Đây là những từ ngữ đoạn trường mà những nạn nhân của “cán bộ thuế” đã trả lời một cuộc khảo sát và được đưa ra công khai trong một hội thảo về tham nhũng.
Đi liền với nó là những con số khủng khiếp: 64% số hộ kinh doanh luôn luôn thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế, 7% thừa nhận thường xuyên thỏa thuận ngầm. 50% số hộ kinh doanh sẵn sàng đồng ý nhằm giảm hoặc không phải nộp thuế nếu được cán bộ thuế đưa ra đề nghị“thỏa thuận ngầm”.
Và 62% chấp nhận hối lộ cho cán bộ thuế đến 1 tháng doanh thu và không tố cáo để công việc làm ăn được thuận tiện. Nhưng tham nhũng trong lĩnh vực thuế với câu chuyện “thỏa thuận ngầm - hụi chết - đi đêm” hôm nay chỉ đang chứng minh xuất sắc nhận định của đương kim Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi có lần ông than thở chuyện “cán bộ thuế toàn ăn vặt”.
Liệu có ở đâu người dân phải chung chi cho “cò” để được nộp thuế trước bạ? Liệu có ở đâu phải “bồi dưỡng” để được mua hóa đơn thuế? Liệu có ở đâu người dân muốn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cũng phải gian nan “qua ải”? Và liệu có ở đâu, ngay cả buôn thúng bán mẹt đầu đường xó chợ ở mức độ “nhỏ đến siêu nhỏ” phải chấp nhận vi phạm pháp luật để có thể tự trả lời câu hỏi “Ai cho tôi lương thiện?”. Có lẽ, chẳng có gì khó hiểu trước việc người dân buộc phải chấp nhận “chung sống với tham nhũng”.
Câu hỏi “Tại sao người dân không tố cáo?” đã được đặt ra. Và TS Đặng Hoàng Giang - người chủ trì cuộc nghiên cứu - nói người dân không tố cáo vì họ cho rằng “chẳng đem lại điều gì” và “chẳng đi đến đâu”. Hình như câu trả lời “chẳng đi đến đâu” cũng là một cách người dân bày tỏ lòng tin vào cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực thuế.
Hồi tháng 4, khi Bộ Tài chính quyết định tăng phí môi trường xăng dầu lên 300%, đã có nhiều ý kiến gay gắt rằng: Đó là một ví dụ cho thấy Nhà nước đang dùng nhiều cách để tăng thu, bù đắp cho thâm hụt ngân sách có thể lên tới 32.000 tỉ đồng. Sự việc có lẽ đã không tệ đến thế nếu chẳng hạn ngành thuế dẹp bỏ được phần nào nạn “hụi chết - thỏa thuận ngầm - đi đêm” đang chỉ có tác dụng làm vinh thân phì gia cho một bộ phận cán bộ có chức, có quyền.
Có lẽ, trước khi ban hành các chính sách thuế phí bù đắp cho gánh nặng ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính nên bắt đầu bằng việc trả lời câu hỏi: Làm thế nào và bao giờ thì chấm dứt câu chuyện “cán bộ thuế toàn ăn vặt”?
Tin bài xem thêm