Thế là bao nhiêu năm, với nhiều ý kiến đề xuất, đến nay nỗi ám ảnh của hộ khẩu sắp đi vào quá khứ, cùng với những nỗi ám ảnh khác của thời bao cấp.
Gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới không sử dụng hộ khẩu để quản lý công dân, các nước văn minh tiến bộ của quả đất này không có hai từ “hộ khẩu” trong đầu óc của nhà quản lý cũng như của người dân. Người ta quản được công dân không cần hộ khẩu thì tại sao Việt Nam không làm được?
Chúng ta nói quá nhiều đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế tri thức, chính quyền điện tử, rồi mới đây là cách mạng 4.0, nhưng lại kè kè cái hộ khẩu bên nách, một công cụ quản lý của thời không có chấm nào. Chúng ta hô hào về các cuộc cách mạng công nghệ, nhưng việc chúng ta đang làm thì lạc hậu, thủ công. Tấm bìa hộ khẩu là điển hình của quản lý lạc hậu.
Có những chính sách đưa ra, dù rất tốt nhưng cũng ảnh hưởng đến một bộ phận người dân. Nhưng bỏ hộ khẩu thì không người dân nào ảnh hưởng mà toàn dân thụ hưởng được lợi ích từ việc đoạn tuyệt với hộ khẩu.
Có những chính sách dù tốt đẹp, nhưng khi đưa ra, vẫn gặp phải sự phản đối của một bộ phận người dân, nhưng bỏ hộ khẩu thì toàn dân hoan hô nhiệt liệt.
Chừng đó thôi đủ biết dân chúng khổ sở vì tấm bìa hộ khẩu như thế nào. Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì dân phục vụ thì hãy dẹp ngay lập tức tấm bìa hộ khẩu, không chần chừ.
Bỏ hộ khẩu là dẹp đi được những điều kiện để cán bộ công chức lợi dụng hành hạ dân, tiêu cực, nhận hối lộ.
Bỏ hộ khẩu là kiến tạo, là đòi hỏi của thời đại, là hợp với lòng dân, và là một trong những yếu tố để cải cách hành chính thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”. Bỏ hộ khẩu là có lợi cho dân, dứt khoát làm.