Phí bảo trì đường bộ dành cho xe máy không được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội. Dân còn nghèo, đa số sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại, nay lại chịu đóng phí thì dân lại phải chịu áp lực thêm một khoản chi tiêu. Xét thật công bằng, nói như đại biểu Trương Thị Ánh, dân mua xăng là đã thực hiện nghĩa vụ đóng phí, nếu đóng thêm nữa rõ ràng là phí chồng phí, không tận thu là gì?
Một vấn đề rất nan giải mà các nhà làm chính sách không thể không tính tới, đó là thu phí đường bộ như thế nào cho hiệu quả.
Số liệu tổng hợp từ các báo (năm 2013), Việt Nam có khoảng 35 triệu môtô - xe máy. Mỗi năm xe máy tiêu thụ khoảng 3 đến 3,5 triệu chiếc, còn ôtô khoảng 120.000 đến 150.000. Như vậy, đến nay xe máy có hơn 40 triệu chiếc, vượt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ dự kiến đến năm 2020. Với số lượng khủng khiếp này, sẽ không dễ tổ chức thu phí.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cảnh báo phí đường bộ thu không được bao nhiêu tiền, nhưng phải “đẻ” ra bộ máy hoạt động, chưa hẳn Nhà nước đã có thêm ngân sách mà người dân thì bị thiệt thòi. Một lời cảnh báo quá chính xác, bởi vì để thu được phí thì phải có người thực hiện, không chừng tiền thu phí bảo trì đường bộ xe máy không đủ nuôi bộ máy.
Còn một vấn đề khác cũng phải tính tới, xe máy là phương tiện cơ động nhất, người dân từ địa phương này đưa xe của mình đến địa phương khác sử dụng, rất khó kiểm soát để thu phí đầy đủ. Áp dụng quy định này vào thực tế, rất có khả năng thu được người này nhưng không thu được người khác, như vậy thì không công bằng. Một quy định ban hành mà thực thi không công bằng thì cần phải bãi bỏ.
Quản lý thật tốt, đừng để tham nhũng, lãng phí trong xây dựng các công trình, đừng để rút ruột công trình; thực hiện các dự án đúng tiến độ, không để xảy ra đội vốn; làm cầu đường đạt chất lượng, không để sụt lún, ổ trâu, ổ voi, đó là cách “bảo trì đường bộ” hiệu quả nhất.
Còn tồn tại tình trạng trên, thì dù có tận thu của dân gấp nghìn lần cũng không đủ tiền để bảo trì đường bộ.
Tin bài liên quan