đê sông Trường Giang, gây ngập lụt trên diện rộng Tại khu vực Tây Nam - Nhật Bản, mưa lớn đầu tháng 7 gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, làm trên 50 người chết và mất tích.
"Tại Việt Nam, trung bình hàng năm, thiên tai làm 300 người chết, mất tích. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 279 đợt thiên tai, làm chết và mất tích 48 người, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 3.424 tỉ đồng. Riêng khu vực miền núi phía Bắc, 20 năm gần đây đã xảy ra 590 trận lũ quét, 92 rét đậm, rét hại. Lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai lớn nhất thường xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc đã xoá sổ nhiều ngôi làng, nhiều người chết" - Tiến sĩ Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Chỉ ra những diễn biến bất thường của thời tiết, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, nhiệt độ trung bình tháng 4.2020 tại các tỉnh Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 - 2 độ C. Vào ngày 24.4 tại Hà Nội nhiệt độ giảm còn 16,5 độ C là mức nhiệt thấp nhất sau ngày 20.4 ở Hà Nội trong 50 năm qua.
Nhiệt độ trung bình trong tháng 5.2020 trên phạm vi cả nước đều lại chuyển biến đột ngột, cao hơn từ 1,5 - 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Đặc biệt, mức nhiệt trung bình trong tháng 5 tại hầu khắp các khu vực Việt Nam cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ kém năm 2015. Nắng nóng đáng lưu ý đợt nóng từ ngày 15 - 22.5, một số nơi có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày vượt ngưỡng lịch sử so với trung bình nhiều cùng thời kỳ như tại: Lào Cai: 41,8 độ C, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 41,2 độ C" - Tiến sĩ Khiêm nói.
Tổng kết về thiên tai từ đầu năm 2020 đến nay, Tiến sĩ Khiêm cho hay, tại Việt Nam đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng. Đặc biệt mưa đá ngay trong đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết nguyên đán là một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất.