Nhà riêng tăng giá
Chia sẻ với PV Lao Động về thị trường bất động sản Hà Nội những tháng đầu năm, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết một số phân khúc đang thu hút giới đầu tư, những phân khúc vốn "đóng băng" thời gian dài cũng rục rịch giao dịch trở lại.
Phân khúc nhà riêng ở Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng giá. Cụ thể, những căn nhà riêng tại quận Thanh Xuân, khu vực Nhân Chính, Khương Trung, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam, Khương Mai, Kim Giang… có giá bán dao động từ 3,2-3,5 tỉ đồng/căn vào cuối năm ngoái thì hiện tại đã tăng lên 3,3-3,7 tỉ đồng/căn.
Nhà riêng quận Cầu Giấy khu vực Dịch Vọng, Trung Yên, Trung Kính, Quan Hoa, Yên Hòa,… giá bán cũng tăng từ mức 3,3-3,7 tỉ đồng/căn lên mức chào bán hiện tại là 3,5-4 tỉ đồng/căn.
Trong khi đó, tại quận Đống Đa, khu vực Khâm Thiên, Trung Tự, Thịnh Quang, Khương Thượng, Thái Thịnh, Phương Liên, Thái Hà, Văn Chương,… nhiều nhà riêng cũng tăng từ mức giá 3,4-4,1 tỉ đồng/căn lên mức 3,6-4,4 tỉ đồng/căn. Nhà riêng quận Nam Từ Liêm, thuộc các phường Trung Văn, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Phú Đô, Mễ Trì,… giá bán các căn nhà riêng tăng từ mức 3,2-3,7 tỉ đồng/căn lên mức 3,4-3,9 tỉ đồng/căn.
Tại quận Cầu Giấy, nhà riêng là loại hình bất động sản có biến động giá tăng mạnh nhất, trung bình 9,6%/năm. Mức biến động này tương đương với các quận lân cận như Nam Từ Liêm (9,6%), Thanh Xuân (9,2%). Tuy nhiên, do mặt bằng giá nhà riêng tại Cầu Giấy cao hơn nên thực tế đơn giá trên mỗi m2 tăng trung bình hàng năm khá cao, khoảng 11,4 triệu/m2/năm. Trong khi đó, cùng mức tăng 9,6%/năm, nhưng đơn giá trên mỗi m2 tại quận Nam Từ Liêm tăng trung bình mỗi năm chỉ khoảng 5 triệu đồng...
Đến cuối tháng 3.2023 có hơn 2.800 tin đăng bán nhà riêng quận Cầu Giấy với khoảng giá dao động từ 90-350 triệu/m2, trong đó khoảng giá phổ biến nhất từ 170-230 triệu/m2. Dù mặt bằng giá khá cao nhưng quận Cầu Giấy vẫn còn những căn nhà riêng giá “mềm” khoảng 4-5 tỉ đồng/căn, diện tích 30-35m2, cao 3-5 tầng với nguồn cung hạn chế.
Đất nền rục rịch giao dịch trở lại
Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có văn bản về việc bãi bỏ văn bản 1685 (ngày 22.3) có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Sau thông tin này, đất nền tại một số quận, huyện bắt đầu rục rịch trở lại sau thời gian dài đóng băng.
Lượng lớn nhà đầu tư, môi giới, cò đất đổ về Thạch Thất, Hà Nội dẫn đến tình trạng sốt đất. Tuy nhiên sau cơn sốt, đất nền tại đây hầu như không có nhiều giao dịch.
Trở lại Thạch Thất, Hà Nội vào ngày 10.5, PV ghi nhận hoạt động môi giới, giao dịch đất nền xuất hiện trở lại. Một số môi giới tại đây cho biết giao dịch bất động sản, đặc biệt là đất nền đang có xu hướng tăng sau khi Hà Nội bãi bỏ văn bản 1685. Ngoài ra cũng có những thông tin bên lề khiến lượng người tìm mua đất tăng lên.
“Sắp tới trường Đại học Quốc gia di chuyển sinh viên về nên nhiều nhà đầu tư vẫn tìm kiếm săn đất nền để xây dựng nhà trọ cũng như kinh doanh các dịch vụ cung ứng cho sinh viên. Tuy khởi sắc nhưng mức giao dịch hiện nay chỉ bằng khoảng 10 % so với thời điểm sốt đất” - Anh Hoàng Ngọc Kỳ (môi giới tại một công ty bất động sản tại Phú Cát, Hòa Lạc) cho biết.
Một số nhà đầu tư cho rằng, lý do khiến giao dịch tăng trở lại thời gian gần đây là do lãi suất cho vay bất động sản đã giảm nhẹ và có xu hướng ổn định.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng dự báo rằng, thị trường bất động sản trong quý II/2023 sẽ ghi nhận những điểm sáng từ một số dự án có vị trí thuận lợi, chất lượng bàn giao tốt, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín.
Nhận định chung về thị trường bất động sản, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng từ quý 4/2023, đà phục hồi của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn. Đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu phát huy hiệu quả lớn hơn.