“Chính sách của chúng ta, như cái phao, đang vừa quá dàn trải, vừa nặng về bao cấp. Cái phao càng to thì nổi càng nhiều, càng nhỏ càng lơ lửng mà nhỏ quá thì chìm luôn”. Theo ông Hiển, chính sách nông nghiệp làm sao phải giống như “để nông dân tập bơi”, tức là phải để cho họ cạnh tranh mới phù hợp với cơ chế thị trường.
Một ví dụ ông Hiển nêu ra là cải cách nông nghiệp ở New Zealand, một đất nước mấy chục năm trước “bao cấp kinh khủng, bao cấp nặng nề” và quyết tâm cải cách đến mức nông dân New Zealand từng đem cừu thả vào sân nhà QH nước này để phản đối. Nhưng cả QH và Chính phủ đều quyết tâm cải cách và thành tựu là một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới như bây giờ.
Ông Hiển nói đúng quá. Từ lâu, lời than vãn về sự ỷ lại, mà điển hình là câu chuyện “chạy xã nghèo”, không muốn thoát nghèo vẫn hết sức phổ biến. Chính sách, trong không ít trường hợp được coi y như “con cá” chứ không phải cái cần câu. Hết chính sách thì cũng sạch bách luôn. Không ít các khu vực, như Tây Bắc, kết quả của mấy chục năm đổi mới và vô số chính sách hỗ trợ vẫn không ít nơi gần như là “tự cấp tự túc. Giàu nhưng không có tiền”- chữ dùng của ông Hiển.
Để nông dân phải cạnh tranh, nuôi trồng đúng với nhu cầu của thị trường là chính xác quá rồi. Chẳng phải trong câu chuyện ế dưa còn nóng hổi tính thời sự, đã có câu hỏi không hề ngẫu nhiên được đặt ra: “Ai buộc người nông dân phải trồng dưa?”, “Dưa không chứng chỉ chất lượng thì bán đâu khác ngoài… Trung Quốc?”.
Nhưng thật ra, trước khi dạy cho nông dân “bơi” trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường, chí ít Nhà nước trong vai “bà đỡ” hãy cứ làm tốt công việc của mình đi đã.
Nhiều cái nông dân nghe triền miên từ năm nọ qua năm kia, từ diễn đàn này đến phát ngôn nọ, nhưng khoa học, kỹ thuật vẫn là thứ gì đó xa vời. Công nghiệp chế biến vẫn còn nằm trong ngăn tủ nào đó. Còn thông tin thị trường ư? Hãy cứ ngửa mặt nhìn trời!
Muốn “Thị trường phải coi như chiến trường, để nông dân cạnh tranh, chấp nhận có sống có chết, chứ không thể ai cũng sống mà sống uể oải” thì trên hết là đừng có dẫn đi dắt lại giữa hai lề trách nhiệm, để rồi năm nào cũng ùn ứ, cũng được mùa - rớt giá, mà chẳng thấy ai chịu trách nhiệm ngoài chính nông dân.