Đi tìm Trường ca Sông Lô

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN MINH QUÂN |

Ở trên bản đồ, sông Lô là một đường màu xanh thẫm chạy từ Trung Quốc vào Việt Nam ở cửa khẩu Thanh Thủy, men theo quốc lộ số 2 từ Hà Giang xuống Tuyên Quang, thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, cuối cùng đổ vào sông Hồng gần cầu Việt Trì. Bạn rủ tôi lên Hà Giang, nơi bắt nguồn con sông Lô ở đất Việt. Từ đó chúng tôi sẽ xuôi theo dòng về cầu Việt Trì, chỗ ngã ba sông.

Chỉ vì nghe bài “Trường ca Sông Lô” đã nhiều, giờ muốn được tận mắt nhìn từ đầu đến cuối sông Lô, để tìm lại bản trường ca bất hủ từ lâu đã mê hoặc tâm trí mình.

Hà Nội bây giờ mở rộng, chúng tôi mất nửa ngày đường mới tới được cầu Trung Hà, cửa ngõ phía bắc thủ đô. Qua cầu Trung Hà, là vùng trung du. Đường đi uốn lượn lên xuống hình sin làm tôi nhớ tới câu thơ: “Bên tả sông Hồng/ Bên hữu sông Lô/ Đồi bát úp nhấp nhô/ Nên gọi là đất giữa...”.

1. Phú Thọ có 3 con sông thì cả ba đều vào một câu hát: “Em ở sông Hồng, sông Lô hay sông Chảy...”. Tại thị trấn Đoan Hùng, nơi sông Lô giao sông Chảy, ngay chính giữa ngã ba sông, đã từng xảy ra trận sông Lô, nguồn cảm hứng của “Trường ca sông Lô”, có một tượng đài Chiến thắng sông Lô.

Lúc 16h, chúng tôi đến thăm tượng đài và bắt đầu nhìn thấy sông Lô. Tượng đài nằm trên đỉnh đồi, vắng hoe. Nhà trưng bày trong khuôn viên cũng vắng hoe nốt, vắng cả hiện vật lẫn người. Mùa này nước cạn, sông Chảy như con suối nhỏ lặng lẽ chảy vào sông Lô. Mặt sông thưa thớt, vài con tàu khai thác cát, tiếng máy tàu lạch phạch vẳng lên đồi. Tôi từng qua sông Bạch Đằng, con sông mênh mông, hùng vĩ như thế mới có được những trận đánh Bạch Đằng lịch sử. Không rõ ngày trước chiến trận thế nào để mà có được trận sông Lô trên bài hát oai hùng của Văn Cao “Reo mừng vui trên sóng nước biếc, trôi đầy sông bao đám xác thù”? Người ta bảo Văn Cao không được tận mắt chứng kiến trận đánh, ông đến sông Lô khi đám khói trận mạc đã tàn. Cái này tôi hiểu. Khi chưa giải phóng Hà Nội, tâm hồn sáng tạo của người nghệ sĩ đã tưởng tượng ra “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” cơ mà.

Từ Đoan Hùng đến thị xã Hà Giang còn gần 200 cây số. Qua Tuyên Quang, đường chúng tôi đi chạy dọc theo dòng sông Lô. Mùa đông, đường núi, trời tối ập xuống rất nhanh. Chúng tôi cắm cúi phi, dù không nhìn thấy gì nhưng tôi biết dòng sông Lô vẫn đang chảy bên cạnh chúng tôi, ngay phía dưới vách núi kia. Bỗng “bụp” 1 tiếng, nổ lốp. Chúng tôi dừng xe, phía trước tối om, phía sau tối om, một tiếng dế kêu cũng không. Cặm cụi dắt bộ một hồi, chúng tôi nhìn thấy nhà Ủy ban xã vẫn còn sáng đèn, liền hò nhau đẩy xe vào với ý định xin tá túc lại đây đêm nay. Hai công chức còn khá trẻ chạy ra. Nhìn thấy cái lốp xe xẹp lép, một anh nhanh nhẹn nhiệt tình như những người dân trung du: “Để tôi gọi thợ”. Anh thứ hai - Phó Bí thư xã - mời chúng tôi vào phòng uống nước. Rót chén nước chè, anh quay sang tôi: “Anh biết bài “Sông Lô chiều cuối năm” chứ? Sông Lô chỉ hiền hòa lúc chiều cuối năm thôi. Ngày xưa, có hôm đi ngủ trời mưa lâm thâm, 3 giờ sáng dậy thò chân thấy tõm xuống nước. Bây giờ nhiều cầu, trước toàn phải đi đò ngang, lắm người đi đò bằng thóc, gần tết mang thóc ra trả tiền đò cả năm. Chỉ cách đây vài năm thôi, vào giờ này các bến đò vẫn tấp nập lắm, người ta chở cam đi bán. Cam sành Hà Giang cũng có tiếng, cũng đã thành thương hiệu. Hà Nội vẫn thường hỏi nhau cách phân biệt cam Hà Giang và cam Trung Quốc. Nhưng mất mấy năm, cam Hà Giang không bán được, vì hình như người ta không phân biệt nổi cam Hà Giang với cam Trung Quốc cả về hình thức lẫn mức độ chất bảo quản. Hà Giang đang đặt chiến lược khôi phục lại uy tín cho cây cam. Tôi nghe quảng cáo, tỉnh sẽ làm một cốc nước cam sành to nhất Việt Nam để quảng bá cam Hà Giang”. Anh chàng sửa xe thò cổ vào nói: “Xe anh xong rồi”. Nào lại lên đường. Đường vẫn tối om, chỉ một vài lán bán cam lác đác bắt gặp ven đường là còn ánh đèn. Tối đó chúng tôi nghỉ lại khu suối nước khoáng Thanh Hà, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

2. Sáng hôm sau, trong lúc chờ chị vợ anh sửa xe (anh này khác anh tối qua) phải đi vào tận trong làng cách gần 20 cây số để lấy được chiếc lốp mới, tôi ngồi uống trà. Hà Giang có trà Shan tuyết rất ngon. Cây chè Shan tuyết toàn loại cổ thụ, sống trên núi cao, phơi sương bao năm, khi “sao” chè ra, cánh trà bàng bạc như tuyết phủ, có lẽ vì thế người ta gọi là trà tuyết. Bài “tỉnh ca” của Hà Giang có câu “Đây chè quê hương vui những ai hẹn hò” chính là trà Shan tuyết này. Huyện Vị Xuyên tôi đang ngồi là một trong những nơi trồng chè Shan tuyết tốt nhất Hà Giang. Tôi hỏi một bác lớn tuổi:

- “Trà tuyết hả bác?”

- “Không, trà Thái Nguyên thôi!”

- “Trà tuyết hả? Đợi tí” - Anh chàng sửa xe xen lời rồi chạy vào nhà, trở ra với một túm trà. Tôi đổ ấm trà cũ đi, tráng ấm chén thật cẩn thận, dốc những cánh trà pha màu bạc vào trong ấm, rót một tuần trà ra những chiếc cốc thủy tinh. Bác già nhìn chén trà nước xanh ngăn ngắt, gật gù: “Trà tốt, nước tốt. Ở chân núi sát sông Lô bên kia, có mạch nước ngầm, pha trà ngon lắm, cả vùng này đều ra đấy lấy về”. Tôi được nghe kể câu chuyện, một người Hà Giang mang chè tuyết tặng bạn hiền, xách theo cả nước ở vùng cao xuống tặng kèm. Họ bảo thành phố nước máy có lẫn clo, pha vào hỏng hết vị trà. Nào có khác gì cụ Sáu xin nước giếng chùa trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân? Có phải vì thế mà trà tuyết tôi mua ở Hà Nội có đắt mấy pha nước máy vẫn đỏ quạch, chứ không xanh ngắt như chén trà ở một quán sửa xe bình thường ven sông Lô huyện Vị Xuyên này (?!)

Một cây cầu qua sông Lô ở Hà Giang. 

 

Hiện vật Bảo tàng Chiến thắng sông Lô.  

Từ Vị Xuyên đến Hà Giang cũng không còn xa. Bây giờ trời sáng, tôi nhìn rõ con sông Lô chảy ngược ngay bên đường. Sông Lô mùa này không phải mùa nước, lòng sông có đoạn trơ đáy, cảm giác có thể lội bộ qua được, như câu ca dao kháng chiến treo ở tượng đài hôm qua: “Việt Bắc có con sông Lô/ Mùa mưa ngập bến, mùa khô cạn dòng”. Vô số tàu khai thác cát đậu san sát dọc lòng sông. Suốt từ lúc gặp sông Lô đến giờ, chỗ nào nhìn thấy dòng sông, chỗ đó có tàu “làm” cát, thi nhau băm vằm sông Lô. Duyệt qua “hạm đội” tàu cát, chúng tôi tới được Hà Giang.

Cửa khẩu Thanh Thủy là nơi sông Lô chảy vào đất Việt. Hiệp định biên giới với Trung Quốc đã hoàn tất, Việt Nam và Trung Quốc chia đôi con sông Lô bằng cột mốc số 261. Nhìn dòng nước lơ thơ chảy vào lãnh thổ Việt Nam, tôi buột miệng kêu: “Nước cạn quá nhỉ!”. Anh lính biên phòng cười nhẹ: “Mùa này nước cạn, nhưng ở bên kia, Trung Quốc xây thủy điện rồi, mùa mưa nước cũng chẳng lớn được đâu”. Mùa mưa nước cũng không lớn, vậy là câu ca dao kia không bao giờ còn “mùa mưa ngập bến” nữa rồi.

3. Đã lên đến đầu sông Lô, chúng tôi bắt đầu xuôi dòng trở về, hết Hà Giang, xuống Tuyên Quang, ăn trưa ở đây. Dân câu cá nói sông Lô có nhiều cá ngon, nhất là cá chiên. Cá chiên thuộc họ cá da trơn, dữ, to, ít xương, thịt rất chắc. Họ nói người sông Lô đã từng bắt được những con cá chiên nặng tới 50kg. Dưới chân cầu Nông Tiến sừng sững giữa thị xã Tuyên Quang, nhà hàng nổi đậu san sát bờ sông. Chúng tôi ghé vào một quán cá chiên. Bàn bên, một gia đình cũng đang ăn món đặc sản địa phương đó. Ông bố phương phi cao giọng giữa mâm: “Tranh thủ ăn đi! Sông Lô thì toàn tàu cát, thêm cái thủy điện Na Hang trên sông Gâm nữa, sắp chẳng còn cá mà ăn nữa đâu”.

Nhìn đoàn thuyền đỗ bờ sông bên kia, tôi hỏi chủ quán: “Kia là thuyền chài hả chị?”. “Không, nhà người ta đấy, dân lao động không có tiền làm nhà nên kéo nhau xuống sống ở dưới sông. Làng chài sắp thất nghiệp rồi! Cá to bây giờ toàn đưa từ sông Gâm về, sông Lô chỉ còn mấy người đánh “kích” lẻ tẻ mà thôi”.

Tôi thò đầu hỏi vọng một anh chàng đang thò 2 chiếc kích điện dưới lòng sông lừ lừ trôi thuyền đến: “Cá gì thế anh?”. “Được mấy con trôi, con chày”. Thôi làm gì còn “Ta vui khoang cá đầy, tay ta tay dân chài xuôi ngược dòng sông Lô” của Văn Cao. Ngồi bên nhà nổi, tôi nhìn từng “đàn” vỏ chai rượu mà những quán nhậu nằm đầu nguồn thả xuống, đang lờ lững trôi về xuôi mà nghĩ, chỗ này đã từng “trôi đầy sông bao đám xác thù”.

Tôi theo dòng Lô đi qua mấy tỉnh, nhưng chẳng tỉnh nào có một con đường gợi nhớ Văn Cao. Có lần, tôi hỏi bạn tôi, một người đã từng mòn chân Âu-Á, rằng hình ảnh nào hiện lên khi nghe nhắc tới sông Lô. Bạn tôi trả lời: “Nói thật nhé, tớ chẳng biết gì về sông Lô, chỉ biết có bài “Trường ca sông Lô” và một câu thơ: “Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát/Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca”. Hôm nay, khi tôi đến, nắng vẫn chói chang, nhưng bến Bình Ca giờ đã thành cầu. Bến nước không còn, chân cầu là Khu công nghiệp cảng An Hòa, thành phố Tuyên Quang. Đường vắng tanh, và tất nhiên là không có ai hò ô tiếng hát. Đứng trên cầu nhìn xuống, sông Lô lặng lẽ trôi giữa hai bờ vắng lặng, một bên bãi cỏ xanh rì, một bên nhà xưởng thưa thớt.

Tôi đâm vào con đường đầy cát tả ngạn sông Lô, nơi đây là địa phận huyện Sông Lô, một huyện mới thành lập của Vĩnh Phúc. Không biết có phải họ tự hào về sông Lô, hay chỉ đơn giản huyện này nằm bên sông Lô mà lấy tên gọi như thế. Huyện thành lập mới 1 năm, cơ sở vật chất chưa có nhiều nhặn, khắp nơi rộn ràng xây dựng. Vậy là hơn 60 năm kể từ câu hát “chí kiến thiết, bên sông Lô đắp nhà”, bên sông Lô nay cũng đã đắp nhà. Bác thợ xây đang tu bổ chùa Kim Tôn cạnh dòng sông ngừng tay hỏi tôi: “Bài “Trường ca sông Lô” đó, giờ còn nổi tiếng không anh?”. Còn, còn chứ, còn nổi tiếng lắm chứ, chẳng phải tôi vì bài hát đó mà đang đi dọc dòng sông đây hay sao?

Trời ngả về chiều, tôi đến phà Then. Bến phà lặng lẽ, vài cái xe máy dựng trước quán cóc trên dốc xuống phà. Em gái bên cạnh rút điện thoại gọi người yêu: “Anh chuẩn bị đón em nhé, em ở bến Then”. Ôi bến Then, tôi đã gặp nó ở trong “Trường ca Sông Lô”: “Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới, Phan Lương vui bóng thuyền, lều dựng lên ven sông, bóng người sầm uất bến Then”. Cầu Việt Trì kia. Tôi đi chui dưới chân cầu rẽ lối Bạch Hạc, bổ ra đê, lần mò tới ngã ba sông, nơi sông Lô “xuôi quanh co về”, đổ vào sông Hồng “hòa mạch cùng với xuôi”. Dòng sông Lô đến đây là hết.

4. Tôi đã đi hết dòng sông, một dòng sông không như tôi tưởng tượng, dễ dàng làm thất vọng những người đã từng nghe bài hát nổi tiếng, muốn đi tìm một dòng sông “mênh mông như bát ngát hát” với “bao rừng thu như bát ngát cười” như tôi. Sông Lô của Việt Nam chỉ là một dòng sông nhỏ. Nhưng sông Lô của Văn Cao thì cuồn cuộn chảy hùng vĩ như đoàn quân thời chinh chiến đã từng ca: “Đây Volga, đây Dương Tử, đây sông Lô...”. Người ta sẽ còn nhắc đến sông Lô vì tài năng của Văn Cao chứ không phải vì cái gì khác. Và tôi không phải là người duy nhất sẽ vì bài hát mà đi dọc dòng sông, đi để được “Qua bến nắng hồng lặng nhìn dòng nước sông Lô xưa”. Đứng trước điểm tận cùng của dòng Lô, tôi thầm cất cao lên tiếng hát: “Dòng sông Lô... ô... trôi.../ Dòng sông Lô...ô... trôi...”.

“Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ 
Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn dòng nước sông Lô xưa”

(“Trường ca sông Lô” của Văn Cao)

 

 

 

 

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến.

‘Sơ tán nhằm đảm bảo tính mạng nhân dân’

CÔNG SÁNG |

Chính quyền, cán bộ các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã triển khai các phương án ứng phó, đặc biệt là công tác sơ tán, bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Cư dân kinh hãi "vật thể bay" từ chung cư, giải pháp nào là tốt nhất?

NHÓM PV |

Theo chuyên gia, dù có nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ném, làm rơi đồ từ tầng cao chung cư xuống đất nhưng ý thức cư dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

2 tướng công an được đề xuất xét tặng danh hiệu

Quang Việt |

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Thiếu tướng Trương Thọ Toàn lần lượt được đề xuất tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Sở Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân tử vong ở phòng khám

BẢO TRUNG |

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị xác minh ngay vụ việc 1 bệnh nhân tử vong sau khi thăm khám tại một phòng khám tư.

2 ôtô va chạm khiến 2 người đi xe máy tử vong

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 8 giữa 2 ôtô tải với 1 xe máy khiến 2 người trên xe máy tử vong.

Mùa bão dữ dội, dự báo còn bao nhiêu cơn bão đổ bộ đất liền?

AN AN |

Cơ quan khí tượng dự báo khả năng từ tháng 10-12.2024, số cơn bão đổ bộ đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Sự kỳ lạ nhìn từ vụ Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học

Lan Anh |

Đại diện trường Đại học Ngoại thương đã xác nhận Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp trong bối cảnh cô vừa đăng quang cuộc thi sắc đẹp thứ 2 sau 10 năm.