Nếu như trước đây, những viên pin cũ này ở bà Nguyễn Thị Tính (Thôn Nhuệ, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) bị vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào một thùng rác thì nay, ý thức được mối nguy hại của pin với môi trường, bà Tính đã cẩn thận thu gom, đem ra nơi tập kết mang tên “Ngôi nhà của pin” – một phong trào mới do thôn phát động.
“Trước kia khi chưa có ngôi nhà của pin này, nhà tôi dùng nhiều nhưng dùng xong thì các cháu vứt lung tung, nhưng từ khi sáng tạo ra nhà pin này, chúng tôi rất phấn khởi, gia đình để riêng một chiếc hộp, phổ biến cho con cháu sau khi dùng sau thì bỏ vào để mang ra đầu xóm đã có nhà pin để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ” – bà Tính cho biết.
Pin khác với những loại rác thải thông thường. Sau khi sử dụng, đây lại là một loại rác độc hại. Chính bởi vậy, khi bỏ đi, việc phân loại pin từ đầu nguồn rất quan trọng để có những hướng xử lý rác riêng biệt. Những ngôi nhà của pin đã ra đời từ ý tưởng của cán bộ thôn, sự ủng hộ, góp sức của bà con, tất cả đã tạo nên sức mạnh tập thể, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất.
Nơi tập kết pin được một gia đình trong thôn hỗ trợ làm miễn phí từ việc tận dụng những vật liệu có trong xưởng gỗ. Đến nay đã có cả chục nhà để pin được lắp đặt, phân bổ đều ở toàn thôn. Và để thu hút sự chú ý, trên mỗi ngôi nhà, đều được in các hình ảnh, thông điệp tuyên truyền, nhắc nhở người dân về tác hại của pin đối với môi trường.
“Giữ gìn môi trường là chúng tôi rất sẵn lòng, ủng hộ hoàn toàn” – ông Đỗ Văn Ngọ (Thôn Nhuệ, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay. Còn bà Nguyễn Thị Kim trong thôn cũng cho biết, có nhà pin là điều thích hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, không bị chất độc ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, cứ mỗi tháng, những cán bộ thôn cùng đoàn viên thanh niên sẽ tổ chức đi thu gom pin tại các ngôi nhà của pin và chuyển đến các địa điểm tái chế trên địa bàn. Đến nay, hàng nghìn viên pin đã được xử lý, đặc biệt thói quen mới trong phân loại rác thải đã được hình thành ở khu dân cư, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Đàm Quang Bính – Trưởng Thôn Nhuệ cho hay, ban đầu mô hình làm thí điểm 6 cái, đến nay số nhà của pin đã tăng lên. Ngay bước đầu đã cho những kết quả rất tốt. “Từ 4 loa truyền thanh trong làng và đến nay là 15 loa, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nắm bắt được cái lợi của việc thu gom pin, cái hại của việc bỏ pin ra môi trường mà không qua xử lý” – ông Bính cho biết.
Theo nghiên cứu, trong pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium và thạch tín… Đây đều là những chất độc hại, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người và là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư.
Nếu hít phải chất chì (Pb) có trong pin có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Chất độc hại này cũng gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm chức năng của thận.
Đặc biệt, lượng thủy ngân có trong một cục pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Khi chôn lấp pin, các kim loại nặng có trong pin như chì, thạch tím sẽ ngấm vào đất, khi đốt, các thành phần nguy hại sẽ gây ô nhiễm không khí, vì vậy những mô hình thu gom pin như thế này cần được nhân rộng để bảo vệ môi trường và bảo vệ chính sức khoẻ của người dân.