Ông T. và bà H. năm nay đã hơn 60 tuổi (quận Thủ Đức). Năm 1976, ông bà nên nghĩa vợ chồng. Sau hơn 30 năm sống chung, hai người có một con trai, nay đã có gia đình riêng. 30 năm trước, cuộc sống gia đình ông bà hạnh phúc. Ông đi làm lái xe, bà ở nhà buôn bán. Cuộc sống cứ thế dần trôi, cho đến khi người con trai trưởng thành, có việc làm ổn định và có vợ con thì ông và bà bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Ông lớn tuổi, không đi làm được nhiều. Bà hết cằn nhằn rồi… đánh ông.
Năm 2006, ông nộp đơn ly hôn. Bà níu kéo, hứa sẽ không… dữ dằn với ông nữa. Thương con, ông rút đơn. Năm 2009, một lần nữa ông làm đơn ly hôn rồi cũng… rút đơn với lý do tương tự. Đến năm 2010, ông lại bị bà… đánh nên bỏ nhà đi và làm đơn ly hôn. Lần đó, do ông không đưa ra được những nguyên nhân thuyết phục nên bị tòa bác đơn. Phải dọn ra ngoài sống riêng, ông vẫn không “né’’ được những trận đòn và sự sỉ vả của vợ. Chịu không thấu, vừa qua, ông quyết tâm nộp đơn xin ly hôn.
Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức chấp nhận cho ông được ly hôn. Bà kháng cáo vì cho rằng mình còn tình nghĩa vợ chồng và muốn có ông để nương tựa tuổi già. Tại tòa phúc thẩm, ông nói: “Tòa không cho ly hôn tôi sẽ đưa đơn ra tòa mãi, khi nào thoát khỏi bà ấy mới thôi. Tôi không chịu nổi nữa. Ai đời là vợ mà đánh chồng. Tôi bỏ đi, nhớ con, nhớ cháu về thăm cũng không tránh được bạo lực từ bà ấy”. Nói rồi ông khóc như một đứa trẻ.
Bà giải thích rằng, những lần đánh chồng, chửi chồng là bởi nhà... hết tiền, công việc buôn bán không thuận lợi. Ông là đàn ông của gia đình mà làm chẳng có tiền đưa cho vợ, đã thế còn đánh bài đến độ nợ, bà phải đứng ra trả thay. Bà nói: “Bây giờ tôi với ông chẳng còn trẻ nữa. Tuổi già, ai cũng cần có một người bạn đời bên cạnh để chia sẻ, chăm sóc nhau lúc ốm đau, lúc không có cháu con bên cạnh’’. Ông cắt ngang: “Sống chung với bà tuổi già để tôi bị đánh đến cuối đời à. Không được đâu’’.
Bà hứa, nếu ông rút đơn ly hôn bà sẽ thay đổi, sẽ dịu dàng, thùy mị, thương ông nhiều hơn và sẽ không đánh ông nữa. “Có nóng đến mấy tôi cũng gắng nhịn. Xin ông hãy một lần nữa rút đơn’’. Ông khẳng định sẽ không có chuyện chấp nhận lời xin lỗi của bà. “Ba lần trước bà cũng xin lỗi, cũng hứa thay đổi nhưng không thực hiện, thậm chí bà còn đánh tôi nhiều hơn. Là chồng, là cha, là người đàn ông, tôi không thể nhẫn nhịn được nữa’’, ông khẳng định.
Được tòa chấp nhận đơn ly hôn, ông mừng rơn. Nước mắt ngắn dài, ông chắp tay nói: “Cảm ơn tòa! Cảm ơn tòa đã cho tôi được giải thoát!’’. Ông đi rồi, bà nói buồn: “Tôi sai rồi. Tôi hoàn toàn sai rồi. Tất cả là do tôi nóng tính quá. Ông ấy đã cho tôi cơ hội sửa sai mà tôi không nhận ra. Giờ nhìn ông ấy rời xa mình thì đã muộn mất rồi’’.
Cung cấp băng ghi âm, hình ảnh để được ly hôn
Mới đây, TAND TPHCM cũng xử phúc thẩm, chấp nhận cho ông H. (ở quận 3) ly hôn với bà N. Theo hồ sơ, hai ông bà học chung một trường, kết hôn năm 1999 tại Hà Nội. Cuộc sống hôn nhân lúc đầu hạnh phúc. Hai người đã có ba đứa con chung cả trai lẫn gái. Đến năm 2006, mâu thuẫn vợ chồng trở nên trầm trọng, chỉ vì bà N. hay ghen tuông vô cớ.
Ông kể, bà thường xúc phạm cha mẹ chồng và có hành vi bạo hành trong gia đình. Ông đã cố gắng hàn gắn nhưng không có kết quả. Tháng 6.2014, bà đánh ông nên hai bên đã ly thân. Nay ông muốn ly hôn để giải thoát cho mình. Trong khi đó, bà N. nói: “Tôi có ghen nhưng không xúc phạm cha mẹ chồng. Chuyện đánh nhau, bất đồng quan điểm và ly thân cũng không có. Tôi vẫn còn tình cảm với ông ấy. Tôi mong tòa cho chúng tôi được đoàn tụ’’.
Ông cương quyết xin ly hôn: “Tôi không chịu nổi bà ta nữa. Bà ta suy diễn bậy bạ, dựng chuyện vu không, ghen tuông vô cớ và xúc phạm tôi bằng các lời lẽ thô tục’’. Năm 2006, ông đã bỏ hết tất cả công việc, nhà cửa ở Hà Nội để vào Sài Gòn làm lại từ đầu. Tưởng vậy là thoát được bà. Vậy mà, hai tháng sau, bà đưa con vào xin lỗi, xin ông cho đoàn tụ. Nghĩ cho con, ông bỏ qua tất cả. “Bà ấy không sửa sai còn rất dữ tợn hơn, làm tôi mất mặt với nhân viên, với bạn bè. Ai đời mà vợ lại đánh chồng, ném hết đồ của chồng’’.
TAND quận 3 không chấp nhận yêu cầu của ông. Theo tòa, ông là chồng thì phải phân tích, giải thích, khuyên nhủ, can ngăn vợ. Chính vì ông không làm hết trách nhiệm nên làm sự việc trở nên căng thẳng hơn. Hơn nữa, bà cũng xin lỗi và hứa sẽ sửa sai, không đánh, đập phá đồ của ông nữa.
Tuy nhiên sau đó, ông H. kháng cáo để quyết đạt được mục đích ly hôn. Tại tòa phúc thẩm, ông vẫn cương quyết ly hôn, bà thì ra sức năn nỉ. “Chúng ta không còn trẻ nữa. Các con cũng lớn rồi. Tôi xin ông không nghĩ cho tôi thì nghĩ cho con. Xin ông đừng để chuyện ba mẹ ly hôn làm ảnh hưởng đến con’’, bà nói.
Ông cương quyết: “Nhất định tôi phải ly hôn, vì tôi không thể chịu được tính cách của bà nữa. Một người phụ nữ mà đánh chồng. Tôi biết, bà chỉ nói vậy để níu kéo chứ nhất định không có chuyện thành tâm’’. Và để được ly hôn, ông đưa các bằng chứng là băng ghi âm ghi lại những lần bà mắng chửi chồng và những hình ảnh chứng minh bà dùng hung khí tấn công chồng.
Tòa phúc thẩm nhận định rằng, căn cứ vào đoạn băng ghi âm và hình ảnh ông cung cấp thì có dấu hiệu bạo hành gia đình. Đáng lẽ, sau khi tòa sơ thẩm cho cơ hội, bà phải biết nhận ra lỗi để sửa sai. Đằng này, chính sự không thiện chí của bà đã làm mâu thuẫn gia đình trở nên trầm trọng hơn. Tòa chấp nhận kháng cáo, cho ông được ly hôn.
Có 20% đàn ông bị bạo hành
Theo số liệu thống kê từ ngành công an, cả nước cứ khoảng 2-3 ngày là có một vụ bạo hành gia đình. Trong đó, có 80% nạn nhân là nữ, 20% nạn nhân là đàn ông. Theo tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, hành vi bạo hành của người phụ nữ là xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Có thể do họ có sự ngộ nhận về sức mạnh bản thân, cũng có thể là do không thể giải tỏa được những áp lực về cuộc sống hằng ngày, có trường hợp người nữ không chịu nổi quá nhiều áp lực từ người chồng nên họ phải đi đến bước đường cùng là... đánh chồng.
Một thẩm phán của TAND TPHCM cho rằng, với những vụ án người chồng đòi ly hôn vì bị vợ bạo hành khó để được tòa chấp nhận hơn là người phụ nữ, bởi đa số các vụ bạo hành gia đình thường là do người đàn ông gây ra. Còn những vụ người chồng bị vợ bạo hành rất khó chứng minh và khó tin. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn có những ông chồng bị vợ bạo hành. Thế nhưng, đó là do người phụ nữ phải chịu quá nhiều uất ức vì những việc mà người chồng gây ra. Chịu không thấu, người phụ nữ mới bức phá. Vì thế, để được ly hôn, người chồng phải có bằng chứng như: băng ghi âm, hình ảnh, người chứng kiến hoặc có biên bản làm việc của cơ quan chức năng để chứng minh thì mới được tòa xem xét.