Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bức xúc khi hình ảnh của ông bị sử dụng trái phép để quảng cáo một loại thuốc có khả năng điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định quảng cáo đó hoàn toàn thuộc loại tin giả. “Tôi đã nhiều lần bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Nhưng gần đây, tôi luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sĩ cũng “bán tín bán nghi”, ông nói.
Không chỉ PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu mà bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng bị các đối tượng xấu sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc đặc trị tiểu đường.
Dĩ nhiên, danh sách các bác sĩ có uy tín của các bệnh viện lớn trên cả nước bị lợi dụng hình ảnh không chỉ dừng lại ở hai người vừa kể - nếu dạo một vòng tìm các hình ảnh, clip quảng cáo, bán thượng vàng hạ cám các sản phẩm thuốc chữa các bệnh mãn tính không lây đang tràn lan trên mạng xã hội.
Thậm chí, nhiều clip được đăng tải trên một số trang mạng đã sử dụng công nghệ Deepfake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói…) để tạo ra đoạn video có hình ảnh khuôn mặt nhân vật giống hệt các bác sĩ khiến người xem không biết đâu thật đâu giả.
Hệ lụy là đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân đã tiền mất tật mang, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống do không được chữa bệnh đúng cách và kịp thời khi tin vào các quảng cáo trên mạng kèm theo “bảo chứng” của “những bác sĩ có uy tín hàng đầu”. Và không chỉ các bác sĩ mà bệnh viện, thậm chí ngành y cũng bị ảnh hưởng uy tín và niềm tin.
Thời gian qua, không chỉ cơ quan chức năng mà các bệnh viện, bác sĩ, người bị hại… cũng đã tích cực vào cuộc xử lý hoặc kịp thời rà soát, lên tiếng, báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Tuy nhiên cảm giác là “tin giả” hay những hành vi quảng cáo có tính chất lừa đảo như thế này có đến ba đầu sáu tay. Nên “chặt” đầu này chúng lại mọc lên đầu khác.
Để hạn chế, vô hiệu hóa được phương thức lừa đảo này, cơ quan chức năng đã và đang, sẽ vào cuộc quyết liệt hơn, có giải pháp hiệu quả hơn theo kiểu vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn.
Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Cho nên về phía người dân, nếu không muốn tiền mất tật mang thì cần luôn tâm niệm một điều: Các “bác sĩ” đang quảng cáo, rao bán các loại sản phẩm thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội, nếu không phải là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo thì cũng là đang vi phạm pháp luật. Nên tốt nhất là tránh xa ra!