Bỏ 2ha đất làm “nhà” cho cò
Đến ấp Gia Kiết hỏi thăm nhà “lão nông khùng” Lê Văn Chìa, ai cũng biết. Ông Chìa năm nay đã hơn 74 tuổi, có dáng người nhỏ, gương mặt khắc khổ. Các con đều đi làm ăn xa, lão nông cùng vợ sống trong căn nhà nho nhỏ cạnh vườn.
Khu vườn nhà của ông Chìa rộng chừng 2ha, chuyên trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, măng cụt, dâu... Mỗi năm, mảnh vườn cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ vườn trái cây này, nhà ông có của ăn của để, các con đều được ăn học thành tài.
Tuy nhiên, đến năm 2006, một đàn vạc vài chục con bay về đậu trên vườn nhãn. Về sau, số lượng ngày càng tăng. Cứ vậy, đến năm 2015, khu vườn nhà ông Chìa trở thành nơi trú ngụ của hàng nghìn con chim, cò... Đặc biệt, cuối năm 2018, có đàn cò ốc (còn gọi là cò nhạn) - loài có trong Sách Đỏ Việt Nam - cũng đến khu vườn nhà ông để “dựng nhà”.
“Đầu năm 2020, số lượng chim, cò về rất đông. Trong đó, cồng cộc khoảng 1.000 con, vạc 2.000-3.000 con, cò trắng cũng 3.000-4.000 con, cò ốc còn khoảng trên 1.000 con. Đặc biệt, có lúc cò ốc còn về trên 4.000 con, nhưng do hiện nay người ta săn bắn nên nó sợ, không dám về” - ông Chìa kể.
Cũng vì yêu quý các loài chim cò và nhận thấy việc chăm sóc cũng như thu hoạch các loại trái cây sẽ làm lũ chim sợ bay đi, ông Chìa bàn với vợ để luôn khu vườn làm “nhà” cho các loài chim, cò.
Giữ đất lành để chim đậu
Để bảo vệ đàn chim, cứ khoảng 5h chiều, sau khi ăn cơm xong, ông Chìa lại đi “tuần tra”. Chưa hết, từ ngôi nhà bỏ hoang của người cháu, ông Chìa dựng một căn chòi nhỏ bằng những tấm lá dừa nước trên nóc nhà như một “đài quan sát”. Ngoài ra, cứ cách vài trăm mét, ông lại dựng một căn chòi nhỏ để làm chỗ nghỉ chân khi đi tuần.
Từ khi cho đàn chim vào ở, chưa đêm nào ông được ngủ ngon giấc. Áp lực của việc “cơm áo gạo tiền” nhiều lúc cũng khiến ông Chìa tính phá bỏ khu vườn. Nhưng ông lại nghĩ, nếu đuổi chúng đi thì bị người ta săn bắn tội nghiệp nên ông không nỡ.
Kể từ khi đàn cò ốc quý hiếm về trú ngụ ở vườn nhà ông, bao nhiêu vốn liếng ông đem mua hết dây thép B40 để rào kiên cố khu vườn, bảo vệ đàn chim. “Bây giờ tôi cần 500kg thép B40 để rào hết khu vườn, từ đó giảm thiểu tình trạng người lén vào vườn bắn trộm chim. Ngoài ra, cò ốc là loài quý hiếm, tôi cũng mong có chính sách bảo vệ nó. Nếu nhà nước thu hồi hết đất đai của tôi để bảo tồn các loài chim, cò này thì tôi cũng sẵn sàng” - ông Chìa tâm sự.
Ông Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ - cho biết, khu vườn với hàng nghìn con vạc, cò, cồng cộc... của ông Chìa là “độc nhất vô nhị” ở địa phương. Vì vậy, UBND xã đã vận động, tuyên truyền người dân không bắn phá để bảo vệ; đồng thời đề nghị lên các cơ quan chức năng sớm bảo vệ vườn chim này.