Thật buồn cười. Đây là dự án được làm theo công nghệ Trung Quốc, từng được trao cup vàng chất lượng xây dựng.
Nếu phải kể một chi tiết ấn tượng. Tôi nghĩ không ít người Hà Nội sẽ nhớ chuyện bệnh viện phụ sản phải ngừng mổ vì... mất nước. Đúng là một chi tiết thuộc “diện hài hước, lố bịch, bi thảm”.
Và vì thế, chắc nhiều người thấy “nó làm sao” khi hôm qua, lại có thêm một nhà thầu Trung Quốc, Công ty Xinxing- thắng gói thầu đường ống nước Sông Đà số 2.
Và lý do thắng thầu, thật truyền thống, do họ bỏ giá rẻ hơn đến 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, không dám bàn hay đặt câu hỏi vào tính minh bạch, vào chuyện ngõ sau, cũng không thể nói trước chuyện có hay không những kỷ lục mới được lập, chỉ xin nói về “cái bẫy giá rẻ” mà đáng lẽ chúng ta đã phải thuộc nằm lòng.
Đường ống nước Sông Đà đã vỡ đến lần thứ 17 (Ảnh: Lao Động) |
Tôi nhớ năm 2010, trên một bài phỏng vấn trang nhất trên Thanh Niên, TS Nguyễn Thanh Sơn đã đưa ra cảnh báo này khi bàn về các dự án bauxite Thanh Niên.
Bài PV tựu chung mấy ý:
Nhà thầu TQ bỏ giá cực thấp để trúng cái tiêu chí giá rẻ để sau đó được vay ưu đãi từ Chính phủ TQ. “Ai cũng biết của rẻ là của ôi.. .và với giá rẻ đến phi lý thì chỉ có thể là hàng kém chất lượng”.
Rồi sau khi trúng, họ áp dụng “bài” trả lương cực rẻ, chẳng hạn chỉ 20.000-30.000 đồng/ngày công với những bữa trưa 5.000 đồng. Họ tha thiết “mời” công nhân Việt Nam. Không ai làm chứ gì! Vậy phải đưa công nhân TQ vào.
Và cuối cùng, nếu sự cố xảy ra, chỉ có nền kinh tế gánh hậu quả, còn đại diện chủ đầu tư có khi cũng đã... về hưu.
6 năm sau cảnh báo này, TKV xin giảm thuế bauxite đến mức “không còn gì”- lời Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. Và đứng trước nguy cơ càng làm càng lỗ.
Cũng là chuyện nhà thầu Trung Quốc, người Thủ đô đang trở thành nạn nhân của “cái bẫy giá trẻ” đường sắt trên cao.
Chậm đi chậm lại delay vô thời hạn. Xoành xoạch thép rơi, cẩu đổ. Còn cái giá rẻ, giờ đã đắt đến xót xa: 339,1 triệu USD, tức khoảng 7.100 tỉ đồng đội vốn. Và chưa ai dám cam kết đây đã là con số cuối cùng!
2, và không chỉ hai bài học về “cái bẫy giá rẻ” đáng lẽ phải là quá đủ để giá rẻ không được coi là tiêu chí số 1, thậm chí là tiêu chí để bỏ qua mọi tiêu chí còn lại.
Nếu “ván đã đóng thuyền”, xin hãy ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư cũng như giám sát- không phải bằng cách nói chuyện lương tâm, mà bằng những quy phạm trách nhiệm.
Dân quá ngán với chuyện giá rẻ hôm nay, đội vốn, hay tan nát ngày mai.
Dân đã quá khổ! Có chỗ nào mà viện sản phải ngừng mổ vì mất nước không, hở giời?!