Ứng phó với cơn bão số 12: Không lơ là, chủ quan trong mọi tình huống!

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Các địa phương vùng ĐBSCL đang nằm trong “thế gọng kìm” chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 cùng với đợt triều cường lớn với khả năng gây ngập lụt đô thị, đe dọa đê bao, đất nông nghiệp, hoa màu của người dân.

Tại TPHCM, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động. Tại Nam Trung Bộ, gần 1.000 tàu thuyền đang tìm nơi trú bão. Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng phương án ứng phó trước mưa bão, đảm bảo cho APEC 2017.

ĐBSCL: Triều cường sắp đạt đỉnh; cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai

Theo Đài khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ, TP.Cần Thơ đang vào kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch, đỉnh triều trên các sông rạch sẽ lên nhanh trong những ngày tới. Đến ngày 5.11, mực nước đỉnh triều cao nhất trong ngày tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu. Mực nước đỉnh triều còn tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào các ngày: 6 và 7. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 3; gây ngập lụt đô thị và đe dọa đê bao thuộc các cồn trên sông Hậu…

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ - cho biết: “TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ và chủ động giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất, có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra. Quan trọng nhất là bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho người dân, hiện còn khoảng 1.000 ha lúa thu đông chưa thu hoạch ở huyện Vĩnh Thạnh. Lo ngại nhất là các hộ nuôi thủy sản ven sông đang bị đe dọa bởi triều cường. TP đã và đang tích cực kiểm tra các hệ thống đê bao, bờ bao, các bến đò trên sông Hậu, nhất là đò ngang; chuẩn bị phương án sơ tán dân… nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản bà con khi có sự cố.

Còn tại Vĩnh Long, đợt triều cường tháng 9 âm lịch lần này được dự báo sẽ đạt xấp xỉ mức báo động III, và bắt đầu xuất hiện từ ngày 5-7.11 tới. Đây là đợt triều cường lớn nhất trong năm của tỉnh, hiện ngành chức năng của tỉnh triển khai nhiều giải nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do triều cường gây ra.

Ngày 2.11, UBND TP.Cần Thơ và các đơn vị có liên quan đã có cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với tình hình cơn bão số 12 đang diễn biến phức tạp.

Dù xác định Cần Thơ chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cơn bão số 12, nhưng Chủ tịch UBND TP Võ Thành Thống đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cử cán bộ trực 24/24. Cần Thơ đã ra 3 thông báo khẩn gửi các quận, huyện và các cơ quan có liên quan cảnh giác, chủ động ứng phó thiên tai.

TPHCM cấm tàu thuyền, đò ngang ngầm hoạt động

Để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, đò ngang, đò dọc, tàu nhà hàng, tàu cánh ngầm và tàu du lịch hoạt động trên sông, trên biển và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 gây ra, ngày 2.11, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động.

Sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải TPHCM và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 1 giờ, ngày 3 tháng 11 năm 2017 cho đến khi có lệnh mới.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này. ..

Tại cuộc họp ngày 2.11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng tránh, đồng thời chủ động triển khai các phương án ứng phó. Huyện Cần Giờ (huyện duy nhất tại TPHCM giáp biển) cũng đã lên phương án di dời khoảng 6.000 dân ở huyện này khi có bão.

Gần 1.000 tàu thuyền các tỉnh Nam Trung Bộ đang tìm nơi trú bão

Chiều 2.11, công tác ứng phó với bão số 12 được lực lượng chức năng và người dân Nam Trung Bộ khẩn trương triển khai. Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đều có công điện khẩn yêu cầu các huyện thị, sở, ban, ngành không được chủ quan, theo dõi sát sao đường đi của bão Damrey để có phương án ứng phó kịp thời. Tất cả các tàu thuyền đều bị cấm ra biển, các hồ chứa, điểm có nguy cơ sạt lở, công trình xây dựng đề được kiểm tra và có phương án phòng, chống bão hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại nếu bão đổ bộ.

Tại Khánh Hòa, đến 16 giờ chiều 2.11, công tác kêu gọi và di dời 9.790 tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn vẫn được tiếp tục. Hiện không có tàu thuyền nào nằm trong vùng nguy hiểm của bão. Chủ tịch UBND huyện Trường Sa - ông Bùi Đình Dương - cho biết, “từ sáng 2.11, quân dân huyện Trường Sa đã củng cố lại hệ thống, kiểm tra an toàn và đảm bảo cung ứng đủ lương thực thuốc men phục vụ ngư dân vào tránh bão”.

Từ 12 giờ ngày 3.11 các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học đến hết 5.11. Công tác rà soát các công trình xây dựng, các điểm có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP.Nha Trang đã hoàn tất. Riêng các đơn vị du lịch thống kê số lượng du khách đang nghỉ dưỡng tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh - 2 địa phương bị ngập trong đợt lũ 2 ngày qua đang khẩn trương dọn dẹp, chằng chống nhà cửa ứng phó với bão.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức họp các ban, ngành triển khai các phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 12 có thể đổ bộ vào địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có hơn 2.600 tàu thuyền đánh cá, hiện 2.000 tàu neo đậu an toàn, hơn 500 tàu đang hoạt động trên biển được kêu gọi tìm nơi trú an toàn.

Quảng Nam - Đà Nẵng: Lên phương án ứng phó mưa bão, đảm bảo cho APEC 2017

Sáng 2.11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Phó Ban thường trực - có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, phục vụ Hội nghị APEC 2017. Ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, tuyệt đối không để tình hình mưa lũ sắp tới làm ảnh hưởng đến Tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - dự báo, khả năng mưa đặc biệt lớn diễn ra trong khoảng từ ngày 4 - 8.11, nằm ngay trong sự kiện APEC. Trước tình hình này, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng giao Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phối hợp với các hồ chứa thủy điện tính toán, cân nhắc xả nước ở 2 hồ vượt mực nước đón lũ.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh cho biết, ngay trong ngày 1.11, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong Tuần lễ cấp cao APEC.

Đêm 3, rạng sáng 4.11: Bão số 12 dự kiến đổ bộ vào Nam Trung Bộ

Cơn bão số 12 có tên Damrey (Con Voi) mạnh cấp 10-11, gió giật cấp 13 đang tiến thẳng vào vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Dự kiến đêm 3 sáng 4.11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương nhận định: Cơn bão này rất mạnh, đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Nam Bộ đúng thời điểm có mưa lớn, triều cường… khiến diễn biến thời tiết hết sức nguy hiểm, khó lường. Ngoài ra, từ đêm 3-8.11 trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng trong đợt lũ này. K.H

Bình Thuận: Có phương án đưa các tàu đánh bắt vào bờ an toàn

Ngày 2.11, UBND tỉnh họp với các huyện, sở, ngành chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 12. Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 7.302 tàu thuyền/38.742 lao động. Đến 14 giờ ngày 1.11.2017, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 1.028 chiếc/6.482 lao động (đang đánh bắt gần bờ, hoạt động trong khoảng từ 30 hải lý trở vào). P.V

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố bắt tạm giam người cha bạo hành con trai 6 tuổi

Tâm Tú |

Ngày 4.10, Công an quận 8 (TPHCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam người cha trong vụ bé trai 6 tuổi nghi bị bạo hành ở Quận 8 (TPHCM).

Xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Mai Đức Chung

LƯƠNG HẠNH |

Bộ Nội vụ tiến hành lấy ý kiến nhân dân đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với ông Mai Đức Chung.

Dự báo vùng ảnh hưởng của cơn bão mới mạnh ngang Helene

Thanh Hà |

Tin bão mới nhất cho hay, bão Kirk mạnh lên thành bão cấp 4 ngày 3.10, trở thành bão mạnh thứ 3 trong mùa bão 2024 sau siêu bão Beryl và Helene.

Bất ngờ lý do không đội mũ bảo hiểm của nam sinh lớp 9

Tô Thế |

Khi bị lực lượng CSGT Hà Nội dừng xe kiểm tra vì không đội mũ bảo hiểm, nam sinh lớp 9 tỏ ra bất ngờ.

Nhập khẩu gạo kỷ lục, chuyện “không có gì ầm ĩ”

Lục Tùng |

Việc Việt Nam nhập khẩu gạo tăng vọt 9 tháng đầu năm không phải là chuyện đáng lo mà còn mang lại lợi ích kép.

Hiện trạng xuống cấp của hai công viên lớn ở quận Cầu Giấy

THÙY DƯƠNG |

Thời gian tới, quận Cầu Giấy (Hà Nội) sẽ dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa một số công trình, bao gồm hai công viên lớn trên địa bàn là Cầu Giấy và Nghĩa Đô.

Ngắm 4 bộ hiện vật đang đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia

NGUYỄN LUÂN - HỒNG NHUNG |

HUẾ - Thừa Thiên Huế vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 4 bộ hiện vật có từ thời nhà Nguyễn.

Khởi tố 2 viên chức Văn phòng đăng ký đất đai ở Bến Tre

Thành Nhân |

Bến Tre - Công an huyện Ba Tri đã khởi tố bị can là 2 viên chức của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ba Tri.