Lệnh cấm đánh bắt cá được áp đặt một cách trái phép trên Biển Đông. Các công trình phi pháp đang được tới tấp xây dựng ngoài Gạc Ma, “đại công trường” trên bãi đá Xu Bi…
Có thể nói trong những ngày tháng 5 nóng bỏng này, gác tạm sang bên mối lo áo cơm thường niên, một trong những vấn đề khiến nhân dân cả nước quan tâm nhất chính là tình hình Biển Đông, nơi gắn với hai chữ Hoàng Sa và Trường Sa, nơi những anh hùng liệt sĩ - con em nhân dân - đã ngã xuống lấy máu mình tô thắm lá cờ của tổ quốc.
Không ngẫu nhiên, vị trí số 1 trong mối quan tâm của cử tri, theo báo cáo kiến nghị cử tri là sự “lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Và những người tưởng chừng quanh năm vật lộn với “ước mơ con”, với “manh chiếu hẹp” hiểu rằng đây là những hành động vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Và trên hết, người dân muốn được biết về những gì đang thực sự xảy ra ngoài đảo xa.
Trong phiên khai mạc Quốc hội (QH), một trong những phát biểu nghị trường đầu tiên - ngay trong phiên trù bị - là đề nghị của Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định, ĐBQH, ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Anh Sơn khi ông đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp nội dung Chính phủ báo cáo QH về tình hình Trung Quốc mở rộng đầu tư, xây dựng tại Gạc Ma. “Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc và QH chúng ta cần lên tiếng về vấn đề này” - ông Sơn nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng ngay sau đó, trong lời phát biểu khai mạc cho biết QH đã ghi nhận đề xuất này và sẽ tiếp thu, sẽ đưa vào chương trình kỳ họp để Chính phủ báo cáo trước QH tại một phiên họp chính thức về tình hình Biển Đông. Thế là kỳ họp lần này sẽ có một phiên họp chính thức về Biển Đông, một phiên “họp riêng”, trong khoảng 1 tiếng, vào cuối giờ chiều ngày 5.6.
Nhưng giá như đó là một phiên họp công khai được truyền hình trực tiếp tới cử tri, tới nhân dân để họ cùng được biết, cùng được lo toan gánh vác công việc sơn hà xã tắc. Giá như phiên họp về Biển Đông sẽ trở thành một phiên họp chính thức, thường niên trong mỗi kỳ họp mà không phải cần có những lời đề nghị.
Giá như Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông được bàn trong một phòng họp như Diên Hồng.