Có thể thấy rõ Bộ Tài chính vẫn thực hiện tối đa các chính sách tăng thuế mặc dù có ý kiến phản biện khá thuyết phục từ xã hội. Và cũng chắc chắn một điều, người dân chuẩn bị trả thêm tiền thuế môi trường khi sử dụng xăng dầu.
Người dân dù không muốn cũng phải chấp nhận một khi đã bị đẩy vào thế bị áp đặt, cho nên phải cắn răng để trả thêm tiền cho việc lăn bánh xe, doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại các phương án kinh doanh để bù đắp khoản tăng chi phí xăng dầu.
Hàng hóa sản phẩm sản xuất trong nước sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn khi giá đầu vào có thêm khoản thuế môi trường. Có hàng hóa nào đến tay người tiêu dùng mà không phải vận chuyển. Người dân sử dụng các loại phương tiện từ đường bộ đến đường không, cũng chuẩn bị tinh thần để trả thêm giá vé, không doanh nghiệp nào chịu toàn bộ, họ sẽ chia đều khoản tăng phí môi trường này lên đầu hành khách.
Thật khó để cản được quyết tâm của Bộ Tài chính, nhưng điều mà người đóng thuế quan tâm là đồng tiền này có được sử dụng vào đúng mục đích bảo vệ môi trường hay không. Chi vào những dự án gì và đưa ra kết quả, môi trường được cải thiện, thiên nhiên cảnh quan, nguồn nước, không khí của quốc gia được bảo vệ. Nói bảo vệ môi trường chung chung thì khó thuyết phục.
Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh vừa công bố con số không lấy gì làm vui, đó là mỗi năm Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi, xử lý vi phạm 2 tỉ USD, ngành thanh tra cũng lên tới 3 tỉ USD. Như vậy, đã có tổng cộng 5 tỉ USD ngân sách sử dụng không đúng mục đích, trong khi ngân sách quốc gia mỗi năm có khoảng 50 tỉ USD. Có nghĩa là 1/10 ngân sách chi sai mục đích, vì vậy thật khó có thể tin tưởng rằng, số tiền thu thuế môi trường qua xăng dầu 55.000 tỉ đồng được chi tiêu minh bạch và sòng phẳng. Người dân có thể tiết kiệm chi tiêu để đóng thuế, nhưng không thể chấp nhận sự không minh bạch. Người dân không muốn đến một ngày nhận ra rằng, số tiền họ đóng thuế bảo vệ môi trường khi sử dụng xăng dầu lại không phải chi hoàn toàn cho bảo vệ môi trường!