“Khoảng trời và… hố bom”
Bà Lê Thị Thắm, ở xóm Hưng Hội, thôn Hưng Lạc te tái dắt chúng tôi ra xem chiếc giếng phía tây khu vườn. Lòng giếng sâu hun hút, dễ chừng đến 10m. Căng mắt nhìn, sau màng tối nhập nhoạng, là lổn nhổn đất đá, lá khô, cành cây mục nát.
Bà cho biết: “Giếng đào đã 12 năm, dùng tới năm thứ 7 thì bỏ. Ban đầu nhiễm mặn, nhiễm phèn; sau đứt tiệt cả nguồn nước”. Nhà lớn nhỏ 6 nhân khẩu, không thể sống mà không cần đến nước, mẹ con bà Thắm nhún mình gõ cửa một người quen, ông Nguyễn Văn Chiến, trước khi bấm bụng bỏ ra 700.000 đồng thuê thợ khoan tìm nguồn nước mới ngoài bãi hoang, gần nghĩa địa gia đình hàng xóm.
Bà Lê Thị Thắm bên bể lọc nước đóng phèn |
Vẫn là nước phèn, nước mặn, nhưng có còn hơn không. Dây nhợ lòng thòng, kích rích dẫn về nhà 50 – 70 m, tuy nhiên, đấy mới chỉ là công đoạn đầu tiên. Để có nước ăn, hãy còn nhiêu khê lắm. Một bể lọc 3 ngăn, dung tích chừng hơn 1m3 xây áp sát vách bếp.
“Lọc đi lọc lại năm lần bảy lượt mới yên tâm phần nào. Mỗi đợt bơm lọc, cả nhà xài khoảng 5 ngày. Chỉ dám tắm táp, giặt giũ thôi, nước uống phải cất công đi xa, lên tận xóm trên. Kẹt quá thì mua nước đóng bình”, người đàn bà 53 tuổi dông dài giải thích đoạn trường nước thiếu, nước dơ, bàn tay mải miết chà xát lớp phèn vàng quạch bám dày như xếp lớp trên thành bể nước.
Loanh quanh ghé thăm gần chục ngôi nhà, ở đâu tôi cũng nghe rền rĩ oán than nỗi nước nôi cùng kiệt. Nhà ông Nguyễn Công Khanh, nhà bà Phan Thị Bé… Thôn phó Hưng Lạc - Nguyễn Văn Hiệp cung cấp danh sách các xóm bị “mất nước kinh niên” – hậu quả của nạn khai thác titan khiến mực nước ngầm sụt giảm: “Hưng Hội, Hưng Thạnh, Hưng Trung, Hưng Bình…, anh đi cả ngày không hết. Chẳng bù ngày xưa, đào xuống 3 m là nước tuôn lai láng”.
Tôi lội cát ngập mắt cá, lẽo đẽo bám theo chân cùng dòng hồi ức ngậm ngùi của ông Hiệp, ra khu vực giáp ranh Hòa Hội Nam - Hưng Lạc: “Vùng này trong chiến tranh là nơi che chắn đạn bom cho lực lượng kháng chiến. Sau giải phóng, những cánh rừng dương chắn gió vẫn còn xanh tốt ngút ngàn. Mọi thứ chỉ bị xới tung lên khi xuất hiện doanh nghiệp khai thác titan”.
Câu chữ ông già thật đắc địa trước khung cảnh đất cát tanh bành với chằng chịt hào ngang rãnh dọc, với hầm hố nhấp nhô, uốn lượn chạy dài tới bờ biển. Ông Hiệp chấp chới, ngả nghiêng lao xuống lòng cái hố rộng rinh, sâu hoắm. Nó đủ xa, tính từ mặt đất, để biến vóc dáng mảnh mai của ông thành một chấm mờ nửa đen, nửa trắng.
Phải đợi làm việc với Phòng Tài nguyên – Môi trường Phù Mỹ và UBND xã Mỹ Thành chúng tôi mới biết được “số đo” khủng khiếp của “hố đen” kia. Có chút không trùng khớp số liệu giữa xã và huyện, khi một bên 1,5, một bên nói tới 3 ha. Mặc kệ, số liệu nào thì cũng dư thừa căn cứ tố cáo cung cách làm ăn… ba vạ, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” của nhiều chủ mỏ.
Phó Phòng TNMT Phù Mỹ Hồ Mạnh Cường ví von hiện trường một khu giáp ranh dưới cái tên “rốn chữ thập”, nơi đụng đầu tới 4 doanh nghiệp gồm Cty TNHH SX&TM Khoáng sản Ban Mai, Cty TNHH Tấn Phát, Cty CP Thời Thuận, Cty CP Khoáng sản Mỹ Đức. Ở Mỹ Thành, không chỉ vài “điểm nóng hậu titan” như vậy.
Đào lên rồi để đó |
Ông Ngô Hải, Chủ tịch UBND xã Ngô Hải nhẩn nha tính sổ: “500 hộ dân Hưng Lạc, Hưng Tân, Vĩnh Lợi bị nạn cát bay giày vò, hành hạ. Nghề trồng hành thương phẩm căn bản bị xóa sổ. Đã có tới 7 – 8 người bỏ xác trên các công trường titan hay ở những hầm hố vung vãi không hoàn thổ.
Có trường hợp đền bù nhân mạng, doanh nghiệp trước hứa sau xù khiến đương sự đôi bên phải dắt díu ra pháp đình chờ phán quyết. Chúng tôi thực sự “thấm đòn”. Bao nhiêu năm mang vác gánh nặng môi trường, cuối cùng được cái gì đâu! Một nhà văn hóa 1,2 tỉ đồng do Cty Ban Mai tài trợ. Hết. Thiên hạ “lên” nông thôn mới rần rần, Mỹ Thành còn lẹt đẹt chờ đợt 2, sau 2020”.
"Nhóm bộ", "nhóm tỉnh"
Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Giám đốc Sở TNMT Bình Định Đặng Trung Thành từng toát mồ hôi hột trước lối truy vấn từ chủ tọa về thời hạn “cuối tháng 8” cho các doanh nghiệp kết thúc hoàn thổ, trồng cây phục hồi môi trường. “Tháng 8 là tháng 8 nào?”, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng gặng hỏi. “Thưa, tháng 8.2015”, ông Thành “trả bài” kèm theo đoạn diễn giải ngắn. Hoạt cảnh hỏi – đáp trên gợi nhớ một thực tế là đã có tình trạng thả lỏng, du di trong việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện nghĩa vụ hoàn nguyên môi trường. Xuống dưới huyện, Phó Phòng TNMT Phù Mỹ Hồ Mạnh Cường xác nhận: “Công tác hoàn thổ chỉ tập trung mạnh nhất trong năm 2013”.
Dựa trên hiệu quả phục hồi môi trường, có thể chia cộng đồng doanh nghiệp hành nghề khai thác, chế biến titan ở Bình Định ra làm 2 nhóm. Nhóm do Bộ TNMT cấp phép (gồm Cty CP Khoáng sản Bình Định, Cty TNHH Phú Hiệp, Cty CP Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn, Cty CP Khoáng sản Biotan). Theo Chi cục Lâm nghiệp Bình Định, số liệu kiểm tra gần nhất cho thấy trong tổng diện tích đã khai thác 454,45 ha, có 305,84 ha được “nhóm bộ cấp phép” trồng lại rừng, chiếm 73,44% diện tích thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.
Đây là nhóm được đánh giá làm tốt công tác hoàn thổ, trồng rừng, có hồ sơ thiết kế được Chi cục Lâm nghiệp thẩm định, chọn đúng đối tác đủ chức năng cung ứng cây giống, trồng và chăm sóc. Nhóm còn lại do tỉnh cấp phép tận thu, là một tập hợp khá đông đảo và phức tạp, khiến câu câu chuyện xâm hại môi trường trở nên trầm trọng và giằng dai, chưa có hồi kết thúc.
Trở lại xã Mỹ Thành - nơi có đến 1.072,82 ha được cấp phép khai thác titan, 567,88 ha đã khai thác xong nhưng mới chỉ hoàn thổ, trồng rừng 299,75 ha - đến đầu tháng 8.2015, như đã đề cập, bức tranh môi trường vui ít mà buồn thì quá nhiều.
Môi trường xã Thạnh Mỹ tan hoang sau khi titan tháo chạy |
Cty TNHH Mỹ Tài được UBND tỉnh Bình Định cấp 4 giấy phép với tổng diện tích 41,67 ha. Với giấy phép 42, ngày 1.6.2010, diện tích 6,8 ha, dù chưa có quyết định thuê đất, doanh nghiệp vẫn tiến hành khai thác trong khi hồ sơ thiết kế trồng rừng là con số không. Khu vực khác, 15,98 ha, Cty khai thác xong nhưng san ủi hoàn thổ chưa đạt yêu cầu để bàn giao chính quyền sở tại.
Tệ hơn, ở 7,99 ha, giấy phép ngày 21.2.2012, doanh nghiệp khai thác hết song không hoàn thổ. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không có cả tấm giấy phép khai thác nước trong lòng đất lận lưng như quy định: Cty CP An Trường An (đơn vị bị mở dấu ngoặc to tướng do để lại hố nước sâu tới 1,5 ha), Cty CP Thanh Niên, Cty CP Khai thác mỏ Tự Lực, Cty TNHH XDTH Nhơn Lộc…
“Chơi trội” nhất phải kể tới Cty CP Đầu tư tài nguyên Đất Việt. Khai thác xong 10 ha, trước khi giấy phép hết hạn, Đất Việt lẳng lặng giải thể hồi 2011, bất cần hoàn thổ, dù chỉ là mét vuông đất! Đất Việt cho đến nay hãy còn là niềm kinh ngạc cho các nhà quản lý. Cao chạy xa bay, không chút tăm tích, không lưu lại dấu vết gì hầu giúp thanh lý nợ nần.
Hôm sang Chi cục Lâm nghiệp, chúng tôi được nghe thêm mấy tình huống dở cười dở mếu nữa. Đợt kiểm tra cuối năm 2014, Cty TNHH Ánh Vy thay vì trồng rừng theo yêu cầu của cơ quan chức năng trước đó, thì lại tái khai thác trên diện tích 14 ha rừng phục hồi môi trường!
Cty CP An Trường An, Cty CP Kim Triều “đóng cửa” bất hợp tác, không thèm cử đại diện làm việc cùng đoàn kiểm tra. Kim Triều là doanh nghiệp được cấp phép 113,27 ha. Cty đã khai thác khoảng 100 ha mà không đoái hoài gì tới việc hoàn trả mặt bằng, trồng rừng tái sinh,
Khi chúng tôi viết bài này, có tin UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt hành chính cả An Trường An lẫn Kim Triều, mỗi đơn vị 350 triệu đồng. Riêng Đất Việt, tỉnh cho phép áp dụng cơ chế dùng tiền ký quỹ môi trường khắc phục hậu quả.
Chưa rõ Đất Việt ký quỹ bao nhiêu. Không chừng “tiền vá quá tiền may”…