Lớp học tình thương sáng đèn mỗi tối

LÂM ANH - HUYÊN NGUYỄN |

“Con thích kinh doanh, muốn đi học, mong có thêm kiến thức để làm chủ được công việc”, “Con không nhớ bài nhưng đến trường rất vui”, “Con học không có vào nhưng vẫn đi học”… - những chia sẻ trao gửi ước mơ, niềm vui của những số phận đặc biệt đang được thày cô, tình nguyện viên tại những lớp học buổi tối ở TPHCM bồi đắp mỗi ngày...

Ước mơ được thấu hiểu và vươn lên

Mỗi buổi tối thứ 2, 4, 6 hằng tuần, em Phạm Thị Ngọc Dung (sinh năm 2006, ngụ quận 8, TPHCM) lại tất bật sau một ngày làm việc vất vả tới lớp học phổ cập của Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8, TPHCM). 16 tuổi nhưng Dung đang học chương trình của học sinh lớp 2. Vì hoàn cảnh gia đình, cô bé vất vả tham gia lao động từ sớm. Khi biết thông tin về lớp học phổ cập buổi tối, Dung đăng ký ngay. Ban ngày, em đi làm phụ tiệm may, tối đến, chưa kịp ăn uống nhưng vẫn đạp xe gần 30 phút để đến lớp học.

“Con thích kinh doanh, muốn đi học mong có thêm kiến thức để làm chủ được công việc” - Ngọc Dung nhiều lần mở lòng chia sẻ với cô Lê Võ Hà Thu như vậy. Lớp học của cô Thu dạy chỉ có 3 học sinh trong độ tuổi từ 16 đến 26 mới bập bẹ tiếp cận con chữ. Điều khiến cô  quyết tâm gắn bó với công việc này là dù khó khăn, vất vả nhưng các em có ước mơ riêng.

“Các bạn trong lớp học phổ cập hầu hết đều sai độ tuổi. Các em thiệt thòi hơn học sinh chính khoá, ban ngày phải đi kiếm sống nữa rồi về chưa kịp ăn lại gấp gáp đi học. Thế nhưng, mỗi em đều có ước mơ riêng. Học lớn hơn tuổi, các bạn ý thức được điều đó nên sự chăm chỉ nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn. Mình thương các em giống như người nhà, đàn em, không chỉ là chuyện học mà còn dành thời gian chia sẻ về cuộc sống, những niềm vui, khó khăn”, cô Lê Võ Hà Thu - sinh viên sư phạm, tình nguyện viên của lớp học - chia sẻ.

Ở lớp học bên cạnh, cô giáo Huỳnh Thị Trúc Linh - giáo viên Trường Tiểu học Hồng Đức cũng tận tình chỉ bảo cho 7 học sinh của chương trình lớp 1. Lớp học đầu đời với các học sinh này đều bỡ ngỡ, lạ lẫm; cô Linh bắt tay nắn nót viết từng con chữ, phát âm từng từ và làm từng phép cộng trừ đơn giản. Nghề giáo viên vốn đã vất vả, ban ngày lên lớp dạy chính khóa nhưng buổi tối, cô Linh còn kiêm nhiệm thêm lớp phổ cập.

“Tôi đến lớp vì thương các em rất thiệt thòi, cố gắng sắp xếp thời gian dành cho các em. Gia đình cũng rất ủng hộ; nhà tôi có truyền thống làm nhà giáo nên từ nhỏ môi trường giáo dục đã thấm trong tôi; mọi trở ngại, khó khăn không khiến tôi nản trí”, cô giáo Trúc Linh tâm sự.

Trường tiểu học Hồng Đức nằm trên địa bàn phường 14 - một phường còn nhiều khó khăn của quận 8. Địa bàn đặc thù với đa số người dân là lao động phổ thông, thu nhập thấp, từng là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, nên các em đến với lớp phổ cập đêm cũng có nhiều hoàn cảnh, mỗi người một lứa tuổi, một nhận thức, một hoàn cảnh, nhiều em chậm phát triển về trí tuệ.

Chính vì thế, dạy những lớp học này rất khác biệt so với lớp chính khoá bởi vậy trách nhiệm của những giáo viên đứng lớp nặng nề hơn khi không chỉ mang tri thức mà còn dạy cho các em về lẽ sống, về tình yêu quê hương đất nước, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Bà Phùng Lê Hiệu Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Đức - chia sẻ, các thế hệ thầy cô trong trường đã duy trì mô hình lớp học phổ cập buổi tối được trên 20 năm, có được truyền thống này là nhờ sự phối hợp của nhà trường và địa phương trong việc tổ chức, vận động học sinh đến lớp, đặc biệt sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên đứng lớp.

Mỗi năm, số lượng học sinh càng ít dần do các em có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện được đến trường hơn, nhưng nhà trường vẫn duy trì lớp học này để mong muốn các em cơ nhỡ khác có được con chữ.

“Đa số các em đều quá tuổi quy định, có hoàn cảnh ở nhiều nơi, theo bố mẹ nay đây mai đó, ban ngày phải đi làm nên nhà trường tạo điều kiện dạy buổi tối để em được đến lớp. Bên cạnh đó, nhà trường trang bị đủ sách vở, bút… Các em chỉ cần cố gắng chăm chỉ tới trường. Các thầy cô cũng không ngại khó, là các giáo viên, đoàn viên của trường, bên cạnh đó cũng có những tình nguyện viên không thuộc biên chế của trường nhưng vẫn tham gia dạy cho các em. Đó là điều rất tuyệt vời” - bà Hạnh chia sẻ.

Thày giáo công nhân kiên trì xoá mù chữ cho trẻ em nghèo

Rời quận 8 đến với vùng ven TP. Thủ Đức nơi giáp ranh tỉnh Đồng Nai, nơi đây cũng có một lớp học tình thương sáng đèn mỗi tối từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần tại con đường Nguyễn Xiển thuộc khu phố Long Bửu. Lớp học là nơi thầy giáo phụ trách - anh Trần Lâm Thắng chỉ là một công nhân kiêm bảo vệ khu phố, vậy mà người thầy “tay ngang” đã mười mấy năm bền bỉ dạy chữ cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều em nhỏ, người dân nghèo không có điều kiện học tập biết đến con chữ, phép tính.

Gần cuối năm, chị Tuyết Mai - công nhân công trình (phường Bửu Long, TP.Thủ Đức) vui mừng khôn xiết khi đứa con trai thứ 2 của mình được đi học trở lại sau thời gian dài buộc phải để con ở nhà. Đưa con theo bố mẹ lên thành phố, việc xin học ở một ngôi trường chính quy gặp khó khăn khi trường thông báo không nhận thêm học sinh bởi đã đủ số lượng. Vợ chồng chị Mai đành ngậm ngùi xác định cho con nghỉ học, ở nhà cùng với đứa con lớn đang học lớp 6 cũng mới phải nghỉ học giữa chừng.

“Tội lắm, vì mình đi làm tối ngày, ở nhà chỉ có 2 anh em tự chơi và ăn uống với nhau” - chị Mai xúc động chia sẻ.

Niềm vui được học. Ảnh: KHÁNH LINH
Niềm vui được học. Ảnh: KHÁNH LINH

Một lần đi làm về ngang thấy sân trường rộn ràng tiếng trẻ con vui đùa, quyết tâm cho con được đến trường, chị Mai bước vào ngỏ ý xin cho con đi học thì nhận được sự đồng ý nhanh chóng của thày giáo phụ trách.

“Khi thày nhận bé, tôi vui, mừng lắm khi thấy con được đi học. Trước đây con hỏi sao bạn con được đi học, còn con không được đi, tôi nghe mà muốn khóc. Mà vui nhất là đi học ở đây không tốn một cái gì, nếu được tôi sẽ cho con học suốt luôn, chỉ tiếc ở đây chỉ dạy tiểu học nếu không tôi cũng cho con lớn đi học”- chị Mai giãi bày.

Kết thúc lớp học vào lúc 20h30, anh Trần Lâm Thắng tạm biệt trò, thu dọn sách vở và bàn ghế ở lớp rồi bắt đầu kể chuyện, nhiều năm trở về trước, khu phố Long Bửu là địa bàn có nhiều hộ gia đình khó khăn và đông trẻ em. Hầu hết, các em nhỏ ở khu phố này đều là con em của người dân lao động nghèo. Nhiều em bỏ học từ sớm hay chưa từng đến trường do cuộc sống quá khó khăn. Ban ngày, có em phụ cha mẹ bán báo, bán vé số, ban đêm làm lò gạch để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Từ thực tế đó, năm 2010, anh Thắng đề xuất Đoàn phường Long Bình thành lập lớp học đặc biệt này. Đến nay, lớp học đa phần là các em nhỏ đều theo cha mẹ đến đây mưu sinh, do hoàn cảnh gia đình nên những đứa trẻ này không có điều kiện đến học tại các trường công lập.

Thày cô giảng dạy tại lớp học tình thương Long Bửu là anh Thắng và các bạn sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM. Riêng anh Thắng ban ngày đi làm tại một công ty tại TP. Biên Hoà, chiều tối lại về dạy cho các em ở lớp học tình thương, tới đêm lại đi tuần tra làm bảo vệ khu phố để kiếm tiền đóng tiền điện, nước cho lớp học. Mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, ban ngày các em phải ở nhà phụ giúp gia đình hay một số phải đi làm công nhân ở các công ty để kiếm sống nhưng lớp học luôn diễn ra đúng giờ.

“Mình nghĩ khi gia đình văn hóa thì khu phố sẽ văn hóa, khu phố văn hóa thì phường văn hóa. Từ từ như vậy, cả một xã hội, tập thể làng xóm tốt với nhau thì mình đỡ phải vất vả hơn trong an ninh trật tự ở địa phương” - mắt anh Thắng sáng lên khi nói về động lực giúp anh duy trì lớp học 12 năm qua.

Ở lớp, mỗi học sinh là một câu chuyện, một hoàn cảnh đáng thương. Xuất phát điểm các em đều là những đứa trẻ khó dạy, không học hành, nhiều em không có trọn vẹn tình thương gia đình, nhưng đến với lớp, tất cả đều lễ phép, ngoan ngoãn. Ngoài học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân như chống xâm hại tình dục, ma túy, bạo lực gia đình…

Đồng hành cùng lớp học, sinh viên Bùi Thị Thùy Trang - năm 2, Trường Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại TPHCM tâm sự, câu lạc bộ tình nguyện tại trường đã huy động tình nguyện viên đi dạy những lớp học này. Tuy việc học bận rộn, song Trang và các bạn đều tranh thủ sắp xếp thời gian để tham gia dạy chữ cho các em nhỏ.

“Còn nhớ lần đầu tiên đi dạy, em được phân vào một lớp đặc biệt siêu quậy, cô nói mà ở dưới không nghe nên ngày hôm đấy về em bị đau họng không nói được. Niềm vui là mỗi lần xuống lớp thì nhiều bạn vẫn nhận ra, vẫn gọi tên, chạy đến trò chuyện với mình”- Trang kể lại.

Ngoài việc học ra dạy học cho các bé, câu lạc bộ thiện nguyện của các bạn sinh viên cũng tổ chức nhiều chương trình khác như Tết Thiếu nhi 1.6 hoặc Tết Trung Thu, tổ chức trò chơi dân gian; tổ chức xuống dọn dẹp, sơn sửa lại lớp học...

Cũng theo chia sẻ của anh Thắng, với hiệu quả đạt được, lớp học đã liên kết với Trường Tiểu học Long Bình (phường Long Bình, TP. Thủ Đức) để cuối học kỳ, lớp học sẽ lấy đề kiểm tra của trường về tổ chức cho các em thi. Sách giáo khoa của lớp cũng được dạy theo sách của trường. Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành tiểu học để tiếp tục theo học lên các khối lớp khác.

LÂM ANH - HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Ấm áp bếp ăn tình thương 24 năm luôn đỏ lửa ở huyện vùng sâu Bạc Liêu

Văn Sỹ |

Bạc Liêu - 24 năm qua Bếp ăn tình thương của Tịnh xá Bửu An ở xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu luôn đỏ lửa để chia sẻ những suất cơm chay miễn phí cho người nhà và bệnh nhân điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện Hòa Bình. Với việc duy trì liên tục hơn 2 thập kỷ qua, đến nay đã có hàng trăm nghìn suất cơm được chia sẻ đến bệnh nhân và người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện.

Ấm áp lớp học tình thương 22 năm ở Sóc Trăng

Văn Sỹ |

Sóc Trăng - Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng suốt 22 năm qua lớp học tình thương của bà Trần Thị Mươn, 65 tuổi, ở khóm 3, P.5, TP.Sóc Trăng luôn duy trì để dạy cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Tận dụng mái hiên căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp trong con hẻm đường Tôn Đức Thắng, cô Mươn đã giúp cho hàng trăm em nhỏ biết đọc, biết viết và cả những lễ nghĩa.

Những lão nông tình nguyện xây “Mái ấm tình thương”

Hạo Nhiên |

Đồng Tháp - Hơn 10 năm qua, các lão nông ở xã Phong Hòa (Lai Vung) bền bỉ  tình nguyện xây “Mái ấm tình thương”.

Lào Cai ghi nhận ca "vi khuẩn ăn thịt người" đầu tiên

Đinh Đại |

Ngành Y tế Lào Cai vừa phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Bảng giá đất mới tại TPHCM dự kiến ban hành trước 15.10

MINH QUÂN |

TPHCM dự kiến ban hành bảng giá đất mới trước ngày 15.10 nhằm khắc phục những bất cập của bảng giá đất hiện tại.

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Bứt phá mạnh mẽ

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Đà tăng của vàng gần như không có vật cản. Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng cao nhất mọi thời đại.

Em trai của Trương Mỹ Lan xin lại số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh

Tâm Tú |

TPHCM - Tại phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đại diện ông Trương Mễ (em trai Trương Mỹ Lan) xin tòa giải tỏa kê biên số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh.

Xử lý vi phạm tại bến đò Cồn Nhì sau phản ánh của Lao Động

TRUNG DU |

Thái Bình - Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý loạt vi phạm tại bến khách ngang sông Cồn Nhì.

Ấm áp bếp ăn tình thương 24 năm luôn đỏ lửa ở huyện vùng sâu Bạc Liêu

Văn Sỹ |

Bạc Liêu - 24 năm qua Bếp ăn tình thương của Tịnh xá Bửu An ở xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu luôn đỏ lửa để chia sẻ những suất cơm chay miễn phí cho người nhà và bệnh nhân điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện Hòa Bình. Với việc duy trì liên tục hơn 2 thập kỷ qua, đến nay đã có hàng trăm nghìn suất cơm được chia sẻ đến bệnh nhân và người nuôi bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài huyện.

Ấm áp lớp học tình thương 22 năm ở Sóc Trăng

Văn Sỹ |

Sóc Trăng - Dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng suốt 22 năm qua lớp học tình thương của bà Trần Thị Mươn, 65 tuổi, ở khóm 3, P.5, TP.Sóc Trăng luôn duy trì để dạy cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Tận dụng mái hiên căn nhà cấp 4 nhỏ hẹp trong con hẻm đường Tôn Đức Thắng, cô Mươn đã giúp cho hàng trăm em nhỏ biết đọc, biết viết và cả những lễ nghĩa.

Những lão nông tình nguyện xây “Mái ấm tình thương”

Hạo Nhiên |

Đồng Tháp - Hơn 10 năm qua, các lão nông ở xã Phong Hòa (Lai Vung) bền bỉ  tình nguyện xây “Mái ấm tình thương”.