Tôi đã có dịp được đồng hành cùng ông khoảng năm 2005, trong chuyến đi rừng tìm miếu An Nam Đại Thần tài, được dân buôn lậu xây trong một lối tắt trên đỉnh Hoàng Liên. Gần miếu hoang ấy, tôi đã nhìn thấy trâu chết rét nằm phân hủy trong đồ sộ đá và im lìm lặng lẽ của đỉnh đèo này, nơi mặt trời lặn nhanh đến nỗi không để cho sương muối có thời giờ chuẩn bị một chút cho đêm dần đến. Dạo đi Fansipan năm 2008, chúng tôi đã cậy nhờ ông đưa đường chỉ lối. Còn ai có thể đáng tin cậy hơn được nữa đây? Ông đồng ý. Tôi lên tàu cùng hai bạn đồng nghiệp - Nguyễn Thành Lân và Phạm Ngọc Dương. Đêm trên tàu khó ngủ, 3 anh em mở cửa sổ nhìn ra trời khuya mênh mông. Trăng đã gần tròn, chạy theo tàu như một vầng sáng trong sương mờ ảo. Núi đồi rìa phía đông dải Hoàng Liên tịch mịch rùng rùng lùi lại phía sau, trong tiếng bánh sắt nghiến vào kẽ hở đường ray, đều đều, thao thức. Ông – Trần Ngọc Lâm – đã đợi sẵn chúng tôi ở Lào Cai, nhìn trời đoán nắng mưa, đoán hơi ẩm đang cạn kiệt trong không khí để xem liệu có bị nẻ toác mặt mày không, đoán nhiệt độ trừ lùi dần (từ Sapa cứ lên cao thêm 100m thì nhiệt độ sẽ giảm thêm 1 độ), sửa soạn khởi hành.
1. Ông Lâm sinh năm 1952, lính giải phóng ra quân, tầm thước, chắc chắn, đĩnh đạc đàng hoàng, hai bước chân lúc nào cũng đi song song với nhau. Một dáng vóc tạo cảm giác tin cậy. Ông từng buôn bán trên khắp các con đường xuyên Á, vượt sa mạc với các đoàn xe siêu trường, siêu trọng. Trong cuộc đời phiêu bạt của mình, ông dừng bước dăm năm ở Tây Tạng để xin học võ công, thiền định và hái thuốc. Đầu những năm 1990, khi biết bị mắc bệnh ung thư, ông Lâm bỏ nhà lên sống trên Fansipan để tìm thuốc tự cứu mình. Quãng thời gian ấy, nơi này còn hiu quạnh bước chân người. Balô, đèn pin, con dao Mèo, bật lửa, áo mưa, cuộn dây thừng với dăm miếng lương khô, vài cân gạo, một túm muối, có vậy thôi, ông sống trên đỉnh trời có đợt tới 3 tháng. Ông trở lại với thiên nhiên, chọn nơi khắc nghiệt nhất mà làm bạn với núi non quạnh quẽ, với gấu, khỉ, chim ưng, với cỏ cây xa lạ ở một góc trời hoang vắng. Ông biết tới 5 con đường, từ 4 hướng khác nhau, có thể lên tới đỉnh Fansipan, trong đó có những con đường do chính ông mở lối. Sống trong hang, sáng sáng mang bì tải xuống suối vác nước đã đóng băng, bẻ tre trúc về nổi lửa, thiền định rồi đi tìm thuốc. “Có đêm đau quá, tôi cứ lang thang vậy giữa rừng, kiệt sức ở đâu thì ngã xuống chết đó, có khi vợ con lại càng đỡ phải chôn” - ông kể. Vậy mà ông tìm thấy thuốc quý, như giảo cổ lam, loài cây quý tưởng chỉ có ở mạn núi cao Nhật Bản và Tây Tạng. Một vị giáo sư ngành Dược học đã xin bài thuốc này để nghiên cứu điều trị ung thư, ông Lâm cho không. Tập đoàn Đông dược Bảo Long từng có lời mời ông làm Phó TGĐ, nhưng ông từ chối. Ông không thích, chỉ muốn đi tìm thuốc tại những miền hoang sơ từng giúp ông vượt qua bệnh tật. Người dẫn đường giúp chúng tôi lên Fansipan là một
kỳ nhân.
Ông chọn 2 người Mông thồ đồ cho chúng tôi, mua giúp từng gói mì tôm, lương khô, gà đã vặt trụi làm sạch, thịt bò thái sẵn, thịt lợn, gạo, trứng, muối, gừng, chanh, ớt, nước, rượu trắng, cần tây, tỏi tây, lá chanh, cải bắp, cải làn, giấy vệ sinh, xoong chảo và túi ngủ chất đầy ngất trong 2 chiếc gùi mây nặng tới hơn 1 tạ. Còn có cả nến để hơ nóng nhỏ xuống cành cây mà nhóm bếp, phòng khi dừng lại cắm trại ở đoạn đường rừng ẩm ướt. Ai đã từng từ Bát Xát đi Phong Thổ, qua đèo Mây ở vùng Mường Hum cao 2.100m vào mùa đông và thấy tuyết giữa đỉnh đèo? Ai đã qua sườn bên kia của Fansipan, thấy dãy Khau Kha thế núi trùng điệp, cây cỏ um tùm; thấy dãy Khau Cương chỗ cao chỗ thấp thật là hiểm trở, đèo gió suốt ngày thổi mạnh, cây cỏ không thể mọc lên? Ai đã đến các cửa rừng nguyên sinh Pa Vây Sử, Tông Qua Lìn, Dào San, Bản Lang, Sin Suối Hồ… dưới chân dãy Hoàng Liên? Ai đã thấy dấu tích người cổ ở hang Thẩm Cung, trống đồng ở Bản Giang, nơi người Thái từng gọi vùng này bằng ba tên: Mường Tiến (Tiến - tiếng tượng thanh chỉ tiếng sét trong ngôn ngữ Thái), Mường Phá Phạ (mường miệng trời) hoặc Mường Pá Phạng (mường trời thét) vì nơi này hay có sấm sét? Những người ấy sẽ có cùng suy nghĩ, Fansipan cao hơn cả nghìn mét nữa, hẳn khắc nghiệt biết chừng nào. Nhưng ngày buốt lạnh nhất, băng tuyết trùm đỉnh núi, chẳng ai dại dột lên Fansipan cả. Biết được Fansipan dữ đến mức độ nào, chỉ có ông Lâm đây, người dẫn đường thôi. Bạn tôi cũng từng theo chân ông Lâm đi Fan cuối mùa xuân năm 2007 về kể rằng, hoa đỗ quyên tràn ngập như cầu vồng bảy sắc trên các triền rừng. Quang cảnh Fansipan vẫn y như trong thư nhà văn Nguyễn Tuân gửi bạn - nhà văn Tô Hoài - năm 1964: “Mình ở trên đỉnh cao nhất, được thấy hoa đỗ quyên nở rất đẹp. Đỗ quyên màu hồng điều, cánh sen vàng nở giữa rừng trúc phất trần. Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi. Hết 2/3 lạng cao hổ cốt rồi…”.
2. Đường rừng lạnh chỉ khoảng 6-8 độ C, nhưng thoáng chốc mồ hôi đã chảy đầy mình. Một màu xanh lá cây tràn ngập bên dưới một màu trời xanh ngằn ngặt. Nắng đã lên, trườn qua các sườn đồi thấp, mỹ lệ xuyên thủng những vòm cổ thụ và sương sớm quanh quẩn trong thung sâu cây mục đổ ngổn ngang. Ông Lâm nhắc: Chậm thôi, đừng phấn khích quá. Thở bằng mũi chứ đừng thở bằng miệng, sưng phổi đấy. Hết thung sâu, lại đến đèo cao. Lên được tới đỉnh đèo cao lại tụt xuống thung sâu, nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống. Ông Lâm thì nói cười luôn miệng, như một đứa trẻ trở về nơi thân thuộc của mình. Nắng gay gắt, không một chút mây nào ngăn cản, xói bỏng rát vào các phần da thịt để ngỏ như cổ, trán, gò má, nhưng chỉ cần dừng lại một phút phanh áo ngực là ngấm lạnh, còn môi chúng tôi thì trắng bong vì khô nẻ. Nhanh đói khủng khiếp, vừa đi vừa nhai trệu trạo đồ khô.
Đêm ấy, ở độ cao 2.895m so với mực nước biển, trời ngừng gió, ông Lâm ngồi thiền một lát, rồi chặt trúc rải xuống đường làm đệm ngủ để ngăn bớt buốt giá xông lên từ lòng núi. Tôi ăn đồ ông Lâm nấu một lát rồi chui vào túi ngủ, khi còn chưa kịp tối. Bỗng tỉnh dậy vì thấy mình không thở được. Tim đập rất mạnh. Thở bằng mũi không đủ, thở bằng miệng không đủ. Mới 8h tối. Dương và Lân lo lắng, sao tiếng thở nặng nhọc thế kia? Ông Lâm hỏi, tôi đưa về Sa Pa nhé? Về bây giờ ư, đi hơn 30km trong đêm? Trên vùng không khí loãng, trong rừng rậm rạp đến lúc cây nhả khí cacbonic, có lẽ khó thở do thiếu ôxy. Tôi không dám ngủ, sợ lịm đi, đành ngồi đợi mặt trời lên. Một lát trời nổi gió, dễ chịu hẳn. Trăng ngày 16 đã lên, tròn vành vạnh, lung linh ngời rạng soi sáng núi non như ánh điện neon. Chưa bao giờ trong đời, tôi cảm thấy được gần gũi mặt trăng đến thế…
Tôi đã đến được đỉnh Fansipan với những người bạn đồng hành tin cậy như vậy đấy.
Dạo ấy, ông Lâm thường hái thuốc về chăm một số người bệnh quây quần sống bên nhau trong 8 nóc nhà ở Lào Cai, như một ngôi làng nhỏ. Một người đến mua thang, ngó nghiêng rồi quẳng toẹt nắm lá cây Fansipan xuống: Uống thuốc tiền triệu còn chẳng ăn thua nữa là dăm thứ lá cây chỉ có hơn chục nghìn đồng. Tôi nghe thấy thế cũng bực. Nhưng thôi khó chịu làm gì, người ngoảnh lưng lại với thiên nhiên thường là người không còn sống được bao lâu…
3. Hôm rồi, Phạm Ngọc Dương kể rằng, sau nhiều năm lang bạt các vùng rừng đồi khắc nghiệt với bộ râu quai nón đã ngả màu sương gió, lưng đeo balô, chân xỏ đôi giày vải bộ đội, đầu đội mũ tai bèo lúp xúp, giờ đây ở tuổi 64, ông Lâm cặm cụi chăm sóc, gieo trồng các loài cây thuốc quý nhằm cứu tính mạng mình và những người khác. Khối u trong phổi ông đã thu nhỏ lại, không phát triển nữa. Ông Lâm ấp ủ khát vọng cung cấp thảo dược quý nhất, tốt nhất, với giá rẻ nhất cho người Việt, nhằm tuyên chiến với căn bệnh ung thư hiện đang rất nhức nhối ở Việt Nam. Ông mong người dân sống và làm việc ở những môi trường ô nhiễm, có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư được sử dụng thảo dược thường xuyên, nhằm tránh mắc phải căn bệnh quái ác này.
Thời gian tu tập ở Hymalaya, ông Lâm được vị thiền sư có pháp danh Angkhada truyền cho bài thuốc quý gồm 7 loại thảo dược, được gọi là Trường Sinh Thang vốn được các thiền sư Tây Tạng sử dụng thay trà hàng nghìn năm qua. Giới võ lâm Tây Tạng cổ xưa vẫn dùng bài thuốc này, có rất nhiều tác dụng như phòng các bệnh do nhiễm độc, tăng cường sức khỏe, tái tạo tế bào, giảm đau, giải độc mạnh. Giấc mơ làm trà Trường Sinh Thang cho người Việt luôn thao thức trong ông, và đến nay, giấc mơ ấy đã hoàn thành.
Ông Lâm và loài thảo mộc đặc hữu của dãy Hoàng Liên. |
Chính ở độ cao 2.900m của Fansipan, ông Lâm đã gặp lại rất nhiều loại cây thuốc mà ông từng sử dụng ở Tây Tạng. Lúc nấu ăn, ông Lâm thường vào rừng nhổ một số loại cỏ để nấu canh. Ông rất nâng niu những chiếc lá nhỏ hình trái tim, có màu xanh tía, với những sợi óng ánh như kim tuyến. Trước đây, ở Việt Nam chẳng ai biết loại cỏ này, cũng không có trong sách, nên ông tự gọi nó là cỏ kim tuyến. Ông bảo rằng, loài cỏ này là một vị thuốc cực quý, quan trọng thứ nhì trong bài thuốc chữa ung thư mà ông sử dụng để cứu mình. Hồi nhìn thấy loài cỏ này, ông đã xúc động trào nước mắt và tin rằng mình sẽ sống được. Sức khỏe ông hồi phục rất nhanh là nhờ khí hậu nơi này và những loài cây cỏ quý. Ông tìm thấy cả thiết trúc nhân sâm 800 tuổi 800 đốt, và tôi đã từng có dịp được ông mời mấy ly rượu ngâm củ sâm quý giá này... Quan trọng hơn, sau bao năm âm thầm gieo trồng, nhân giống, thấy đã đủ nguyên liệu, ông phối hợp với những người có tâm huyết sản xuất Trường Sinh Thang để phổ biến ra cộng đồng.
Các vị trong trà Trường Sinh Thang gồm: Thiết trúc nhân sâm, giảo cổ lam 7 lá, mộc hoàng cô, địa tàng thiên, thúc cốt lam, ngũ gia bì gai, đoái tâm bồng. Trong số những vị này thì người Việt mới biết đến 3 vị là thiết trúc nhân sâm, giảo cổ lam và ngũ gia bì gai, còn lại chưa được biết đến. Tuy nhiên, dù người khác có biết thì cũng không dễ làm được thành loại trà như các thiền sư Tây Tạng, bởi còn phải phối trộn hàm lượng, cần thêm một quy trình lên men nhằm tăng dược tính. Ông nói: “Tôi dám khẳng định, trà Trường Sinh Thang tốt hơn cả nhân sâm nhưng có thể rẻ như trà đá. Khi có nhiều nguyên liệu, tôi muốn loại trà này phải rẻ nữa, để làm sao người dân chỉ phải bỏ 1.000 đồng/ngày để uống. Đấy là khát vọng của tôi. Tôi đã nói là tôi làm được và tôi sẽ quyết tâm phấn đấu theo hướng đó. Khi Trường Sinh Thang phổ biến ra cộng đồng, nhiều người cùng sử dụng, thì tôi khẳng định sẽ góp phần làm chậm sự tăng thêm của căn bệnh ung thư của người dân hiện nay”.
Dương gửi cho tôi mấy hộp Trường Sinh Thang để uống thử, nhiều hương thơm, giàu vị đắng. Hỏi thì được Dương trả lời rằng, vị đắng do giảo cổ lam 7 lá tạo nên, mà loại cây này nhìn đã thấy lạ ở chỗ thân hình vuông, hẳn cũng là một dạng kỳ hoa dị thảo quý hiếm của Tây Bắc cao vời và trong trẻo. Tôi thưởng ly trà và thầm mừng cho con người ấy đã hoàn thành được ý nguyện lớn của cuộc đời lang bạt khắp cõi sông hồ.