Tận mắt chứng kiến các bệnh viện tại TPHCM quá tải, thiếu thốn trang thiết bị chiều hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: “Rất nhiều bệnh viện trên cả nước muốn được tự chủ nhưng Bộ Y tế triển khai chậm quá. Tại TPHCM, nhiều bệnh viện không trực thuộc Bộ đang rất muốn được tự chủ. Tại sao con cái đã trưởng thành muốn tự lập mà cha mẹ không cho?”.
Trong những ngày dịch chồng dịch, bệnh tay chân miệng hoành hành và trẻ nằm chen chúc ở các bệnh viên nhi tại TPHCM, rất khó để khỏi ngậm ngùi và xót xa. Nhưng cũng như người nhà, bệnh nhân và dư luận bức xúc, nhiều BV đang bị “ vòng kim cô” bó buộc: Muốn phát triển thì thiếu tiền, định kiếm tiền lại vướng cơ chế!?
Giám đốc các BV mà Phó Thủ tướng đến thăm thẳng thắn nói với ông về tình trạng quá tải bệnh nhân đã diễn ra từ lâu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị không đủ đáp ứng đang gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn, phục vụ người bệnh. Họ đề nghị “bệnh viện mong muốn được tự chủ để có thể phát triển thành bệnh viện hiện đại, xứng tầm quốc tế, tham gia vào cung cấp dịch vụ y tế quốc tế để đóng góp cho GDP quốc gia”.
Lẽ ra phải gật đầu từ lâu, “ bật đèn xanh” nhiều năm trước ở nhiều BV đủ điều kiện chứ không phải chỉ BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV K và BV E. Họ đủ sức nuôi lẫn nhau, sắm sửa được trang thiết bị, xây sửa BV xanh sạch đẹp và phục vụ bệnh nhân tốt hơn thì cớ gì trì hoãn? Có thể giá khám chữa bệnh sẽ cao hơn, một số dịch vụ người bệnh sẽ chi trả nhiều hơn, nhưng Bộ Y tế có quyền điều tiết cùng nhiều chính sách hỗ trợ bệnh nhân nghèo hiện hành thì cái lo ấy dần dần sẽ được hóa giải.
Những gì mắt thấy tai nghe đã khiến lãnh đạo Chính phủ hạ quyết tâm: “Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần, nếu Bộ Y tế chậm Nghị định chung thì chúng tôi vẫn quyết định cho một số bệnh viện thí điểm tự chủ”. BV trong nước chậm chân, chất lượng khám chữa bệnh đi xuống, người dân ngán ngại, đội ngũ y bác sĩ khó xoay xở, người bệnh mệt mỏi vất vả và bệnh nhân tìm đường ra nước ngoài chữa trị càng đông. Những điều ấy bất lợi cho tất cả trong khi quá tải, xuống cấp, thiếu thốn… chỉ làm cho bệnh nhân mất dần cơ hội được chữa trị.
Người bệnh không thể chờ thuốc, đợi bác sĩ hay mong BV sẽ đầy đủ, khang trang, bớt nhồi nhét. Trong lúc này, họ lại càng khó chấp nhận tư duy “con muốn tự lập nhưng cha mẹ không cho” bởi không chỉ trái quy luật mà còn thiếu cả lý lẫn tình. Có lẽ không quản được thì nên bớt ôm đồm để cho “con cái” trưởng thành và có ích hơn cho xã hội.