Trong phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn, Giám đốc Sở GDĐT Trần Thế Cương có một ví von để bày tỏ sự quan ngại.
Ông Cương ví ngành giáo dục đào tạo như một con chim, một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Nếu hai cánh này đập loạn nhịp thì con chim sẽ đưa ngành giáo dục bay rất chậm.
Quan ngại của ông Trần Thế Cương xuất phát từ thực tế, như ở quận Nam Từ Liêm của Hà Nội, hiện trường tư thục nhiều hơn trường công lập, đang mất cân đối hài hòa trong quản lý.
Đó là một ví von rất ấn tượng, nhưng sự quan ngại thì hơi xa, kiểu "lo bò trắng răng". Bởi thực tế, điều mà Hà Nội cần nhất lúc này là lời giải nhanh, hiệu quả cho bài toán làm sao đủ trường đủ lớp cho học sinh, công tư gì cũng được.
Bởi theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận. Trong đó, địa phương thiếu nhiều trường học nhất là quận Hoàn Kiếm với 11 trường, gồm 2 trường mầm non, 7 trường Tiểu học, 2 trường THCS.
Còn ông Cương thì cho biết mỗi năm, Hà Nội tăng trung bình 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập 30-40 trường học/năm để đáp ứng nhu cầu.
Dù vậy, ông dẫn chứng tại một số quận huyện như Hoàng Mai phải có 18-20 trường THPT mới đủ cho dân số, nhưng nơi đây chỉ có 4 trường tư thục, 4 trường công lập, vẫn thiếu hơn một nửa.
Và mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn từ áp lực tuyển sinh do thiếu trường lớp, Sở GDĐT thành phố Hà Nội đã đề xuất với Bộ GDĐT những giải pháp chẳng đặng đừng gồm: Tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh…
Hà Nội không thể mãi là “một điển hình” về chuyện thiếu trường thiếu lớp như phát biểu của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng hồi đầu tháng 7 mới đây.
Hà Nội cần một sự đột phá mới, thật sự trong việc quy hoạch mạng lưới xây dựng trường lớp từ các khu đất trống cũng như kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, các dự án xây dựng trường học nhưng vẫn còn quây tôn… để lấy đất xây trường học. Đây là vấn đề đã được lãnh đạo thành phố đặt ra quyết tâm từ nhiều năm nay nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm.
Trường công, trường tư cùng đập cánh một nhịp trên đôi cánh của “con chim giáo dục” cũng là chuyện đáng bàn, nên bàn, nhưng hãy để ngành giáo dục thành phố này được “cơm no áo ấm” đã!