Ông Nghĩa hôm ấy thẳng băng rằng hệ thống “văn bản hướng dẫn đang tạo ra rào chắn, tạo bẫy gây nhũng nhiễu, tiêu cực, vô hiệu hóa hành lang pháp lý… dẫn đến việc người dân phải chung chi, bôi trơn”.
Ở VN có một “rừng luật” với trung bình 10-20 luật ban hành mỗi năm. Kèm theo số luật khổng lồ là một phép nhân về nghị định, thông tư hướng dẫn, với chừng 100 nghị định, 600 thông tư ở đủ mọi lĩnh vực. Đó là còn chưa kể tới vô số các loại văn bản quy phạm do đủ các các bộ, ngành, địa phương ban hành.
Bên cạnh mặt tích cực là “hành lang pháp lý”, “rừng luật” mà chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường xác nhận là “phức tạp nhất thế giới” ấy rất dễ khiến người dân lạc đường, cũng như tạo ra rất nhiều những rào cản, sự vô lý, thậm chí ngớ ngẩn.
Ngay trong phiên chất vấn năm ngoái, trước con số 312 văn bản trái luật, chính Chủ tịch QH cũng giật mình rằng: “Nếu người ta căn cứ 312 văn bản này để mà tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Mà nếu không tổ chức thi hành thì lại là vi phạm pháp luật”.
Trong vô số nguyên nhân của tình trạng vô số văn bản trái luật ngay trong chính “rừng luật”, có nguyên nhân là do “quá nhiều cơ quan được QH ủy quyền lập pháp”, từ những người mà “khi được hỏi một vấn đề nào đó chưa chắc trả lời ngay và chính xác được thì làm sao đòi hỏi người dân phải thông, phải hiểu pháp luật”. 23.600 cơ quan có thẩm quyền ban hành, riêng ở cấp địa phương là 23.000 có lẽ là con số quá khủng khiếp.
QH kỳ này sẽ quyết việc có hay không nên quy định cấp huyện, xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu câu trả lời là “không”, tình trạng vô luật, trái luật trong việc ra những quy định khiến “Thượng đế cũng phải cười”, đương nhiên sẽ giảm mạnh. Nhưng lại đặt ra vấn đề gánh nặng ban hành dồn lên các cơ quan khác. Còn nếu đó là cái gật đầu dễ dãi, không có những ràng buộc bằng trách nhiệm, không có hệ thống kiểm soát hữu hiệu thì phải nhắc lại cái nhấn mạnh của chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp năm ngoái: “Thậm chí là một chủ tịch xã”. Liệu có ở nơi nào tồn tại tình trạng “một vị chủ tịch xã” vừa ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa tổ chức thực thi trong một động thái mà dân gian gọi là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”(?!).