Tiền đâu sắm Tết và vì sao họ không muốn làm nông dân?

Hữu Nhân |

“Vì sao ngay cả chúng tôi đều không muốn con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo mò cua, bắt ốc để mong con đi học, đừng làm nông dân như mình. Phải trả lời câu hỏi đó chứ?”. Ai trả lời?

Gió hun hút trên đồng mang hơi lạnh tái tê. Gương mặt đượm buồn với làn da tím tái vì rét lạnh, ông Hùng nhìn nắm ớt khô héo trên bàn tay run rẩy, than thở: “Tết nhứt gì đâu chú! Bệnh thán thư làm ớt hư quá trời đành phải thu gom vứt bỏ, giá ớt không hư hại cũng chỉ có 2.000 đồng thì tiền đâu mà sắm Tết?"  

“Hít hà” với ớt

Cận Tết, không khí lạnh liên tục ùa về khiến nông dân ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) ra đồng luôn xuýt xoa vì lạnh và giá ớt quá thấp. Gương mặt đượm buồn, ông Võ Thanh Hùng cặm cụi trên thửa ruộng hái ớt và gom những trái bị hư hại mang vứt bỏ trong tiếc nuối. 

Năm trước, chỉ với 3 sào ớt lai, gia đình ông thu lãi hơn 50 triệu đồng, dư dả mua sắm tết và dành dụm lo cho các con. Giờ, hơn 8 sào ruộng ớt đã “ngốn” của ông trên 18 triệu đồng, chưa kể hàng trăm ngày công chăm bón, đổi lại là những chùm ớt héo khô trên cây, rơi rụng quanh gốc vì bị bệnh thán thư. Hơn mười ngày qua, ông lầm lũi ra đồng mót nhặt từng trái ớt không nhiễm bệnh bán cho tư thương được vài trăm nghìn đồng.

“Tui luôn theo dõi và phun thuốc phòng bệnh nhưng mưa nắng thất thường nên đành chịu. Giá ớt mỗi ký chỉ có 2.000 đồng, giảm 20.000 đồng so với cùng thời điểm năm ngoái nên chắc chắn lỗ vốn. Tết năm nay buồn hơn mọi năm” – ông than thở. 

May mắn hơn ông Hùng, 2 sào ruộng ớt của ông Nguyễn Lộc Ơn khá tốt, cành lá xum xuê, trái lúc lỉu trên cành trông thật đẹp mắt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Nhưng những trái ớt chín đỏ mọng, bóng láng không thể làm ông vơi bớt âu lo. “Ớt chín thì tụi tui phải hái thôi, chứ hổng lẽ bỏ! Làm lúa may lắm cũng chỉ đủ ăn nên tụi tui cứ hết dưa hấu lại chuyển sang ớt lai để kiếm thêm thu nhập. Giờ giá ớt quá thấp chẳng biết kiếm tiền đâu để mua sắm Tết!” – ông chợt thở dài.

Ông Nguyễn Lộc Ơn thu hoạch ớt 

Phổ Cường là vùng đất ly hương với gần 2.900 người trong độ tuổi lao động mưu sinh phương xa, chiếm gần 40% lao động trong toàn xã, chưa kể những người qua tuổi lục tuần vẫn tha hương tìm kế sinh nhai. Nhưng hầu hết người dân ở thôn Thanh Sơn vẫn cố “bám đất, giữ làng” với công việc đồng áng bao nỗi nhọc nhằn.

Hiện có trên 50 hộ gia đình canh tác gần 5ha ớt lai với hy vọng được đón “Tết đủ đầy” từ cây ớt. Nhiều hộ trồng hơn 10 sào ớt với chi phí vay mượn đầu tư hàng chục triệu đồng, chưa kể công chăm bón. Sau khi thu hoạch, họ phải chở ớt vượt gần 80km vào tận Phù Mỹ (Bình Định) để bán cho thương lái sơ chế xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Anh Võ Thanh Mẫn canh tác hơn 10 sào ruộng ớt, đầu tư mua cả xe tải vận chuyển ớt cho bà con nông dân trong thôn đến nơi thu mua lý giải: “Giá ớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi ít người trồng, họ lại thu mua nhiều thì giá cao. Hiện giờ, nông dân ở nhiều nơi trồng ớt lai, lượng ớt xuất sang bên đó lại ít nên giá rẻ”.

“Đánh bạc” trên ruộng đồng

Làm nông dân bây giờ không chỉ cần mẫn vun trồng mà còn phải biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; theo dõi báo, đài về diễn biến của thị trường… Nhưng sau cả năm cuốc xới trên dăm sào đất bạc màu thu được vài tấn khoai mì, may mắn kiếm được khoản lãi chỉ bằng vài bát phở của người giàu nơi phố thị. Sản lượng mía hàng chục tấn nhưng tiền lời chỉ đủ mua cho con trẻ vài tấm áo mới trong dịp Tết đến xuân về. 

Thế là họ chuyển sang trồng cây dưa hấu và ớt lai, xem đây là cách để thoát nghèo. Những lúc dưa hấu và ớt lai được mùa, giá cao, máy điện thoại của tôi rung liên hồi: “Chú phải về chung vui với tụi tui nghen! Vừa xuất bán kiếm được kha khá…”. Bữa rượu quê hôm ấy nhộn nhịp tiếng nói cười xua đi bao mệt nhọc. 

Nhiều lúc giá rớt thê thảm, tôi lặng lẽ ra đồng để nghe họ thở dài trong nỗi xót xa, bao buồn tủi uất nghẹn trong lòng. Miếng dưa hấu đỏ tươi trông khá hấp dẫn nhưng nhạt thếch trong miệng. Và đã bao lần vui – buồn như thế, nhưng họ vẫn trồng cây ớt lai và dưa hấu vì “các loại cây trồng khác nếu may mắn lãi cũng rất ít, không đủ chi tiêu trong gia đình”.

Tôi đã có dịp thức trắng đêm cùng với những người chăn vịt thả đồng ven đầm Lâm Bình, xã Phổ Cường. Màn đêm đen như mực. Cánh đồng rộng hàng trăm héc ta hoang vắng đến rợn người. Ánh sáng của chiếc đèn pin quét vào màn đêm để xua đuổi bầy chó hoang cứ lảng vảng gần chòi nhốt vịt. 

Anh Nguyễn Hiệp dạo quanh một vòng rồi ngồi xuống bãi cỏ ướt đẫm sương đêm nâng ly rượu uống cạn. “Phải xua đuổi liên tục lũ chó hoang đề phòng chúng phá lưới, lẻn vào cắn chết bầy vịt thì lỗ vốn. Vì bị đói lâu ngày nên chúng rất liều lĩnh, chỉ cách người vài bước chân là chúng xông vào cắn vịt rồi tha chạy, có đuổi hàng cây số chúng vẫn không thả con mồi. Bữa trước, lũ chó hoang xông vào chòi vịt của ông Ba Hiển cắn chết hơn 100 con vịt sắp xuất bán. Thiệt hại trên 10 triệu đồng” – anh nói.

Dưa hấu không được thương lái thu mua nên phải mang bán ven đường 

Điều lo lắng đối với những người chăn vịt là dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, khiến cho vịt chết hàng loạt. Theo nhiều người chăn thả vịt đồng, những năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Sau tết năm 2014, anh Hiệp làm đơn báo cáo với chính quyền xã Phổ Cường và ngành thú y xin được tiêu hủy gần 1.400 con vịt nghi mắc bệnh cúm gia cầm, thiệt hại trên 40 triệu đồng.

“Khi chết vài trăm con, tui nghi là bị dịch cúm gia cầm nên vội làm đơn xin được tiêu hủy. Vì lúc đó đã có nhiều đàn vịt mắc bệnh cúm gia cầm nên tui sợ lây lan ra diện rộng và truyền sang cả người. Hơn cả nghìn con còn sống nhưng đành phải bắt cho vào bao rồi chôn lấp. Bao nhiêu tiền của và công sức chăm nom đàn vịt đều bị chôn vào đất. Vợ chồng tui nước mắt chảy dài!” – anh nhớ lại.

Thực tế là người nông dân đang đánh bạc trên ruộng đồng của mình. Còn chính quyền, nói như ông Trần Nguyên Giang – Chủ tịch UBND xã Phổ Cường là "chính quyền xã không quy hoạch cũng như khuyến cáo nông dân trồng dưa hấu, ớt lai và nuôi vịt đàn vì rủi ro khá cao do thị trường không ổn định. Tuy nhiên, gặp lúc may mắn thu nhập cao nên người dân tự phát nuôi trồng". Còn ông Lê Thanh Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ thì: "Huyện không quy hoạch, khuyến cáo nông dân trồng dưa hấu và ớt lai, nhưng sẵn sàng cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nếu người dân có yêu cầu”... 

Tóm lại là chẳng đâu vào đâu cả!

Thăm thẳm kiếp nghèo

Hơn 20 năm về trước, cậu ruột tôi mưu sinh tận TP Hồ Chí Minh với việc rong ruổi bán hủ tiếu gõ. Nghe tin ông ngoại tôi qua đời, cậu vội bắt xe về quê chịu tang cha với đôi mắt ráo hoảnh, lệ chảy ngược vào lòng. Từ đó, cậu nhất quyết bám trụ nơi quê nhà lo chăm sóc mẹ già và dãi nắng dầm mưa mưu sinh trên ruộng đồng.

 Cả xe khoai mì chỉ bán được vài triệu đồng

Mỗi năm, cậu thu hoạch dăm bảy tấn khoai mì cùng với chừng ấy lúa, xuất bán 1 – 2 con bò… canh tác vài sào dưa hấu, cuốc trồng dăm sào ớt, nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu. Mâm cơm thường ngày của cậu và mợ chỉ có rau mắm cho xong bữa, áo quần mặc đến sờn rách nhưng vẫn nghèo. Dăm ba tháng, cậu chạy vạy vay mượn gửi tiền vào TP Hồ Chí Minh cho hai người con theo học đại học và trung cấp rồi góp nhặt trả dần. “Dẫu có cực khổ hơn nữa tao vẫn ráng nuôi hai đứa ăn học chứ không thể để tụi nó làm nông dân” – cậu nhất quyết.

Không chỉ riêng cậu, nhiều người nông dân quê tôi vẫn gắng sức cày cấy trên những thửa ruộng bạc màu để lo cho con ăn học với hy vọng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhưng con đường tìm đến tri thức với ước vọng đổi đời không bằng phẳng với tất cả con trẻ vì trí thông minh đâu thể chia đều cho mọi người. Thế là, đời tiếp đời làm nghề nông trong cảnh cơ cực và nghèo nàn. Và chuyện tha hương mưu sinh nơi phố thị cứ tiếp diễn trong nỗi khắc khoải, đợi chờ của người thân nơi quê nhà.

Đất nước với khoảng 70% dân số là nông dân, mỗi năm ngành nông nghiệp thu về hàng chục tỷ USD, nhưng phần lớn người nông dân vẫn nghèo và cố thoát khỏi nghề nông. Và tôi ám ảnh với câu hỏi của ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu ra tại đại hội Đảng lần thứ XII: “Vì sao ngay cả chúng tôi đều không muốn con mình là nông dân? Vì sao có những bà mẹ nghèo mò cua, bắt ốc để mong con đi học, đừng làm nông dân như mình. Phải trả lời câu hỏi đó chứ?”. 

Ai trả lời?

 

 
Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Cựu binh Gạc Ma - không ai bị quên lãng

Hưng Thơ - Lê Phi Long |

28 năm là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với hai cựu binh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú tại Xuân Ngọc, Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) và Trần Xuân Bình (SN 1970, trú tại Gio Thành, Gio Linh), những người lính may mắn sống sót từ trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, họ trở về quê nhà, lập gia đình và cật lực lao động sản xuất. Khó khăn họ chẳng kể lể, nhưng khi đề cập đến Gạc Ma, mắt ai cũng nhòa lệ…

“Chắc nó nghèo quá nên bán nội tạng của con để ăn“

Khương Quỳnh |

Ngày làm ma cho con, nhiều người hàng xóm xì xào bảo chắc bà nghèo quá nên bán tạng của con mà ăn. Công an xã cũng xộc vào nhà bà, hỏi như hỏi cung: “Bà bán hay hiến tạng con”. Bà biểu: “Tui cho nó hiến, nếu anh không tin thì lên Bệnh viện Chợ Rẫy hỏi bác sĩ Thu”...

Bạch Long Vĩ - hòn ngọc nổi trên mặt biển

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN HUY MINH |

Như một dòng chảy ngược, mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều người lại lặn lội trăm dặm tìm tới chốn phên giậu biên thùy, tận cùng miền biên cương, hải đảo. Năm nay, tôi cũng lại hòa lẫn trong dòng chảy ấy, để đến hòn đảo xa nhất trong vịnh Bắc Bộ mà đời mình chưa từng có dịp đặt chân.

Nhắm mắt là nghe “bố ơi cứu con”...

Lê Tuyết - Lam Sơn |

Anh Huynh ngẩn ngơ như xác không hồn: “7 tháng qua, cứ mỗi lần tôi mệt quá nhắm mắt thiếp đi một lát là đã nghe bên tai văng vẳng đâu đó tiếng con gọi “Bố ơi, cứu con”, thế là tôi giật mình tỉnh giấc”. Nói đến đây, khuôn mặt đen sạm, những nếp nhăn trên mặt anh lại dúm dó, xô đẩy nhau, ép những giọt nước mắt chảy ra. Nước mắt của nỗi nhớ và tuyệt vọng…

Quảng Nam dựng lại nhà mới cho người dân vùng sạt lở núi

Hoàng Bin - Phú Thiện |

Hàng chục hộ Xơ Đăng tại huyện vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam đã phải bỏ làng, sơ tán khẩn cấp do mưa lớn gây sạt lở.

Phó Chủ tịch xã ở Lạng Sơn bị uy hiếp bằng ảnh nhạy cảm

An Khánh |

Lạng Sơn - Cơ quan chức năng đang xác minh việc một Phó Chủ tịch xã ở huyện Cao Lộc bị tung ảnh nhạy cảm để tống tiền.

Đất đá sạt lở đè trúng 2 xe ô tô trên Quốc lộ 6

Minh Chuyên |

Sơn La - Mưa kéo dài đã khiến lượng lớn đất sạt lở đè trúng 2 xe ô tô đang di chuyển trên Quốc lộ 6.

Kỳ Duyên bị so học vấn với dàn hoa hậu Đại học Ngoại thương

NGUYỄN ĐẠT |

Hoa hậu Kỳ Duyên chưa tốt nghiệp đại học tiếp tục gây tranh cãi. Kỳ Duyên bị so sánh việc học tập với nhiều hoa hậu cùng học tại Đại học Ngoại thương.